Café 24h: Bóng đá gì đây?
Lại một ca chấn thương khủng khiếp ở V.League. Lần này, nạn nhân Abass chắc chắn gãy chân và có thể mất nghiệp. Vẫn là một tuyển thủ, trung vệ Dương Thanh Hào – người được gọi thay… Quế Ngọc Hải.
Đấy là những cái giống nhau nhưng khác là ở chỗ Thanh Hào, sau pha bóng của mình đã sốc, tới mức khóc ngất và khuỵu xuống gần như không đi nổi.
Không có nhiều người đủ can đảm để xem lại pha bóng đó nhiều lần. Nó quá khắc nghiệt, đáng sợ. Nỗi khiếp hãi của Thanh Hào, có lẽ không phải vì phải đối mặt một án phạt nặng, cũng không phải là chuyện đối mặt với điều khoản “phải trả tiền chữa trị cho nạn nhân”, cũng không phải là chuyện có nguy cơ “đứt” ĐTQG. Nó là sự bàng hoàng, bởi những gì mình đã tạo ra cho đồng nghiệp.
Pha bóng ấy, tôi nghĩ cũng giống pha bóng của Quế Ngọc Hải là ở chỗ người phạm lỗi không nghĩ khi vào bóng, như là một vô thức, một thói quen.
Điều đáng sợ nhất chính là bạo lực, cái ác, cái xấu trở thành một thói quen và cầu thủ không xác định được đâu là pha bóng quyết liệt, đâu là pha bóng nguy hiểm tới mức đồng nghiệp có thể giải nghệ.
Nước mắt của Dương Thanh Hào lúc này không giải quyết được vấn đề. Cũng như những cử chỉ đẹp, những cử chỉ được cho là tử tế của Quế Ngọc Hải cũng không thật sự giải quyết được vấn đề bởi vì sự nạn nhân đã thiệt hại và rõ ràng sự ăn năn không phải là phương thuốc thần kỳ có thể sửa chữa ngay lỗi lầm.
Cả trận Chung kết Cúp QG ngày hôm qua, được coi trận đấu của mùa giải tưởng chừng cả 2 đội giải tỏa những áp lực để có thể trình diễn thứ bóng đá hay nhất, hấp dẫn nhất, đáng xem nhất. Nhà vô địch V.League gặp đội Á quân, đúng là trận chung kết trong mơ của mùa giải.
Cuối cùng thì trận đấu mang đã thể hiện toàn bộ khuôn mặt đáng sợ của V.League: bạo lực, sai lầm chứ không phải sự thăng hoa của mỗi cầu thủ, mỗi đội bóng.
Chúng ta đã nói quá nhiều về những án phạt của V.League về sự nghiêm minh mà nó có thể mang lại một sân chơi rất cần nghiêm minh như V.League. Nhưng có lẽ điều đó vẫn đã và đang là thứ xa xỉ. Nói cách khác, Ban kỷ luật – những quan tòa ở V.League hành xử theo kiểu… giật mình. Có vụ việc thì giật mình giở quy chế ra xử mà không có biện pháp nào đó mang tính ngăn ngừa, răn đe.
Bóng đá thể hiện gương mặt xã hội. Lúc này, sẽ lại có những biện hộ. Có thể Hào vào bóng đúng luật, có thể là không có chủ ý triệt hạ. Nhưng dù thế nào, mùa bóng 2015 khép lại bằng một cái chân gãy để rồi người ta tự hỏi: Bóng đá V.League là thứ bóng đá gì đây?
Song An