Một vụ chuyển nhượng được vận hành như thế nào? (kỳ 1)
Chuyển nhượng ngày một trở nên quan trọng trong thế giới bóng đá, với những chiến lược, chiêu trò ngày càng phức tạp và khó lường. Thực tế trong hầu hết các trường hợp chuyển nhượng, có đến 90% thông tin xoay quanh được đăng tải trên mặt báo là đồn đoán và nhầm lẫn. Với kinh nghiệm lâu năm trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, Damien Comolli – nguyên giám đốc bóng đá của Tottenham và Liverpool giúp người đọc hình dung rõ ràng hơi về các bước của một thương vụ chuyển nhượng, thông qua trường hợp hư cấu của một ngôi sao đang lên, được đặt tên Dave Thumper. Tuy thế, tất cả những chi tiết liên quan đến chuyên môn đều rất sát với thực tế hiện tại.
1. Dave đây rồi
Dave Thumper vừa ghi bàn. Anh chạy nhanh về phía cổ động viên đội nhà, hôn lên chiếc phù hiệu CLB trên ngực và ăn mừng một cách điên dại ở góc sân, hâm nóng bầu không khí trên sân trong một buổi tối lạnh lẽo.
“Thật tuyệt vời! Thumper! Là anh ấy!” cổ động viên mang tên Kevin gào lên, nhảy tưng tưng trên khán đài. “Thật là một cú sút tuyệt vời”.
“Haiza, hãy cứ ăn mừng khi còn cơ hội đi con trai”, cổ động viên già – Derek nói. “Nó không còn ở lại đây lâu nữa đâu”.
“Không có chuyện đó đâu bố già ơi”, Kevin cười lớn. “Dave Thumper sẽ mãi mãi là cầu thủ Crumpleton (tên CLB mà Dave đang chơi). Anh ấy sẽ không bao giờ đi đâu hết”.
Ông già Derek cười buồn: “Haiza, họ luôn nói vậy mà. Thậm chí ngay trước khi ký hợp đồng với CLB khác”.
“Không phải với Thumper đâu”, Kevin cười toe toét. “Ai sẽ để mắt tới một tiền đạo đang chơi cho một CLB hạng Nhất Anh chứ? Anh ta sẽ ở lại đây nhiều năm nữa”.
2. Các CLB lớn biết gì về Dave Thumper?
Ngay khi bạn đọc được trên báo rằng một CLB liên hệ với một cầu thủ nào đó, thực ra việc theo dõi đã được tiến hành từ rất nhiều tháng trước, thậm chí là hàng năm trời (Tottenham đã bỏ ra nguyên một mùa giải, tuần nào cũng xem trước khi tiếp cận Dimitar Berbatov). Đối với phần lớn các CLB lớn, việc theo dõi các cầu thủ là một quá trình liên tục, và cơ sở dữ liệu về cầu thủ luôn được cập nhật sát sao. Họ luôn có một danh sách đối tượng và sẽ lập tức hành động khi thời cơ đến (như trường hợp Alexis Sanchez năm 2014) nếu không sẽ mất vào tay đối thủ. Để làm tốt điều này, thông tin được cập nhật nhanh chóng và thường xuyên là điều quan trọng nhất.
Trong năm 2014, giải đấu chi tiền nhiều nhất để mua cầu thủ là Premier League (858 triệu bảng Anh), tiếp theo là La Liga (425 triệu bảng), Serie A (260 triệu bảng), Bundesliga (250 triệu bảng) và Ligue 1 (100 triệu bảng). CLB nào quăng tiền ra nhiều nhất để chiêu mộ cầu thủ? Manchester United chi đến 193,6 triệu bảng trong kế hoạch tái cấu trúc lại CLB dưới thời Louis van Gaal.
“Bây giờ, trường hợp Dave Thumper thì sao?” Charles Armitage hỏi. Ông là CEO của CLB Millingford City đã 2 mùa và đã tiêu khá nhiều tiền để đạt mực tiêu ở sân chơi cúp Châu Âu. Ai có thể ngờ rằng một CLB nhỏ như Crumpleton cũng nằm trong tầm ngắm của “đại gia” này.
“Vụ này đau đầu đấy” tuyển trạch viên Graham Sheepshanks lên tiếng. “Thằng nhóc đá khá đấy, nhưng cũng khôn lỏi lắm. Lần đầu gặp là tôi biết rồi. Ngày xưa nó rẻ thối ra”.
“Để xem số liệu nói gì nào?”, Nigel Parker – trưởng nhóm phân tích dữ liệu lên tiếng. “Tỷ lệ sút trúng khung thành của cậu ta vượt trội, cậu ta cũng rất cần mẫn, dẫn đầu giải hạng Nhất về kiến tạo và không bao giờ di chuyển dưới 10km trong một trận đấu, bất kể là sân nhà hay sân đối phương”.
“Số với chả má!”, Graham Sheepshanks gầm gừ.
3. Tiếp cận Thumper
Sau khi thống nhất chủ trương, các CLB sẽ tìm hiểu xem việc chuyển nhượng là có khả thi không. Họ không được phép nói chuyện với cầu thủ hay đại diện của họ, vì vậy thông thường sẽ phải qua một “cò” trung gian để “bắn tín hiệu”. Tay “cò” này sẽ tìm hiểu xem liệu cầu thủ có muốn ra đi không, cùng điều khoản hợp đồng và lương tại CLB hiện tại, cũng như tiếp cận với CLB để định giá sơ bộ.
Đây là bước quan trọng. Không CLB nào muốn ra giá cho một cầu thủ, xong rồi “bùng” vì nhận ra mình đã trả hớ. Thường thì các CLB bán cũng sẽ thuê một tay “cò” trung gian để kín đáo rao bán cầu thủ của mình. Chỉ khi hai điều này gặp nhau, thì mới có sự tiếp xúc chính thức. Tại sao ư? Vì sẽ rất mất lòng cầu thủ của mình khi công khai rằng CLB đang tiếp xúc với một cầu thủ khác đá cùng vị trí của mình. Bên cạnh đó, các CLB lớn hơn có thể nhảy vào nếu “đánh hơi” được thông tin. Cầu thủ đẳng cấp càng cao, thì nguy cơ càng lớn. Nói đâu xa, cứ xem trường hợp Mourinho nẫng tay trên Pedro của Louis van Gaal thì rõ.
“Miếng bít tết này ngon chứ Dave?”, đại diện Rebecca Taylor của Millingford City hỏi. “Nó hoàn hảo, đúng không? Nếu cậu sành ăn, cậu sẽ rất thích ở City. Chúng tôi có những đầu bếp tuyệt vời, nấu theo chế độ dinh dưỡng của từng cá nhân và tôi biết là Hans muốn cậu cường tráng hơn một chút nếu gia nhập CLB. Cậu là một phần quan trọng trong tương lai của CLB, cậu biết chứ?”.
Dave nhai ngon lành và cố gắng để nói “Tôi thích ăn với sốt kem”, cậu lúng búng.
“Vậy tất cả những gì chúng ta phải làm là thương thảo phí chuyển nhượng với Crumpleton và nói chuyện về hợp đồng mới”, Rebecca tiếp tục.
“Ơ, thế phí chuyển nhượng vẫn chưa chốt xong à?” bố của Dave – ông Alan hỏi “Ý tôi là, cô đã được phép tiếp xúc với chúng tôi chưa”?
Rebecca mỉm cười rạng rỡ “Bít tết ngon không ạ?”
TIÊN LÂM (theo ESPN)