Ông bầu “phủi” & Chuyện những người cầm đội: Người viết tiếp truyền thống

Ở Hà Nội từ xưa, gần như ai chơi bóng đều biết đến cái tên Triều Khúc. Ở Triều Khúc, nói đến bóng đá người ta sẽ nhớ đến Quân, với vai trò một người tiếp nối ngọn lửa và duy trì tính truyền thống, bản sắc…

“Về Triều Khúc đá bóng, thua hay hoà thì không sao, rượu thịt ê hề. Nhưng thắng thì đừng hòng có đường về, chỉ còn cách ra cánh đồng với bãi tha ma…”. Biết bao thế hệ vẫn lưu truyền giai thoại đó, thậm chí những câu chuyện kể lại của các bác, các chú ngày xưa vẫn được những người trẻ nhắc lại “như đúng rồi”.
Ở mảnh đất ngoại thành với sân bóng thuộc diện lịch sử nhất Hà Nội, từ những thế hệ Thể Công, Quân khu thủ đô, Đường sắt, Bưu điện, Công an Hà Nội … mà nay nhiều người nếu không mất rồi thì cũng ở tuổi ”thất thập cổ lai hy” từng vào thi đấu, bóng đá vẫn được tự hào như một đặc sản. Không có cầu thủ chuyên nghiệp hay những tài năng nhưng Triều Khúc là đất có phong trào và truyền thống. Truyền thống được duy trì, nối tiếp từ lớp này qua lớp khác nên hình thành những đặc trưng rất riêng. Ví dụ như ở các giải phong trào mà họ tham dự, lấy tên Triều Khúc như 2 mùa giải Ngoại hạng Hà Nội – HPL thì 100% quân số là “thổ dân” Triều Khúc, không dùng người ngoài. Họ giống như “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”, khác biệt và đặc biệt.

bbb

Đó là điều độc đáo và đáng tự hào, nhất là khi năm 2010, sân Triều Khúc bị lấy 1/3 rồi sau đó chỉ còn một nửa khiến giải đấu sân 11 truyền thống đầu Xuân giữa các xóm mất đi tính chất truyền thống và khiến cho phong trào suy yếu. Ngọn lửa lụi dần nhưng thật may không tắt, bởi bóng đá có sức sống mãnh liệt ở đất này. Và ở đây, có những con người tâm huyết, có khả năng gây dựng và duy trì phong trào như Quân “con”.

Gọi là Quân “con” hay Quân “trễ” cũng được. Quân không phải người thành đạt về kinh tế kiểu đại gia có tiền nuôi đội, cũng không chơi kiểu “xã hội” và cũng không thích xung phong đi đầu. Thế nhưng với những gì đóng góp cùng tính cách, tư cách của một người thủ lĩnh, Quân được anh em đẩy lên, lãnh trách nhiệm cầm cờ khi là người duy nhất “nói là anh em nghe”.

Có năng khiếu thể thao, Quân chơi môn gì cũng tốt từ cầu lông, bóng bàn đến đá cầu. Dù trước đó có nhiều đàn anh, đàn chú ra ngoài nhưng gần như Quân là người con đầu tiên của Triều Khúc bước qua “lũy tre làng” để gia nhập thế giới phủi. Cái tên Quân “con” gắn với chức vô địch giải Bộ xây dựng đá sân 11 năm 2003, khi đó anh là cầu thủ Triều Khúc trẻ nhất thi đấu bên cạnh những đàn anh như Việt “lì”, Tuấn “lợn”, Thế Anh (cựu cầu thủ Thể Công)…

quan
HLV Quân “con” của Triều Khúc (bên trái) nhận danh hiệu HLV xuất sắc nhất tháng 10 mùa giải HPL-S2

Chuyên môn tốt, trong lẫn ngoài sân bóng đều biết cách chơi, có tư cách nên được quý mến và Quân chính là cây cầu nối để lần lượt kéo những người bạn, người em cùng đam mê ra ngoài chơi. Dần dần, những cái tên như Tuấn “ếch”, Đạt “võ lâm”, Hiệp “Triều Khúc”… đi theo Quân “con” đã được giới phủi biết đến và ghi nhận. Chính nhờ uy tín cùng cách chơi, Quân bốc cả tổ Triều Khúc khoác áo Cường Quốc của ông bầu Cường “hói” một giai đoạn thống trị sân 7 Hà Nội. Và sau này, lớp trẻ hơn như Công “Triều Khúc”, Duy “dấm”, Thuận “bờm”… cũng được Quân dẫn dắt, trở thành những “phủi cứng”. Có thể nói, Quân đã giúp cho bóng đá Triều Khúc bước sang một trang mới, khi rèn anh em theo một phong cách được giới phủi tôn trọng và yêu quý.

Khi lớp trẻ Triều Khúc dần khẳng định được vị trí cũng là lúc Quân lập gia đình và công việc không cho phép xỏ giày ra sân thi đấu nữa. Tại HPL-S1, Quân trở lại với bóng đá phủi trong vai trò một ông bầu kiêm HLV. Với tiêu chí chỉ sử dụng cầu thủ “cây nhà lá vườn”, chịu nhiều áp lực từ chính đội bóng cũng như ở sân chơi lớn nhất của Hà Nội mà đội nào cũng quy tụ nhiều anh tài, các ông bầu có lực và chuẩn bị kỹ lưỡng, Triều Khúc vẫn chứng tỏ sự khó chịu khi đến vòng đấu cuối cùng vẫn có cửa tranh chấp huy chương.

_MG_6521

Ở HPLS-S2, vẫn chỉ với những người con “sinh ra từ làng”, Triều Khúc dù bị đánh giá là thiếu, yếu do lực lượng không có chiều sâu, không đa dạng như các đội khác nhưng vẫn trình diễn được một lối chơi có chất lỳ và quái để rồi trụ hạng. Quân “con” đã làm được điều mà khối ông bầu phải ghen tị, khi nói không với “thị trường chuyển nhượng” và dám bảo thủ với cách nghĩ, cách làm đúng phong cách Triều Khúc.

Do nhiều lý do, HPL-S3 và sau đó nữa có thể là một thách thức với Triều Khúc. Thế nên thành bại và cả sự tồn tại của một cái tên như là “thương hiệu”, ở đây người ta vẫn tin rằng một phần do tay của Quân “con”.

Hoàng Tuấn Anh

Có năng khiếu thể thao, Quân chơi môn gì cũng tốt từ cầu lông, bóng bàn đến đá cầu. Anh là người con đầu tiên của Triều Khúc bước qua “lũy tre làng” để gia nhập thế giới phủi.

Bình luận (1)

  1. Hien

    Minh xin tu hao: Bong da Trieu Khuc du ko duoc bai ban nhung co tieng trong cac giai cua TP Ha noi. Chuc mung Quan va ca nen bong da Trieu Khuc.
    (Nguoi Trieu Khuc)