Thấy dở thì sửa!

Các Cúp châu Âu đang ngày càng nhàm chán. Mùa 2015/16 là một ví dụ tiêu biểu. Tại Europa League, Premier League

Các Cúp châu Âu đang ngày càng nhàm chán. Mùa 2015/16 là một ví dụ tiêu biểu. Tại Europa League, Premier League có tới 4 đại diện, và nếu không may cho họ là cả 4 đội bóng dự Champions League đều đứng thứ 3 chung cuộc ở vòng bảng, giải đấu này có thể chứng kiến tới 8 CLB Anh trong nhóm 32 đội mạnh nhất, nghĩa là chiếm tới 1/4. Và sẽ thật là thảm họa cho UEFA nói chung và Europa League nói riêng, nhưng chắc chắn là niềm vui của người Anh nếu vòng tứ kết gồm toàn các đội bóng đang đá ở Premier League.

Dinamo Tbilisi

Một kịch bản đáng buồn tương tự rất dễ xảy ra ở Champions League, khi La Liga có tới 5 đại diện là Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid, Valencia và Sevilla. Với thực lực của các đội bóng này, hoàn toàn có “cửa” cho một vòng bán kết toàn Tây Ban Nha. Viễn cảnh này chắc chắn là điều mà xứ sở đấu bò đang mong đợi, đặc biệt sau khi Real Madrid làm hỏng trận chung kết El Clasico của Champions League 2014/15. Thế nhưng lúc đó, NHM trung lập có lẽ phải vừa xem, vừa ngáp.

Những “gia vị” sắp được thêm vào cho các Cúp châu Âu 2015/16 ắt hẳn chỉ càng gia tăng mức độ nhàm chán, đặc biệt với Champions League hào hoa, danh giá. Vì đúng là NHM thường thích được xem “hàng hiệu” thể hiện hơn, nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể chứ không phải cá nhân, nên nó sẽ chẳng hơn gì quần vợt nếu ngay từ trước lúc mở màn, mọi người đều dễ dàng khoanh vòng vài cái tên sẽ tiến đến trận chung kết và lên bục chiến thắng. Đấy là thực tế đáng buồn, vì từ sau trận chung kết 2003/04 giữa Porto với Monaco, các đội vô địch Champions League đều trong nhóm được “lập trình” từ trước. Đúng là còn có vài “ngựa ô” thú vị như Juventus, Dortmund hoặc Atletico Madrid song rốt cuộc, ngôi vô địch vẫn thuộc về những ứng cử viên hàng đầu.

Xem ra đã đến lúc, UEFA cần cân nhắc lại hệ thống thi đấu hiện nay, như từng loại bỏ vòng bảng thứ hai của Champions League do khiến giải quá nhàm chán khi các đội mạnh” có thêm một tầng bảo hiểm. Vì không như thời còn thể thức đá loại trực tiếp, khi chỉ cần một trận sẩy chân là có nguy cơ bị loại sớm, các đội mạnh nay có thể thua tới 2-3 trận ở vòng bảng vẫn đủ sức giành quyền đi tiếp. Hậu quả của thể thức thi đấu này là các đội nhỏ gần như không có khả năng tạo bất ngờ như Dinamo Tbilisi hay Magdeburg từng đoạt Cúp C2. Vì nếu đội yếu nhất bảng muốn gây sốc, chỉ tạo bất ngờ ở 1-2 trận như trước rõ ràng không đủ.

Nhưng tất nhiên, chẳng bao nhiêu người hứng thú xem trận chung kết giữa hai đội nhỏ. Nguyên nhân là do chất lượng: chỉ có những đội mạnh mới đủ trình độ đảm bảo phần nào điều đó. Nhưng nếu để nguyên tình trạng hiện nay, Champions League rõ ràng ngày càng nhạt. Phải chăng UEFA cần xem xét giải pháp khác, như trở lại với thể thức đá loại trực tiếp, nhưng xếp hạt giống trước lúc bốc thăm như bên quần vợt để tránh các đội mạnh phải sớm loại nhau. Giải pháp này vừa thắp lại hy vọng cho các đội yếu – nghĩa là gia tăng tính bất ngờ, vừa cải thiện chất lượng từng trận đấu do các đội mạnh không còn dám chủ quan, song đồng thời vẫn duy trì được một chút ưu ái cho “hàng hiệu”. Và biết đâu từ đây, sau vài bất ngờ nhất định, NHM sẽ tìm lại được niềm đam mê tinh khiết để hiểu ra rằng “hàng hiệu” vốn không phải do tiền bạc tạo ra, mà do tích lũy từng danh hiệu qua năm tháng để trở thành vĩ đại.

MINH CHÂU