Tiền lương bóng đá: Có cầu ắt có cung

Wayne Rooney, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale có xứng đáng thu nhập hơn 200 nghìn bảng mỗi tuần? Sẽ rất

Wayne Rooney, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale có xứng đáng thu nhập hơn 200 nghìn bảng mỗi tuần? Sẽ rất nhiều người có chung câu trả lời KHÔNG.

Nhưng khi đánh giá thu nhập của những cá nhân, chúng ta nên dựa vào cung và cầu. Tất cả lĩnh vực, ngành nghề, một cá nhân nổi bật luôn đòi hỏi được hậu đãi đặc biệt. Nguồn cung người tài càng khan hiếm, chi phí, tạm gọi là thuê tài năng, càng cao.

Rất nhiều chỉ trích nhằm vào một số CLB bóng đá, một vài ông chủ tỷ phú vì không lập ra mức lương trần. Tuy nhiên, tiền lương cầu thủ được thị trường gián tiếp quyết định. Cái thời bóng đá được quan niệm như một trò chơi đã rất xa. Giống như âm nhạc, điện ảnh, bóng đá hiện đại là một nghành công nghiệp giải trí “đẻ” ra tiền. Mỗi album của Maroon 5 có thể thu về hàng triệu USD; mỗi phút trên màn ảnh của Bradley Cooper có thể bằng thu nhập trung bình cả năm của người dân ở nước đang phát triển nào đó; thì Lionel Messi hay Ronaldo nhận lương cao ngất ngưởng cũng là chuyện bình thường.

Tiền lương bóng đá: Có cầu ắt có cung

Khán giả chấp nhận chi một khoản tiền không nhỏ mua vé vào sân, bên cạnh mục đích cổ vũ đội bóng thân yêu của mình còn để chiêm ngưỡng những siêu sao chơi bóng và đấy là nhu cầu. Hàng triệu đồ lưu niệm, áo đấu của các siêu sao bóng đá được tiêu thụ khắp toàn cầu, và đấy cũng là nhu cầu.

Cung và cầu cũng là nguyên nhân tạo ra tình trạng bất công giữa bóng đá nam và nữ.

Sau thành tích đánh bại kình địch Thái Lan và giành quyền vào vòng loại cuối cùng tranh vé dự Olympic 2016 của ĐT nữ Việt Nam, nhiều người bất bình thay cho các cô gái của HLV Takashi khi thành tích có thể nói là lịch sử của họ lại bị che mờ bởi vụ Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa đối diện nguy cơ giải nghệ sớm.

Thực tế vấn đề trọng nam khinh nữ không chỉ có ở nền bóng đá Việt. Thế giới cũng rất hiếm trường hợp như nữ tuyển thủ Mỹ Alex Morgan có thu nhập xấp xỉ 2 triệu bảng một năm; trong khi những người thu nhập thấp lại chiếm đa số.

Lỗi của những người đứng đầu? Không hẳn. Nói thẳng ra thì khi nhu cầu thưởng thức bóng đá nữ còn thấp thì chừng đó vẫn còn tình trạng bất công. Rất đơn giản, chỉ cần hỏi ngay bản thân những người đang cảm thán cho các cô gái chấp nhận bỏ váy mặc quần đùi chạy theo quả bóng, có bao nhiêu người thường xuyên hứng thú xem họ thi đấu? Hay chỉ đến những giải đấu có tính chất quan trọng, những nỗ lực của họ mới được chú ý đôi chút? Và đặt trường hợp tuyển nữ Việt Nam thua Thái Lan, mấy ai nhắc đến họ không?

Vấn đề cốt lõi của chuyện lương cầu thủ, hay sự đối xử giữa bóng đá nam và nữ, thực tế nằm ở chính mỗi người.

Q.Nguyên