Hà Lan: Cảm xúc dần chai lì

 “Chúng tôi không tính nữa” – trang nhất tờ Algemeen Daglad ra hôm thứ Hai giật tít về trận thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-3 của ĐT Hà Lan. Trong khi Volkskrant nhận định: “Thiếu chất lượng, thể lực, tốc độ, tinh thần đồng đội và lòng can đảm”. De Telegraaf thì đơn giản và ngắn gọn hơn: “Kinh ngạc”.

Thay vì một cuộc tổng công kích… bằng bàn phím với những lời lẽ đay nghiến, cay nghiệt, dư luận Hà Lan đang tỏ ra khá bình tĩnh đón nhận nguy cơ họ phải đứng ngoài rìa theo dõi EURO 2016 qua truyền hình sau 2 thất bại liên tiếp của thầy trò HLV Danny Blind. Nói chính xác hơn, NHM Hà Lan đã chai lì cảm xúc.

Đề cập đến bóng đá Hà Lan đồng nghĩa nói về chuẩn mực của sự thông minh và đẳng cấp. Đáng tiếc thứ chuẩn mực từng được ngưỡng mộ này đang biến mất, cái gọi là bóng đá Tổng lực một thời và những học viện bóng đá giống như kim chỉ nam của nhiều nền bóng đá muốn hướng theo giờ chỉ còn nằm trong lồng kính.

feat
Mắc bệnh đương nhiên phải chẩn bệnh tìm nguyên nhân. Nói gần trước khi nói xa, người Việt chúng ta đang cố gắng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi bắt đầu từ Vì sao, Thế nào sau thất bại đau đớn trước người Thái trong trận chung kết U.19 Đông Nam Á. Lại là người Thái! Bóng đá Việt có thời điểm “đóng cửa” tự khen với nhau, rằng cái ngày vượt qua quốc gia láng giềng về bóng đá sắp tới rồi. Rốt cuộc, sự thống trị của bóng đá Thái vài năm qua khiến người Việt tỉnh mộng nhận ra: Bằng họ đi đã.

Vấn đề bóng đá Hà Lan đang đối diện giống ở bản chất, tức đang gặp khủng hoảng nhưng nguyên nhân khác hoàn toàn.

Thành công, tạm coi như vậy, tại World Cup 2014 dưới sự dẫn dắt của HLV Louis van Gaal không tạo ra làn sóng phấn khích ở quê nhà. Bởi ở Brazil là một Hà Lan xơ cứng và mang đậm hình ảnh thực dụng có tính đối phó ngắn hạn của đương kim HLV Man Utd.  Nền bóng đá của vùng đất thấp đang tụt hậu, đang trong giai đoạn khủng hoảng giữa 2 thế hệ và đứng ở ngã ba đường phong cách theo đuổi. Nhìn thấy được, nhưng thoát ra bằng cách nào lại không phải chuyện có thể giải quyết trong một vài năm.

“Hờn dỗi, rên rỉ và đấu đá” là cách Hà Lan sụp đổ và rời khỏi VCK EURO 2012 trong ê chề. Sau trận thua Thổ Nhĩ Kỳ, Arjen Robben nêu đích danh Martin Indi như kẻ cần phải lãnh trách nhiệm chính. Ba năm trôi qua kể từ sau EURO 2012, căn bệnh đấu đá, hằm hè đổ lỗi cho nhau vẫn như thứ virus gặm nhấm dần “cơ thể” ĐT Hà Lan.

Một vấn đề có thể coi là đơn giản như vậy mà không thể chữa trị dù có đủ thời gian, dễ hiểu vì sao bóng đá Hà Lan đánh mất hình ảnh ưu tú thuở nào.

Q.Nguyên

Hà Lan: Thứ 3 ở World Cup, thành “ma đói” ở Euro