Boxing Việt Nam: Sự cố năm 1994 & Một cái “chết”
Cuộc so đài thượng đỉnh giữa May Weather – Pacquiao khiến nhiều người chợt giật mình khi nhìn lại. Sau 13 năm
Cuộc so đài thượng đỉnh giữa May Weather – Pacquiao khiến nhiều người chợt giật mình khi nhìn lại. Sau 13 năm sau cú sốc vỡ khán đài ở giải VĐQG 1994 với hậu quả bị cấm toàn diện, boxing Việt Nam vẫn chưa hồi sinh.
Boxing Việt Nam từng bị cấm toàn bộ hoạt động 8 năm, trước khi được trở lại vào 2002.
Từng thắng trận ở Olympic 1988
Khi TTVN gây dựng hệ thống các môn thành tích cao để tái hội nhập với quốc tế, boxing là một trong những môn đầu tiên được hướng tới. Trong điều kiện gian khó, thậm chí găng mũ thiếu và cũ đến mức phải tự chế theo kiểu thủ công, boxing Việt Nam vẫn phát triển rất tốt nhờ một lứa VĐV trẻ đầy tố chất và đam mê.
Ngay Olympic 1988, 2 tay đấm Vũ Tiến Tuấn và Đặng Hiếu Hiền đã đủ tiêu chuẩn để được xét đặc cách dự tranh. Trong đó, Tuấn đã làm nên kỳ tích khi giành một trận thắng ở đấu trường đỉnh cao trước đối thủ mạnh của chủ nhà Hàn Quốc làm nức lòng cả đoàn quân vốn chỉ tham dự để vượt lên chính mình. Đến SEA Games 1989, võ sĩ Tạ Quang đã lập chiến công đầu tiên với một tấm HCĐ. Khi ấy, giải VĐQG boxing hàng năm có sức hút đặc biệt không thua gì bóng đá. Các trận đấu luôn có vòng trong vòng ngoài khán giả vây kín, tạo ra những cơn sốt thực sự. Một số gương mặt xuất sắc có vị thế đúng là ngôi sao, tiêu biểu như nhà vô địch tuyệt đối hạng 67kg Vũ Tiến Tuấn, với biệt danh “Mike Tyson đất Cảng”.
Vỡ sới, ẩu đả và “án tử”
Lịch sử boxing Việt Nam ghi nhận giải VĐQG 1994 tại Hải Phòng như một vết đen với sự cố vỡ sới, ẩu đả khiến cho môn thể thao này bị “treo” toàn diện trong 8 năm sau đó. Do yếu kém trong khâu chuẩn bị, tổ chức, nhất là khi giải diễn ra ở “cái nôi” đất Cảng nên BTC đã sớm mất kiểm soát trước sự máu mê ăn thua thái quá của các võ sĩ, cùng sự quá tải về khán giả.
Suốt giải, tình trạng võ sĩ gây hấn, sử dụng tiểu xảo, phản đối trọng tài liên tục xảy ra. Đỉnh điểm là trận đấu giữa 2 võ sĩ hay nhất thời điểm đó, Đỗ Tiến Tuấn (Hải Phòng) và Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội). Các võ sĩ tấn công nhau và tấn công cả trọng tài như trong phim. Nghiêm trọng hơn cả, một cuộc loạn đả của đám đông khán giả diễn ra.
Sự cố nghiêm trong đó đã gây bàng hoàng, bức xúc dư luận cả nước cũng như thể thao. Ngành thể thao đã phải tiến hành họp khẩn và đưa ra một quyết định vô cùng cứng rắn: Cấm toàn bộ các hoạt động của môn boxing.
8 năm bi kịch
Sau lệnh cấm, dù có thể nghiệt ngã song không thể khác, boxing Việt Nam coi như bị xóa sổ. Những người có trách nhiệm của boxing phải nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, điều chuyển công tác.
Gần như ngay lập tức, các địa phương cũng cho giải tán bộ môn và các đội tuyển vô thời hạn. Mấy trăm HLV, VĐV phải đối diện với sự thật phũ phàng, giải nghệ hoặc chuyển sang môn thể thao khác. Thực tế, phần lớn các võ sĩ đều chia tay sự nghiệp để tìm hướng mưu sinh. Chỉ một số ít quá đam mê hay có khả năng tiếp tục làm lại ở các môn võ khác như võ thuật cổ truyền, wushu. Boxing Việt Nam đã trải qua 8 năm bi kịch, suốt từ 1994 cho đến 2002 mới được gỡ lệnh cấm để trở lại. Tuy nhiên, 8 năm gián đoạn cùng những định kiến, ác cảm và việc mất phong trào khiến cho boxing không còn đất sống trong đời sống TTVN, dù rất nhiều nỗ lực gây dựng của những người tâm huyết, có trách nhiệm với môn thể thao này.
Boxing là một trong những môn được du nhập vào Việt Nam rất sớm, từ những năm 20 của thế kỷ trước, và phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Tại miền Bắc, ngay cả trong thời gian giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các giải đấu vẫn được tổ chức thu hút được sự quan tâm. Riêng tại Hải Phòng, giải còn được đưa ra sân Lạch Tray mới đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Ngành thể thao ngoài nhiệm vụ tổ chức an toàn, hiệu quả còn đảm trách cả việc cảnh giác với máy bay Mỹ để sẵn sàng ứng phó.
HÀ THẢO