Dầu mất giá, “nhà giàu” mất dấu

Đó không còn là chuyện riêng của ngành kinh tế, mà giờ việc giá dầu liên tiếp sụt giảm xuống đáy cũng khiến thế giới bóng đá chao đảo và có thể sắp phải đối mặt tương lai đầy biến động, rủi ro và bất trắc…

1. Tờ Telegraph vừa hé lộ thông tin kinh tế gây sốc khi trong hơn 10 ngày giao dịch đầu năm 2016, khi giá dầu thế giới rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng, các nhà tài phiệt, tỷ phú người Nga đã mất đứt 11 tỷ USD (7,6 tỷ bảng). Trong số này, ông chủ của Chelsea, tỷ phú Roman Abramovich đã chứng kiến 820 triệu USD trong khối tài sản của mình “bốc hơi”. Nên nhớ, con số này nhiều hơn 1/3 tổng số tiền mà Abramovich bỏ ra để mua lại và nuôi Chelsea suốt từ 2003 đến giờ. Ngoài Abramovich, cổ đông lớn số 2 của Arsenal, tỷ phú Alisher Usmanov cũng mất trắng 910 triệu USD. Và dù chưa có con số cụ thể thì tỷ phú Dimitry Robolovlev (chủ sở hữu CLB Monaco) và đặc biệt là giới Hoàng gia ở các quốc gia ở vùng Vịnh như Qatar, UAE… cũng bị tổn thất đáng kể khối tài sản khi giá trị mỗi thùng dầu cứ rơi tự do. Được biết, cho đến hôm 15/01, thế giới đã chứng kiến giá dầu ở dưỡi ngưỡng 30 USD/thùng 3 ngày liên tiếp. Chưa gì đảm bảo giá sẽ tăng mà tệ hơn, vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều chuyên gia dự báo giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ còn tụt xuống quanh mốc 20 USD/thùng.

Chelsea1

2. Tất nhiên, quả bóng không chạy theo đồ thị hình sin của giá dầu. Nhưng bóng đá sẽ phải nhìn vào túi tiền của các ông chủ tỷ phú, nhà tài trợ, những gia đình hoàng tộc Arab đang từng tháng, mỗi quý và hằng năm móc hầu bao nuôi nhiều CLB bằng cách bơm tiền trực tiếp với tư cách chủ sở hữu hay thông qua các hợp đồng tài trợ, với tư cách tập đoàn kinh tế (như trường hợp của Gazprom với Schalke chẳng hạn). Mà hiện cái túi tiền ấy đang teo lại vì giá dầu liên tiếp chạm đáy. Như thế, khi khoản thu nhập, nguồn kinh doanh chính bị sụt giảm thì đó là vấn đề người ta sẽ ưu tiên giải quyết. Còn các khoản đầu tư cũng như sự quan tâm dành cho các kênh khác sẽ tạm gác lại. Vậy nên, bóng đá sẽ “ngấm” rõ tác động tiêu cực của việc giá dầu sụt giảm. Mà ở đây có thể nói rõ hơn đó là nếu các ông chủ đang thua lỗ ở mặt trận kinh doanh chiến lược, các CLB đừng nên kỳ vọng rằng sẽ nhận được sự đầu tư lớn hơn. Hãy nhớ, bóng đá thực sự chưa mang lại nguồn lợi doanh thu đủ để bù các khoản chi mà những tỷ phú, ông Hoàng dầu mỏ đã bỏ ra khi thâu tóm các CLB như Chelsea, Man City, PSG hay Malaga.

Còn nhớ Hè 2012, sau 8 mùa giải thua lỗ tới 630 triệu bảng, Chelsea nhờ danh hiệu VĐ Champions League 2011/12 lần đầu tiên dưới triều đại Abramovich đã lãi được… 1,4 triệu bảng. Giờ đã hơn 12 năm từ ngày Abramovich mua lại The Blues và số tiền tỷ phú người Nga đổ vào đội bóng đã vượt 2 tỷ bảng. 1 chức VĐ châu Âu cùng 4 chiếc Cúp Premier League là quá ít khi so sánh với số tiền trên. Trong khi đó, Sheikh Mansour, ông chủ thực sự của Man City cũng đã chi ra không dưới 1,7 tỷ bảng sau khi thâu tóm Man Xanh Hè 2008 và 2 chức VĐ Anh vẫn là quá khiêm tốn. Còn với PSG, nếu các ông chủ đến từ Qatar muốn thấy chức VĐ Champions League như là một phần kế hoạch trong chiến lược đánh bóng hình ảnh quốc gia này nhằm hướng đến World Cup 2022, thì hiện PSG vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu. Vậy có gì đảm bảo các tỷ phú và ông Hoàng dầu mỏ sẽ đổ thêm bộn tiền vào các đội bóng khi mà họ còn phải dõi mắt theo giá mỗi thùng dầu và tìm sách lược đối phó ngăn đà giảm giá?

3. Tất nhiên, cuộc khủng hoảng giá dầu giảm hiện tại có thể kéo dài trong 1 năm, 2 năm hoặc lâu hơn thì nhìn vào khía cạnh tích cực, thế giới bóng đá cũng chưa phải nhận ngay một đòn giáng nặng nề về khía cạnh kinh tế để rồi kéo theo nhiều sự sụp đổ khác, ví như việc Abramovich và Sheikh Mansour bán tống bán tháo Chelsea, Man City…. Thực tế, khối tài sản của Abramovich vẫn loanh quanh mức 6 tỷ bảng, con số rất lớn. Cổ đông số 2 của Arsenal, tỷ phú Usmanov còn mặt trận sở trường là kinh doanh thép & khoáng sản. Và kho tài sản khổng lồ của các gia đình Hoàng gia Arab là sự đảm bảo rằng một dòng tiền nhất định sẽ tiếp tục được rót vào Man City hay PSG.

Tuy nhiên, đã bắt đầu có sự dịch chuyển đầu tư từ chính những đại gia dầu mỏ, mà việc Abu Dhabi United Group - công ty mẹ của Man City, thuộc quyền sở hữu của Sheikh Mansour - vừa bán 13% cổ phần đội bóng cho CMC - Tập đoàn đầu tư thuộc quyền sở hữu nhà nước Trung Quốc là minh chứng. Đằng sau vụ chuyển nhượng này có thể ẩn chứa nhiều động cơ khác. Nhưng phải thừa nhận một điều, bóng đá sau hơn 1 thập kỷ chứng kiến sự góp mặt của những đại gia và ông Hoàng dầu mỏ đã làm thay đổi nhiều giá trị, trật tự vốn có thì giờ chu kỳ ấy xem ra sắp tới hồi kết hoặc nếu tiếp tục tồn tại nó sẽ phải là một sự kết hợp mới. Ai mà biết, sau những đồng tiền sặc mùi dầu, liệu đến lượt những đại gia từ đâu, trong lĩnh vực nào sẽ nhảy vào khuấy đảo thị trường bóng đá.

1. Từ khi được Quỹ đầu tư nhà nước Qatar bơm những đồng tiền sặc mùi dầu năm 2011, PSG vơ vét tới 9 danh hiệu quốc nội. Nhưng VĐ Champions League mới là đích nhắm của các ông chủ Arab và PSG vẫn chưa đủ “lớn” ở sân chơi này.

2. Chelsea đang sa sút thảm hại và hình ảnh của họ mùa này chính là hình ảnh phản chiếu chuẩn xác nhất cho giá dầu sụt giảm.

3. Man City trắng tay mùa trước. Hiện CLB cũng chỉ xếp thứ 3 ở Premier League không có nhiều hy vọng đi xa hơn vòng tứ kết Champions League.

4. Malaga đang xếp thứ 12 tại La Liga và sau thời gian đầu được bơm tiền cật lực, giờ không ai còn nhận ra hình hài đội bóng trong tay Sheikh Abdullah Al Thani, doanh nhân có gốc gác Hoàng gia Qatar.

Bên cạnh việc giá dầu sụt giảm khiến nhiều tỷ phú “bốc hơi” tài sản, cách đây 2 năm, những ông chủ sở hữu CLB ở châu Âu như Abramovich, Rybolovlev hay cổ đông lớn như Usmanov cũng đã mất đứt xấp xỉ 1,5 tỷ USD khi đồng Rúp suy yếu và nền kinh tế Nga rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1998.

Lương Anh

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech