SEA Games 28

Đội tuyển năm một
Kể từ SEA Games 2001 lần đầu tiên đoạt tấm HCB, ĐTQG bóng chuyền nữ chưa bao giờ biết đến việc tập huấn dài hạn theo một chương trình thống nhất, cũng như có tuyến trẻ kế cận, ví như một lứa U.23. Chính xác, đây là “Đội tuyển năm một”, với kế hoạch và mục tiêu đúng nghĩa năm nào biết năm đấy. Đội hình, lối chơi gắn chặt với từng giải đấu trước mắt, xoay quanh 2 giải đấu: Giải nữ quốc tế VTV Cup và SEA Games.

Chuyện lạ bóng chuyền nữ Việt Nam: 16 năm vật vã không lối chơi
Thầy trò ĐT nữ VN trong trận thua Thái Lan ở trận tranh HCV Seagame 28.

Với SEA Games, qua 8 kỳ Đại hội, ĐTQG vẫn được coi là số 2 sau bóng đá nam đã tự “đóng khung” mình trong một đích nhắm muôn thuở: Bảo vệ ngôi Á quân.

Họ luôn cam phận đứng sau người Thái trong sự “tự kỷ ám thị” kiểu gì cũng thua. Cũng chính việc các đối thủ cạnh tranh vị trí thứ 2 như Philippines, Indonesia yếu hơn hẳn đã làm hại Việt Nam.

Giới chuyên môn vẫn ví von: Quá khó để đội lật đổ được Thái Lan, song việc tụt xuống thứ 3 thậm chí còn… khó hơn nhiều.

Trong khi đó, VTV Cup vẫn chỉ là một giải mời, với các vị khách thay đổi nhiều qua từng năm, mà mặt bằng trình độ chỉ ở mức vừa phải, đảm bảo chủ nhà có thể lọt vào chung kết, hay chí ít bán kết.
HLV thời vụ
Trong 16 năm, ĐTQG bóng chuyền nữ được dẫn dắt bởi 6 HLV (2 chuyên gia ngoại cùng 4 ông thầy nội). Dù chưa thể sánh với Thái Lan gần như chỉ dùng một ê-kíp song số lượng này có tính ổn định cao so với nhiều môn khác của TTVN. Tuy nhiên, với cách làm ăn đong, việc sử dụng HLV cũng chỉ hoàn toàn mang tính thời vụ.

Ngay cả các HLV kỳ cựu như Nguyễn Mạnh Hùng hay sau này Phạm Văn Long từng đảm trách một thời gian tương đối dài cũng năm nào biết năm ấy. Họ chỉ tập trung để làm sao hoàn thành các nhiệm vụ trong năm, qua các giải cụ thể, rồi sang năm… tính tiếp. Họ gần như không thể nghĩ đến việc xây dựng một đội hình và lối chơi lâu dài vì không ai yêu cầu và chính họ cũng không biết có gắn bó lâu dài với Đội tuyển hay không.

Chuyện lạ bóng chuyền nữ Việt Nam: 16 năm vật vã không lối chơi
HLV Nguyễn Mạnh Hùng

Cách chơi chung của ĐTVN đều nhợt nhạt và không bản sắc, chỉ được bù lại phần nào bằng tinh thần thi đấu, hay vai trò của một vài cá nhân, nổi bật như phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Riêng ở phương diện này, đội còn thua xa cả 2 CLB hàng đầu là Thông tin LienVietPostBank và Bình Điền Long An – 2 nơi cung cấp phần lớn tuyển thủ. Có lẽ, nếu ĐTQG chỉ cần chơi có đường nét rõ rệt như đội bóng ngành Quân đội thì tính hiệu quả và sự hấp dẫn người hâm mộ có lẽ đã rất khác.

Rất đáng buồn vì trên thực tế, một khi những người làm bóng chuyền quyết tâm và bền bỉ, ĐTQG đã tạo nên được một diện mạo tươi sáng hơn nhiều, với một lối chơi riêng ổn định. Bởi thực sự tuyển thủ Việt Nam các lứa đều chứng tỏ được điểm mạnh (dù chỉ đơn lẻ vài cá nhân) về sự thông minh, nhanh nhẹn và sáng tạo.

Trong đó, khả năng đánh nhanh với việc sở hữu rất nhiều phụ công tài năng chính là một điểm nhấn, được đánh giá không hề thua kém người Thái. Riêng bộ đôi Kim Huệ – Ngọc Hoa nhiều năm là cặp phụ công hay nhất ĐNÁ. Chỉ có điều, không ai quan tâm để vừa tận dụng tối đa cặp đôi hoàn hảo này, cũng như từ đó phát triển thành “đặc sản” của lối chơi chung.

Chuyện lạ bóng chuyền nữ Việt Nam: 16 năm vật vã không lối chơi

Vấn đề của một ĐTQG không lối chơi suốt 16 năm qua không nằm ở các tuyển thủ hay HLV mà suy cho cùng gốc rễ của nó chính là tư duy thời vụ của Bộ môn bóng chuyền (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Sỹ Minh

Các nhà quản lý huấn luyện đang phải tính đến phương án hậu Ngọc Hoa khi phụ công tài năng 28 tuổi này bày tỏ ý định xin nghỉ để tập trung cho gia đình. Đây là một bài toán rất khó – nếu không nói là gần như không giải được – với cách làm và mặt bằng chung lực lượng hiện tại ở ĐTQG nữ. Suốt từ năm 2007, bóng chuyền nữ Việt Nam đã luôn phụ thuộc vào ngôi sao từng vô địch ở 2 giải VĐQG, được đánh giá là một nửa sức mạnh và luôn có khả năng tạo nên khác biệt, đặc biệt trong những thời điểm quyết định ở những giải đấu lớn. 

Ngay trước thềm SEA Games 28, vì nhiều lý do khác nhau, cả ĐTQG bóng chuyền nam – nữ đã phải thay HLV trưởng. Với môn khác, điều đó có thể rất nghiêm trọng song riêng với bóng chuyền lại không mấy ảnh hường vì cơ bản ai làm cũng vậy, nhất là đội nữ chỉ phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ tấm HCB không khó so với mặt bằng SEA Games. Trên thực tế, đội nữ đã chơi trầy trật trên đất Singapore song vẫn lần thứ 8 liên tiếp giành HCB khi đối thủ chính Indonesia dù rất tiến bộ vẫn chưa thể bằng. Rất bi hài vì SEA Games vừa kết thúc, HLV Nguyễn Mạnh Hùng đã xin rút sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “giải cứu”. Tới đây sau VTV Cup, đến lượt HLV đội nữ Thái Thanh Tùng cũng nói lời chia tay.

Với các VĐV Hà Nội lâu nay, mỗi lần dự tổng kết, khen thưởng thành tích sau các sự kiện lớn, bên cạnh niềm vui và tự hào còn là sự chạnh lòng. Đơn giản vì mức tiền thưởng quá thấp, thấp đến mức khó tin so với mặt bằng chung cả nước, cũng như vị thế của một trung tâm hàng đầu.

97 tuyển thủ Thủ đô thua 2 VĐV tỉnh lẻ

Và những gì họ nhận được cho thành quả giành tới 68 huy chương (25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ), chiếm tới 35% tổng thành tích của cả TTVN, vẫn không có gì khác. Mức thưởng lần lượt cho HCV, HCB, HCĐ chỉ là 6 triệu, 4 triệu, 2 triệu đồng – giống như cách đây cả chục năm.

Với mức thưởng bèo bọt này, quả thật các VĐV xuất sắc của Thủ đô không tủi thân và bức xúc mới lạ. Bởi nó không tương xứng với công sức và giá trị của những tấm huy chương, nhất là đặt trong sự so sánh khó tránh khỏi với các địa phương khác. Chính xác hơn, nó chỉ cho thấy sự  bất công mà những “lao động” trực tiếp của thể thao Hà Nội đã phải gánh chịu quá lâu.

Đà Nẵng đang bị kêu ca rất nhiều về tình trạng tụt hậu trong chế độ chính sách vẫn thưởng cho mỗi tấm HCV SEA Games là 15 triệu đồng, gần gấp 3 lần của Hà Nội. TP.HCM cũng đông quân, giàu chiến tích song cũng thưởng theo đúng mức của nhà nước với 45 triệu đồng/1 HCV, gần gấp 8 lần của Hà Nội.

Chưa kể, sự chênh lệch về thưởng giữa Hà Nội với một số địa phương có huy chương, đơn cử như Thái Bình, còn lớn hơn nhiều. Thái Bình thưởng 80,5 triệu đồng cho 1 HCV. Chỉ một bộ đôi môn rowing Phạm Thị Thảo – Tạ Thị Huyền đã lĩnh tới 322 triệu đồng khi cùng nhau giành 2 tấm HCV trên đất Singapore. Có nghĩa là số tiền thưởng của riêng 2 nhà vô địch Thái Bình đã hơn cả tổng mức mà 97 VĐV Hà Nội có được.

Điều đáng buồn, vấn đề tiền thưởng của thể thao Hà Nội giờ đã giống như một câu chuyện ”biết rồi khổ lắm nói mãi”. Càng nghịch lý bởi tổng kinh phí, chế độ tập huấn thi đấu, trang thiết bị dụng cụ, thể thao Hà Nội đang vượt trội cả nước song riêng mức thưởng lại quá tụt hậu.

Sự thua thiệt của các VĐV Hà Nội không phải do thiếu tiền hay lãnh đạo thiếu quan tâm mà suy cho cùng ở chính vai trò tham mưu của ngành thể thao thành phố. Người ta không thể hiểu tại sao, đến giờ mức thưởng thành tích của Hà Nội vẫn áp dụng theo quy định áp dụng từ SEA Games 2003.

Ai cũng bảo VĐV Hà Nội oách và sướng mà chỉ cần cái “mác” quân của thể thao Thủ đô đã đủ để quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hết mình. Tuy nhiên, chỉ từ chuyện thưởng thành tích cũng đã thấy, dường như điều đó chỉ đúng về mặt tinh thần.

HÀ THẢO

6 năm nhận 1 triệu đồng/tháng

Sau mấy năm ngụp lặn ở hồ bơi cạnh nhà dưới sự hướng dẫn của ông nội, đến khi 11 tuổi Ánh Viên mới lọt vào mắt xanh của các HLV Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Cần Thơ) rồi được đưa vào hệ thống đào tạo. Phải mất đến 6 năm, ngoài việc được bao cấp ăn ở, Viên chỉ được nhận chế độ 1 triệu đồng mỗi tháng. Với một cô bé mười mấy tuổi con nhà nghèo, đó đã là một khoản thu nhập trong mơ.

Khi ấy, niềm vui cực lớn với Viên chính là cuối tháng về thăm nhà để đưa cho bố mẹ khoản tiền phụ cấp này. Chỉ 1 triệu đồng song đã giúp cho cuộc sống của cả một gia đình, vốn phải chạy ăn qua ngày, đổi khác rất nhiều. Như một thói quen, mỗi khi Viên về nhà là một ngày vui của cả đại gia đình, với một bữa ăn thịnh soạn có đủ các món mà Viên thích.

50 triệu, nước mắt và 800 triệu đồng

Giờ đây Viên đã là tỷ phú làng bơi Việt, với mức thu nhập tăng chóng mặt qua các giải đấu, song kình ngư 19 tuổi vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình nhận được một khoản tiền thưởng thành tích sau SEA Games 2011.

Khi ấy, cô thiếu nữ 15 tuổi đã mừng đến rơi nước mắt khi lĩnh 50 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của nhà nước cho 2 tấm HCB SEA Games. Đơn giản vì không chỉ Viên mà cả nhà Viên trước đó chưa bao giờ có nổi số tiền 10 triệu đồng. Càng đáng nói hơn, bởi sau đó Quân đội cũng thưởng cho Viên số tiền tương ứng. Với 100 triệu đồng, gia đình Viên đã có một cái Tết vui tươi chưa từng có, khi sắm được đủ các thứ vật dụng cần thiết, cũng như sửa sang căn nhà nhỏ.

5D

2013 có thể coi như một năm đột phá ngoạn mục của Viên cả về thành tích lẫn thu nhập. Đây cũng là năm mà số lượng huy chương của tài năng trẻ nhiều ở mức kỷ lục ở đủ các đấu trường. Viên đã đoạt tổng cộng 29 HCV, trong đó nổi bật là 3 HCV Đại hội thể thao trẻ châu Á, 8 HCV Đại hội thể thao học sinh ĐNÁ và đặc biệt 3 HCV SEA Games 27.

Kết thúc năm 2013, gương mặt 18 tuổi này đã lĩnh tổng cộng trên 800 triệu đồng, nêu một cột mốc đặc biệt về mức thưởng mà một VĐV Việt Nam có được trong 1 năm chỉ bằng tiền thưởng thành tích.

Kỳ tích và kỷ lục 4 tỷ đồng

Kể từ 2012, Ánh Viên đã hoàn toàn vô đối ở làng thể thao Việt trong việc “gặt” huy chương và tiền thưởng, với mức tối thiểu 500 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, 2015 chắc chắn sẽ là năm Viên lập nên kỷ lục “độc nhất vô nhị”, với kỳ tích giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 28.

Theo ước tính, ngôi sao 19 tuổi này sẽ lĩnh thưởng tới trên 4 tỷ đồng, cả tiền mặt lẫn hiện vật. Riêng mức thưởng theo quy định của nhà nước là 500 triệu đồng, cùng một căn hộ chung cư trị giá 1,5 tỷ đồng do một mạnh thường quân tặng. Như đánh giá của giới chuyên môn, hiện tượng Ánh Viên tại SEA Games 28 sẽ không thể tái lập cũng như số tiền thưởng mà chị có được cũng khó vượt kỷ lục 4 tỷ đồng.

PHÚC TƯỜNG

3 năm kiếm gần 6 tỷ: Hiện tại, Ánh Viên đã vượt qua siêu kỳ thủ Quang Liêm, ngôi sao cầu lông Tiến Minh và đô cử vô địch thế giới Kim Tuấn để trở thành VĐV kiếm tiền giỏi nhất Việt Nam. Chỉ trong đúng 3 năm, kể từ 2013, kình ngư sinh năm 1996 này đã “bơi” ra gần 6 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau, tính cả tiền mặt lẫn hiện vật. Cùng với Liêm, Minh, Tuấn, Viên cũng nằm trong số những tỷ phú hiếm hoi của giới VĐV Việt Nam ở các môn ngoài bóng đá.

Còn vô đối trong nhiều năm: Với những bước thăng tiến ngoạn mục của một tài năng mới bắt đầu bước vào thời kỳ đỉnh cao cùng đặc thù có thể dự tranh rất nhiều nội dung, giải đấu của môn bơi, Ánh Viên chắc chắn sẽ không có đối thủ ở làng thể thao Việt trong việc gặt hái thành tích và kiếm tiền trong nhiều năm tới. Và mức trung bình khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm của chị có thể còn tăng lên đáng kể.

Những VĐV có thu nhập cao nhất nhờ thành tích SEA Games 28: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, trên 4 tỷ đồng), Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ, gần 400 triệu), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh, trên 300 triệu), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ, gần 300 triệu).

5p1

Mồ côi cha từ nhỏ, cuộc sống của Huyền và gia đình hết sức khó khăn với người mẹ già đau yếu cùng một người chị gái bị thiểu năng trí tuệ. Biểu dương ý chí và nỗ lực vượt khó đặc biệt của Huyền, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị tỉnh Nam Định và ngành thể thao quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Huyền phát huy cao nhất tài năng, giành nhiều thành tích hơn nữa trên các đấu trường quốc tế.

Sau SEA Games 28, Huyền đã được UBND tỉnh Nam Định xét đặc cách vào biên chế, và hiện các cơ quan hữu trách đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết.

S.M

5CHAN

Thái Bình thưởng 80,5 triệu đồng cho 1 tấm HCV.

Đơn cử chỉ mấy địa phương vừa tiến hành khen thưởng đã thấy khác nhau một trời một vực. Nếu như Thái Bình thưởng tới 80,5 triệu đồng cho 1 tấm HCV, thì con số này của Đà Nẵng chỉ là 15 triệu đồng. Tuyển thủ rowing đoạt 2 HCV  Phạm Thị Thảo ở Thái Bình lĩnh tới 161 triệu đồng, trong khi người đồng đội Phạm Thị Huệ ở Đà Nẵng dù giành tới 3 HCV lại chỉ có 45 triệu đồng.

Hiện tại, Hà Nội chưa tổ chức khen thưởng song đây chắc chắn là địa phương có mức thưởng “hẻo” nhất, cao nhất chỉ 7,5 triệu đồng cho 1 HCV cá nhân. Lý do dễ thấy bởi Hà Nội thường xuyên đóng góp tới 30-40% thành tích của đoàn, chỉ cần tăng thêm vài triệu đồng cho 1 HCV, tổng tiền sẽ tăng rất nhiều. Tuy nhiên, nguyên nhân quyết định dẫn tới sự thiệt thòi của các tuyển thủ Hà thành xuất phát từ việc vẫn áp dụng quy định từ cách đây cả chục năm. Đó là điều mà TP.HCM từng vấp phải và có điều chỉnh kịp thời để có thể thưởng thành tích của các VĐV bằng đúng mức chung của nhà nước (45 triệu/HCV, 25 triệu/HCB, 20 triệu HCĐ).

SỸ MINH

45 triệu đồng cùng xe máy, tivi, điện thoại…

SEA Games 28 thực sự là kỳ Đại hội đột phá về nhiều mặt của TTVN, kể cả… tiền thưởng. Nhờ vận động được nhiều nhà tài trợ nên mức thưởng đã tăng gấp đôi những lần trước, với các hình thức đa dạng và thiết thực chưa từng có.

Trong đó, đơn cử như 1 tấm HCV, ngoài khoản 45 triệu đồng theo quy định của nhà nước, mỗi chủ nhân còn nhận được thưởng “nóng” 10 triệu đồng, 1 xe máy (trị giá 20 triệu đồng), 1 TV LED 40 inch (10 triệu đồng), 1 điện thoại smartphone (4 triệu đồng), 1 cặp vé khứ hồi nội địa. Ngoài ra, họ còn được kéo dài thời hạn bảo hiểm ở mức cao nhất thêm 1 năm.

5d4

Có nghĩa là, tuyển thủ chỉ cần đoạt 1 HCV sẽ được nhận một khoản tiền thưởng tương đối lớn, cùng đủ bộ vật dụng cần thiết gồm xe máy, tivi, điện thoại, với tổng trị giá lên tới 90 triệu đồng.

Theo thống kê có tới 70% trong số 299 tuyển thủ Việt Nam tranh tài trên đất Singapore được lĩnh thưởng, một tỷ lệ cao kỷ lục, với mức tối thiểu 30 triệu đồng cho 1 VĐV giành HCĐ.

Ánh Viên nhận nửa tỷ đồng và 8… xe máy

Với kỳ tích đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục (cùng 1 HCB, 1 HCĐ), siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đương nhiên là người lĩnh thưởng “khủng” nhất. Chỉ riêng định mức từ nhà nước đã lên tới 500 triệu, chưa kể thưởng “nóng” 80 triệu đồng. Đây cũng là khoản thưởng cao nhất trong lịch sử TTVN mà một tuyển thủ nhận được ở một sự kiện, thậm chí còn ở mức hoàn toàn vượt trội.  Năm ngoái, Viên đã “bơi” ra 300 triệu đồng song vẫn chưa đáng kể gì so với lần này.

5D2

Viên sẽ chỉ nhận 1 tivi, 1 điện thoại như các nhà vô địch khác. Nhưng, riêng phần thưởng xe máy do cam kết không khống chế số lượng của nhà tài trợ nên ngôi sao 19 tuổi  sẽ nhận tới… 8 chiếc.

Có lẽ trước SEA Games, lãnh đạo đoàn TTVN và nhà tài trợ đều không hình dung ra tình huống kỳ thú này ở Viên. Rất có thể, nhà tài trợ sẽ linh động giải quyết cho Viên nhận 1 chiếc xe máy để gia đình sử dụng, coi như có dấu ấn của nhà tài trợ, còn lại sẽ quy ra tiền mặt.

HÀ THẢO

Theo ước tính, tổng số tiền thưởng Ánh Viên nhận được từ các nguồn khác nhau cho kỳ tích tại SEA Games 28 sẽ chắc chắn vượt qua con số 2 tỷ đồng. Nếu tính cả hiện vật, nó phải lên tới 4 tỷ đồng (trong đó có 1 căn hộ chung cư tại TP.HCM trị giá 1,5 tỷ đồng do một Mạnh Thường Quân tặng).

Tổng số tiền thưởng của đoàn TTVN tại SEA Games 2015 theo quy định của nhà nước là 15,220 tỷ đồng (9,385 tỷ đồng cho VĐV và 5,835 cho HLV). Mức này gấp tới hơn 5 lần so với con số khiêm tốn chỉ 3,1 tỷ đồng ở ASIAD 2014. Chỉ qua sự chênh lệch tiền thưởng quá lớn cũng phấn nào  thấy rõ trình độ, khả năng tranh chấp của TTVN ở  SEA Games và ASIAD khác nhau đến mức nào.

 U.23 VN là đội nhận thưởng 460 triệu đồng cho 23 thành viên (20 cầu thủ, 3 HLV). Điền kinh, thể dục cụng cụ, rowing, đấu kiếm, bơi là 5 đội có thưởng trên 1,5 tỷ đồng.

Gây sốc ngay từ đích nhắm

Trước thềm SEA Games 28, chỉ tiêu thành tích của bơi Việt Nam được công bố là giành 6-8 HCV. Nhưng ít người biết, tại cuộc họp của đoàn TTVN, các nhà quản lý, huấn luyện môn này còn tự tin đăng ký phấn đấu tới 10 HCV. Cái đích nhắm đó thực sự gây sốc, trong sự nghi hoặc cao độ, với cảm giác có gì đó… không tưởng.

SEA Games 27, cũng với Ánh Viên, Quý Phước, Quang Nhật, bơi đoạt 5 HCV và kết quả này đã có thể coi như một chiến tích vượt quá mong đợi. Nhìn từ cả lý thuyết lẫn thực tế, thành tích 10 HCV quá khó, khi nó tăng vọt tới gấp đôi chỉ sau đúng 18 tháng.

5D

Chỉ với 8 kình ngư, bơi Việt Nam đã đoạt tới 16 huy chương, với 10 HCV và 10 kỷ lục.

Tất cả càng choáng hơn khi bơi đề xuất một đội hình sang Singapore tranh tài đặc biệt tinh gọn, với vỏn vẹn 8 kình ngư, bằng đúng số lẻ của điền kinh (48). Trong đó, ngoài các trụ cột Quý Phước, Ánh Viên, Quang Nhật hay Trần Duy Khôi vẫn còn quá trẻ bên cạnh những gương mặt vô cùng mới. Riêng “em út” của đội Nguyễn Diệp Phương Châm mới vừa bước sang tuổi 14 và là thành viên trẻ nhất của cả đoàn TTVN.

Địa chấn với 10 HCV & 10 kỷ lục

Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới dám tin bơi Việt Nam sẽ có thể đoạt 10 HCV. Đơn giản vì họ biết rõ khả năng, tiềm năng và điểm rơi của Ánh Viên sẽ như thế nào, Quý Phước đã ổn định ra sao nhờ chuyến tập huấn ngắn ở Nhật, hay Quang Nhật đã tiến bộ đến đâu sau khi bất ngờ đăng quang ở kỳ Đại hội trước. Một cơ sở quan trọng nữa phải là họ cũng đã nắm bắt rất rõ về tương quan lực lượng so với các đối thủ.

Tuy nhiên, chắc chắn không một ai có thể hình dung nổi về một cuộc bùng nổ ngoạn mục và cơn địa chấn toàn diện trên đường đua xanh mà các kình ngư, đặc biệt là Ánh Viên đã tạo ra. Nó khởi đầu như mơ khi Việt Nam đoạt liền 3 HCV, phá 3 kỷ lục ở 3 nội dung đầu tiên ở ngày đầu thi đấu. Vượt xa giá trị chuyên môn, điểm nhấn gây chấn động đặc biệt lại là tiếng hét dậy sóng của Quý Phước khi cán đích nội dung 200m tự do, cùng hình ảnh Ánh Viên bỏ xa đối thủ sừng sỏ của chủ nhà tới 30m ở cự ly 800m tự do.

Suốt những ngày thi đấu còn lại, bơi Việt Nam mà cụ thể với Ánh Viên trở thành tâm điểm, thỏi nam châm của cả Đại hội, làm nức lòng NHM trong nước. Siêu kình ngư này đã không phụ sự kỳ vọng khi đoạt thêm 7 HCV kèm theo 7 kỷ lục Đại hội. Cuộc chinh phục kỳ diệu của bơi đã khép lại trọn vẹn với 1 HCV cùng 1 kỷ lục từ màn trình diễn đẳng cấp của tay bơi Lâm Quang Nhật ở 1.500m.

Giới chuyên môn cùng truyền thông ĐNÁ và cả quốc tế đều đã miêu tả hiện tượng Ánh Viên nói riêng, cũng như kỳ tích 8 kình ngư giành 10 HCV, 10 kỷ lục của bơi Việt Nam với 2 từ “kỳ diệu”. Và bơi Việt Nam đã vẽ lại bản đồ làng đua xanh SEA Games theo cách thuyết phục và ấn tượng nhất.

PHÚC TƯỜNG

Tính cả số HCB và HCĐ, tổng thành tích của bơi Việt Nam tại SEA Games 28 là 16 huy chương các loại (10 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ). Chiến công này chủ yếu ghi danh Ánh Viên với 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Bên cạnh đó, còn có 3 kình ngư khác gặt hái thành tích xuất sắc là Quý Phước (1 HCV, 1 HCĐ), Quang Nhật (1 HCV), Duy Khôi (1 HCB, 2 HCĐ).

ĐTQG với 8 kình ngư, trung bình mỗi thành viên sẽ được “đeo” 2 huy chương mà người nào cũng có Vàng. Đây là một hiệu suất thành công quá “khủng” và chưa từng có ở các kỳ SEA Games.

Số HCV gấp Thái Lan…  10 lần: Có một môn của TTVN đã có thể ngẩng cao đầu ở thế thượng phong với người Thái ở đấu trường SEA Games, đó chính là bơi. Trên đất Singapore, số HCV của bơi Việt Nam gấp tới 10 lần Thái Lan. Trong khi Việt Nam đại phá đường đua xanh với 10 HCV thì cường quốc số 1 khu vực chỉ giành một HCV. Nỗi đau của bơi Thái Lan càng lớn bởi họ phải ngậm ngùi nhận tới 10 HCB, với tới 5 nội dung thua trực tiếp Việt Nam, chủ yếu là thua Ánh Viên.

Trong số các môn truyền thống hay thế mạnh mới thuộc nhóm Olympic của 2 nền thể thao vốn luôn có sự ganh đua quyết liệt, bơi là môn duy nhất Việt Nam giành chiến thắng, thậm chí còn đại thắng Thái Lan.

Sau khi Cơ quan hỗ trợ pháp lý Jakarta tiết lộ với tờ Tempo của Indonesia về việc ghi âm được vụ dàn xếp tỷ số của trận bán kết với Thái Lan và trận tranh hạng 3 với U.23 VN Việt Nam của U.23 Indonesia, tờ The New Paper cho biết Cục điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB) đang tình nghi 2 tuyển thủ U.23 Lào có biểu hiện đáng ngờ trước trận thua U.23 Malaysia 1-3 ngày 11/06 đồng thời khẳng định diễn biến trên thị trường cá độ liên quan tới các trận của Lào ở bảng B có những dấu hiệu bất thường.

Anh tran U23 VN - U23 Lao_14

Theo thông tin của tờ The New Paper thì trước trận cuối bảng B giữa Lào với Malaysia, các hậu vệ Sipasong Bounthavy và Inthilath Sengdao vắng mặt. Khi được hỏi lý do thì HLV David Booth giải thích: “Họ trễ xe buýt”. Thế nhưng mới đây, TTK LĐBĐ Lào Xaybandith Rasphone thừa nhận đó là do cả 2 bị CPIB mời thẩm vấn. Ông Xaybandith còn cho biết: “Vấn đề chúng tôi quan tâm hiện nay là tại sao CPIB lại muốn nói chuyện với họ. Chúng tôi đã yêu cầu Trưởng đoàn của U.23 Lào liên hệ với BTC SEA Games 28 để tìm hiểu vấn đề. Chúng tôi rất bất ngờ về chuyện đã xảy ra và có trao đổi với các tuyển thủ nhưng chưa thể nắm bắt vấn đề”.
Một nguồn tin của The New Paper liên quan tới thị trường cá cược khẳng định, dao động của tỷ lệ cược liên quan đến các trận của Lào gặp Malaysia và Đông Timor cho thấy có dấu hiệu dàn xếp tỷ số. Lào thắng Đông Timor 3-2 với bàn rút ngắn cách biệt ở phút bù giờ của Henrique Martins và cuối trận đấu đó có những lượt đặt cược tăng bất thường chọn “cửa” Đông Timor ghi bàn.

Thiên Tứ

Cậu bé mồ côi suy dinh dưỡng

Khi Tiến Nhật mới 6 tuổi, người cha đang khỏe mạnh bất ngờ qua đời vì bạo bệnh. Lúc đó, Nhật còn quá nhỏ để cảm nhận hết mất mát quá lớn ấy. Tuy nhiên, Nhật cũng sớm “ngấm” nỗi đau, bắt đầu từ người mẹ luôn lầm lũi, khổ sở gồng mình nuôi con. Cậu bé trở nên lầm lì ít nói và nhạy cảm. Nhật đã phải làm đủ thứ việc có thể, từ trông em, cơm nước, dọn nhà cho đến phụ mẹ bán hàng.

Ng Tien Nhat vui khithang tran

Sớm vất vả, điều kiện ăn uống lại thiệt thòi nên Nhật bị suy dinh dưỡng nặng: Mặt quắt, gầy đét trong khi lại cao lêu đêu. Thế nhưng, chính từ đó chàng thiếu niên cũng rèn cho mình tính tự lập và sự bền bỉ cực cao.

Năm 15 tuổi, Nhật được một người bạn mách nước nên ứng tuyển vào một đội tuyển thể thao nào đó của TP.HCM. Một phần vì Nhật có thể hình thể lực rất tốt, phần quan trọng hơn nếu thành công sẽ được lo ăn tập, lại có chế độ trợ cấp.

Cái duyên từ một lần nghe tiếng kiếm

Nhật đánh liều thử xem sao, với đích nhắm đầu tiên là môn võ Aikido. Như một cái duyên, lúc đi tìm đội Aikido, Nhật lại đi ngang qua phòng tập kiếm rồi bị cuốn hút bởi những tiếng động lạ. Cậu trai mới lớn đã đứng chôn chân bên ngoài để dõi theo các kiếm thủ nai nịt như hiệp sỹ cùng những đường kiếm vun vút.

Anh Kiem_ Tien Nhat

Đúng lúc ấy, HLV Nguyễn Thị Nga xuất hiện, nhìn thấy ngay cả sự háo hức cùng tố chất lý tưởng nơi anh chàng chân dài, tay dài. Chỉ qua 15 phút trao đổi, Nhật đã được cho tập thử rồi nhận ngay vào đội kiếm khi đó đang gây dựng từ đầu.

Kể từ đó, Nhật đều đặn đạp xe đi về 2 lần mỗi ngày trên quãng đường 20 cây số để nuôi mộng làm kiếm thủ. Thời điểm ban đầu ấy, đội kiếm TP.HCM rất gian nan, khi phải tập luyện trong một căn phòng chỉ mấy chục mét vuông trên tầng cao nóng như thiêu đốt, với kiếm, mũ, quần áo đều cũ.

Dường như Tiến Nhật được sinh ra là để dành cho đấu kiếm, với sự phù hợp về mọi mặt, nhất là phản xạ, khả năng ứng biến và cá tính đặc thù. Mới ăn tập được 1 năm, Nhật đã có trình độ ngang với các anh chị gắn bó trước mình 3 năm. Rất khó tin vì tuyển thủ trẻ Sài thành là kiếm thủ duy nhất có thể “chơi” giỏi cả 3 loại – kiếm liễu, kiếm 3 cạnh và kiếm chém – mà đều ở mức hàng đầu Việt Nam. Cách đây 6 năm, anh mới chuyên tâm cho “mũi nhọn” kiếm 3 cạnh để phát huy cao nhất ưu thế.

“Chém” bay vận đen SEA Games

Trước SEA Games 28, dù hoàn toàn tự tin ở đẳng cấp của mình, song Tiến Nhật cũng không khỏi có chút lo lắng vì phải chạm trán toàn đối thủ mạnh của chủ nhà Singapore, nhất là tay kiếm lừng danh Lim Wei Wen từng đoạt HCĐ ASIAD. Quan trọng hơn, bản thân Nhật cùng đội kiếm nam luôn gặp “vận đen” ở đấu trường khu vực, chưa một lần chạm tới ngôi cao nhất.

Ng Tien Nhat (phai) doat HCV 3

Cuối cùng, chính Nhật là kiếm thủ đã phá tan “vận đen” đeo đẳng suốt chục năm ròng bằng một lối chơi công thủ toàn diện, với những đường kiếm biến hóa, khó lường, sắc lẹm. Trong cuộc phục thù vô cùng ngọt ngào, Nhật đã khiến cả đoàn thể thao Singapore phải khóc hận vì lần lượt “chém” bay 2 tay kiếm chủ nhà rất được kỳ vọng, kể cả hảo thủ Lim Wei Wen.

HÀ THẢO

Tiến Nhật là chủ nhân của 3 kỳ tích lịch sử của đấu kiếm Việt Nam (môn thể thao có nguồn gốc quý tộc châu Âu mới du nhập vào Việt Nam được 15 năm). Trước khi giành tấm HCV đầu tiên cho đấu kiếm nam tại SEA Games 28, Nhật cũng là kiếm thủ đầu tiên giành suất chính thức dự tranh Olympic 2012 và đoạt 2 HCĐ ASIAD 2014. Tại Olympic 2012, anh chính là người đảm nhận sứ mệnh cầm cờ dẫn đầu đoàn TTVN diễu hành ở lễ khai mạc.

 Cao 1m85, đẹp trai và đầy nam tính, kiếm thủ 25 tuổi được coi như một Idol mới của thể thao Việt. Ngay sau SEA Games 28, anh đã nhận được lời mời quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm liên quan đến trang thiết bị dụng cụ và dinh dưỡng thể thao.

Với bóng đá Indonesia thì đó chẳng phải chuyện mới, hồi A.Riedl còn làm HLV, ông này bị nhồi lên dập xuống bởi chính những phe phái trong Liên đoàn và Indonesia có tới 2 ĐTQG được thành lập.

Ngay như việc U.23 Indonesia có tham dự SEA Games 28 hay không cũng phải chờ đến giờ chót mới biết.

Hôm qua, lại có tin bóng đá Indonesia bị tố cáo buộc dàn xếp tỉ số. Theo thông tin ban đầu thì một người đàn ông mang quốc tịch Indonesia đã tiết lộ việc dàn xếp tỷ số ở SEA Games 28 với sự tham gia của các cựu quan chức LĐBĐ Indonesia (PSSI), HLV và các cầu thủ. Đó là 2 trận đấu mà U.23 Indonesia đều thua 0-5 trước U.23 VN và U.23 Thái Lan.

Theo báo chí Indonesia, người đàn ông lạ cũng cung cấp cho cơ quan điều tra cuộn băng ghi âm cuộc điện thoại với một đối tượng người Malaysia liên quan đến việc dàn xếp tỷ số ở trận đấu tranh HCĐ với U.23 VN. Vụ việc sau đó được thông báo đến cơ quan điều tra tội phạm của cảnh sát Indonesia.

Với bóng đá Đông Nam Á, niềm tin rõ ràng là điều xa xỉ
Với bóng đá Đông Nam Á, niềm tin rõ ràng là điều xa xỉ

Tất nhiên Chủ tịch PSSI là ông La Nyalla đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này. Ông cho rằng, U.23 Indonesia thua đậm trước U.23 Thái Lan và U.23 VN là do sự khác biệt về trình độ: “Tôi khẳng định PSSI sẽ không im lặng trước cáo buộc dàn xếp tỷ số. Chúng tôi sẽ làm tất cả để đáp trả sự vu khống này…”.

Bóng đá Đông Nam Á, niềm tin là thứ khá xa xỉ. Cuối tháng 5, ngay trước thềm SEA Games, cảnh sát đã bắt giữ 4 người vì liên quan đến đường dây dàn xếp tỷ số trận U.23 Malaysia – U23 Đông Timor. Trong số những người bị bắt có Trưởng đoàn U23 Đông Timor và trùm cá độ bất hợp pháp người Singapore, Rajedran Kurusamy…

Còn ở Việt Nam, câu chuyện tố cáo quan chức VFF nhận hối lộ, dù mới chỉ là thông tin một phía đã được các trang bóng đá Nhật đăng tải (dẫn theo báo chí Việt Nam). Người Nhật vốn rất kỵ đưa và nhận hối lộ, điều này thể hiện qua một số vụ việc mà phía Nhật làm rất nghiêm xung quanh các dự án có vốn ODA tại Việt Nam.

Phía sau những lá đơn tố cáo là những mảng tối, là những mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” ở một số người điều hành.

Hôm qua, hỏi một cầu thủ trẻ thì lại được nghe câu nói quen thuộc: “Các bác đánh nhau xong chưa để chúng cháu còn đá bóng”.

SONG AN

Thái Lan vô địch không tốn sức

Trong số các “độc cô cầu bại” ở Singapore, lép vế nhất chắc chắn phải là… U.23 Thái Lan. Bởi lẽ, “Những chú voi con” chỉ mới giành được 14 ngôi vô địch trong lịch sử, trước lúc thắng Myanmar 3-0 ở chung kết lần này. Nguyên nhân dẫn tới con số HCV “khiêm tốn” như thế qua các kỳ SEAP Games và SEA Games chủ yếu do trong giai đoạn đầu, thế lực thống trị chính là Myanmar – được lịch sử ghi nhận với một tên khác là Burma. Phải đợi đến khi bóng đá Myanmar suy yếu, Thái Lan mới vùng lên chiếm ngôi số 1 của khu vực.

4d

Dù vậy, Thái Lan vẫn xứng đáng được xem như một “độc cô cầu bại” khi tới đảo quốc Sư tử, vì cách mà họ tự tin hướng đến vinh quang, cũng như thể hiện qua từng trận đấu. HLV Choketawee Promrut rõ ràng có cơ sở để tuyên bố lực lượng hiện có còn mạnh hơn SEA Games 2013, bởi lẽ “chúng tôi chuẩn bị cho Đại hội này từ 2 năm trước với vài tuyển thủ thậm chí đã khoác áo ĐTQG và dự AFF Cup 2014. Tôi tin tưởng khả năng đội nhà vô địch là 100%”.

Niềm tin vững chắc của HLV 40 tuổi được phản ánh rõ trên sân, khi Thái Lan lần lượt hạ Indonesia 5-0 ở bán kết và dễ dàng khuất phục Myanmar 3-0 bằng thế trận một chiều.

Philippines không đăng quang là lưu vong

So với U.23 Thái Lan, bóng rổ nam Philippines càng ghê gớm hơn: Chỉ vuột mất HCV đúng 1 lần, kể từ lúc môn này được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games năm 1977. Và kể từ sau năm 1989 để Malaysia ngáng đường ở chung kết, Philippines đã vô địch suốt 11 Đại hội liên tiếp, bao gồm cả Singapore 2015. Ở vòng bán kết, bất chấp mọi nỗ lực của Thái Lan, Philippines vẫn giành chiến thắng 80-75. Đến trận chung kết, Philippines tiếp tục thắng Indonesia 72-64 để giành ngôi Quán quân thứ 17.

“Chúng tôi là đội bóng bất khả chiến bại ở SEA Games”, ngôi sao Kiefer Ravena của Philippines rõ ràng có cơ sở để tuyên bố như vậy với phóng viên của ABS-CBNnews. Anh còn tâm sự: “Chúng tôi luôn thắng, cho dù trong mấy năm qua, các đối thủ đều chuẩn bị rất kỹ để mạnh mẽ như Philippines. Nhưng họ đừng mơ, vì mỗi khi thi đấu ở SEA Games, chúng tôi đều đứng đầu. Bởi nếu không giành nổi HCV, chúng tôi có lẽ chẳng còn mặt mũi quay về Philippines”.

Singapore chưa có đối thủ

Tuy nhiên, nếu xét theo đúng nghĩa đen của khái niệm “độc cô cầu bại” khi bước vào Đại hội lần này, Đội tuyển bóng nước nam của Singapore mới thật sự là “chuẩn” nhất. Vì kể từ khi môn này được đưa vào nội dung thi đấu của SEAP Games 1965, Singapore chưa từng để vuột HCV. Trên đường tới trận chung kết gặp Indonesia chỉ vài giờ trước lúc diễn ra lễ bế mạc SEA Games 28, Singapore tiếp tục thị uy bằng cách nghiền nát Philippines 23-2.

Vì thế, khi đề ra chỉ tiêu cho các đội dự SEA Games 28, Singapore chủ trương fair-play, song vẫn bắt buộc đội bóng nước nam phải bảo vệ ngôi Quán quân. Bởi lẽ, đảo quốc Sư tử chính là “ông Vua” của bóng nước ĐNÁ với tổng cộng 25 HCV trong nửa thế kỷ qua trước khi bước vào SEA Games 2015 với tư thế chủ nhà. Cũng vì vậy mà cho dù thường tỏ ra khiêm tốn, HLV Lee Sai Meng vẫn tuyên bố: “Chiếc huy chương mà chúng tôi nhắm đến, tất nhiên là phải màu vàng”.

MINH CHÂU

Sau khi dễ dàng vượt qua U.23 Indonesia trong trận bán kết, U.23 Thái Lan đương nhiên được đánh giá cao hơn đối thủ trong trận đấu này.

Singapore SEA Games Soccer

Trong hiệp 1, dù là đội cầm bóng tốt hơn nhưng U.23 Thái Lan không tạo ra được sự áp đảo. Các cầu thủ trẻ bên phía U.23 Myanmar nhập cuộc tự tin và sẵn sàng tổ chức những đợt lên bóng nguy hiểm về phía khung thành U..23 Thái Lan ngay khi có cơ hội.

Hiệp thi đấu thứ nhất khép lại mà không có bàn thắng nào được ghi.

Sau giờ nghỉ giữa hiệp, U.23 Thái Lan vẫn là đội chủ động hơn. Phút 63, đội bóng xứ chùa Vàng đã khai thông được thế bế tắc.

Singapore SEA Games Soccer

Tanaboon có pha ra chân rất nhanh trong vòng cấm sau khi bóng bật ra từ tình huống đá phạt góc của đồng đội.

Đến lúc này, U23 Myanmar buộc phải dâng cao đội hình để tìm kiếm bàn gỡ. Nhưng khi mà hàng công lẫn đang loay hoay thì U.23 Myanmar đã phải nhận bàn thua thứ 2 chỉ 10 phút sau đó.

“Messi Thái” Chanathip Songkrasin chứng tỏ sự xuất sắc với tình huống đi bóng ở trung lộ trước khi có pha chọc khe tinh tế cho Chananan phá bẫy việt vị, lạnh lùng đánh bại Zhin Pyo nhân đôi cách biệt.

Singapore SEA Games Soccer

Để thua 2 bàn, các học trò của HLV Kyi Lwin dường như mất định hướng. Họ lao lên phía trước, tổ chức những đợt tấn công nhưng không có hiệu quả trước lối chơi điềm tĩnh, khoan thai của các cầu thủ Thái Lan.

Và trận đấu chính thức được an bài ở phút 78. Tiếp tục là những pha phối hợp chính xác, đường chuyền bổng tinh tế và chính xác của đội trưởng Sarach Yooyen, Pinyo có pha dứt điểm nhẹ nhàng chấm dứt hoàn toàn hy vọng của U.23 Myanmar.

Với thành tích 8 trận toàn thắng, Thái Lan lên ngôi vô địch hoàn toàn thuyết phục. Lối chơi hiện đại bài bản cùng với những tài năng trẻ xuất sắc, bóng đá Thái Lan cho thấy họ vẫn là thế lực số 1 ở Đông Nam Á.

Trong 8 trận của giải, U.23 Thái Lan chỉ để lọt lưới có 1 bàn. Bàn thua duy nhất của họ đến từ cú volley cực kỳ đẹp mắt của tiền đạo đội U.23 Việt Nam Lê Thanh Bình.

BÁT VÂN