Ấn tượng thể thao tháng 10: Nền bóng đá mãi không chịu phát triển!
Tính ra cũng đã gần 8 năm kể từ ngày NHM được sống trong cảm giác sung sướng đến tột cùng khi đội tuyển Việt Nam nâng cao chức vô địch Đông Nam Á. Tưởng chừng như nền bóng đá Việt Nam sẽ lên như diều gặp gió sau sự kiện đó. Nhưng trải qua gần một thập kỷ, NHM vẫn có cảm giác bóng đá Việt Nam mãi không chịu phát triển.
Ngày mai đội tuyển Quốc gia Việt Nam sẽ bước vào trận đấu quan trọng trước đội tuyển Iraq trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình, nhưng sự kiện này chỉ thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông, còn đối với khán giả Việt Nam thì lại chẳng mấy người chú ý.
Chưa bao giờ NHM mua vé xem ĐTQG thi đấu ở một giải đấu chính thức lại dễ dàng đến vậy. Đừng lầm tưởng rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF tìm ra phương pháp bán vé thuận lợi cho NHM, chỉ đơn giản mua vé dễ dàng là do có…quá ít NHM đến mua.
Nhìn đi nhìn lại thì thấy lực lượng mua vé đông nhất lại chính là dân phe vé. Nhắc đến mới nhớ, tại giải Vô địch Đông Nam Á với sự tham gia U19 Việt Nam cũng diễn ra tại Hà Nội, NHM còn xếp hàng mua vé từ hôm trước khi vé được bán. Cũng chỉ tại AFF 2014, tại trận bán bán kết với lượt về với Malaysia cảnh người xếp hàng “rồng rắn” mua vé xem đội tuyển thi đấu là chuyện đương nhiên. Vậy mà giờ đây, cảnh tượng NHM mua vé trông giống như chợ chiều. Nghịch lý là ở chỗ, chúng ta tự hào rằng sự cuồng nhiệt trong bóng đá không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, và SVĐ quốc gia Mỹ Đình thì vẫn luôn được mệnh danh là “chảo lửa”.
Trước trận đấu với Iraq, tiền đạo Lê Công Vinh có phát biểu rằng: “Chiến thắng trước đội tuyển Iraq là một điều phi thực tế”. Câu nói của tiền đạo đội tuyển quốc gia nhận được sự ủng hộ của nhiều NHM vì nó phản ánh đúng thực lực của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Cách đây đúng 8 năm cũng vậy, tại vòng chung kết Asian Cup 2007, cũng không ai dám nghĩ đến một chiến thắng khi đối đầu với chính đối thủ Iraq tại vòng Tứ kết. Vậy trải qua gần một thập kỷ, phải chăng bóng đá Iraq phát triển quá nhanh khiến chúng ta không theo kịp, hay nền bóng đá nước nhà vẫn đang đứng yên để giờ gặp lại để thắng họ vẫn là điều không tưởng.
Tính đến nay V.League được coi là giải đấu chuyên nghiệp được 15 mùa bóng. Ở buổi tổng kết giải đấu câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất vẫn là câu chuyện về bạo lực sân cỏ, rồi lại cãi nhau đến việc xin – cho điểm trong thi đấu mà thoạt nghe thì cứ ngỡ rằng đó là những câu chuyện vẫn thường diễn ra ở những mùa giải trước.
Đấy là là việc chúng ta chưa bàn đến thành tích thi đấu của các CLB của Việt Nam thi đấu tại hệ thống các giải đấu châu lục. Chuyện này cũng có thể thông cảm vì bao lâu nay, mục tiêu của chúng ta vẫn là câu nói quen thuộc thi đấu là để “cọ xát và học hỏi kinh nghiệm”. Các đội bóng học hỏi như thế nào thì chưa rõ, nhưng cứ nhìn vào thành tích các đại diện Việt Nam khi tham gia AFC Champions League thì NHM lại tự hỏi đến bao giờ các CLB Việt Nam mới có thể vươn ra tầm châu lục.
Nhiều người cho rằng đó là câu chuyện xa vời nhưng chỉ cần nhìn sang đất nước Thái Lan, nhiều người sẽ phải nghĩ lại. Cũng trong khoảng chừng đấy thời gian, giải vô địch quốc gia Thái (Thai premier League) đã phát triển tạo ra một giải VĐQG chất lượng với sự tham gia của 18 đội bóng. Thái Lan luôn có những đại diện có màn thể hiện rất tốt khi thi đấu tại đấu trường châu lục.
Tại mùa giải AFC Champions League 2015, đại diện Thái Lan là Buriam chỉ bị loại khi thua về hiệu số đối đầu, mặc dù họ nằm ở bảng đấu chung với các đối thủ rất mạnh là Gamba Osaka (Nhật Bản) và Seongnam FC (Hàn Quốc). Phải chăng đã đến lúc, V.League phải “ngó” sang xem Thai League làm như thế nào mà lại có được những bước phát triển bền vững như vậy.
Trong khoảng thời gian vừa qua, các chuyên gia bóng đá trong nước và NHM bóng đá Việt Nam xôn xao bàn luận câu chuyện về việc có giữ lại HLV Miura hay không. Nếu như điều này được nói cách đây khoảng một vài tháng thì người ta cho rằng đó là chuyện…hoang đường. Thật đúng là hoang đường vì lúc đó vị HLV người Nhật vẫn được coi là người mang đến những tín hiệu mới để vực dậy cả nền bóng đá, vậy mà chỉ bẵng đi một thời gian ông lại đứng trước nguy cơ bị.. sa thải.
Thôi thì chẳng bàn đến chuyện nên hay không nên sa thải ông Miura nữa. Cái đáng nói ở đây là sự thiếu kiên nhẫn, thiếu tính ổn định trong cách làm bóng đá của chúng ta. HLV Alfred Riedl khi lần đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam năm 1998 đã phải thốt nên rằng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Và trải qua bao nhiêu năm phát triển, bóng đá Việt Nam đã chứng minh được câu nói của vị HLV người Áo là hoàn toàn chính xác.
Những người lãnh đạo Việt Nam cứ mải chạy theo những triết lý để hòng tìm ra được một thứ phù hợp với đội tuyển Quốc gia. Khi nhìn lại công cuộc tìm kiếm HLV thì chỉ có mỗi các vị HLV ở châu Phi là chưa được VFF mời về làm việc. Ngay chính những người lãnh đạo của nền bóng đá cũng đang luẩn quẩn trong việc định hướng phát triển của nền bóng đá thì chẳng biết đến bao giờ chúng ta mới phát triển.
Lại phải nhìn sang người Thái, cách làm bóng đá của họ khác hẳn chúng ta khi có một định hướng phát triển bóng đá rõ ràng. Họ sẵn sàng mời các chuyên gia bóng đá chất lượng, đầu tư hệ thống đào tạo trẻ bài bản, sâu rộng và quan trọng hơn họ biết điều gì là phù hợp với họ. Nhìn sự đồng bộ về lối chơi của các lứa cầu thủ từ giải trẻ đến đội tuyển quốc gia thì mới thấy được nền bóng đã Thái Lan đã hơn hẳn chúng ta một bậc.
Nền bóng đá Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể phát triển. Nhưng chính bản thân của nó cứ ì ạch, đứng yên một chỗ thì vô phương cứu chữa. Thiết nghĩ đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần có một “liều thuốc” để thức tỉnh không thì sẽ quá muộn.
TRỊNH MINH TUYỀN
Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại đây, và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại đây.