Ấn tượng thể thao: Vẻ đẹp của bóng đá vị nghệ thuật
Là một tín đồ cuồng nhiệt và trung thành của “Túc cầu giáo”, tôi cũng như hàng tỉ khán giả hâm mộ môn thể thao vua này đều có một đội bóng, một cầu thủ thần tượng cho riêng mình để ăn ngủ cùng bóng đá, mỗi khi có các giải đấu lớn nhất hành tinh như World Cup hay Euro.
Thậm chí tôi hết lòng cổ vũ cho ngôi sao, hoặc đội bóng thần tượng của mình dù bất cứ nơi đâu họ thi đấu chính thức hay giao hữu.
Tôi vui với chiến thắng của Brazil, đội bóng giàu truyền thống và hào hoa bậc nhất của Thế giới Bóng đá. Kể từ khi còn là cậu bé 14 tuổi trước năm 75, tôi đã thần tượng và ngưỡng mộ tài năng của “Vua Bóng đá” Pele. Qua đó, tôi bắt đầu chú ý và say nắng lối đá cống hiến đẹp mắt mang tính nghệ thuật của Pele cùng các đồng đội của ông như Didi, Vava, Gerson… Đặc biệt, “Thiên tài tật nguyền” Garrincha cũng là một cầu thủ tôi yêu thích nhất sau Pele.
Xứ sở Samba đã gây ấn tượng trong tôi từ đó với 200 triệu dân đều say mê bóng đá đến cuồng tín. Mọi người dân hết thảy đều am tường và yêu thích bóng đá như một phần hơi thở của họ vậy. Vào thời đó, đội tuyển Brazil được ái mộ và yêu mến hết mực do đất nước họ luôn sản sinh ra rất nhiều ngôi sao bóng đá có kỹ thuật siêu hạng, với lối đá bóng “dệt gấm thêu hoa” làm say đắm lòng người. Khi ấy có ý kiến, nhiều khán giả Brazil ca ngợi đội bóng con cưng của họ tận mây xanh. Họ nhận xét Brazil có thể lập ra được hai hoặc ba ĐTQG đủ trình độ để tham dự World Cup.
Mãi cho đến World Cup 1982, lứa cầu thủ ngôi sao như Socrates, Zico, Falcao… được xem là thế hệ vàng của các “Vũ công Samba” sau thời đại huy hoàng của Pele. Mùa Hè năm 1982 trên đất Tây Ban Nha, đội tuyển Vàng Xanh đã trình diễn cho cả thế giới chiêm ngưỡng thế nào là nghệ thuật bóng đá hào hoa, đẹp mắt. Trừ thủ môn Perez kém cỏi như một thủ môn… cấp phường ra, thì 10 cầu thủ Brazil đều thể hiện thứ bóng đá đẹp mắt với đôi chân ma thuật mê hoặc lòng người. Mỗi khi cầu thủ Brazil chạm bóng là khán giả lại phấn khích, say sưa theo từng bước chân “thần thánh” của họ trên sân cỏ.
Tuy nhiên bóng đá cũng như cuộc đời, không phải cứ là đội mạnh, có HLV giỏi như Tele Santana thì lúc nào cũng thắng mọi đối thủ. Brazil giải đấu năm đó gặp phải kỳ phùng địch thủ Italia, đội có lối đá tương phản nhưng hiệu quả với nghệ thuật phòng thủ phản công trứ danh mang tên “Catenaccio”. Nổi bật nhất là trung vệ có lối đá “chém đinh chặt sắt” Gentile, đã góp công cùng ngôi sao trung phong Paolo Rossi hạ gục Brazil với tỉ số 3-2. Một trận đấu giàu cảm xúc với nhiều tình tiết đầy kịch tính. Brazil tuy thua trận nhưng khán giả nhớ mãi lối đá hào hoa của họ, cho dù các chàng trai “Áo màu Thiên thanh” cũng xuất sắc không kém.
Nỗi đau tận cùng của tôi hòa lẫn với 200 triệu dân Brazil cuồng tín về bóng đá lại một lần nữa tái hiện 4 năm sau, tại World Cup 1986 trên đất Mexico. Lần này đội bóng thần tượng của tôi vẫn còn đó các ngôi sao lừng danh thế giới, thậm chí mạnh hơn với trung phong Careca, hậu vệ Branco, tiền vệ phòng ngự Junior… Và đặc biệt Brazil gặp Pháp tại Tứ kết, đội bóng có lối đá tương đồng, đậm chất kỹ thuật hào hoa với “Bộ tứ huyền ảo” Platini, Tigana, Giresse, Fernandez.
Đây mới thật sự là trận đấu kinh điển trong lịch sử bóng đá. Hai đội Pháp và Brazil liên tục cống hiến cho khán giả hâm mộ nhiều pha bóng hay đẹp, lối đá cả hai đều rất mã thượng. Không có một thẻ vàng nào trong trận đấu trên. Điều đó nói lên cái đẹp của nghệ thuật bóng đá đỉnh cao, mà đội nào thua trận cũng đều đem lại nhiều tiếc nuối cho khán giả.
Sự nghiệt ngã của bóng đá một lần nữa đã không buông tha cho… Selecao xứ Samba. Họ thua cay đắng Pháp trên chấm phạt đền luân lưu 11m như một định mệnh. Hai cựu danh thủ Socrates và Zico đều sút hỏng phạt đền tính cho hết trận ác đấu kéo dài 120 phút. Thêm cựu ngôi sao Pháp là Platini sút quả bóng bay thẳng lên trời, như một cầu thủ nghiệp dư. Pháp mừng rỡ nhảy Samba còn điêu luyện hơn toàn đội bóng Brazil. Tôi cùng người dân Brazil và những khán giả hâm mộ không tin vào mắt mình, và tiếc cho họ một lần nữa đi đến tận cùng nỗi đau của kẻ bại trận. Đáng thương nhất là cựu ngôi sao Zico tài ba là thế, nhưng anh như một người hùng mạt vận, tham dự cả ba kỳ World Cup 1978, 1982 và 1986 nhưng chưa một lần vinh dự giơ cao chiếc Cúp Vàng Vô Địch với nụ cười hạnh phúc trên môi, cho dù anh đều tham dự với nhiều đồng đội xuất sắc qua ba giải đấu trên.
Năm lần Vô địch Thế giới, nhưng Brazil cũng nếm trải nhiều thất bại cay đắng, khó quên tại các giải đấu năm 1950, 1982, 1986… Và mới đây nhất tại World Cup 2014 ngay trên sân nhà, họ thảm bại đến 1-7, một tỷ số không thể chấp nhận được đối với toàn thể người dân Brazil luôn khao khát tận hưởng niềm vui bóng đá của kẻ chiến thắng ngoài công việc thường nhật của họ ra.
Khi đã trót yêu và thần tượng đội bóng nào rồi thì khó lòng chọn đội khác trong con tim cháy bỏng, cuồng nhiệt vì quả bóng. Tôi cũng là một cổ động viên trung thành của Brazil giống như thế. Thế hệ vàng thứ hai của “Người ngoài hành tinh” Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo đã đem vinh quang rạng rỡ về cho đất nước họ với chức Vô địch Thế giới lần thứ 5 trên đất Nhật Bản – Hàn Quốc. Cũng cần nhắc đến Romario và Bebeto tại World Cup 1994 tại Mỹ quá xuất sắc, đáng ca ngợi cùng với “Vũ điệu đưa nôi” của Bebeto, gây xúc động lòng người.
Tuy nhiên đối với tôi, thì trận bóng đá Siêu kinh điển giữa Pháp và Brazil mới thật sự tạo nhiều cảm xúc khó quên, và đó mới là thứ bóng đá nghệ thuật, vừa đẹp mắt lại vừa kịch tính đến phút chót. Khi ấy tôi tự hỏi giá mà Zico đá thành công quả phạt đền 11m trong 90 phút thi đấu chính thức khi tỷ số là 1-1, thì chuyện gì sẽ xảy ra đây. Platini và các đồng đội của anh chắc gì đã thắng được Brazil? Và cú sút của một cầu thủ Pháp đừng trúng cột dọc đập vào lưng của thủ môn Carlos, rồi lại văng vào lưới, hoặc giả chàng thủ môn tội nghiệp này bay người đón sai hướng bóng thì chắc gì Brazil gặp lại cơn ác mộng của 4 năm về trước.
Nhưng bóng đá là vậy. Nó không chiều theo lòng người cho dù đội bóng thần tượng của bạn có nhiều ngôi sao xuất sắc, có HLV tài ba đi chăng nữa. Bóng đá có kẻ thắng, người thua với nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn người xem như vở bi hài kịch. Bóng đá đem lại niềm vui, nỗi buồn cho nhân loại vì nó chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc như đời thường luôn chất chứa: hỉ, nộ, ái, ố. Và đội bóng Brazil thân yêu của tôi là như thế đó. Vinh quang xen lẫn tủi nhục, chiến thắng song hành cùng thất bại. Nhưng tôi luôn yêu họ, “Vũ công Samba” tài hoa dù họ chiến thắng hay thất bại vì đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật bóng đá đỉnh cao. Họ đã tạo cảm xúc mạnh mẽ trong lòng khán giả mộ điệu. Mà cảm xúc bao giờ cũng đẹp, dù nó thành công hay thất bại.
NGUYỄN HOÀNG THẢO
Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại đây, và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại đây.