Hoàng Quý Phước thảm bại tại giải VĐTG 2015: “Đi tong” chuyến xuất ngoại tiền tỷ

Sau giải VĐTG, Phước sẽ trở về nước để chữa trị dứt điểm chấn thương lưng và chia tay địa điểm tập huấn tại Nhật Bản. Chuyến xuất ngoại tập huấn tốn kém 1,6 tỷ đồng của kình ngư Đà Nẵng coi như lại công cốc.

Phớt lờ cảnh báo
Khi Phước lên đường sang Nhật Bản tập huấn vào đầu năm 2015, giới chuyên môn đã kỳ vọng vào một bước đột phá mới của tài năng 22 tuổi này. Ngoài lý do môn bơi của Nhật Bản phát triển hàng đầu thế giới với sự chuyên nghiệp và khả năng đào tạo cao, còn bởi những người có trách nhiệm và bản thân Phước đã có đủ kinh nghiệm cho thành công, sau nhiều cú vấp.

Hoàng Quý Phước thảm bại tại giải VĐTG 2015: “Đi tong” chuyến xuất ngoại tiền tỷ
Kình ngư tài năng Hoàng Qúy Phước lại kết thúc dang dở chuyến tập huấn tại Nhật Bản

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng loạt các dấu hỏi xuất hiện xung quanh chuyến tập huấn của Phước, từ chất lượng CLB, đẳng cấp chuyên gia cho đến phương thức tập luyện, sinh hoạt. Trong đó, đáng nói nhất Phước không có một HLV nội theo kèm. Anh gần như phải tự lo cho mình, kể cả chuyện đi chợ nấu ăn.

Khi đó, tất cả những thông tin mang tính cảnh báo, thậm chí cả đề xuất kiến nghị từ người trong cuộc đều bị bỏ qua. Tấm HCV cùng kỷ lục mà Phước giành được tại SEA Games 28 càng khiến ngành thể thao mặc nhiên cho rằng chuyến tập huấn này đang có hiệu quả cao.

Chỉ Phước phải trả giá đắt
Từ những gì phơi bày tại giải VĐTG, người ta mới giật mình vì hóa ra mọi chuyện với Phước đang vô cùng tồi tệ. Nó không chỉ thể hiện ở thành tích tụt dốc thảm hại của tài năng này ở cả 2 nội dung sở trường 100m và 200m tự do mà còn ở tình trạng chấn thương lưng tái phát trước SEA Games ngày một nặng, cùng thực tế khó tin phía sau chuyến tập huấn tiền tỷ trên đất Nhật. Đó là việc suốt nhiều tháng nay, anh chủ yếu chỉ tập kỹ thuật và tập tĩnh, với các đối thủ cọ xát quá yếu. Phước cũng hoàn toàn bất lực trong việc tự lo sinh hoạt, ăn uống cho mình mà như anh thừa nhận điều đó đã ảnh hưởng lớn đến chuyện tập luyện.

Chính Phước đã chủ động báo cáo đầy đủ, cũng như từng vài lần đề xuất xin được về nước, song không hiểu sao không hề được xem xét.

Và giờ, chỉ có anh đang phải trả giá quá đắt với tình trạng chấn thương, thể lực và phong độ tồi tệ, cùng tâm lý bất ổn.

Lại sửa sai và ứng phó?
Mãi đến lúc sự thật đã quá rõ, ngành thể thao và đơn vị chủ quản Đà Nẵng mới vào cuộc, với những quyết định nhanh hiếm thấy. Theo đó, ngay sau giải VĐTG, Phước sẽ về nước để tập trung điều trị dứt điểm chấn thương lưng. Anh cũng sẽ chuyển sang địa điểm tập luyện mới thay vì CLB cũ tại Nhật Bản. Trong đợt tập huấn mới, Phước sẽ có một HLV đi cùng hỗ trợ, chăm lo vòng ngoài giống như mô hình HLV Đặng Anh Tuấn với Nguyễn Thị Ánh Viên.

Có thể coi như các nhà quản lý của bơi Việt Nam đã thừa nhận mình sai, và giờ lại sửa sai theo kiểu ứng phó. Đó là cái sai rất lớn và rất sơ đẳng, xuất phát từ một cách làm hời hợt, chủ quan, duy ý chí, cả về mặt chuẩn bị lẫn tổ chức thực hiện.

Đơn giản nhất, với một kình ngư như Phước mang đầy đủ những đặc điểm của tuyển thủ Việt, chưa thể có khả năng một mình tự lo toàn bộ trong các chuyến xuất ngoại tập huấn mà không cần HLV đảm bảo theo kèm.

Sỹ Minh

Đây đã là chuyến xuất ngoại tập huấn thứ 2 bị đổ bể của kình ngư tài năng Hoàng Quý Phước. Lần trước là chuyến đi Mỹ cùng đợt với Ánh Viên hồi đầu 2012 với kinh phí 1,1 tỷ đồng từng gây thất vọng tràn trề, khi anh đã phải trở về nước chỉ sau mấy tháng. Nguyên nhân cụ thể có khác song gốc rễ vẫn nằm ở sự chuẩn bị và phương thức yếu kém, bị động. Từ các nhà quản lý môn bơi đến chính thầy trò Phước thời điểm ấy đều thể hiện sự nghiệp dư, non nớt. Có lẽ cú vấp trên đất Mỹ chính là thất bại đau nhất của Phước cũng như cả bơi Việt Nam bởi nó đã khiến cho sự nghiệp của tài năng đặc biệt này rẽ hẳn sang hướng khác. Phước đã đánh mất cơ hội để vươn ra khỏi tầm mức SEA Games.