Khi ngành thể thao tự “chặt” tay chân

Thực tế đầy bức bách hiện tại của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao có trách nhiệm lớn

Thực tế đầy bức bách hiện tại của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao có trách nhiệm lớn từ cơ quan quản lý Nhà nước. Ngành thể thao đang vừa gồng mình ra bao cấp, vừa “chặt” mất khả năng tự chủ của các Liên đoàn – Hiệp hội.

anh251111

Cái gì cũng lo thay, làm thay

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, hầu hết các Liên đoàn – Hiệp hội hiện tại mới chỉ “tự chủ” một số mảng việc liên quan đến hành chính, như giao dịch quốc tế, ban hành điều lệ các giải đấu, công nhận đẳng cấp VĐV, kỷ lục.

Còn lại tất cả đều do ngành thể thao quyết định và bao cấp, từ các vấn đề lớn như kinh phí tập huấn thi đấu nước ngoài, tổ chức giải, thành lập ĐTQG đến những việc tưởng như rất lạ, như niên liễm quốc tế của chính những tổ chức này.

Cũng có một số Liên đoàn – Hiệp hội, ở các mức độ khác nhau, đã vươn lên tự chủ, nổi bật là Bóng đá, tiếp đến có Bóng chuyền, Cầu lông. Chỉ có điều, những bước chuyển đó đều xuất phát từ nội lực của họ, hoàn toàn mang tính tự phát, không có dấu ấn gì của việc tổ chức, chuyển giao như đáng ra phải thế.

Về cơ bản, hoạt động lớn nhỏ vẫn cứ ngành thể thao tự lo, tự làm, trong bối cảnh nguồn kinh phí được cấp quá hạn hẹp, và ngày càng không đáp ứng được đòi hỏi. Năm nào, các nhà quản lý cũng đau đầu nhức óc trong việc phân bổ nguồn kinh phí bao cấp hạn hẹp, và rồi cũng chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu tối thiểu của mỗi môn.

Tự “chặt” đường xã hội hóa

Những người có trách nhiệm luôn kêu khó, nào là những rang buộc lịch sử, điều kiện khó khăn về nhiều mặt của ngành thể thao cùng chính các Liên đoàn – Hiệp hội để biện hộ cho mối quan hệ chồng chéo, sự tồn tại vất vưởng kéo dài của các tổ chức này.

Khổ nỗi, với đa số các Liên đoàn – Hiệp hội, sự tụ chủ này không phải tự nhiên có sẵn, mà chỉ có thể có được với điều kiện xây dựng lại từ đầu, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của ngành. Không thể đòi hỏi một tổ chức từ Chủ tịch tới Tổng thư ký, hay văn phòng với 1 – 2 nhân viên đều hoạt động kiêm nhiệm theo kiểu “làm thêm”. Gần như không có dấu ấn của tổ chức nhân sự, tài chính; thiếu các quy chế cần thiết, nhiều Liên đoàn – Hiệp hội chỉ “xin” được tài trợ cho các giải đấu, và trả lương nhân viên đã có thể coi là… hoàn thành nhiệm vụ.

Ở đây, cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể hiện được vai trò cầm trịch trong việc tổ chức, hỗ trợ, chuyển giao quyền tác nghiệp, sự tự chủ cho các Liên đoàn – Hiệp hội, mà cứ mãi “nửa nắm nửa buông” như bấy lâu nay. Trong đó, sự phân cấp các tổ chức căn cứ vào điều kiện, đặc điểm, khả năng thực tế để áp dụng cho từng môn đã được đặt ra với một đề án khởi động từ năm 2007 nhưng đến giờ vẫn nằm trên giấy.

Bên cạnh cái yếu tự thân của các Liên đoàn – Hiệp hội, người ta còn thấy trách nhiệm rất lớn của ngành thể thao với cách nghĩ cách làm giống như đang “chặt” đường xã hội hóa. Bài toán kinh phí và phát triển  của TTVN sẽ không có lời giải nếu như các “hạt nhân” xã hội hóa là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vẫn bế tắc.

Khi hàng loạt môn khác luôn “đau đầu” với chuyện phân bổ kinh phí tập huấn thi đấu quốc tế trong năm, thì Bóng chuyền và Cầu lông lại rất thảnh thơi. Đơn giản vì Liên đoàn của 2 môn này đã đảm bảo nguồn kinh phí tài trợ hàng chục tỷ đồng mỗi năm để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu hoạt động, thay vì phải khổ sở với khoản bao cấp năm nào cũng chỉ 50.000 – 60.000 USD. Riêng với Bóng đá, VFF có thể coi như một trường hợp ngoại lệ, vì ngành thể thao đã không còn phải lo lắng gì đến các hoạt động tác nghiệp.

HÀ THẢO

Bình luận (0)