Man Utd & Louis van Gaal: Rơi mặt nạ, ra… mặt mẹt

Chiếc mặt nạ của đội đầu bảng sau 7 vòng đầu, Man Utd, đã bị gỡ bỏ chỉ sau 20 phút đầu tiên ở sân Emirates, trước hàng nghìn bộ mặt thật ngao ngán của những CĐV “Quỷ đỏ” đã tới London cổ vũ và tốn 64 bảng mua vé vào sân.

Chậm là… chết!

“Hãy chắc chắn rằng chúng ta khởi đầu đầy tốc độ, nhảy bổ vào mặt họ và không cho họ khoảng trống để chuyền bóng”. Nếu Van Gaal muốn Man Utd “bóp” chết Arsenal bằng lối chơi áp sát, tốc độ cao, thì rốt cuộc chính “Quỷ đỏ” gục ngã ở Emirates chỉ sau 20 phút – khoảng thời gian chiếc mặt nạ của đội “vô địch 7 vòng đầu” bị “Pháo thủ” xé bỏ với lối chơi đầy năng lượng ở tốc độ chóng mặt.

Rơi mặt nạ, ra... mặt mẹt

Phía sau chiếc mặt nạ ấy, gương mặt thật của Man Utd xám xịt vì ngộp thở do không chạy theo nổi những bước chân của Bellerin, Sanchez, Walcott, đặc biệt ở 2 vị trí hậu vệ cánh. Rõ ràng, việc Luke Shaw chấn thương không để lại “di chứng” quá nặng nề. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng khi Van Gaal bối rối với những phương án tưởng như đảm bảo (Darmian), hay thay thế bất đắc dĩ (Valencia, Young) và kể cả lựa chọn hợp lý mà ông bỏ qua (Blind).

Trước Arsenal, hai cánh Man Utd tê liệt như bị điện giật vì tốc độ của đối thủ, để rồi từ đó chính những Sanchez hay Oezil mới nhảy bổ vào mặt các trung vệ “Quỷ đỏ” ung dung ghi bàn, buộc đội bóng của Van Gaal nhận thất bại ê chề nhất từ đầu mùa và gỡ bỏ thứ ảo tưởng về một hệ thống phòng ngự chắc chắn đã giữ sạch lưới 4/7 vòng trước đó. Nhưng đấy chưa phải nét nhem nhuốc duy nhất trên gương mặt thật Man Utd.

Vết nhem trên mặt thật

Một “vết bẩn” khác đó là vị trí cặp tiền vệ trung tâm. Khi Van Gaal đưa về Schweinsteiger – Schneiderlin, NHM đã nghĩ đến việc tuyến giữa “Quỷ đỏ” được gia cố chắc chắn và áp lực trút lên vai một Carrick ngày càng già cỗi cũng như khoảng trống mênh mông Paul Scholes để lại từ lâu, sẽ được xóa bỏ. Nhưng từ suy nghĩ đến việc “ghép hình” một cặp đôi hoàn hảo cách nhau rất xa.

Bộ đôi với tuổi đời lên tới 65 năm: Carrick – Schweini mà Van Gaal lựa chọn cuối tuần qua đã thất bại thảm hại. Họ chậm chạp, kém cơ động, thiếu sức mạnh, không hiệu quả trong hỗ trợ phòng ngự chứ đừng nói đến giúp cho đội nhà duy trì nhịp điệu hay tham gia tấn công. Một Schneiderlin trẻ trung hơn có thể đã giúp Man Utd tránh được thảm kịch sớm sụp đổ. Nhưng đấy chỉ là giả thuyết. Van Gaal thừa thông minh để biết ông nên chọn ai và gạt ai, đặc biệt trong một trận đánh lớn.

Vậy nên thất bại này khó mà đổ thừa cho việc thiếu vắng ai đó mà đấy là hệ quả tất yếu sớm muộn cũng xảy đến nếu nhìn lại hành trình không thuyết phục của Man Utd suốt từ đầu mùa.

Rơi mặt nạ, ra thất bại?

Rõ ràng, dù trải qua tháng 09 với 5 chiến thắng/6 trận ở mọi đấu trường thì phong độ, sự ổn định và sức mạnh thật sự của Man Utd vẫn bị đặt dấu hỏi một khi xét lại màn trình diễn suốt từ đầu mùa. “Quỷ đỏ” khởi đầu ì ạch với trận thắng may mắn trước Tottenham. Đó là thực tế mà những ai từng mơ mộng sau khi Louis van Gaal trong mùa thứ 2 ở Old Trafford đã “nướng” tổng cộng 250 triệu bảng vào TTCN để nâng cấp đội hình, cần phải nhìn vào. Sự thật, dù những chiến thắng đến nhiều hơn (9/13 trận mùa này) so với cùng kỳ mùa trước (5/13 trận), thì nó có điểm chung: Man Utd khởi đầu chậm chạp và chiến tích ghi dấu cá nhân rõ hơn là thành quả của một cỗ máy hoạt động hiệu quả, trơn tru, trong một công thức hợp lý. Nói cách khác, như cây viết Kris Voakes, điểm số Man Utd đã có giống như… “ăn cắp” (Steal) được, hơn là thu về sau khi thể hiện một triết lý, phong cách (Style) rõ rệt. Và đó không phải sự bền vững.

Giờ Man Utd có 2 tuần nghỉ và nếu báo giới đang xoáy vào chiếc ghế HLV trưởng Liverpool thì sức ép với thầy trò Van Gaal cũng phần nào hạ nhiệt. Nhưng hay nhớ sau loạt trận ĐTQG, Man Utd phải chơi 5 trận trong 14 ngày cuối tháng 10, với guồng quay Champions League khốc liệt (làm khách ở đất Nga, CSKA), một trận derby Manchester mà “Quỷ đỏ” đang lép vế. Và sớm thôi, ở vòng tới, nếu chưa thể quên thất bại 0-3 trước Arsenal thì chuyến hành quân tới Goodison Park sẽ giúp thầy trò Van Gaal nhớ lại trận thua Everton… 0-3 cách đây 5 tháng rưỡi. Vẫn chưa lâu đâu…

Lương Anh

Man Utd phải đợi 110 tuần mới bước lên đỉnh Premier League. Tuy nhiên, họ cũng chỉ trụ đúng 1 tuần và giờ phải trả lại vị trí số 1 cho Man City. Trước đó, lần gần nhất Man Utd “lên đỉnh” là ở vòng 1 mùa 2013/14, khi triều đại David Moyes đánh dấu bằng trận thắng Swansea 4-1. Tuy nhiên, chỉ sau 24h, cũng chính là Man City đã chiếm lấy ngôi số 1 khi hạ Newcastle 4-0. Điều trùng hợp là cuối tuần qua Man Xanh cũng hạ Newcastle để trở lại dẫn đầu.

Muối mặt Man Utd

Lần đầu tiên thủng lưới tới 3 quả sau 20 phút đầu trong lịch sử Premier League. Nhưng ít nhất Man Utd có thể tự an ủi rằng thất bại 0-3 trước Arsenal còn ít… ê chề bằng những thảm họa dưới đây.

1. Newcastle – Man Utd: 5-0 (20/10/1996)

“Chích chòe” trả hận cho việc thất bại khi cạnh tranh Cúp VĐ mùa trước bằng cú vùi dập “Quỷ đỏ”.

2. Man Utd – Man City: 1-6 (23/10/2011)

Lần đầu tiên Man Utd thủng lưới tới 6 bàn/trận ở Old Trafford, trong thất bại mà Sir Alex mô tả là “kinh khủng nhất trong sự nghiệp”.

3. Southampton – Man Utd: 6-3 (26/10/1996)

Roy Keane bị đuổi, TM Schmeichel trở thành “gã hề” và Man Utd trải qua 90 phút đen tối như chiếc áo xám xấu xí họ mặc.

4. Chelsea – Man Utd: 5-0 (03/10/2000)

Trải qua 27 trận bất bại trước đó, nhưng Man Utd dễ dàng sụp đổ ở Stamford Bridge ngay từ giây thứ 27.

5. Leicester – Man Utd: 5-3 (21/09/14)

Bị tân binh Leicester cho bẽ mặt. Lần đầu tiên sau 30 năm Man Utd mới lại thất bại sau khi dẫn 2 bàn.

BLV Quang Huy: Van Gaal lỗi thời rồi!

Man Utd: Bỏ “đống tiền”, hốt muộn phiền

Man Utd “chết” vì Rooney

Man Utd: Thầy “rắn”, trò… nhát