Nghịch lý của bóng chuyền Việt Nam: 100 tỷ & 1 giải đấu vài trận

Theo ước tính, tổng kinh phí hoạt động của 24 đội bóng nam, nữ dự tranh giải VĐQG mỗi năm lên tới trên 100 tỷ đồng. Nhưng, giải đấu trăm tỷ ấy chỉ có vài trận đáng xem, không tạo nên một ĐTQG mạnh.

Có 4-5 tỷ mới “nuôi” được 1 đội

Kể từ 2004, thời điểm chỉ khoảng 2 tỷ hay thậm chí 1 tỷ  mỗi năm, chi phí cho 1 CLB dự giải VĐQG giờ đã tăng vọt, với mức trung bình 4-5 tỷ đồng. Tính sơ bộ, tổng kinh phí của 24 đội nam, nữ cũng đã trên 100 tỷ đồng.

100 tỷ & 1 giải đấu vài trận

Đáng chú ý, một số đại diện theo mô hình mới như Đức Long Gia Lai, Sanest Khánh Hòa (nam) hay Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam (nữ) đã chi tới trên dưới 10 tỷ đồng. Trong khi đó, một vài đại diện của các địa phương khó khăn hay thuộc quân đội, như Than Quảng Ninh, Giấy Bãi Bằng (nữ) hay Quân khu 9, Quân đoàn 4 (nam) với 1,5-2 tỷ đồng. Còn diện phổ biến nhất vẫn là những đội ở khoảng  4-5-6 tỷ đồng, một mức  được đánh giá có thể đáp ứng tương đối tốt nhu cầu thực tế.

Con số trên 100 tỷ đồng ấy chính là thành quả của quá trình xã hội hóa, khi nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ, nhận nuôi, hay kể cả thành lập CLB riêng. Nó cũng phần nào thúc đẩy các địa phương, đơn vị đang có đội bóng cũng phải thay đổi theo. Cao điểm, từng có nhiều giải, có tới 23/24 đội (trừ nữ Quảng Ninh) đều có đối tác hậu thuẫn.

Thu nhập cầu thủ tăng gấp 3

Với nguồn kinh phí nâng cao, các đội đã có điều kiện tốt hơn nhiều để đầu tư về lực lượng, tập huấn thi đấu, chế độ đãi ngộ. Và một sự đột phá có thể thấy rõ chính là mặt bằng chung thu nhập của các cầu thủ, rõ nhất với trụ cột của các đội gắn với các doanh nghiệp, đã tăng tới 3 lần.

Nghịch lý của bóng chuyền Việt Nam: 100 tỷ & 1 giải đấu vài trận

10 năm trước, thu nhập trung bình của họ mới 2-3 triệu đồng/tháng, đến nay mức 7-8 triệu đồng đã quá bình thường. Có tới quá nửa đội hình tranh tài tại giải VĐQG đạt tới trên dưới 10 triệu đồng. Mức trung bình mà các cầu thủ của nữ Bình Điền Long An, hay nam Sanest Khánh Hòa đã gần 15 triệu đồng. Một vài ngôi sao như Ngọc Hoa, Văn Kiều, Hữu Hà còn nhận 20 triệu đồng. Chưa kể cũng nhờ sự đổi mới từ các nguồn lực xã hội, nhiều cầu thủ được chuyển nhượng CLB, nhận tiền lót tay từ trăm triệu cho tới cả tỷ đồng. Các gương mặt xuất sắc còn được hỗ trợ vài triệu đồng/tháng khi lên làm nhiệm vụ ở ĐTQG.
Nghịch lý giải VĐQG vài trận

Như một nghịch lý kéo dài, hầu hết các CLB không còn phải lo thiếu tiền, một số đã thuộc diện rủng rỉnh song chất lượng của giải VĐQG lại giậm chân tại chỗ, và ngày càng bết bát.

Lý do một phần, như Thể thao 24h từng đề cập, xuất phát từ chính việc duy trì quy mô “hoành tráng” 12 đội nam, 12 đội nữ cùng cách thức tổ chức 2 vòng đấu, với khoảng cách thời gian quá xa. Trong đó, sự chênh lệch quá lớn về trình độ đã khiến cho giải chỉ có vài trận đáng xem, không tạo ra động lực, tính cạnh tranh cần thiết cho cả nhóm mạnh lẫn nhóm yếu.

Tuy nhiên nguyên nhân quyết định, dù kinh phí đã đảm bảo, các CLB vẫn không quan tâm tập trung gì cho mảng đào tạo trẻ, nếu có cũng chỉ ứng phó theo kiểu được chăng hay chớ. Số đội thực sự đang làm trẻ có thể đếm được trên đầu ngón tay, mà đúng nghĩa chỉ đúng 3 “lò” Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An (nữ) và Thể Công Binh Đoàn 15 . Vì thế, cả làng bóng chuyền đã rơi vào một cuộc khủng hoảng cầu thủ nghiêm trọng. Nó càng bế tắc bởi suốt một thời gian dài, các nhà quản lý của môn bóng chuyền cũng không có chiến lược dài hạn, hay biện pháp tức thời để “cứu vãn”.

Bóng chuyền Việt Nam thiếu hụt cầu thủ chất lượng đến nỗi chỉ một gương mặt trẻ loại khá vừa mới vào ĐT trẻ đã được “hét” giá chuyển nhượng 1 tỷ đồng. ĐTQG nữ vừa thua đau U.23 Thái Lan ở bán kết giải quốc tế mời VTV Cup cũng do quá phụ thuộc vào cá nhân Ngọc Hoa và sự khác biệt về trình độ giữa đội hình chính với dự bị. Và ngay cả các tuyển thủ dự bị ấy cũng lại là Ngọc Hoa của CLB mình. 

HÀ THẢO