Nghịch lý tiền thưởng SEA Games 28 của thể thao Hà Nội
Tại SEA Games 2015, Hà Nội với 97 tuyển thủ đã mang về 68 huy chương, đóng góp tới 35% tổng thành tích của TTVN. Thế nhưng số tiền thưởng mà họ nhận được chưa đến 300 triệu đồng, kém cả 2 VĐV giành HCV của Thái Bình.
Với các VĐV Hà Nội lâu nay, mỗi lần dự tổng kết, khen thưởng thành tích sau các sự kiện lớn, bên cạnh niềm vui và tự hào còn là sự chạnh lòng. Đơn giản vì mức tiền thưởng quá thấp, thấp đến mức khó tin so với mặt bằng chung cả nước, cũng như vị thế của một trung tâm hàng đầu.
Và những gì họ nhận được cho thành quả giành tới 68 huy chương (25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ), chiếm tới 35% tổng thành tích của cả TTVN, vẫn không có gì khác. Mức thưởng lần lượt cho HCV, HCB, HCĐ chỉ là 6 triệu, 4 triệu, 2 triệu đồng – giống như cách đây cả chục năm.
Với mức thưởng bèo bọt này, quả thật các VĐV xuất sắc của Thủ đô không tủi thân và bức xúc mới lạ. Bởi nó không tương xứng với công sức và giá trị của những tấm huy chương, nhất là đặt trong sự so sánh khó tránh khỏi với các địa phương khác. Chính xác hơn, nó chỉ cho thấy sự bất công mà những “lao động” trực tiếp của thể thao Hà Nội đã phải gánh chịu quá lâu.
Đà Nẵng đang bị kêu ca rất nhiều về tình trạng tụt hậu trong chế độ chính sách vẫn thưởng cho mỗi tấm HCV SEA Games là 15 triệu đồng, gần gấp 3 lần của Hà Nội. TP.HCM cũng đông quân, giàu chiến tích song cũng thưởng theo đúng mức của nhà nước với 45 triệu đồng/1 HCV, gần gấp 8 lần của Hà Nội.
Chưa kể, sự chênh lệch về thưởng giữa Hà Nội với một số địa phương có huy chương, đơn cử như Thái Bình, còn lớn hơn nhiều. Thái Bình thưởng 80,5 triệu đồng cho 1 HCV. Chỉ một bộ đôi môn rowing Phạm Thị Thảo – Tạ Thị Huyền đã lĩnh tới 322 triệu đồng khi cùng nhau giành 2 tấm HCV trên đất Singapore. Có nghĩa là số tiền thưởng của riêng 2 nhà vô địch Thái Bình đã hơn cả tổng mức mà 97 VĐV Hà Nội có được.
Điều đáng buồn, vấn đề tiền thưởng của thể thao Hà Nội giờ đã giống như một câu chuyện ”biết rồi khổ lắm nói mãi”. Càng nghịch lý bởi tổng kinh phí, chế độ tập huấn thi đấu, trang thiết bị dụng cụ, thể thao Hà Nội đang vượt trội cả nước song riêng mức thưởng lại quá tụt hậu.
Sự thua thiệt của các VĐV Hà Nội không phải do thiếu tiền hay lãnh đạo thiếu quan tâm mà suy cho cùng ở chính vai trò tham mưu của ngành thể thao thành phố. Người ta không thể hiểu tại sao, đến giờ mức thưởng thành tích của Hà Nội vẫn áp dụng theo quy định áp dụng từ SEA Games 2003.
Ai cũng bảo VĐV Hà Nội oách và sướng mà chỉ cần cái “mác” quân của thể thao Thủ đô đã đủ để quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hết mình. Tuy nhiên, chỉ từ chuyện thưởng thành tích cũng đã thấy, dường như điều đó chỉ đúng về mặt tinh thần.
HÀ THẢO