TTVN ngày càng tụt hậu so với Thái Lan: Taekwondo “cúi đầu”

Sự khác biệt giữa hai nền thể thao được kết đọng ở taekwondo, môn mà Việt Nam đánh mất vị thế hàng đầu châu Á, vô đối Đông Nam Á vào tay Thái Lan. Nếu người Thái giờ luôn có huy chương Olympic, HCV ASIAD thì Việt Nam giậm chân ở “hội làng”.

Việt Nam vượt trước 2 thập kỷ

Taekwondo Việt Nam từng là mẫu hình thành công của cả thể thao Đông Nam Á với tư duy cùng cách làm “đón đầu” vượt trước các nước khu vực đến 2 thập kỷ. Ngay từ những năm đầu 1990 rồi trong cả một thời gian dài, người Thái không thể mơ có được một phong trào sâu rộng trong khắp cả nước, một lực lượng võ sỹ đỉnh cao tài năng, liên tục được bổ sung, và nhất là một mối quan hệ đặc biệt với “cái nôi” Hàn Quốc như Việt Nam. Hiếm nơi nào nhận được sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả từ Hàn Quốc đến thế, từ mảng đào tạo tập huấn VĐV, việc cập nhật luật lệ, thông tin giải đấu cho đến những thuận lợi không tên song vô cùng quan trọng khác. Riêng ĐTQG được dẫn dắt bởi một số chuyên gia giỏi nhất, có các chuyến tập huấn ở xứ sở Kim chi với ưu tiên cao nhất.

Taekwondo “cúi đầu”

Khi mà cả khu vực ĐNÁ còn loay hoay, taekwondo Việt Nam đã sớm vươn tới đỉnh cao châu lục và thế giới.

Tại ASIAD 1994, Việt Nam đã đoạt 1 HCV, rồi sau đó 6 năm có tấm HCB Olympic lịch sử của nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân. Khi ấy, Thái Lan chỉ dự tranh ASIAD theo kiểu góp mặt cho có, đứng hạng 4-5 tại SEA Games, phải nỗ lực và may lắm mới có HCV.

Thua thảm chỉ sau 4 năm

Chính nhờ sự vượt trước cùng thành tích sáng giá, taekwondo mặc nhiên giành vị thế môn số 1 của TTVN với sự nhìn nhận, đầu tư luôn khác hẳn các môn khác. Phần nào đó, ngành thể thao đã phụ thuộc cả vào môn này, với sự tin tưởng tuyệt đối về khả năng có thể đều đặn mang về những chiến tích quốc tế xuất sắc, nhất là huy chương Olympic.

Thực tế, taekwondo Việt Nam có đủ điều kiện, tiềm năng, truyền thống để tiếp tục nâng tầm. Chỉ có điều, sau kỳ tích HCB Olympic 2000, các nhà quản lý huấn luyện đã ngủ quên trên chiến thắng, lập tức rơi vào sự chủ quan và thụ động. Họ đã duy trì cách nghĩ, cách làm cũ kỹ của thời kỳ đầu, trông cả vào mối quan hệ với Hàn Quốc và nền tảng phong trào sẵn có.

Trong khi đó, làng taekwondo quốc tế thay đổi rất nhanh sau khi môn này được đưa vào chương trình Olympic. Hàng loạt nước tích cực gây dựng phát triển taekwondo và đầu tư tài chính mạnh mẽ. Thái Lan – trước đó chỉ cầm chừng – đã tập trung đầu tư, với quyết tâm cao độ cùng nguồn lực kinh phí lớn. Khác với Việt Nam chỉ còn nhận được sự hỗ trợ vừa phải, mang nặng tính thời vụ từ Hàn Quốc, người Thái đã chủ động tìm kiếm và thuê được một số chuyên gia giỏi nhất xứ Hàn. Các chuyên gia đều từng vô địch thế giới, dày dạn kinh nghiệm huấn luyện này đã sang làm việc dài hạn, đào tạo nên một lứa võ sỹ mới (chủ yếu ở một số hạng cân nhỏ của nữ), theo đúng tiêu chuẩn, quy trình đỉnh cao của Hàn Quốc.

Chỉ sau 4 năm (năm 2008),  Thái Lan đã qua mặt Việt Nam để bước lên đỉnh cao, với thành quả còn vượt xa thời hoàng kim của “cường quốc” ngày nào. Nếu Việt Nam trắng tay tại Olympic, người Thái lại giành HCB 2 kỳ Olympic gần đây. Họ cũng giành 2 HCV ở ASIAD 2010, 1 HCV ở ASIAD 2014, còn Việt Nam không có thêm một lần đăng quang kể từ năm 1998.

Hà Thảo

Thất bại đau của taekwondo Việt Nam trước người Thái không chỉ do đối thủ đã có bước đột phá ngoạn mục mà chủ yếu bởi sự tự thua, đánh mất mình xuất phát từ cách nghĩ, cách làm cũ kỹ trong suốt 2 thập kỷ. Bên cạnh đó, có một số môn, điển hình như bóng chuyền nữ đã thua kém và sợ hãi Thái Lan đến mức không làm gì nổi. Trên thế giới, không thể tìm thấy ở một cuộc đấu nào theo thể thức một Đại hội lại có một đội 8 lần liên tiếp thua một cùng một đối thủ như bi kịch của bóng chuyền nữ Việt Nam trước Thái Lan.