Vén màn bí mật những vụ chuyển nhượng "bom tấn"

Bí mật của những phi vụ chuyển nhượng đình đám trong vài năm qua đang dần được hé lộ với công chúng khi chi tiết những bản hợp đồng liên tục được tuồn lên các trang mạng.

Gareth Bale tới Real Madrid là bản hợp đồng kỉ lục trong lịch sử bóng đá. Manchester City thực tế chi nhiều hơn 11 triệu bảng so với mức giá công bố để có được hậu vệ người Pháp Eliaquim Mangala. Monaco tiêu tốn 37 triệu bảng để mua Radamel Falcao, người sau đó trở thành gánh nặng cho cả Manchester United lẫn Chelsea. Và Man Utd phải trả cho Anthony Martial số tiền cao hơn 36 triệu bảng rất nhiều dựa trên những điều khoản phụ trong hợp đồng.

Anthony Martial

Những thông tin trên, và hơn thế nữa, được công bố trên trang web Football Leaks. Nó phá vỡ hoàn toàn sự im lặng của TTCN mùa đông cũng như phơi bày những bí mật mà các CLB muốn che giấu bấy lâu nay. Người hâm mộ tỏ ra thích thú trong khi ban lãnh đạo, cầu thủ và những nhà môi giới đang rất tức giận trước việc rò rỉ thông tin.

Football Leaks, được mệnh danh là WikiLeaks của bóng đá, chuyên tiết lộ bí mật và những phi vụ mờ ám của thế giới bóng đá. Football Leaks tự miêu tả mình là “một tổ chức hướng về sự thật, tin tưởng rằng sự thật chỉ có thể được hé mở thông qua áp lực từ công chúng."

Lấy ví dụ khi Bale chuyển tới Real. Điều khoản trong bản hợp đồng giữa Real và Bale không cho phép Tottenham tiết lộ mức phí thỏa thuận giữa hai bên. Real cũng được yêu cầu phải đảm bảo ngôi sao xứ Wales “không quay lại nói xấu Tottenham, vị chủ tịch cũng như BLĐ của CLB.” Đó là những điều khoản khá bất thường.

Gareth Bale

Với các đội bóng ở NHA, những bản hợp đồng gần đây còn yêu cầu CLB bán phải xác nhận cầu thủ của họ không có tiền sử phạm tội, không sử dụng doping và chưa từng bỏ qua bài xét nghiệm chất cấm nào. Điều đó cho thấy doping đang trở thành vấn nạn ở những giải đấu thuộc quốc gia khác.

Dễ dàng nhận thấy mức giá mà các CLB ở NHA trả cho các tân binh thường không hợp lí, đôi khi là quá cao so với năng lực thật của họ. Có lẽ đó là những động thái nhằm thuyết phục và trấn an các CĐV rằng CLB đã có một sự bổ sung chất lượng.

Động cơ của Football Leaks vẫn còn là một dấu hỏi. Dưới sự phản ứng mạnh mẽ từ các đội bóng ở Bồ Đào Nha, nơi Football Leaks hiện đang hoạt động, trang web này đã bị cảnh sát liệt vào danh sách các “tổ chức tội phạm quốc tế”. Trước tình hình đó, Football Leaks phát biểu rằng mục đích của tổ chức là phơi bày sự chi phối của bên thứ ba – hành động phạm pháp theo luật của FIFA. Theo đó, nhiều tài liệu chuyển nhượng cho thấy quyền lợi của những cầu thủ được rao bán nằm trong tay của các công ty như Doyen Group.

Doyen bơm 4 triệu bảng vào việc tài trợ áo đấu cho FC Twente Enschede để thâu tóm quyền lợi kinh tế của 5 cầu thủ, trong đó có Dusan Tadic. Ngôi sao người Serbia chuyển tới Southampton với mức giá 10.3 triệu bảng và chi tiết của bản hợp đồng đã được Football Leaks hé lộ. FC Twente bị cấm tham gia các giải châu Âu 3 năm vì đã trao quyền sở hữu cầu thủ cho bên thứ ba.

Việc tài liệu chuyển nhượng của Gareth Bale bị tung ra ngoài vấp phải sự lên án của người đại diện Jonathan Barnett. Ông nói: “Cần phải có một cuộc điều tra riêng biệt bởi đây là một hành động gây phẫn nộ lớn. FA cần đưa ra lời xin lỗi với CLB và các cầu thủ. Thật tệ khi nhiều người có thể biết đến những thông tin này. Đây là một sự thiếu tôn trọng với cả CLB lẫn cầu thủ.”

Gareth Bale

Thực tế, nhiều tài liệu không hề liên quan đến các CLB nước Anh, vậy nên việc rò ri thông tin không thể bắt nguồn từ FA.

Mark Goddard, giám đốc phụ trách các vấn đề chuyển nhượng của FIFA, lại tỏ ra hoan nghênh dù công việc của ông là đảm bảo tính đúng đắn của các phi vụ mua bán. Goddard nói: “Dĩ nhiên, Football Leaks đã đi quá giới hạn. Nhưng với chúng tôi, mọi nguồn thông tin đều rất hữu ích và những thông tin kiểu này không phải ngoại lệ.”

Football Leaks nói rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một loạt bí mật họ sắp sửa phanh phui, hứa hẹn sẽ tạo ra một bầu không khí căng như dây đàn cho BLĐ của các CLB.

Bản hợp đồng của Bale được tiết lộ chỉ vài giờ sau thông báo chính thức của FIFA rằng những đội bóng ở Anh góp phần vào hơn 30% tổng số tiền chuyển nhượng quốc tế trong năm 2015. Cụ thể, các CLB Anh tiêu tốn tới 915 triệu bảng trên tổng số tiền 2.94 tỉ bảng, với đầu tàu là những đại gia ở Premier League. Cũng theo Goddard, do việc mua bán trong nước không bị FIFA giám sát, TTCN ở xứ sở sương mù có thể trị giá gần 2 tỉ bảng.

Với việc Real và người hàng xóm Atletico chịu lệnh cấm chuyển nhượng tương tự như Barcelona ngày trước, Goddard đang thúc giục các đội bóng trên thế giới minh bạch hóa các hoạt động trên TTCN. Một lần nữa, người ta đặt ra câu hỏi liệu FIFA có dính líu đến câu chuyện mua bán mờ ám như trên hay không.

Hiện nay, bản báo cáo chi tiết về các vấn đề chuyển nhượng trên thế giới có thể được tải về trên trang web của FIFA, nhưng chỉ với những ai chịu trả 150 bảng. Có lẽ Football Leaks nên công bố luôn bản báo cáo đó trong đợt rò rỉ tiếp theo.

Giang Cao

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech