Trung Quốc sẽ nâng bước Premier League

CMC, một tập đoàn của nhà nước Trung Quốc, mới chỉ mua lại 13% cổ phần ở Man City nhưng vấn đề chỉ là thời gian trước khi một CLB tại Premier League thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Thậm chí, không quá lời nếu nói rằng, sự phát triển của Premier League trong tương lai sẽ được gắn liền với kế hoạch cải tổ bóng đá Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữa việc Premier League đang muốn xâm nhập nhiều hơn vào thị trường lục địa và sự nhòm ngó của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường Anh.

Man City

Bởi chẳng lẽ sau khi đã vươn cánh tay ra khắp thế giới, từ Brazil tới châu Âu, người Trung Quốc lại bỏ qua một thị trường như Anh và bỏ quên Premier League? Thử làm một phép so sánh, tất cả có thể sẽ thấy ngay rằng, chuyện các nhà đầu tư Trung Quốc có mặt ở Premier League chắc chắn không xa nữa. Đó là trong khi người Trung Quốc thâu tóm Slavia Prague của Czech, Sochaux của Pháp hay có cổ phần ở Atletico Madrid, Espanyol của Tây Ban Nha… Premier League vẫn còn một loạt CLB tiềm năng chờ đón nguồn đầu tư từ bên ngoài như Tottenham, Everton, West Ham hay Newcastle.

Hiện tại, cuộc tấn công của người Trung Quốc mới nhằm vào Man City sau khi CMC bỏ ra 265 triệu bảng (tương đương 400 triệu USD) để mua lại 13% từ tay công ty mẹ City Football Group. Thế nhưng, một cách rất từ từ, ảnh hưởng của người Trung Quốc đang lan tỏa mạnh mẽ. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để lôi kéo cầu thủ Brazil về giải vô địch quốc gia Chinese Super League (CSL) sắp khởi tranh vào tháng 3 tới. Có thể xem chính sách tiếp cận với bóng đá Brazil là một trong những cách nâng cao chất lượng của CSL và trình độ của cầu thủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào bóng đá châu Âu và thâu tóm các CLB lại là một cách để người Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm quản lý và điều hành. Nói như giáo sư Simon Chadwick của trường đại học Coventry, Anh, thì "Man City không hề là một quyết định đầu tư tình cờ. Họ có tổ hợp thể thao Etihad Campus và đây là mô hình mà người Trung Quốc muốn học hỏi sau chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình".

Ngoài ra, sở hữu những CLB tại châu Âu cũng sẽ giúp Trung Quốc tạo lập một ảnh hưởng lớn bên trong UEFA và điều này sẽ có ích khi họ vận động tổ chức World Cup trong tương lai.

Alibaba

Có thể thấy rằng, so với mô hình Nhật Bản mà Trung Quốc đã và đang học hỏi sau khi J-League ra đời năm 1993 và đội tuyển Nhật Bản liên tiếp có mặt ở World Cup kể từ năm 1998 hay MLS của Mỹ, chiến lược phát triển bóng đá của Trung Quốc toàn diện hơn và rộng hơn. Khác biệt lớn nhất chính là Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền và nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch hàng chục năm giữa họ với thế giới xuống còn 10 năm.

Vì thế, người Anh hãy tin rằng, chỉ không lâu nữa, một trong số những CLB như Tottenham, Everton, West Ham hay Newcastle sẽ có ông chủ người Trung Quốc, bên cạnh rất nhiều ông chủ từ Nga, Mỹ, Trung Đông, và giá trị của Premier League chắc chắn sẽ tăng hơn nữa cùng với tham vọng từ Viễn Đông.

Mạnh Hào

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech