Giới đầu tư Trung Quốc và tham vọng xưng bá bóng đá thế giới

Chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình chụp ảnh selfie với ngôi sao Sergio Aguero và Thủ tướng Anh, David Cameron tại trung tâm huấn luyện CLB Man City, Tập đoàn CMC đã mua lại 13% cổ phần của Man Xanh. Giờ các nhà đầu tư Trung Quốc hiện diện ở nhiều CLB, rải khắp châu Âu, và đó chỉ là bước đầu trong kế hoạch đầy tham vọng.

1. Lên đến 256 triệu bảng - con số tiền Tập đoàn CMC (đơn vị thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Trung Quốc) bỏ ra mua lại 13% cổ phần của Man City từ tay các ông chủ Arab. Đó là thương vụ mua cổ phần một đội bóng ở châu Âu cuối cùng trong năm 2015, sau khi chứng kiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền sang cựu lục địa mà một những thương vụ đình đám khác là Tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Wang Jianlin đã chi 45 triệu euro mua 20% cổ phần CLB Atletico Madrid. Tất nhiên, đấy chưa phải thương vụ cuối cùng.

Giới đầu tư Trung Quốc và tham vọng xưng bá bóng đá châu Âu

Thống kê hiện tại chỉ ra rằng có 6 CLB trải khắp châu Âu và 2/3 trong số đó quyền sở hữu từ 51% cổ phần CLB trở lên thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc. Việc CMC bỏ ra 256 triệu bảng, tương đương 400 triệu USD để nắm 13% cổ phần Man City chính là thương vụ đắt giá nhất mà một nhà đầu tư đến từ Trung Quốc thực hiện tính đến thời điểm này. Nó cho thấy tiềm lực tài chính hùng mạnh và người Trung Quốc sẵn sàng lấn sâu vào Premier League, giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh, bằng cách thâu tóm cổ phần của một trong những CLB hàng đầu của giải. Hãy nhớ, trong 20 CLB dự giải Ngoại hạng mùa này không có đội bóng thực sự thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hay tổ chức đến từ Trung Quốc. Dẫu vậy, với cái cách CMC chóng vánh mua cổ phần Man Xanh, có thể hiểu người Trung Quốc sẵn sàng vung tiền mua bất kỳ CLB tầm trung hoặc nhỏ nào tại Premier League nếu muốn.

Giới đầu tư Trung Quốc và tham vọng xưng bá bóng đá châu Âu

Đương nhiên, với các Tập đoàn và công ty kinh doanh, việc họ rót tiền mua một lượng nhỏ hay lớn cổ phần của một CLB tại châu Âu là cách khuếch trương hình ảnh, qua đó đẩy mạnh những chiến lược thương mại trên phạm vi toàn cầu. Nhưng bên cạnh lý do về tài chính, phía sau việc đổ tiền mua cổ phần hay thậm chí cả CLB ở châu Âu chính là một phần trong kế hoạch biến Trung Quốc trở thành “ngôi nhà bóng đá quyền lực nhất thế giới”. Như thế, Man City, trong chừng mực nào đó cũng chỉ là một công cụ cho tham vọng kể trên.

2. Chính xác thì mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “ngôi nhà bóng đá quyền lực nhất thế giới” trong bản kế hoạch 50 điểm đã được Chủ tịch Tập Cận Bình, một người rất yêu thích bóng đá, nhắc đến hồi năm ngoái. Những chiến lược phát triển nội tại trong đó bao gồm việc đẩy mạnh phát triển mô hình “bóng đá học đường”, phát triển CLB chuyên nghiệp, nâng tầm chuyên môn giải VĐQG, giúp LĐBĐ hoạt động hiệu quả hơn, tự chủ hơn, đặc biệt về khía cạnh kinh tế.

Giới đầu tư Trung Quốc và tham vọng xưng bá bóng đá châu Âu

Cụ thể, từ 5.000 mô hình “ngôi trường bóng đá” hiện tại, trong 5 năm tới dự kiến sẽ có thêm 20.000 ngôi trường như thế và con số sẽ là 50.000 trong 1 thập kỷ tới. Đây là mô hình mà Trung Quốc học theo cách làm của Mỹ, nơi đã xây dựng những “Soccer Campus” nhằm kết hợp tốt nhất giữa việc học tập với rèn luyện bóng đá. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn phát triển giải VĐQG, Chinese Super League, theo mô hình J-League của Nhật Bản. Nên nhớ, trước khi J-League ra đời, năm 1993, Nhật Bản chưa bao giờ được dự World Cup.

Nhưng kể từ lần đầu dự World Cup năm 1998, giờ Nhật đã có 5 lần liên tiếp góp mặt tại VCK bóng đá thế giới. Trong khi đó, ĐT Trung Quốc mới đúng 1 lần được dự World Cup (2002). Sau cùng, những kế hoạch phát triển sẽ nhắm đến cái đích cuối cùng, đó là đưa ĐTQG Trung Quốc lọt vào World Cup và xa hơn, quốc gia này sẽ nhắm đến việc xin đăng cai giải đấu và mục tiêu cao nhất chắc chắn sẽ là bước lên đỉnh bóng đá thế giới.

Giới đầu tư Trung Quốc và tham vọng xưng bá bóng đá châu Âu

Nhưng bởi phát triển nội tại chỉ là một phần trong kế hoạch, Trung Quốc cũng cần học hỏi từ nền bóng đá tiên tiến nhất thế giới, châu Âu. “Mua Man City không phải một kế hoạch ngẫu nhiên”, giáo sư Simon Chadwick, trưởng bộ môn chiến lược kinh doanh & marketing trong thể thao đến từ Đại học Conventry phân tích, “CLB có Etihad Campus, một mô hình bóng đá mà người Trung Quốc muốn học tập và làm theo. Chưa hết, trở thành những ông chủ ở những CLB tại châu Âu cũng sẽ giúp họ có tầm ảnh hưởng trong UEFA, mà việc này sẽ có lợi cho việc Trung Quốc xin đăng cai World Cup trong tương lai chẳng hạn. Tôi nghĩ Trung Quốc có thể vô địch World Cup. Họ có tiềm lực, sự ủng hộ của chính phủ để rút gọn quá trình 150 năm phát triển bóng đá xuống chỉ còn 10 năm”. 

84 - Đó là thứ hạng của ĐTQG Trung Quốc trên BXH FIFA hiện tại. Ở khu vực châu Á, ĐT Trung Quốc cũng chỉ xếp thứ 8. Tại vòng loại World Cup 2018, Trung Quốc hiện chỉ xếp thứ 3 ở bảng C, kém đội tuyển “đàn em” Hong Kong 3 điểm và thua đội dẫn đầu Qatar tới 7 điểm.
"Tới năm 2025, Trung Quốc muốn ngành công nghiệp thể thao nội địa đạt giá trị tới 850 tỷ USD. Hãy nhớ, hiện giá trị kinh tế của toàn ngành thể thao trên thế giới chỉ là 400 triệu USD. Như thế đủ thấy họ tham vọng nhường nào. Và đầu tư vào bóng đá là trung tâm trong kế hoạch ấy”. - Giáo sư Simon Chadwick nhận xét

Lương Anh

Fan page Thethao24h

Mã an ninh

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy

Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011

Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189

Email: baothethao24h@sport24h.com.vn

Powered by Netlink Tech