Hà Lan: Thứ 3 ở World Cup, thành “ma đói” ở Euro
“Chúng tôi giờ không thể tự quyết định số phận và điều này thật tệ”. Khi Robin van Persie thốt ra như vậy, chẳng ai ngờ rằng đội tuyển từng giành vị trí thứ 3 tại World Cup 2014 đang đứng trước nguy cơ không qua nổi vòng loại Euro 2016, thậm chí với thể thức hai đội dẫn đầu mỗi bảng giành vé trực tiếp và đội đứng thứ ba vẫn có cơ hội khi đá Play-off.
Tưởng dễ mà khó
Việc thay đổi thể thức ở vòng loại của UEFA là nhằm mở rộng Euro 2016 lên 24 đội và mục tiêu không gì khác là tạo cơ hội cho những quốc gia nhỏ giành quyền tham dự. Điều này cũng đồng nghĩa vòng loại sẽ trở nên dễ dàng hơn cho các đội bóng lớn cũ. Mặc dù thế, trong khi UEFA luôn cần những tên tuổi như vậy góp mặt ở Euro, họ đã không ngờ rằng một trong số đó đã tự vứt đi cơ hội của mình. Thậm chí, chính họ đã tự hủy diệt bản thân từ trước thời điểm vòng loại bắt đầu diễn ra.
Thực tế thì sau một kỳ World Cup 2014 khá thành công ở Brazil, việc dự đoán Hà Lan dạo chơi tại vòng loại Euro 2016 là không có gì phải bàn cãi. Lá thăm may mắn đã đưa đội bóng của Guus Hiddink nằm cùng bảng với Iceland, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Latvia. Tuy nhiên, điều quan trọng như đã nói ở trên là không như những kỳ Euro trước, vòng loại Euro 2016 dành hai suất trực tiếp ở mỗi bảng cho các đội.
Vậy mà từ lúc khởi đầu cho đến giờ, Oranje đưa người hâm mộ của họ đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thất bại 0-3 trước Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua đã đẩy họ xuống vị trí thứ 4 tại bảng A, kém 2 điểm so với đội bóng của Fatih Terim nhưng nỗi đau lớn hơn cả cho người Hà Lan là sau khi để tuột những tấm vé trực tiếp, nhiều khả năng họ cũng đánh mất luôn suất dự Play-off.
Vì sao thất bại?
Đành rằng việc duy trì phong độ của một đội bóng từng giành vị trí thứ 3 tại World Cup 2014 là không dễ, đặc biệt khi Louis van Gaal đã rút lui và dẫn dắt Man Utd, thất bại của Hà Lan lại do chính họ tạo nên. Trong trường hợp này, Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) có nhiều phần trách nhiệm của họ, ở cái cách họ đã vẽ ra một lộ trình quá xa khi sắp đặt Hiddink thay thế Van Gaal, rồi sau đó là Danny Blind trong nỗ lực trẻ hóa ban huấn luyện.
Kết quả như tất cả đều thấy, Hiddink chỉ nắm đội được vỏn vẹn 10 tháng và thay vì tiếp nhận Oranje ở một nền tảng tốt hơn, Blind đã phải đối mặt với những thách thức quá lớn cho một người vốn chỉ được xem là trợ lý như ông. Cuộc khủng hoảng do vậy tiếp tục kéo dài. Thứ Năm tuần trước, ông ra mắt trước Iceland và Hà Lan để thua 0-1. Sau đó vài ngày, họ nhận thất bại thứ hai liên tiếp và lần này là trước đối thủ cạnh tranh một suất dự vòng Play-off Thổ Nhĩ Kỳ.
Dĩ nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về Blind. Thay vào đó, thất bại của Hà Lan đã được sắp đặt từ trước, theo những quyết định và chiến lược mà KNVB vạch ra. Hệ thống thi đấu phòng ngự phản công dưới thời Van Gaal bị đập bỏ hoàn toàn để nhường chỗ cho lối chơi tấn công quen thuộc trước đó, với sơ đồ 4-3-3 của Hiddink. Thực ra, Van Gaal cũng có thể sử dụng sơ đồ này nhưng từ vòng loại World Cup 2014 đến Brazil, ông bất đắc dĩ đã phải gạt bỏ chỉ vì Hà Lan không có những cầu thủ phù hợp.
Vì thế, khi KNVB quyết định ngược lại và bổ nhiệm Hiddink, thay vì Ronald Koeman của Southampton, một người có cùng phong cách như Van Gaal, hành động đó chẳng khác nào tự bắn vào chân mình. 6 trận đấu dưới thời Hiddink, Oranje thắng được 3, hòa 1, thua 2 và 2 trận đấu dưới thời Blind, họ không giành được một điểm nào. Nếu những thống kê này là chưa đủ thất vọng, càng khó tin hơn khi họ đã thua Iceland cả lượt đi và lượt về, bị Czech và Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại.
“Chúng tôi giờ không còn quyền quyết định số phận nữa”, khi Van Persie nói ra như vậy, tiền đạo của Fenerbahce chắc không chỉ nhắc nhở tất cả về thất bại của Hà Lan mà anh có lẽ cũng muốn ám chỉ rằng, Oranje đã lạc lối hoàn toàn cùng với KNVB.
Cái giá phải trả của bóng đá Hà Lan là không hề nhỏ và không rõ Oranje sẽ phục hồi dưới tay của Blind hay một ai khác, hy vọng lịch sử có thể lặp lại. Năm 1984, họ cũng không qua nổi vòng loại nhưng 4 năm sau, họ trở thành những nhà vô địch mới.
Mạnh Hào
Hà Lan: “Cơn lốc” xây nhà từ nóc!