HLV và quyền hạn chuyển nhượng: Mô hình chuẩn nhưng vận hành ngớ ngẩn

HLV nào cũng đều muốn được nắm quyền chuyển nhượng, nhưng chẳng phải tất cả đều có đặc quyền ấy. HLV Juergen Klopp trong quá trình đàm phán với Liverpool đã đặt điều kiện tiên quyết nếu về ngồi vào chiếc ghế Brendan Rodgers để lại thì phải cho ông tiếng nói cuối cùng trong hoạt động chuyển nhượng, thứ mà chủ sân Anfield đã từ chối Rodgers.

Vết xe đổ của Rodgers

Không có gì bất ngờ khi Brendan Rodgers bị sa thải. Bởi với hạng 10 Premier League qua 8 vòng đầu mùa này, Liverpool rõ ràng đang trượt dần đều từ sau ngôi á quân mùa 2013/14, nên việc HLV người Bắc Ireland phải ra đi chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, chẳng phải ngẫu nhiên mà truyền thông Anh đang cho rằng ngoài Rodgers thì đợt này, Fenway Sports Group (FSG) – tập đoàn sở hữu đội chủ sân Anfield lẽ ra cần sa thải thêm vài thành viên cốt cán nữa. Nguyên nhân có thể thấy rõ trong quá trình thương lượng trước lúc Liverpool công bố tên HLV mới dự kiến vào ngày 17/10, khi ứng viên Juergen Klopp cứ nằng nặc đòi phải được nắm toàn quyền quyết định chuyển nhượng.

Mô hình chuẩn nhưng vận hành ngớ ngẩn

Bởi lẽ, nhà cầm quân người Đức không muốn dẫm vào vết xe đổ của người tiền nhiệm để phải làm “vật tế thần” khi thành tích đi xuống. Bằng chứng là cứ mỗi khi Liverpool gây thất vọng, không khó tìm thấy những bài viết cùng thời điểm kể tội Rodgers đã phung phí 291,5 triệu bảng của đội nhà như thế nào. Thế nhưng, nội bộ Liverpool đều biết không thể đổ hết lỗi lên đầu Rodgers về việc đội nhà bỏ đống tiền ra mua toàn hàng lởm. Vì cho dù có tham gia vào các vụ chuyển nhượng, Rodgers không phải là người có tiếng nói quyết định, mà chỉ là 1 trong 6 thành viên Hội đồng chuyển nhượng (HĐCN) được FSG thiết lập vào năm 2012.

“Cái chết” được báo trước

Đương nhiên, chẳng HLV nào cảm thấy thoải mái khi mình muốn mua cầu thủ nào lại phải đợi kẻ khác quyết định. Đấy là lý do mà lúc được đề nghị gia hạn hợp đồng vào cuối mùa 2013/14, Rodgers từng yêu cầu như Klopp để xây dựng “đế chế” theo ý mình, nhưng bất thành do FSG kiên quyết không bỏ quyền kiểm soát chuyển nhượng. Thật ra, FSG cũng có quyền bào chữa: Chưa có tân binh nào tới Anfield mà không được Rodgers gật đầu.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Rodgers có lực lượng hoàn toàn ưng ý. Quy trình làm việc của HĐCN dễ dàng sáng tỏ nhận định này. Bước đầu, Rodgers sẽ đề nghị một cái tên. Kế đến, các thành viên còn lại bắt đầu phân tích và đánh giá xem mục tiêu đó có phù hợp với Liverpool hay không, từ độ tuổi, phí chuyển nhượng tới các thông số chuyên môn khác, nhưng đôi khi lại bỏ sót chi tiết quan trọng nhất (chọn tiền đạo dựa vào bình quân cú sút/trận mà không chú ý tới hiệu suất ghi bàn…). Nếu mục tiêu đó không được duyệt (thường là như vậy), Rodgers buộc phải đề ra chọn lựa thứ 2, thậm chí thứ 3 hoặc 4 cho tới khi được đa số tán thành.

Cách làm này có nghĩa là HĐCN không ép Rodgers bằng cách nhét cầu thủ mà ông chẳng muốn có vào đội bóng. Dù vậy, biện pháp này cũng có nghĩa là Rodgers thường xuyên không được mua cầu thủ như ý, khiến khả năng không thành công đương nhiên phải cao hơn so với những đồng nghiệp có được quyền tự quyết. Nó cũng tương tự người đầu bếp nấu món ăn phải ngon hơn, nếu được tự tay lựa chọn thực phẩm và gia vị phù hợp. Vì thế, yêu cầu của Rodgers trước đây và Klopp hiện nay là chính đáng để đến khi thất bại, họ mới tâm phục, khẩu phục ra đi.

Vấn đề thật sự ở Anfield

Dù vậy, cũng chẳng phải vô cớ mà mô hình HĐCN của FSG hiện còn được Man City, Southampton và Aston Villa áp dụng, chưa kể ngày càng nhiều CLB Premier League đang học theo. Lý do rất đơn giản: Chẳng thể giao toàn quyền quyết định cho một người. Các ông chủ Mỹ của Liverpool không chấp nhận khái niệm này. Nhiều nơi khác trên thế giới cũng không. Tuy nhiên, nó từng rất phổ biến ở Anh, nơi HLV được trao toàn quyền mua cầu thủ, dẫn tới việc thâu tóm quyền lực, thậm chí bỏ túi riêng. Ví dụ như bản hợp đồng “ma” của Sir Alex Ferguson với Bebe ở Man Utd từng khiến cảnh sát BĐN phải mở cuộc điều tra.

Nhưng nếu mô hình HĐCN là “chuẩn”, vậy tại sao Rodgers phải nuốt hận rời Anfield? Đến đây, quả bóng phải đá sang những thành viên còn lại trong HĐCN của Liverpool hiện có tư tưởng khá kỳ lạ: Không duyệt bất cứ khoản tiền lớn nào nếu mục tiêu trên 24 tuổi. Xem ra, họ không biết rằng những huyền thoại của Liverpool như Kenny Dalglish, Gary McAllister, Peter Beardsley, Sami Hyypia hoặc Dietmar Hamann đều chỉ đến Anfield khi vượt quá độ tuổi đó. Hậu quả là giờ đây, HĐCN đang biến Liverpool thành “nhà nuôi trẻ”, với hầu hết tân binh chỉ vừa hết tuổi Olympic. Lại thêm khả năng nhìn người xem ra cũng thiếu chính xác, HĐCN hiện nay rõ ràng không xứng đáng với sự tin cậy của FSG. Nhưng thật đáng buồn cho Liverpool do các ông chủ chưa nhận ra điều đó.

Minh Châu

Vai trò của các thành viên Hội đồng chuyển nhượng tại Liverpool

Ian Ayre:

Giám đốc điều hành, đàm phán và chốt phí chuyển nhượng trong suốt quà trình thương lượng với CLB muốn bán cầu thủ, đồng thời phụ trách hợp đồng cầu thủ.

Dave Fallows:

Trưởng ban Tuyển dụng, được FSG bổ nhiệm năm 2012 sau thời gian làm việc cho Man City, Bolton. Phối hợp tổ chức mạng lưới săn tài năng cho Liverpool và họ báo cáo lại cho riêng ông. Ông còn tham gia sâu vào việc chốt danh sách các bản hợp đồng tiềm năng.

Barry Hunter:

Trưởng ban Săn tài năng. Từng làm việc cho Man City ở Italia nên có vài mối quan hệ tại đấy. Ông theo dõi các kiến nghị từ các nhân viên trong khu vực. Ông cùng Fallows quyết định đưa Roberto Firmino rời Hoffenheim.

Michael Edwards:

Giám đốc kỹ thuật. Ông chịu trách nhiệm đánh giá dữ liệu về cầu thủ từ mọi giải đấu rồi quyết định ai thích hợp với điều kiện thi đấu và tài chính của Liverpool. Từng làm cho Portsmouth từ 2003-09 trước lúc tới Tottenham.

Bóng đá Anh: Dân chủ quá chưa hẳn tốt!

Hệ thống chuyển nhượng ở các CLB lớn: Không ai giống ai

Nước mắt của Villas-Boas

Pochettino đòi quyền lực ở Tottenham