Lọc lõi như Terry và Rooney cũng sập bẫy… kinh doanh đa cấp
Rất nhiều ngôi sao Premier League vì hám lợi đã dính trò lừa đảo tín dụng có tính chất đa cấp kiểu Charles Ponzi của cựu cầu thủ Michael McIndoe. Nổi bật trong số đó là hai đội trưởng lừng danh của Chelsea – John Terry và Man Utd – Wayne Rooney.
Từ cầu thủ quèn thành siêu lừa
Michael McIndoe từng thi đấu cho các đội bóng Anh như Derby County, Wolves, Coventry City… nhưng chưa bao giờ xuất hiện tại sân chơi lớn Premier League. Tuy nhiên, cầu thủ vô danh sinh năm 1979 người Scotland này lại đang được ví với siêu lừa nước Mỹ Charles Ponzi, ông tổ của lừa đảo tín dụng.
McIndoe giải nghệ năm 2011 trong màu áo Coventry để tập trung kinh doanh bất động sản, nhà hàng và hộp đêm. Sau đó, McIndoe kêu gọi các nhà đầu tư cả tin rót tiền vào các dự án vàng, chứng khoán và bất động sản. Với lời hứa tiền lãi lên tới 20%, cựu tiền vệ Coventry gọi công việc làm ăn của mình là “dự án kỳ kiệu”.
Theo điều tra của Sở cảnh sát London (Scotland Yard), “dự án đầu tư kỳ diệu” kiểu đa cấp của McIndoe đánh vào lòng tham của dân chúng nên đã “lan nhanh như cháy rừng”. Còn nhớ trong khoảng thời gian 1919-1920, Charles Ponzi đã lừa được khoảng 15 triệu USD. Còn McIndoe? Theo con số của Scotland Yard, cũng trong khoảng thời gian 1 năm, McIndoe đã lừa được 300 người, chiếm đoạt số tài sản trị giá lên tới 30 triệu bảng (47 triệu USD).
Nhưng không có vàng, chứng khoán hay bất động sản nào cả, 30 triệu bảng thu về từ các nhà đầu tư trong “dự án đầu tư kỳ diệu” được McIndoe dùng để bao gái, tiệc tùng xa hoa trên khắp thế giới và… nướng vào cờ bạc.
Trong số 300 khách hàng bị lừa thì có khoảng 100 người là cầu thủ đang thi đấu tại Anh và giới cầu thủ lắm tiền nhiều của mới chính là những con mồi béo bở nhất của siêu lừa McIndoe.
Họ là ai? Khoảng hơn 50 cầu thủ đã khai báo ăn phải cú lừa kiểu Ponzi của McIndoe với cảnh sát, gồm những tên tuổi như Gabby Agbonlahor (Aston Villa), Gareth Barry (Everton), Adam Johnson (Sunderland), Robbie Keane (cựu tiền đạo Tottenham), Jimmy Bullard (cựu tiền vệ Hull)…
Tại đội bóng cũ Wolves, McIndoe cũng đã lừa các đồng đội số tiền 2,6 triệu bảng để đánh bạc. Trên The Express & Star, một cầu thủ Wolves là nạn nhân đau đớn cho biết: “Có khoảng 50 cầu thủ đã khai báo bị lừa với Sở cảnh sát Thủ đô (Metropolitan Police). Họ đều mất sạch cả”.
Terry và Rooney “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Thủ đoạn của McIndoe là tiếp cận đồng đội cũ hoặc các ngôi sao lớn tại Premier League, gạ họ dùng số tiền nhàn rỗi đề đầu tư sinh lời. Một nhân viên của Scotland Yard tiết lộ: “McIndoe từng mời Danny Welbeck đi ăn tối rồi dụ anh đầu tư một khoản tiền lớn. Nhưng Welbeck đủ thông minh để từ chối trò lừa bịp của McIndoe”.
Nhưng không phải ngôi sao nào cũng đủ tỉnh táo như Welbeck. Điển hình như John Terry. Trung vệ đội trưởng Chelsea là một tay kinh doanh bất động sản lọc lõi từ Anh tới Dubai, thành công có, thất bại có nhưng cú lừa McIndoe với Terry là đau đớn nhất. Một nguồn tin thân cận với Metropolitan Police ngày hôm qua tiết lộ với tờ Daily Star: “Terry bị McIndoe lừa tổng cộng 1 triệu bảng nhưng anh ta không muốn bị lôi kéo vào vụ án này. Terry xác định mất khoản tiền trên, anh ta không muốn xấu hổ vì bị lừa do tham tiền”.
Đồng cảnh ngộ “ngậm bồ hòn làm ngọt” như Terry còn có Wayne Rooney. Đội trưởng Man Utd cũng không phải tay mơ trong kinh doanh. Ngoài đầu tư bất động sản trên khắp thế giới, Rooney cũng rất biết cách biến những đồng tiền nhàn rỗi kiếm được từ bóng đá để bắt nó… đẻ ra tiền bằng những vụ đầu tư khôn ngoan. Đơn cử như đầu năm 2014, cùng với Ian Currie, cựu GĐĐH Bolton Wanderers, chân sút Man Utd đầu tư vào Senone LLP, một quỹ thuộc Công ty Tài chính và Đầu tư Tây Bắc (North West Financial and Investment). Quỹ này chuyên cho các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về mặt tài chính mà không thể vay được vốn ngân hàng vay những khoản tiền dưới 500.000 bảng. Và dĩ nhiên, lãi suất phải… cắt cổ hơn ngân hàng chút đỉnh. Ngoài ra, Rooney còn chi ra khoản tiền lớn để trở thành cổ đông chính của Swellaway, công ty chuyên sản xuất thiết bị vật lý trị liệu, massage cho ngựa đua.
Do có máu đầu tư, kinh doanh nên khi nghe tới “dự án đầu tư kỳ diệu” của McIndoe, Rooney đã đầu tư ngay. Cũng giống như Terry, Rooney không muốn mất mặt trong vụ lừa đảo tín dụng kiểu đa cấp lớn nhất nước Anh nên lại “ngậm bồ hòn”. Nhưng theo điều tra của Metropolitan Police, “quả bồ hòn” của Rooney đắng hơn của Terry rất nhiều, vì nó có trị giá… 5 triệu bảng.
Tân Phong