Chuyện những “ngoại binh” Việt Nam: Muôn nẻo mưu sinh

Không như những đồng nghiệp được chính các CLB “nước ngoài” để mắt hay được chiêu mộ thông qua các mối quan

Không như những đồng nghiệp được chính các CLB “nước ngoài” để mắt hay được chiêu mộ thông qua các mối quan hệ, họ tìm cơ hội cho mình qua đường internet, trên các trang mạng xã hội để trở thành ngoại binh ở Lao Premier League. Những cầu thủ Việt, trên nẻo đường mưu sinh khi BĐVN khủng hoảng…

ngoai binh

Đi để khám phá chính mình

Trong số 11 CLB hiện đang thi đấu ở giải Lao Premier League 2015, HA.GL Attapeu và SHB Vientiane cùng IDSEA Champasak United là 3 đội có số lượng cầu thủ châu Á gốc Việt Nam nhiều nhất, gần 10 người. Trong số này, 2 cầu thủ hiện đang khoác CLB IDSEA Champasak United là tiền vệ Xuân Hùng và thủ môn Trường An là những trường hợp đặc biệt. Bởi không như các đồng nghiệp ở HA.GL Attapeu và SHB Vientiane sang Lào thi đấu là do nhà tài trợ giới thiệu sang để hỗ trợ, họ phải tự tìm việc cho mình.

“Sau khi đưa HV.An Giang thăng hạng V.League 2014, tôi chia tay đội bóng này để tìm bến đỗ mới nhưng không được do cuộc khủng hoảng của BĐVN. Và trong lúc lên mạng nói chuyện với bạn bè để giải sầu, đồng thời cũng để tiếp tục tìm cơ hội cho mình, tôi đã gặp Alex – một người bạn trước đây thi đấu cho đội hạng Nhất Huế. Biết được anh hiện đang là cầu thủ kiêm HLV trưởng CLB IDSEA Champasak United, sau chia sẻ tình cảnh và được mời sang thi đấu ở Lao Premier League.

Lúc đầu cũng đắn đo lắm, vì phải xa nhà trong khi vợ thì mới sinh con được vài tháng. Tuy nhiên, sau khi được gia đình ủng hộ và suy nghĩ “đi để thử xem có gì hay không”, cộng với những quyền lợi, chế độ rất tốt mà CLB dành cho nên tôi gật đầu…”, Trường An chia sẻ nguyên nhân anh quyết định sang Lào thi đấu.

Trong khi với tiền vệ Xuân Hùng thì khá đơn giản, đó là một cơ hội để thử thách bản thân: “Khi anh An hỏi có muốn sang Lào thi đấu không, tôi nhận lời ngay vì suy nghĩ cơ hội sẽ không đến với mình nhiều lần. Hơn nữa, tôi mới 23 tuổi nên nếu thất bại cũng không sao. Mặt khác, ra nước ngoài thi đấu, lại là một đất nước có nền bóng đá chưa phát triển như Lào cũng là cách để khám phá, xem khả năng của mình đến đâu…”.

Những nỗi khổ không biết tỏ cùng ai

Hiện tại, mức lương của Trường An và Xuân Hùng ở IDSEA Champasak United là vào khoảng 20 triệu đồng, chưa kể các khoản thưởng. “Đây là con số khá cao so với lúc còn thi đấu ở Việt Nam. Và nếu chi tiêu tiết kiệm, chúng tôi sẽ có một khoảng kha khá sau khi mùa giải kết thúc để lo cho gia đình. Thi đấu ở Lào, thu nhập như thế cũng có thể xem là ước mơ thời điểm này…”, Trường An tâm sự.

Tuy nhiên, do Chủ tịch Phonesavanh Khioulavong mới nhảy vào làm bóng đá và không đủ người cho việc kinh doanh nên bên cạnh việc tập luyện, thi đấu, các cầu thủ còn được yêu cầu “gánh” thêm những việc khác ở công ty. Vừa làm việc văn phòng, vừa tập luyện và thi đấu nên với những cầu thủ Việt Nam như An hay Hùng, đó cũng là thách thức.

“Hiện tại, ngoài việc luyện tập, thi đấu và huấn luyện cho các thủ môn, tôi còn kiêm luôn cả nhiệm vụ trông coi, quản lý cầu thủ cùng với HLV trưởng. Ngoài ra, tôi cùng với các thành viên khác của công ty phải xử lý công việc hàng ngày. Chơi bóng như thế khác biệt hoàn toàn so với Việt Nam, cũng có cái hay và cái dở, Tuy nhiên, những cực nhọc này cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với việc đêm về phải ở một mình trong 4 vách tường và đặc biệt là nhớ gia đình kinh khủng”, Trường An chia sẻ.

Hướng đến tương lai

Do bản tính chăm chỉ, nhiệt huyết với công việc lại sống rất trách nhiệm nên sau 3 tháng gia nhập IDSEA Champasak United, Trường An đã được Chủ tịch Phonesavanh Khioulavong rất tin tưởng. Cùng với HLV kiêm cầu thủ Alex, gần như mọi công việc liên quan đến vấn đề chuyên môn hay việc kinh doanh, mở rộng thị trường làm ăn và cả tìm tài trợ cho đội bóng, Trường An đều được Chủ tịch Phonesavanh Khioulavong giao phó.

“Người ta mới làm bóng đá nên chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy mình có thể làm gì thì giúp đỡ hết khả năng. Tôi xác định, mình cứ làm đúng trách nhiệm, hết khả năng và lương tâm của mình thì thành công sẽ đến thôi…”, Trường An cho biết quan điểm sống của mình.

Và để chuẩn bị cho tương lai, hiện tại Trường An đang tích cực học tiếng Lào, đồng thời trao dồi thêm vốn liếng tiếng Anh để dự kiến về Việt Nam học lấy bằng HLV để chuẩn bị cho tương lai, với mong muốn gắn bó với bóng đá Lào lâu dài.

“Tôi xác định bóng đá là cái nghề nên ở đâu cũng vậy thôi, đều có cái sướng và cái khổ. Thế nên thay vì than thở, tôi luôn chú tâm vào công việc để làm như thế nào cho thật tốt, thật vững. Có như thế thì mới mong thực hiện được những hoài bão, ước nguyện mà mình khi sang đây lập nghiệp…”, Trường An chia sẻ.

NGỌC UYÊN

Bình luận (0)