SLNA – HA.GL: Sự công bằng cho tất cả

Trẻ con đá giao hữu để cọ xát, mục đích cùng tiến bộ nhưng khi “có chuyện” thì đó lại là vấn

Trẻ con đá giao hữu để cọ xát, mục đích cùng tiến bộ nhưng khi “có chuyện” thì đó lại là vấn đề của người lớn. Bầu Đức công khai chỉ trích lối đá bạo lực của SLNA và cấm tiệt “không giao hữu, giao lưu gì cả…”.

SLNA

Văn Khánh của SLNA bị loại khỏi U.19 VN cũng bị cho là có tác động từ tuyên bố của bầu Đức. Rồi khi trưởng thành và tạo hiệu ứng sâu rộng với dư luận xã hội, bằng cách này cách khác HA.GL cũng luôn đưa SLNA ra làm đối trọng, để so sánh hay tôn vinh tiêu chí xây dựng bóng đá đẹp, cống hiến và đạo đức.

Chuyện của một trận giao hữu

Sau gần 7 năm miệt mài đào tạo kiểu “nuôi gà nòi”, bầu Đức quyết định trình làng lứa học viên đầu tiên của học viện HA.GL – Arsenal JMG. Đối tác mà HA.GL chọn để thi đấu giao hữu không ai khác là U.19 SLNA. Thời điểm ấy, sau trận chung kết U.19 QG bất ngờ thua U.19 Khánh Hòa, SLNA nhận được lời mời và từ Kon Tum di chuyển sang Gia Lai để thi đấu giao hữu với lứa “gà nòi” của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.

HA.GL đang có ý định làm “cách mạng” về đào tạo trẻ, trong khi hàng chục năm qua, “lò” Sông Lam gần như không có đối thủ cạnh tranh về thành tích nên chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” là khó tránh khỏi. Tất cả đều thích thể hiện cái tôi của mình và trận giao hữu diễn ra quyết liệt, khi không ai muốn thua. Tính chất trận đấu bị đẩy lên cao từ chính những người lớn, khi nhận được quá nhiều sự quan tâm và thậm chí 3 cầu thủ U.19 đang khoác áo đội 1 được “điều gấp” lên Pleiku.

Đá sân nhà, nhuần nhuyễn và kỹ thuật tốt nên đội chủ nhà cầm bóng nhiều, đẩy U.19 SLNA vào thế chống đỡ buộc phải phạm lỗi liên tục. Chủ nhà thủng lưới trước nhưng sang hiệp 2 xốc đội hình, giành lại thế trận và có bàn thắng gỡ hoà. Rất tiếc, chiếc thẻ vàng thứ 2 dành cho tiền đạo ghi bàn bên phía SLNA vì lỗi hành vi khiến trận đấu rẽ sang hướng khác. Không phục cách đều khiển của trọng tài, các cầu thủ trẻ xứ Nghệ trong thế 10 đấu 11 bắt đầu chơi rắn để chống đỡ lại các đợt tấn công của đội chủ nhà.

Trận đấu liên tục bị gián đoạn bởi các tình huống vào bóng quyết liệt của cầu thủ 2 đội, trong đó chủ yếu xuất phát từ U.19 SLNA. Xót quân và nổi giận với nhiều pha vào bóng trên mức quyết liệt, bầu Đức nổi giận đòi ngưng trận đấu giữa chừng nhưng được can ngăn và trận đấu vẫn tiếp diễn.

Trận đấu kết thúc trong sự hậm hực của không chỉ cầu thủ mà cả BHL của cả 2 đội bóng. Đỉnh điểm của sự tức giận là việc bầu Đức tuyên bố sẽ không bao giờ cho quân của mình đá giao hữu với SLNA nữa.

Vấn đề âm ỷ được xới lại và trở nên nghiêm trọng hơn khi ở đợt tập trung U.19 VN tham dự giải Tứ hùng tại TP.HCM, hậu vệ Văn Khánh của U.19 SLNA bị loại. Khánh được vào sân hiệp 2 trận cuối gặp U.19 Tottenham, trong một pha xoạc bóng non nớt bị thổi 11m và khiến đối thủ bị lật cổ chân. Chỉ có thế nhưng pha bóng đó bị quy là bạo lực, cố ý đá gãy chân cầu thủ đối phương và được xem là nguyên nhân dẫn đến quyết định của HLV Graechen, người cũng là HLV của Học viện HA.GL Arsenal JMG, loại Văn Khánh. Nghiệt ngã và có phần bất công với một cầu thủ trẻ, đó cũng là lý do khiến Khánh đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại câu chuyện bị loại khỏi U.19 VN vì một pha bóng vẫn còn rơm rớm nước mắt.

Người Nghệ giải nỗi oan ức?

Sau lần trình làng ấy, U.19 HA.GL bắt đầu tham gia các giải đấu trong nước, quốc tế và tạo hiệu ứng của một cơn bão. Một cơn sốt thực sự được tạo ra và đôi khi chỉ là vô tình, nhìn vào lối chơi đẹp của HA.GL, người ta lại lấy SLNA ra làm đối trọng, chỉ trích bạo lực để tôn vinh, ngợi ca mình.

Câu chuyện đầy nước mắt của Văn Khánh chỉ là ví dụ, bởi còn nhiều cầu thủ xứ Nghệ khác – từ đội 1 đến các đội trẻ – tâm sự rằng, khi họ thi đấu thường bị nhìn với ánh mắt dò xét kiểu “sợ bị cầu thủ SLNA đá què chân”, rồi các trọng tài cũng rất thẳng tay trong các trận đấu có quân SLNA. Chưa kể, cứ có bạo lực là dư luận áp đặt, xem như SLNA là “cái nôi” của vấn đề, rồi lên án kịch liệt.

Cố gắng chịu đựng, từ lãnh đạo cho đến các cầu thủ xứ Nghệ đã âm thầm cố gắng, vượt qua dư luận để chứng tỏ mình. HLV Nguyễn Hữu Thắng từng tuyên bố sẽ đuổi thẳng tay nhưng ai đá bậy, đá ác ý triệt hạ đồng nghiệp. Đội bóng xứ Nghệ tuyên chiến với lối chơi bạo lực, phi thể thao nhưng chất Sông Lam, tinh thần xứ Nghệ thì phải giữ lấy. Không phải hô hào suông, SLNA nói là làm và vài năm gần đây, họ thay đổi nhiều theo hướng tích cực.

Đã có những thay đổi từ SLNA và họ muốn chứng tỏ, thành công của họ đáng để ghi nhận, trân trọng chứ không phải là thứ bóng đá “chém đinh, chặt sắt” như những gì người ta thường hay nghĩ, hay nói về bóng đá xứ Nghệ.

Ba năm sau trận đấu đầy những tranh cãi và chia rẽ ấy, nhiều cầu thủ trong đội hình U.19 ngày nào giờ đã trưởng thành, là trụ cột ở đội 1 và có mặt trong thành phần của Olympic VN. Họ là đồng nghiệp, là bạn bè và những “ân oán” cũng chỉ còn là quá khứ. Và trận đấu giữa họ là cuộc đối đầu của những cầu thủ trẻ tài năng đáng để chờ đợi nhất.

HA.GL hay SLNA bây giờ cũng thế , thứ họ hướng tới đều là bóng đá đẹp, cống hiến. Hãy ghi nhận và công bằng với tất cả, trong đó có SLNA.

LÊ GIÁP

Bình luận (0)