BĐVN

Năm đầu hoạt động, điều quyết liệt nhất VPF làm được là hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp lẫn luật công ty cổ phần bởi “chủ quyền” thuộc về các ông bầu, các CLB (tham gia 65% cổ phần so với VFF là 35% cổ phần). Lần đầu tiên bản quyền V.League bán được với cái giá đáng kể sau khi VPF lấy lại bản quyền từ AVG. Sau đó, khi VPF mất người cầm trịch lẫn hiểu biết về luật cũng như đủ cơ để “đấu” lại những thế lực muốn lấy lại các giải đấu để tổ chức thì VPF dần “biến dạng”.

Sự “biến dạng” này đã được Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Phòng chỉ ra những phần sai mà VPF đánh mất đi chức năng hoạt động của công ty cổ phần để bị “lái” theo hoạt động như “công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên” (theo cách nói của ông Trần Mạnh Hùng).

Ông Hùng dẫn chứng các cổ đông chiếm 65% cổ phần không còn được tôn trọng mà thay vào đấy là VFF mà đứng đầu là CT Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn chỉ đạo hết. Từ việc cấy người của VFF vào HĐQT đến việc “ép” phải đưa người của Phòng thi đấu VFF Nguyễn Minh Ngọc vào làm trưởng BTC giải. Sau đó là ép luôn việc đưa ông Ngọc làm Phó TGĐ và có ý định đẩy lên thay ông Phạm Ngọc Viễn làm TGĐ.

Chính từ việc VFF lấn hết phần và quyền của 65% cổ đông còn lại điều hành V.League khiến giải đấu này y hệt như hồi VFF điều hành các giải đấu. Ông Hùng cũng chỉ ra phần bất hợp lý mà nếu thực sự VPF điều hành thì phải tính đến yếu tố con người mà VPF thuê để làm sao có lợi nhất cho công ty. Đằng này toàn là người được gài vào từ VFF, thậm chí là gài vào để ăn lương hay để mượn chức quyền trong VPF làm kinh tế.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: VPF đang bị “biến dạng”
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải).

Đó là việc ông Trần Mạnh Hùng đã hỏi thẳng Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng về việc tại sao thuê một Phó TGĐ Phạm Phú Hòa suốt gần 4 năm trả lương mỗi tháng 45 triệu đồng; bao tiền vé máy bay, ăn ở đi đủ mọi nơi mà không mang về được một đồng nào tài trợ nhưng VPF vẫn è cổ ra trả lương. Khi bị chất vấn như thế, ông Võ Quốc Thắng không thể trả lời được và đó cũng là điều cho thấy ông này bất lực và lép vế hoàn toàn trước những nhân vật mà VFF cài vào dù ông Thắng danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT.

Một điều khác nữa mà BĐVN đang tranh luận rất nhiều, đó là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được thông qua có những điểm và những phần bất hợp lý (như vụ Quế Ngọc Hải phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa) nhưng vẫn có hiệu lực sau khi được thông qua. Đó là quyền góp ý để hoàn chỉnh quy chế liên quan quyền lợi đội bóng, của cầu thủ và của CLB nhưng đại diện của các CLB thường đi họp qua loa. Nói như những thành viên từng dự họp về kể thì “vui là chính” trong khi phần nội dung cần đóng góp thì lại bị bỏ qua.

Sau V.League 2015, sẽ có bản tổng kết và nguy hiểm nhất là bản tổng kết đấy lại quay về điệp khúc như thời bao cấp lẫn thời VFF điều hành với những mỹ từ “thành công tốt đẹp” hay về “đích an toàn”.

NGUYỄN NGUYÊN

Mùa này, HA.GL giống như “thỏi nam châm” thu hút khán giả, khi họ đi đến đâu thì khán giả kéo đến chật sân đến đấy.

Thế nên, không bất ngờ khi trước một trận đấu có tính chất “sống còn” ở mùa bóng này, đội bóng phố Núi tiếp tục được khán giả Đồng Nai chào đón nồng nhiệt.

Khi các Thượng đế tiếc Sân Đồng Nai chiều qua có khá đông khán giả đến xem buổi tập của những Tuấn Anh, Xuân Trường… Nhiều người gọi nhau í ới “Công Phượng đâu rồi?”, “Tuấn Anh để tóc dài kìa”… Trong khi đó, không ít người đã còn khoe chiếc áo có được những chứ ký của các cầu thủ HA.GL. Thế nên hết buổi tập thì khán giả kéo đến vây kín xe của đội bóng phố Núi để xin chữ ký các thần tượng.

Xen lẫn trong niềm vui được gặp mặt các thần tượng “bằng xương, bằng thịt” thì nhiều người đã thốt lên trong sự tiếc nuối khi Công Phượng ngồi ngoài trận đấu này vì thẻ phạt. “Có Công Phượng thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ đến đông hơn rất nhiều. Tôi thật sự tiếc khi cậu ấy không thi đấu. Về chuyên môn, tôi nghĩ Công Phượng vắng mặt sẽ giúp HA.GL đá đồng đội hơn nhưng khó có được đột biến…”, anh Nguyễn Đình Duy (40 tuổi) chia sẻ.

Không chỉ tiếc nuối cho Công Phượng mà nhiều khán giả còn bày tỏ nỗi buồn dành cho HA.GL, dù khẳng định sẽ cổ vũ cho Đồng Nai. Họ cho rằng: “HA.GL xuống hạng thì buồn lắm. Sao BTC không giữ các đội ở lại giải năm nay luôn đi. HA.GL đang là biểu tượng mới của BĐVN, trong khi hạng Nhất thì không có đội nào muốn lên hạng nên cần xét lại…”.

VĂN NHÂN

 BTC sân Đồng Nai đã phát hành 20.000 vé và cho biết nếu NHM đến đông hơn sẽ tiếp tục phát hành thêm. Thế nhưng sau ngày hôm qua, GĐĐH CLB Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Long cho biết chỉ khoảng 4.000 vé được bán ra. 

Nghề trọng tài không khác gì con dao 2 lưỡi, làm tốt cũng bị chê trách mà không làm tốt thì bị lôi cả họ hàng ra chửi. Tôi không bảo vệ cái sai của những vị “Vua áo đen”, dù họ cũng là con người, có đúng có sai như cầu thủ hay HLV vậy. Vấn đề là cầu thủ, HLV sai thì bình thường, ít ầm ỹ và ghê gớm vì đó là lỗi chuyên môn, là chuyện bình thường trong bóng đá và có cơ hội để sửa sai, khắc phục.

Ở BĐVN, điều cần nói là cái cách phản ứng trọng tài.

Ở trên sân, nếu trọng tài có mắc lỗi thì BTC giải, Ban Trọng tài sẽ xem xét và xử lý. Còn với đội bóng, nếu cầu thủ phạm lỗi và sai lầm thì chính họ và HLV trưởng phải là người tự chịu trách nhiệm. Có thể những quyết định của trọng tài là sai nhưng phản ứng cũng không thể làm thay đổi phán quyết mà ngược lại chính những người tranh cãi với trọng tài lại mắc lỗi lớn, dù lúc đầu họ có đúng đi chăng nữa.

Phạm Văn Quyến: Vì họ không là một phần cuộc chơi

Bản thân tôi nói điều này, chắc chắn những người trong cuộc và đang còn thi đấu, làm bóng đá hiểu và biết rất rõ. Vậy tại sao, cứ người này, sân này phản ứng rồi lại đến người khác, sân khác tranh cãi quyết định của trọng tài? Đơn giản thôi, nhiều khi họ cần tìm một nhân vật để đổ lỗi, để tránh né trách nhiệm.

Ở Việt Nam, việc chịu trách nhiệm là điều khó. Thế nên, với những tình huống và cách phản ứng của cầu thủ, tôi nghĩ HLV trưởng cần phải bình tĩnh nhìn nhận một cách công bằng. và chính HLV cũng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn của đội. Họ cần phải nhìn lại mình và đứng ra chịu trách nhiệm chứ đừng đổ thừa cho ai đó.

Từng nhiều năm thi đấu ở V.League, AFF Cup, SEA Games và AFC Cup…, tôi biết các trọng tài Việt Nam có chuyên môn đến đâu. Thực tế, họ không hề thua kém các đồng nghiệp đến từ các nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông, Tây Á… nhưng về các giải quốc nội là lại gặp vấn đề. Ở BĐVN, những ông “Vua áo đen” chịu rất nhiều tác động, chi phối. Cá nhân tôi cũng không loại trừ những khả năng trọng tài Việt Nam bị những thế lực khác tác động, buộc phải hành động trái sự thật. Điều này không phải chuyện lạ, bởi BĐVN đã từng đình đám với hàng loạt các vụ việc trọng tài nhận hối lộ rồi.

Kể ra cũng khó để có thể thay đổi cách nghĩ, cách làm ở môi trường BĐVN. Khó nhất là trọng tài không được chấp nhận như một phần cuộc chơi, giống như đa phần bóng đá trên thế giới chấp nhận. Tôi nghĩ đó mới là vấn đề…

PHẠM VĂN QUYẾN

“Còn ở trận đấu với ĐT.LA hôm nay, không biết do chuyên môn hạn chế hay tư tưởng có vấn đề hay không nhưng rõ thấy mỗi lần Huỳnh Kesley Alves hay cầu thủ nào đấy của chúng tôi tranh chấp bóng thì lập tức bị cắt còi.

Chúng tôi luôn tôn trọng luật chơi và mong muốn chung tay làm cho BĐVN ngày càng phát triển, vì thế, các trọng tài cũng nên tôn trọng chúng tôi. Nói thật, cực chẳng đã thì tôi mới nói ra những lời như thế này chứ chẳng muốn từ những phản ứng này của mình để rồi nhận lấy hậu quả không hay.

HLV Võ Đình Tân: “Thổi như thế thì BĐVN đừng mơ phát triển”
Trọng tài Trần Đình Thịnh bị cầu thủ S.Khánh Hòa phản ứng

Và một lần nữa tôi khẳng định, điều khiển trận đấu kiểu như trọng tài Đình Thịnh hôm nay, hoặc trước đó với Hải Phòng là cố tình làm khó cho chúng tôi và chẳng có lợi cho sự phát triển BĐVN…”, HLV Võ Đình Tân cho biết thêm.

ĐẮC MINH (ghi)

“Quan điểm của PVF thực sự rất khó hiểu và khác hoàn toàn với SLNA, HN.T&T, Học viện HA.GL Arsenal JMG hay Viettel. Đó là điều có vẻ vô lý, thiếu thực tế. PVF bỏ ra nhiều tiền để cho đào tạo cầu thủ trẻ thì phải có mục đích rõ ràng. Nếu tốn chi phí đào tạo mà không bán để thu hồi vốn nhằm tái đầu tư thì mục đích để làm gì? Tôi nghĩ họ phải có mục đích khác…

Bóng đá... từ thiện?
BHLU.17 PVF mừng chiến thắng.

Những lò đạo tạo khác nổi tiếng như SLNA, HA.GL Arsenal JMG, Viettel đều có mục đích rõ ràng và đều có các đội bóng đang chơi ở các giải đấu đỉnh cao. SLNA đặt dưới sự quản lý của tỉnh nên đào tạo cầu thủ để phục vụ cho bóng đá Nghệ An. Tuy nhiên, SLNA vẫn bán để cầu thủ cho các đội khác để thu về chi phí đào tạo. Trong khi đó, HA.GL Arsenal JMG đào tạo để bán và phục vụ cho đội HA.GL đang chơi tại V.League, còn Viettel có chiến lược dài hơi là sẽ có đội bóng lên chơi V.League trong tương lai và đội 1 cũng vừa lên hạng Nhất.

Thế nhưng, PVF có nhiều điều vô lý khi đào tạo chỉ bán tượng trưng và không có đội bóng chơi chuyên nghiệp, giờ vẫn chưa thấy đầu ra. Ngay cả chuyện vì sự phát triển của BĐVN thì cũng cần xem xét lại. Bởi nói thì ai cũng nói được, làm và thực tế như thế nào mới là vấn đề. Thêm nữa, quan điểm như vậy thì phải có đội bóng chuyên nghiệp và chiến lược rõ ràng để phục vụ bóng đá đỉnh cao. Thực sự, nếu đào tạo chỉ bán tượng trưng thì chẳng lẽ họ làm từ thiện à?

Chắc chắn, nếu đào tạo mà không bán để bù vào khoản chi nhằm tái đầu tư thì họ có mục đích khác. Có thể, họ đang tính một chiến lược dài hơi để trong tương lai sẽ làm bóng đá chuyên nghiệp. Một mục đích khác là ông chủ có nhiều tiền nên thích làm đào tạo trẻ để quảng bá thương hiệu. Một khả năng nữa là có thể ông chủ bỏ tiền làm bóng đá theo kiểu để chơi, kiểu như bầu Trường, bầu Long, bầu Kiên…”.

VĂN NHÂN (ghi)

PVF là gì?

Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng BĐVN là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup, gồm Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%), Công ty CP Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và Công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).

Khác biệt & Đặc biệt

Bên cạnh việc đào tạo cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, PVF còn có chức năng khác là xây dựng, triển khai và tài trợ cho các chương trình, đề án nhằm mục đích đầu tư và hỗ trợ các thiếu niên có năng khiếu, tài năng trong lĩnh vực bóng đá trên cả nước.

Đặc biệt, PVF ra đời từ chính ý tưởng gợi ý của nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người lúc sinh thời rất yêu bóng đá và hết sức tâm huyết với nền bóng đá nước nhà.

Sau thời gian dài “thai ngén”, PVF chính thức ra đời vào ngày 04/12/2008 và khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 12/06/2009 với 50 học viên được tuyển chọn từ khắp các tỉnh thành trên cả nước ở lứa tuổi sinh năm 1997 – 1998.

Tại PVF, bên cạnh việc được đào tạo các kỹ năng đá bóng, các cầu thủ còn được chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe, học văn hóa tại các trường công lập của TP.HCM và đặc biệt được học ngoại ngữ (tiếng Anh) ngay từ lúc nhập học cho đến khi tốt nghiệp.

Trải qua 6 mùa tuyển sinh, hiện PVF đang đào tạo 180 học viên, chia thành 7 lớp. Các học viên được tuyển chọn từ hơn 50 tỉnh thành trên cả nước. Ở mùa tuyển sinh thứ 7 vừa kết thúc vòng loại và vào đầu tháng 8 tới sẽ chọn 30-35 học viên từ 120 thí sinh lọt vào VCK để đào tạo trong vòng 10 năm.

Hiện tại, PVF được đặt tại Trung tâm Thành Long. Đây là cơ sở mà PVF phải đi thuê, với tất tần tật gồm văn phòng, sân bãi tập luyện (5 sân cỏ dành cho bóng đá 11 người), khách sạn, nhà ăn, khu học tập, vui chơi, giải trí…

“Có một không hai”

So với các trung tâm đào tạo trẻ khác trên cả nước, PVF dù chưa được coi là lò đào tạo kiểu mẫu. nhưng với cách làm của mình, không quá khi cho rằng đây là trung tâm đào tạo trẻ “có một không hai” của BĐVN.
Trong số 24 HLV đứng lớp hiện tại, hầu hết là cựu tuyển thủ mà nếu xếp đội hình, có đủ luôn 2 ĐTQG các thời kỳ. HLV phải là dân cầu thủ “xịn”, gắn “mác Tuyển” và thuộc diện “hàng hiệu”. Đây chính là sự đặc biệt khi nhắc đến cái tên PVF. Trong số này, nổi bật phải kể đến những cái tên như Trần Minh Chiến, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Liêm Thanh, Hứa Hiền Vinh, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Tuấn Phong, Võ Văn Hạnh, Nguyễn Văn Phụng…

Theo HLV Nguyễn Phúc Nguyên Chương, quan điểm của PVF về việc HLV đào tạo trẻ phải từng là cầu thủ chơi bóng đá chuyên nghiệp là bởi sẽ như thế dễ dàng hơn trong việc truyền đạt các kỹ năng chơi bóng cho các em. Và với công tác đào tạo trẻ, việc các HLV từng là cầu thủ giỏi sẽ là cực kỳ quan trọng, bởi những bài học đầu tiên và kỹ năng chơi bóng, các em không những được dạy đúng mà còn được truyền đạt những “ngón nghề độc” từ chính các thầy. Mặt khác, với tên tuổi, danh tiếng của các thầy sẽ là động lực, tấm gương để các em noi theo và thể hiện sự khát khao để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

 Tại PVF, cơ cấu bộ máy hoạt động gồm GĐĐH Nguyễn Xuân Nam – người có quyền cao nhất. Bên dưới là ban cán sự với 5 HLV gồm Nguyễn Mạnh Cường, Trần Minh Chiến, Nguyễn Hữu Đang, Hứa Hiền Vinh và Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Trước kia, PVF có GĐKT Sasa phụ trách chuyên môn cao nhất nhưng sau khi chuyên gia người Ukraine này nghỉ thì chỉ còn Phó GĐKT Nguyễn Mạnh Cường.

 HLV phải là “hàng hiệu” và nếu xếp đội hình, PVF có đủ 2 ĐTQG. Nếu như đội hình 1 có thủ môn Văn Phụng, các hậu vệ Hứa Hiền Vinh, Mạnh Cường, Trung Tuấn, Hữu Lộc, tiền vệ là Hồ Văn Lợi, Võ Hoàng Bửu, Hữu Đang còn tiền đạo là Minh Chiến, Tấn Thành, Ngầu Nại thì đội hình 2 cũng không kém với Văn Hạnh; Mai Ngọc Quang, Quang Trãi, Nguyên Chương, Duy Đông; Tuấn Phong, Liêm Thanh, Ngọc Thọ; Hoàng Hùng, Việt Thắng, Ngọc Thanh.

NGỌC UYÊN

Chính sự có mặt của những ngoại binh khi BĐVN bắt đầu lên chuyên nghiệp đã và đang tạo sức sống, sự phát triển nhất định về chuyên môn…

Một vài năm gần đây, số lượng ngoại binh ở V.League và hạng Nhất bị BTC cắt giảm, tạo cơ hội cho nội binh. Tuy nhiên, vai trò và tầm ảnh hưởng của những cầu thủ ngoại vẫn còn khá lớn đối với mỗi đội bóng. Kể từ thời điểm HA.GL, ĐT.LA, B.Bình Dương, SHB.Đà Nẵng, Hà Nội.T&T hay SLNA đăng quang V.League thì “hơi thở” của những ngoại binh luôn đóng góp quan trọng vào thành công của đội nhà.

Đối với bản thân khi còn thi đấu, việc được chơi bên cạnh tiền đạo ngoại giúp tôi tự tin và đá tốt lên rất nhiều. Năm 2009, khi bắt đầu trở lại V.League và được HLV Nguyễn Văn Thịnh trao cơ hội, cũng rất may khi đó SLNA đang sở hữu tiền đạo ngoại chất lượng như Eric, Akame. Họ đã gánh phần việc cho tôi trên hàng công rất nhiều, giúp tôi có thời gian, khoảng trống và được tạo nhiều cơ hội để thể hiện.

Kết thúc mùa giải năm 2009, tôi có tổng cộng 8 bàn thắng. Đó có thể coi là một mùa giải thành công khi bắt đầu trở lại với bóng đá đỉnh cao. Đó là ví dụ với chính bản thân tôi và tự tôi đúc kết khi còn thi đấu, đã từng đá cặp với cả cầu thủ nội và ngoại.

24H

Được thi đấu cùng các ngoại bình sẽ có điều kiện tốt để phát triển, điều này không chỉ nằm ở hàng công – vị trí tôi thường thi đấu. Nếu có sự xuất hiện của những cầu thủ nước ngoài ở các tuyến phòng ngự và tuyến giữa cũng sẽ giúp đội bóng mạnh và chắc chắn hơn rất nhiều. Bởi sức mạnh, khả năng chuyên môn của họ đa phần là hơn cầu thủ nội. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề trên, đều phải kèm theo điều kiện cốt lõi: Cầu thủ “Tây” phải chất lượng.

Khi một đội bóng có nội binh yếu, cách tốt nhất là lấy ngoại binh bù đắp và biến đó thành điểm mạnh. Thế nên, khâu chuẩn bị, lựa chọn nhân sự và tìm kiếm ngoại binh luôn được các đội bóng chú trọng, đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhất.

Mọi người cứ nhìn thẳng vào V.League 2015 với những đội bóng đứng vị trí cuối BXH thì sẽ thấy. Họ chính là những đội bóng thất bại trong việc tìm kiếm ngoại binh chất lượng hoặc gặp vấn đề về kinh tế. Ngay như Hải Phòng, nếu xét về lực lượng nội, họ cũng không thực sự mạnh hơn những đội bóng đang xếp sau như SHB.Đà Nẵng, QNK.Quảng Nam, XSKT.Cần Thơ nhưng với việc sở hữu 2 tiền đạo ngoại chất lượng trên hàng công, họ đã chơi tốt và có được vị trí cao trên BXH ở thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, đối với HA.GL, đó là câu chuyện của cả “tấn” vấn đề. Nội binh yếu và non, cách tuyển chọn và tìm kiếm ngoại binh lại càng hỏng. Trước khi kết thúc giai đoạn 1, tôi nghĩ chỉ cần tăng cường 2 cầu thủ nước ngoài tốt, họ sẽ đứng vững và vượt qua những thời điểm khó khăn, thế nhưng cả mùa bóng họ đầu tư, tìm kiếm và thay thế đều thất bại.

Xin nhắc lại câu nói của bầu Đức, “HA.GL sẽ thi đấu chấp Tây” để khẳng định cho cái sai của chính ông chủ. Với quan điểm cá nhân, tôi khẳng định, nếu không có ngoại binh tốt, cầu thủ nội có đá đẹp đến mấy, cũng rất khó có được cái kết đẹp.

PHẠM VĂN QUYẾN

Tại sao lại treo thưởng U.23 VN trước trận tranh HCĐ?

“Chỉ thấy thương chúng nó thôi…”, ngày ĐT nữ Việt Nam trắng tay ở trận tranh HCĐ giải Đông Nam Á (thua 3-4 trước U.23 Australia), một “đàn chị” là cựu tuyển thủ QG than thở. Thương các cầu thủ nữ khi lần đầu tiên sau 20 năm trắng tay ở các giải đấu khu vực. Thất bại với bóng đá nữ, chính xác và chân thực nhất phải dùng 2 từ: Thất bát.

2d2

Cả năm, họ chỉ chờ đợi và trông vào AFF Cup hay SEA Games. Đó là cơ hội để họ chứng tỏ, cố gắng giành thành tích và kiếm tiền thưởng. Vô địch hay có thành tích là có tiền thưởng, với các cầu thủ nữ mấy chục triệu đồng quý và to lắm. Sửa nhà, giúp đỡ gia đình, chữa bệnh cho bố mẹ, người thân hay nuôi em ăn học…, nó giúp họ giải quyết rất nhiều vấn đề của cuộc sống, khi cả năm ngóng trông với hy vọng.

Không có thành tích nên không có thưởng, ĐT nữ Việt Nam thất bại ở AFF Cup 2015 nên cả đội chỉ có 300 triệu đồng chia nhau. Tính ra, cầu thủ loại A được 12 triệu, A- nhận 10,5 triệu còn B là 9 triệu đồng. Thế nên, rất nhiều tuyển thủ “vỡ kế hoạch”.

300 triệu đồng cho ĐT nữ, kể ra cũng nghiệt nếu so sánh với 3 tỷ đồng tiền thưởng dành cho U.23 VN với tấm HCĐ SEA Games 28. Tất nhiên, so sánh thì khập khiễng và giữa bóng đá nam với nữ có khoảng cách, không bao giờ có thể so bì. Nhất là khi cả nền bóng đá cũng như xã hội dành sự quan tâm cho U.23 VN với tấm HCV bao nhiêu năm vẫn chỉ là giấc mơ đau đáu. Và nhiều cầu thủ, họ cũng chỉ biết chua chát là ĐTVN không… may mắn.

Không “may” như U.23 VN, thua ở bán kết và trước trận tranh HCĐ, bỗng dưng có người cho kích nổ một “quả bom”. Lá đơn tố cáo chính danh nhắm vào 2 nhân vật đứng đầu BĐVN khiến tất cả rúng động. Lại chuẩn bị có “bão” và ở thời điểm nhạy cảm như thế, người ta buộc phải tính toán.

2db

SEA Games 2007 và 2011, U.23 VN từng thua xấu mặt ở những trận tranh HCĐ. Một trận thua đậm nữa là nguy cơ hiển hiện, với trạng thái suy sụp tinh thần sau thất bại cay đắng ở bán kết trước U.23 Myanmar cùng sự thất vọng ghê gớm của đám đông. Nếu thầy trò HLV Miura không gượng dậy được, đánh mất tinh thần, ý chí và thua 4-5 bàn như từng xảy ra thì tai họa khôn lường.

Khi đó, cuồng phong sẽ nổi với sự giận dữ của tâm lý đám đông và có nhiều người lãnh đủ. Ai sẽ “ăn đòn”, trở thành bia hứng đạn nếu U.23 VN thất bại ở trận đấu vớt vát tranh HCĐ? Lá đơn tố cáo được tung ra đúng thời điểm nhạy cảm như thế (dù có thể đó chỉ là động cơ cá nhân và chuyện đúng sai còn phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc kết luận) thì những người trong cuộc không thể không đưa ra phản ứng nhanh.

Đó là lý do trước trận đấu với U.23 Indonesia, một liều doping được bơm cho U.23 VN. Số tiền 2 tỷ đồng được treo và chưa khi nào, tấm HCĐ lại có giá đến vậy. U.23 VN thắng giòn giã 5-0, ở trận đấu thầy trò HLV Miura đá vì chính mình và đá cho cả các chú các bác, để rồi cứu nhiều người, nhiều thứ.

2d

Thưởng 1 tỷ đồng cho việc hoàn thành chỉ tiêu lọt vào bán kết, thêm 2 tỷ đồng cho tấm HCĐ và 3 tỷ đó, chưa chắc đã phải là lý do, động lực giúp U.23 VN chiến đấu, chiến thắng U.23 Indonesia trong trận đấu đối thủ này sau đó bị tố bán độ. Chỉ chắc chắn một điều rằng, chiến thắng đó giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề, từ những chuyện to tát như danh dự, niềm tin, khả năng xoa dịu nỗi đau thất bại của đám đông đang ngập tràn thất vọng đến chuyện của một số cá nhân.

Nhiệm kỳ kim tiền

Thông tin tiền thưởng được tiết lộ sau giải đấu, khi U.23 VN đã hoàn thành nhiệm vụ và tiền không chỉ của VFF mà có cả của các nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân… Ở đây, có một vấn đề cần và nên nói. Đó là từ mấy năm qua, lãnh đạo VFF luôn kiên quyết nói không với việc treo thưởng. Những tuyên bố to tát, hùng hồn của các quan chức và chuyện treo thưởng khi được nhắc đến đều được đẩy lên như một thứ cấm kỵ, thậm chí rất xấu theo nghĩa tiêu cực. Thế nên, khoản thưởng treo 2 tỷ đồng mà những người có trách nhiệm âm thầm quyết định trước trận tranh HCĐ và quán triệt tinh thần chỉ nội bộ biết với nhau, rõ ràng là vấn đề, giống cái tát vào chính mặt mình sau những gì đã nói, đã làm.

Câu chuyện tiền bạc xung quanh một trận đấu, một giải đấu và ở tình huống đặc biệt này nói lên nhiều điều. Đó là tư duy, cách làm và những vấn đề mang tính bản chất mà con số 3 tỷ đồng tiền thưởng cho tấm HCĐ giống một minh chứng.

Một vụ kiện tụng liên quan đến quyền lợi, tiền bạc xuất phát từ chính ngôi nhà VFF, một khoản thưởng kỷ lục ở trận đấu mang ý nghĩa danh dự và ít nhiều, người ta sẽ hiểu vì sao nhiều năm qua ở VFF qua vài nhiệm kỳ, người ta đúc kết và định nghĩa là “triều đại kim tiền”…

Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi vừa trao khoản tiền thưởng 12 triệu baht (tương đương 8 tỷ đồng) cho các tuyển thủ U.23 vô địch bóng đá nam tại SEA Games 28. Nhưng theo tờ Bangkok Post tiết lộ thì nếu gộp các khoản thưởng từ Chính phủ cùng các công ty, tổng số tiền U.23 Thái Lan nhận được là 22 triệu baht (14,25 tỷ đồng).

ĐỘC PHONG

“Có thành công, thất bại và có chuyện này khác nhưng chúng tôi luôn cố gắng thay đổi, hoàn thiện để tốt hơn. Như cơn dông quét qua Hà Nội, rồi mọi thứ sẽ được dọn dẹp, sạch đẹp trở lại và được giải quyết theo cách tốt nhất…”, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ trong buổi gặp gỡ các phóng viên thể thao vào sáng qua, 18/06/2015 tại trụ sở VFF.1

Chủ động đề nghị góp mặt, HLV Miura bày tỏ sự lạc quan với tiềm năng của BĐVN và muốn gửi lời cảm ơn tới báo chí, NHM đã đồng hành cũng như mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ trên hành trình chinh phục cùng BĐVN.

P.V

Truyền hình có một gameshow khá hay, ấy là chương trình “Vì bạn xứng đáng”. Đại để là khi hoàn thành cuộc chơi, toàn bộ số tiền nhận được sẽ do đích thân người chơi trao cho một nhân vật khác là người từng hoặc đang có những đóng góp cho xã hội nhưng không may mắn trong cuộc sống…

Nhân văn chính là ở chỗ, đó là sự chia sẻ cho những người xứng đáng, vì một lý do nào đó không có điều kiện tham gia cuộc chơi.

“Vì bạn xứng đáng”, câu nói tưởng chừng rất đơn giản và ai cũng nói được nhưng không phải ai cũng làm được.

24h

Mấy ngày nay, người ta ồn ào về 2 câu chuyện “xứng đáng”. Đầu tiên là câu chuyện “chị ve chai” vô tình có được khoản tiền lên tới 5 triệu Yên Nhật. Cũng có người đến nhận là của mình nhưng họ đã không chứng minh được. Gần 1 tỷ đồng không phải là khoản tiền nhỏ nhưng nó như câu chuyện cổ tích và cho đến lúc này ai cũng tin chắc là người nhặt ve chai ấy xứng đáng, nhất là khi chính người nhận tiền cũng có ý định chia sẻ cho những người nghèo khó khác.

Câu chuyện thứ hai là về người tù Thanh Chấn với 10 năm trong nhà giam trước khi được xác định là tòa đã sai. 10 năm oan sai ấy, cuối cùng ông Chấn được đền bù 7,2 tỷ đồng. Có người nói từng ấy tiền là quá nhiều, thậm chí có bạn trẻ còn viết trên trang cá nhân: “còn…suất oan sai nào không thì mình xin đăng ký”. Đùa vậy thôi chứ ai chẳng biết “một ngày trong tù bằng cả ngàn năm ở ngoài”.

“Chị ve chai” hay ông Thanh Chấn không tham gia vào trò chơi “Vì bạn xứng đáng” nhưng rõ rằng họ xứng đáng với những gì nhận được.

Tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện “Vì bạn xứng đáng” khi nghĩ về đội U.23 của ông Miura. Cả chặng đường đã qua ở SEA Games, hình ảnh ấn tượng nhất, đẹp nhất không phải là những bàn thắng, không phải những pha ngã “quái” của Công Phượng hay những chiến thắng. Đọng lại là hình ảnh sau khi ghi bàn vào lưới U.23 Malaysia, các cầu thủ U.23 đã giơ lên cao chiếc áo số 13 – áo của Tấn Tài – cầu thủ bị chấn thương và sớm rời SEA Games.

Đó là hình ảnh về một tập thể đoàn kết, điều mà không phải lúc nào BĐVN cũng có. Có những thời điểm, tưởng chừng đội tuyển “lặng sóng” nhưng người trong cuộc mới hiểu nội tình.

Chúng ta đang đặt nhiều hy vọng vào một lứa U.23 không chỉ với những cái tên đơn lẻ như Hồng Quân, Công Phượng hay HLV Miura…

Người ta đã nhìn thấy một đội ngũ khát khao và cuộc đời không khiến ai phải chịu thiệt thòi quá nhiều, khi nỗ lực cố gắng hết sức.

Những gì mà U.23 đã nhận được, từ điểm số, vị trí cho tới tình cảm của NHM bây giờ, là vì họ xứng đáng. Và BĐVN, NHM Việt Nam xứng đáng có một đội tuyển như thế.

SONG AN

T2

Đạt mục đích bằng mọi giá

Qua 1 năm làm việc ở Việt Nam, trải qua nhiều giải đấu trong năm 2014 và 2015 thì đến nay nhiều người nhận định rằng, HLV Miura là con người của bóng đá thực dụng. Cách xây dựng đội bóng của ông Miura không cần đẹp mắt, chỉ cần hiệu quả. Mong ước về một ĐTVN hay U.23 VN lột xác dưới bàn tay của HLV người Nhật để học theo trường phái la-tinh của bóng đá Nhật Bản có thể khẳng định rằng đã bị phá sản hoàn toàn dưới bàn tay của ông thầy người Nhật.

Đối với U.23 VN ở vòng loại U.23 châu Á tại Malaysia và với ĐTVN 2 năm qua (không chỉ là trận đấu với Thái Lan ở vòng loại World Cup ngày 24/05), đến thời điểm này có thể thấy được ông Miura đang vận hành “chóp nhọn” của bóng đá Việt theo hướng nào.

Ở vòng loại U.23 châu Á, lối đá của ĐT U.23 VN hoàn toàn thất bại về mặt… thị giác, cảm xúc nhưng lại đạt được mục đích mong muốn là chiếc vé dự VCK U.23 châu Á 2016. Do vậy, người ta có thể chấp nhận, hoặc thông cảm cho lối chơi tẻ nhạt, khô cứng mà ông Miura áp dụng.

Nhưng trận đấu với Thái Lan tại Bangkok đêm 24/05 là một sự thất vọng tột cùng của rất nhiều NHM, với ĐTVN của ông Miura. Cả mục đích lẫn cách thức chơi bóng của ĐTVN đều thất bại theo cách rất khó bào chữa. Một thất bại xấu xí, rất nhiều bất cập và thậm chí là những ám ảnh, với thứ bóng đá “cổ lỗ sỹ” cùng cách chơi không thể tin nổi.

Trong 20 năm qua, kể từ lần đụng độ Thái Lan ở SEA Games 18 (năm 1995), BĐVN chạm trán với Thái Lan không biết bao nhiêu lần, thua rất nhiều và chỉ thắng có 2 trận. Tuy nhiên, chưa bao giờ CĐV lại cảm thấy tổn thương nhiều như trận đấu ngày 24/05. Đó là trận đấu mà chỉ có Thái Lan mới thực sự đá bóng, còn ĐTVN thì không.

Nếu U.23 VN vào chung kết SEA Games 28…

Về mặt cảm quan, tất cả đã có được đáp án cơ bản là phong cách ông Miura đang xây dựng không phù hợp với BĐVN. Để thực hiện được mục đích lấy hiệu quả trên hết, HLV Miura cố công rèn thể lực để cho cầu thủ luôn ở trạng thái “vượt ngưỡng” và sử dụng cách chơi bóng đơn giản nhất và yếu tố kỷ luật đặt lên hàng đầu.

Cả ĐTVN lẫn U.23 VN bây giờ đều chơi theo kiểu đua sức, truy cản quyết liệt và triển khai tấn công chủ yếu bằng bóng dài. Cách đá này trước hết là để phá lối chơi của đối thủ chứ không phải là chủ động chơi bóng theo cách mình mong muốn. Bởi vậy dưới thời Miura, những mẫu cầu thủ khỏe mạnh, xông xáo và chịu va đập như Khánh Lâm, Minh Châu, Huy Hùng, Ngọc Hải, Huy Toàn, Đinh Tiến Thành… lại có chỗ đứng trong khi những mẫu cầu thủ chơi bóng mềm mại, thiên về kỹ thuật, đầu óc lại khó giành được sự tin tưởng của ông thầy. Ví dụ rõ ràng nhất chính là dàn cầu thủ trẻ tài năng của bầu Đức, khi quân HA.GL Arsenal JMG rơi rụng dần và giờ chỉ còn đúng Công Phượng đóng vai chính.

Trong bóng đá rất khó để dự đoán kết quả. Tuy nhiên, giả định rằng ở SEA Games 28 sắp tới nếu HLV Miura dẫn dắt  U.23 VN lọt vào trận chung kết bằng thứ bóng đá đầy chất… “băm bổ” này thì liệu rằng đó có phải là một thành công và là hướng đi lâu dài cho BĐVN?

Giả định này không hề oái oăm vì chuyện thắng thua như cách của HLV Miura đang làm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn và biết đâu đấy, ở giải đấu trẻ vốn lắm bất ngờ, nếu U.23 VN may mắn thì hoàn toàn có thể làm nên chuyện.

BĐVN đã xác định tư tưởng là học Nhật Bản, song lại có cảm giác không định hình là học cái gì của Nhật mà cứ miễn cái gì “made in Japan” đều được “gật đầu tuốt” để rồi bây giờ mới vỡ ra rằng HLV Toshiya Miura đi ngược lại hoàn toàn với phong cách Nhật Bản mà BĐVN hằng mơ ước. Lãnh đạo VFF như ông Lê Hùng Dũng nhiều lần nói rằng BĐVN sẽ không chạy theo thành tích trước mắt, nhưng những gì HLV Miura đang làm lại đích thị “còn hơn cả chạy theo thành tích”.

Với HLV Miura, VFF đang chơi một “canh bạc” mà ở đó dù thắng hay thua ở SEA Games 28, BĐVN cũng sẽ quay lại vòng xoay luẩn quẩn về cách thức xây dựng một nền bóng đá mang bản sắc Việt Nam. Bởi vì suy cho cùng nếu HLV Miura thành công ở SEA Games 28 thì ông sẽ chèo lái con thuyền BĐVN đi đến đâu?

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hơn một lần khẳng định BĐVN không chạy theo thành tích, kiên nhẫn làm lại từ đầu và chấp nhận hy sinh. Thế nhưng, với HLV Miura và những gì ông thầy Nhật này đang làm, thành tích là thứ quan trọng nhất để rồi chính ông cùng số đông lại dùng thành tích để biện minh cho phương tiện. Đó mới là vấn đề…

NAM KHA

Thai Lan )xanh) - Viet Nam 3

Năm 1995, khi BĐVN tham dự SEA Games 18 với 2 lần gặp Thái Lan và thua 1-3 ở vòng bảng, 0-4 ở chung kết thì ai cũng nói khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan còn xa lắm. Một năm sau gặp lại ở bán kết Tiger Cup 1996 cũng thế. Chỉ cần siết lại và tăng tốc một tí là Thái Lan của lứa Kiatisak, Dusit, Natipong… đã có 4 bàn thắng rất nhanh.

Hồi đấy, lứa cầu thủ “thế hệ vàng” như Mạnh Cường, Văn Cường, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Công Minh, Quốc Cường, Hữu Thắng, Hữu Đang… thú thật là rất ngán gặp Thái Lan vì họ trên cơ xa quá và đồng đều quá.

Cũng từ đó, BĐVN hay lấy mốc làm thế nào nào để thắng Thái Lan, bởi dị ứng nhưng giải khu vực cứ gặp Thái Lan ở vòng knock-out là đứt.

Mãi đến Tiger Cup 1998 tại Hà Nội khi gặp Thái Lan ở bán kết thì chính HLV Riedl hồi đấy cũng ngại. Trước trận đấu, ông từng phát biểu “Thái Lan không có điểm yếu!” khiến nhiều người phật ý dù đó là sự thật kể cả năm đấy Thái Lan rất tai tiếng trong trận bán kết tự sút thủng lưới nhà với Indonesia và đó cũng là năm Thái Lan không có Kiatisak tham gia đội tuyển.

Chiến thắng 3-0 của Việt Nam trước Thái Lan tại bán kết năm đấy như cởi bỏ được những mặc cảm tâm lý của cầu thủ Việt Nam. Chỉ tiếc là lần đầu vượt qua rào cản Thái Lan nhưng đến chung kết thì “thế hệ vàng” hồi đấy vẫn gãy trước Singapore.

Mười năm sau chiến thắng trên sân Hàng Đẫy, BĐVN mới có một chiến thắng thuyết phục trước Thái Lan ngay tại thánh địa Rajamangala của Thái Lan. Một chiến thắng mang đậm dấu ấn của nhà cầm quân Calisto và thế hệ cầu thủ dám chơi thứ bóng đá sòng phẳng với người Thái.

Nhưng sau lần thắng thuyết phục đấy, vẫn chưa ai dám thừa nhận chúng ta đã vượt qua được Thái Lan. Rõ nhất là SEA Games 27 và AFF Cup 2014, Thái Lan lấy đủ các bộ huy chương vàng từ futsal nam, nữ đến bóng đá nam, nữ cấp đội tuyển và cả U.23. Đáng chú ý hơn là Thái Lan đã mạnh dạn đưa thầy nội vào dẫn dắt và huấn luyện còn những chuyên gia ngoại chỉ là một bộ phận giúp việc.

Trong khi bóng đá Thái Lan tính toán theo chiến lược và điểm rơi trọng điểm cụ thể thì BĐVN vẫn thu hoạch theo kiểu có gì ăn nấy và cứ loay hoay với các đời thầy ngoại.

BĐVN vừa có lứa U.19 trình làng mới thắng được U.19 AS Roma thì lập tức lãnh đạo VFF tuyên bố ngay không màng đến sân chơi Đông Nam Á mà nhắm vào châu Á, vào World Cup 2018.

Nếu BĐVN ra mắt lò đào tạo liên kết với Arsenal – JMG thì Thái Lan đã đi trước 3 năm và chưa kết thúc một khóa thì phía LĐBĐ Thái Lan đã hủy chương trình liên kết đấy sau khi phân tích những phần thiệt hơn rồi quay về với cách làm riêng được xem là phù hợp với mô hình của bóng đá Thái Lan. Các chuyên gia của Thái Lan đã phân tích rằng một lò đào tạo chỉ chú trọng đến tiền vệ và tiền đạo (không thủ môn, không hậu vệ) thì rõ ràng đó là cách chọn gà nòi để tìm hạt giống tốt nhất chứ không phải đầu tư cho một đội tuyển tốt nhất. Chính các chuyên gia Thái Lan còn phân tích rằng ngay cả việc cầu thủ giỏi nhất mà Arsenal – JMG chọn thì đơn vị này được toàn quyền sở hữu cũng là một điều khoản bất hợp lý vì có khi cả ngàn cầu thủ được đào tạo mới tìm được viên ngọc quý và viên ngọc đấy lại thuộc “người ta”.

Tất nhiên mỗi nơi có một quan điểm khác nhau nhưng rõ ràng là trong khi BĐVN cứ ảo tưởng và trông vào một lứa trẻ thì Thái Lan lại lấy nền tảng từ bóng đá học đường và cách chăm chút cho sự phát triển của CLB để tạo nền móng cho đội tuyển.

Khoảng cách với bóng đá Thái Lan không phải từ cuộc so cựa ở cấp đội tuyển mà từ chính cách tạo nền móng và tính toán chiến lược cho sự phát triển của một nền bóng đá.

NGUYỄN NGUYÊN

Miura

Khi ông Toshiya Miura đến Việt Nam và bắt tay vào việc, ông chỉ biết có mỗi thứ hạng chênh lệch giữa bóng đá Nhật với BĐVN và biết là Việt Nam có một cầu thủ khoác áo CLB Nhật nửa mùa thỉnh thoảng vẫn ra sân. Rồi ông bắt đầu làm quen từ những buổi thị sát các trận ở V.League. Có lần các phóng viên “chộp” được cảnh ông nhăn mặt khịt mũi bước ra từ nhà vệ sinh ở khu VIP sân Long An rồi lấy nước suối rửa tay. Đó không phải là bài “vỡ lòng” mà là điểm nhấn bắt đầu từ việc ông buộc phải thích nghi với BĐVN ở cả cái nơi tưởng chừng như không liên quan đến bóng đá.

Sau lần ông trả lời độc quyền đài truyền hình Nhật thì ở đất nước ông, nhiều người bắt đầu biết đến ông nhờ là một công dân Nhật làm HLV trưởng một ĐTQG. Bài phỏng vấn được xem là ông rất thật thà khi nói tất tần tật về thói quen và cả tật xấu ở Việt Nam trong đó bóng đá là một phần của xã hội.

Đọc bài phỏng vấn rất thật của ông, có người nói ông khó tồn tại lâu với BĐVN vì khác rất xa với những gì ông học bài bản để ứng dụng vào bóng đá. Cũng có người lại nói rằng các nhà thầu hay các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam họ cũng phải biết “sửa mình” để thích nghi thế nào thì ông rồi cũng thế và sẽ lại thích nghi nhanh thôi vì cùng người châu Á cả mà. Và quả là ông thích nghi nhanh thật. Nó cũng giống lần một nhóm phóng viên đài truyền hình mời ông đi đá “phủi”, sau đó ra quán bia hơi giao lưu và ông cũng “Suteki desu ne!” (tuyệt vời quá!).

Cái hay của ông thầy người Nhật là ông phải oằn mình “liệu cơm gắp mắm” trong điều kiện tốt nhất có thể từ những nguyên liệu chưa hoàn chỉnh để thành thực đơn tốt. Ông phát hiện cầu thủ Việt Nam chỉ chạy đến phút 65 và ông phải kéo dài thêm 25 phút bằng chiêu của mình trong mỗi lần tập trung. Điều mà ở Nhật nếu làm một đội bóng ông không phải nhúng tay nhiều vì nền tảng luôn sẵn có.

Ông cũng phải chống chọi với chấn thương liên tục trong mỗi lần tập trung vì nhồi khối lượng luyện tập để tăng sự chịu đựng. Ông chấp nhận cầu thủ tự đào thải nếu không qua nổi những bài tập để tăng sức đề kháng. Thậm chí ông cũng phải bực dọc với đội ngũ y tế ở các CLB rồi lên đến đội tuyển trong việc đảm bảo cho cầu thủ. Điều mà ông từng đề nghị đổi bác sĩ ở đội tuyển vì thiếu trách nhiệm, hiểu biết với các ca chấn thương và mới đây ông phải thú thật ở các CLB, cầu thủ nhiều khi cứ phải ra sân trong tình trạng vết thương chưa hồi phục, vì cần người hoặc vì kém hiểu biết trong y học thậm chí cũng là vì thành tích của đội mà bất chấp.

Cứ mỗi lần tập trung là ông phải đối đầu với nạn chấn thương và hụt người.

Có một nghịch lý là ông không cho cầu thủ mình đá giao hữu theo kiểu giữ chân vì muốn có thói quen ra sân là “chiến” để bù đắp cho nhiều khiếm khuyết từ mặt bằng giải chuyên nghiệp mà cầu thủ còn nhiễm nhiều thói quen đại khái.

Ông đến Việt Nam chưa lâu nhưng khi ông nhúng tay vào thì cứ như người đi chống lại V.League. Đúng hơn là ông chống lại những gì chưa hoàn chỉnh ở V-League mà cầu thủ mang theo lên đội tuyển.

Bây giờ thì ông bắt đầu ngấm với những áp lực từ SEA Games, từ cái giải ở vùng trũng Đông Nam Á mà trước đây chẳng bao giờ ông quan tâm. Bởi trước ông đã biết bao đời HLV hiểu BĐVN hơn ông nhưng đều “gãy” trước cổng chung kết.

Giờ ông phải che đi nỗi sợ để cùng các học trò chiến đấu với một mục tiêu nhẹ nhàng là vào bán kết nhưng sau đó thì ai cũng nghĩ đến vàng và phải là vàng.

NGUYỄN NGUYÊN

Có người bạn nhắn tin vừa bày tỏ chia vui vừa hơi ngạc nhiên rằng: “Trong BXH mới nhất của OECD – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, giáo dục Việt Nam được xếp hạng thứ 12, cao hơn cả giáo dục Anh, Mỹ…”.

Chuyện này liệu có thật không? Xin thưa là rất… thật. Nhưng có một điểm cần phải hiểu là những số liệu để ra kết luận ấy chính là dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả các kỳ thi quốc tế. Nên nhớ là với hệ thống trường chuyên và phương pháp đào tạo “gà nòi” trong giáo dục vẫn thịnh hành ở Việt Nam thì chuyện đoạt giải quốc tế trong những lĩnh vực toán, lý, khoa học không còn là chuyện hiếm với giáo dục Việt Nam. Nếu căn cứ vào những điều này thì đúng là giáo dục Việt Nam oách thật.

Thực tế thì không phải như vậy, những học sinh “gà nòi” đoạt giải quốc tế dù đáng hoan nghênh nhưng cũng chỉ là hiện tượng chứ không thể là bản chất và phản ánh mặt bằng giáo dục. Và nó cũng đưa ra một thực tế là Việt Nam dù rất đông đảo những tiến sĩ, thạc sĩ nhưng công trình nghiên cứu thì xếp vào hạng bét.

Sự ngộ nhận này cũng xảy ra với bóng đá, nó không chỉ là hễ cứ đứng đầu BXH của FIFA ở khu vực ĐNÁ có nghĩa là Đội tuyển Việt Nam đứng trên Thái Lan, Malaysia. Thậm chí, với nhiều người thì việc xếp trên cũng chỉ là cho vui.

Nhưng ngộ nhận tai hại hơn ấy là sau khi có một đội tuyển U.19, BĐVN tưởng chừng như đã có ngay tấm HCV trong túi, thậm chí đã có vị lãnh đạo mơ có mặt ở World Cup.

Xin thưa rằng, nó cũng giống như mấy em đi thi quốc tế, lứa cầu thủ của HA.GL được đào tạo kiểu “gà nòi” trong Học viện bóng đá, đã có lúc đưa tuyển trẻ Việt Nam dự VCK U.19 châu Á bằng cách đánh bại cả U.19 Australia nhưng về bản chất lứa cầu thủ ấy không thể nâng tầm BĐVN lên một vị thế mới.

Bởi vậy nếu nhìn một cách thực tế thì lứa U.19 gắn mác HA.GL ấy chỉ nên là một động lực cho sự phát triển và thúc đẩy chứ không thể là liều thuốc tiên cho bóng đá Việt.

Vì thế, đôi khi chúng ta phải chấp nhận một nghịch lý là dù được xếp thứ 12 về giáo dục nhưng khi được hỏi, hẳn ai cũng muốn cho con mình đi học ở… Mỹ – nơi chỉ xếp thứ 28. Còn “niềm hy vọng” HA.GL thì lẹt đẹt ở nhóm dưới V.League với ám ảnh xuống hạng còn SEA Games 28 này, thậm chí còn khó hy vọng đội U.23 có thể bay cao nhờ các cầu thủ HA.GL, khi các cầu thủ cứ rơi rớt dần và không cạnh tranh được vị trí.

Giáo dục hay bóng đá thì đầu tư vào bản chất vẫn hơn là quá chìm đắm trong những hiện tượng. Vì thế, hãy bình tĩnh và dù gì thì vẫn cần thời gian…

SONG AN

Trân trọng kính mời quý bạn đọc quan tâm đến chuyên mục “Cafe 24h” phản hồi vào địa chỉ email: cafe24h@sport24h.com.vn để chia sẻ, góp ý với Thể thao 24h!