Câu chuyện đầu tuần

Việc hoãn tổ chức do những nhà điều hành cấp cao muốn tránh những vấn đề nóng và nhạy cảm đang diễn ra. Đây được xem là đòn “né” ngoạn mục, để tránh phải giải trình những chuyện nghị sự nóng bỏng.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: Đại hội VFF lại bị hoãn
Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng, Trần Mạnh Hùng.

Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã chia sẻ rất thật về lý do ông không gọi đấy là Đại hội theo đúng nghĩa đen của nó mà lại gọi là “hội” với lý do sau:

“Đại hội VFF là nơi những người có trách nhiệm cao nhất đại diện cho các tầng lớp của bóng đá Việt Nam tham dự để nghe báo cáo, để đóng góp ý kiến, để điều chỉnh và để chất vấn các vấn đề trong ngôi nhà VFF. Ngôi nhà mà người ta hoạt động theo cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thế nhưng ý nghĩa của các Đại hội đã chỉ còn sót lại một từ “hội” vì họ đến đấy chỉ để nghe, để vỗ tay, rồi ra sân ngồi ghế VIP xem đá bóng… Nguy hiểm là văn hóa đại khái và vui vẻ khi dự Đại hội đã ảnh hưởng đến chính sách của cả một nền bóng đá. Điển hình là cũng từ những Đại hội đấy, người ta dễ dàng thông qua Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trong đó có điều 39 về xử phạt cầu thủ. Vừa qua khi ứng dụng vào phạt Quế Ngọc Hải thì mới biết là cả làng đều sai vì cùng gật, cùng biểu quyết vào thứ luật đứng trên cả luật dân sự…”.

Do đó, việc không “hội” vào tháng 10 là chắc chắn dù các Ủy viên BCH đã nhận được thông báo dự kiến ngày “hội” và cũng được phát phiếu thăm dò ngày tổ chức. Tuy nhiên, chỉ 1-2 ngày sau khi nhận được thông báo thì nhiều Ủy viên lại nhận được điện thoại từ văn phòng VFF đề nghị đánh dấu vào ô không đồng ý tổ chức vào ngày 12 và 13/10.

Như vậy, Thường trực VFF sẽ không phải đối mặt với chất vấn xung quanh hàng loạt sự kiện nóng bỏng và nhạy cảm đang diễn ra bao gồm công tác Đội tuyển; định hướng chiến lược bóng đá Việt Nam; vai trò HLV ngoại và trách nhiệm của Hội đồng HLV quốc gia; sự cố 2 quan chức bị tố cáo nhận hối lộ; mùa giải V.League đầy dấu hỏi; Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đứng trên cả luật dân sự…

Tháng 10 nóng vì thế đã được “lái” sang tháng 12 và có thể là trước Tết để quả bóng được xì bớt hơi hoặc cũng có thể nói là “quả bom” như những bức xúc của bầu Đức vừa qua được “tháo ngòi”…

Vừa qua, ông Trần Mạnh Hùng, cũng là một trong những đại diện 65% cổ đông ở VPF, chỉ ra bộ máy điều hành hỏng nên V.League loạn và chia sẻ những gì ông trao đổi với lãnh đạo VPF.

Ông Hùng nói: “Tôi có nói với anh Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT VPF là tôi hiểu phần khó của anh Thắng nhưng không đồng ý với việc Công ty cổ phần VPF do các CLB góp vốn đến 65% mà lại hoạt động lệch hướng và không hiệu quả. Là một cổ đông của VPF tôi không muốn VFF vươn tay quậy hết cả cám lẫn cháo ở VPF một cách sai luật và mất bình đẳng với các cổ đông như thế”.

Tháng 10 vì thế mà không có “hội”.

NGUYỄN NGUYÊN

Năm đầu hoạt động, điều quyết liệt nhất VPF làm được là hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp lẫn luật công ty cổ phần bởi “chủ quyền” thuộc về các ông bầu, các CLB (tham gia 65% cổ phần so với VFF là 35% cổ phần). Lần đầu tiên bản quyền V.League bán được với cái giá đáng kể sau khi VPF lấy lại bản quyền từ AVG. Sau đó, khi VPF mất người cầm trịch lẫn hiểu biết về luật cũng như đủ cơ để “đấu” lại những thế lực muốn lấy lại các giải đấu để tổ chức thì VPF dần “biến dạng”.

Sự “biến dạng” này đã được Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Phòng chỉ ra những phần sai mà VPF đánh mất đi chức năng hoạt động của công ty cổ phần để bị “lái” theo hoạt động như “công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên” (theo cách nói của ông Trần Mạnh Hùng).

Ông Hùng dẫn chứng các cổ đông chiếm 65% cổ phần không còn được tôn trọng mà thay vào đấy là VFF mà đứng đầu là CT Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn chỉ đạo hết. Từ việc cấy người của VFF vào HĐQT đến việc “ép” phải đưa người của Phòng thi đấu VFF Nguyễn Minh Ngọc vào làm trưởng BTC giải. Sau đó là ép luôn việc đưa ông Ngọc làm Phó TGĐ và có ý định đẩy lên thay ông Phạm Ngọc Viễn làm TGĐ.

Chính từ việc VFF lấn hết phần và quyền của 65% cổ đông còn lại điều hành V.League khiến giải đấu này y hệt như hồi VFF điều hành các giải đấu. Ông Hùng cũng chỉ ra phần bất hợp lý mà nếu thực sự VPF điều hành thì phải tính đến yếu tố con người mà VPF thuê để làm sao có lợi nhất cho công ty. Đằng này toàn là người được gài vào từ VFF, thậm chí là gài vào để ăn lương hay để mượn chức quyền trong VPF làm kinh tế.

Nhà báo Nguyễn Nguyên: VPF đang bị “biến dạng”
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải).

Đó là việc ông Trần Mạnh Hùng đã hỏi thẳng Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng về việc tại sao thuê một Phó TGĐ Phạm Phú Hòa suốt gần 4 năm trả lương mỗi tháng 45 triệu đồng; bao tiền vé máy bay, ăn ở đi đủ mọi nơi mà không mang về được một đồng nào tài trợ nhưng VPF vẫn è cổ ra trả lương. Khi bị chất vấn như thế, ông Võ Quốc Thắng không thể trả lời được và đó cũng là điều cho thấy ông này bất lực và lép vế hoàn toàn trước những nhân vật mà VFF cài vào dù ông Thắng danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT.

Một điều khác nữa mà BĐVN đang tranh luận rất nhiều, đó là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được thông qua có những điểm và những phần bất hợp lý (như vụ Quế Ngọc Hải phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa) nhưng vẫn có hiệu lực sau khi được thông qua. Đó là quyền góp ý để hoàn chỉnh quy chế liên quan quyền lợi đội bóng, của cầu thủ và của CLB nhưng đại diện của các CLB thường đi họp qua loa. Nói như những thành viên từng dự họp về kể thì “vui là chính” trong khi phần nội dung cần đóng góp thì lại bị bỏ qua.

Sau V.League 2015, sẽ có bản tổng kết và nguy hiểm nhất là bản tổng kết đấy lại quay về điệp khúc như thời bao cấp lẫn thời VFF điều hành với những mỹ từ “thành công tốt đẹp” hay về “đích an toàn”.

NGUYỄN NGUYÊN

Không biết khi bầu Đức đòi thay ông Miura thì ông phát biểu với tư cách gì? Một Phó Chủ tịch VFF mà “phang” như thế thì rõ ràng không ổn bởi ông Đức cũng là một phần của cái cơ cấu đưa ông Miura về Việt Nam làm HLV trưởng đồng thời ông Đức cũng từng bị xem là người cùng hội cùng thuyền với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn – hai đạo diễn chính của việc đưa HLV Miura về Việt Nam. Còn nếu ông Đức nói với tư cách một doanh nhân làm bóng đá – nếu đúng với những gì báo giới đưa tin – thì rõ ràng ông quá ngạo mạn.

Chuyện giữ hay thay ông Miura phải là chuyện tầm xa chứ không thể là chuyện thấy Đội tuyển đá chưa hay hoặc thắng mà lối chơi nghèo nàn thì thay HLV.

VFF: Thay ông Miura giải quyết được gì?Những gì ông Đức nói có thể không sai nhưng cách nói và thời điểm nói không có lợi cho cái chung của BĐVN. Bởi là thành viên Thường trực VFF, ông Đức thừa hiểu vì sao ông Miura có mặt tại Việt Nam và vì sao HLV này thực hiện hàng loạt những vấn đề then chốt liên quan đến ĐTVN và U.23 VN. Chắc chắn đó không phải là tự ý của Miura mà phải là sự xuyên suốt thông qua đại diện VFF – nơi thuê và định hướng cho ông Miura. Nên nhớ, ông Miura không thể là người giật dây cho Đội tuyển chạy mà là người thực hiện chiến lược và đường lối của VFF.

VFF có một Hội đồng HLV, có Phòng các ĐTQG, có người giám sát ông Miura, có chủ trương và chiến lược để ông Miura thực hiện… Thế thì tại sao lại đổ hết lên đầu ông Miura (?).

Chơi như thế là không công bằng (!).

Có một thực tế mà những nhà chuyên môn nhìn thấy rất rõ, đó là ở VFF có nhiều ban bệ nhưng vai trò đều tê liệt. Ông Chủ tịch Hội đồng HLV cũng là Phó Chủ tịch VFF thường trực kiêm phụ trách chuyên môn – Trần Quốc Tuấn. Ông này là người mà thời gian đi họp ở nước ngoài nhiều hơn làm việc ở trong nước, vậy thì 14 chức vụ còn lại ông này mang có cưu mang đầy đủ hết không? Vì như thế, mỗi ngày ông chỉ ngồi một cái ghế thôi đã không đủ thời gian đứng lên ngồi xuống và đọc văn bản.

Có thể sau khi chơi với bạn và ủng hộ bạn, ông Đức đã nhìn ra được chân tướng của những người ngồi cùng xuồng với mình và việc chỉ trích đòi thay ông Miura chỉ là một phản ứng với thành viên ở Thường trực VFF. Nói là có thể, bởi ông Đức xưa nay vốn nổi tiếng là trực tính thì với “bạn hiền” ông hoàn toàn có thể góp ý thẳng mặt.

Thay ông Miura thì sẽ giải quyết được gì? Có ai chịu nhìn ra Đội tuyển là thành phẩm của một phiên bản V. League lỗi nặng khi một số vòng đấu vừa qua cầu thủ không đá thật.

Có ai chịu nhìn ra nền tảng của Đội tuyển là mặt bằng giải VĐQG và ông Miura không thể dựa trên nền tảng lỗi mà cho ra sản phẩm hoàn hảo được. Đó là chưa kể Nghị quyết VFF đưa ra là trẻ hóa, là tập trung cho lứa cầu thủ tài năng với đích đến cụ thể nhưng cuối cùng thì mọi cái lại được xáo tung lên bởi chẳng ai giữ cương để Nghị quyết đi đúng hướng.

Nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam là “cha chung không ai khóc” và cứ hở một tí thì đòi “thay tướng” trong khi cái cần thay thì chẳng thay được.

NGUYỄN NGUYÊN

Thời hoàng kim của HLV Trần Bình Sự là dẫn dắt CA Hải Phòng vào bán kết năm 1991 và đoạt chức Á quân QG năm 1992 cùng lứa cầu thủ Hải Phòng chất lượng đóng góp nhiều cho ĐTQG. Cũng với những chiến tích đấy mà ông Sự được Tổng cục TDTT tin tưởng trao cho dẫn dắt ĐTVN dự SEA Games 1993 và VL World Cup 1994.

Dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông Sự gặp những khó khăn nhất định bởi tình trạng “quân anh, quân tôi” thời bấy giờ. Một SEA Games và VL World Cup mà những ai “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Đó là năm ông Sự hy vọng cùng đội tuyển thu hoạch được chiến tích tại SEA Games 17 với phân nửa đội hình là “lính chiến” của ông ở CA Hải Phòng. Tuy nhiên ông Sự lại không ngờ SEA Games đấy có những cầu thủ muốn phá đội mà bằng chứng là chủ động đá để nhận thẻ đỏ rồi bỏ đội đi buôn đầu máy. SEA Games mà hành trình từ Singapore về của ĐTVN đầy ắp đầu máy Singapore mà vừa đến Tân Sơn Nhất đã có con buôn ra nhận hàng.

Câu chuyện đầu tuần: Nỗi đau tuổi 70Đó là lần đầu ông Sự ngậm ngùi và hiểu rất rõ nắm một ĐTQG cứ tưởng làm tốt chuyên môn là đội sẽ tốt nhưng không phải thế.

Năm 1994, ông Sự lại vấp một nỗi đau khác. Nỗi đau của một HLV “chơi dao đứt tay” mà thời đấy hầu như HLV nào cũng tìm cách bắt tay làm những cái tam giác để A thắng B, B thắng C, C thắng A hoặc 2 đội chơi 3 đi, 3 về.

Năm đấy CA Hải Phòng của ông Sự chơi với Lâm Đồng và nhiều đội khác. Theo đúng kế hoạch thì lượt về cũng là lượt áp chót, Lâm Đồng sẽ phải trả 3 điểm cho CA Hải Phòng như trong “hợp đồng”. Thế nhưng trận đấu đấy trên sân Phan Rang, ông Sự đã bị “bạn lừa” và cướp luôn 3 điểm, đẩy đội bóng của ông rớt hạng.
Ông Sự đau vì với lực của CA Hải Phòng khi ấy, nếu chơi sòng phẳng thì có thể vào Top 3 chứ không thể xuống hạng. Ông buộc phải làm tự kiểm với ngành và tất nhiên trong đấy ông không thể nào dám đặt bút viết rằng xuống hạng vì tin bạn hay vì “chơi dao”.

Đó là lần thứ hai ông cảm nhận được những cay đắng từ phía hậu trường trong một cuộc chơi mà có người dõng dạc tuyên bố là “đứa nào không ăn gian đứa đó ngu!”.

Cuộc đời HLV của ông Sự cứ bị đẩy đưa hết từ đội này sang đội khác và ở đâu người ta cũng trọng ông, bởi cái tài nắm bắt thời cuộc lẫn mối quan hệ của một người từng trải có thể lèo lái đội yếu thành mạnh hoặc từ trung bình trở nên có thành tích cao.

Về Đồng Nai, ông thuyết phục được những lãnh đạo khó tính ở đội bóng bị xem là có cái sân rất đẹp từng tổ chức SKADA nhưng lại thiếu hình bóng đội nhà ở đỉnh cao. Ông đưa Đồng Nai thăng hoa có chỗ đứng ở V.League rồi sau đó là “hoàn thành nhiệm vụ” sớm ở mùa 2014. Cũng chính vì thành tích về đích sớm vẻ vang đấy mà nửa đội hình Đồng Nai hồi đó nhúng chàm, vừa đá vừa đánh (độ) để tăng thu nhập vì quá rủng rỉnh điểm.

Vụ án của các cầu thủ làm ông đau đầu không phải vì Đồng Nai mất nhiều cầu thủ giỏi mà vì niềm tin của một người thầy từng trải không ngờ bị các cầu thủ mình bán đứng.

Năm nay (2015), năm mà khi chia sẻ với báo chí, ông hay mệt mỏi nói về việc người ngồi ghế nóng đã sang tuổi 70 mà tối đến cứ quanh quẩn với nhà tập thể cùng đội bóng hoặc khách sạn và cứ xoay quanh những con tính, những sơ đồ…

Ông đã bộc bạch khả năng giải nghệ nhưng lộ trình của ông là Đồng Nai một lần nữa trụ hạng vẻ vang để ngày về của ông là hào quang và lịch sử sẽ ghi nhận tướng Sự nắm đội bóng nghèo nhất nhưng luôn chạm đích ngoạn mục.

Ông lên kế hoạch rất kỹ để đánh bại HA.GL trên sân nhà. Ông tin vào những con át chủ bài gồm nội binh, ngoại binh và cả cầu thủ nhập tịch với niềm tin sẽ thắng HA.GL bằng chuyên môn.

Và trận đấu cuộc đời của ông lại là trận chiến với một HLV còn nhỏ tuổi hơn con mình rất nhiều vừa bị bắt lên thay thầy Tây. Ông rào hết mọi phương án nhưng rồi cuối cùng thì đội ông lại thua bởi những tình huống bóng chết. Khi Nsi bị đốn ngã, ông đã giang tay như thói quen sau mỗi trận thắng. Thế mà đúng thời khắc quyết định thì cầu thủ ông tin yêu lại là người đá hỏng quả 11 mét.

Ông tiếc quả 11 mét tưởng như ăn chắc và tiếc cả những tình huống đá ra ngoài khó hơn đá vào thì bóng lại trôi đi rất xa.

Tướng Sự đã hiểu cuộc chơi này hơn ai hết và ông đã phòng rất nhiều nhưng cuối cùng thì đội ông vẫn gãy.

Gãy bởi trước Thanh Hóa các học trò ông ghi bàn dễ như thế nào thì với HA.GL lại “ăn chay”.

Tuổi 70 ông Sự có quá nhiều hỉ, nộ, ái, ố quanh vòng lăn của trái bóng.

Và ông hiểu hết nhưng biết chia sẻ với ai, bởi cuộc chơi nó như thế.

NGUYỄN NGUYÊN

Đó là giai đoạn khởi đầu mà bầu Đức làm bóng đá dựa vào đồng tiền thao túng thị trường lẫn hào phóng “thưởng” cả “vòng trong” lẫn “vòng ngoài”. Cách làm bóng đá đấy được nhiều đội nói là mãnh lực đồng tiền mà ông bầu phố Núi chịu chơi và chịu chi.

Hơn 10 năm sau thì bầu Đức lại lên tiếng với lứa cầu thủ trẻ khóa đầu của Học viện HA.GL Arsenal JMG qua phát biểu: “Cứ đá đẹp đi, xuống hạng cũng không sao”.

Bây giờ thì lứa cầu thủ trẻ đấy của bầu Đức đang gồng mình lo xuống hạng. Họ thiếu kinh nghiệm chinh chiến, thiếu một HLV hiểu về cuộc chơi khắc nghiệt ở V.League và thiếu cả một tầm nhìn chiến lược của những người làm công tác chuyên môn…

Thực tế thì “không sợ xuống hạng” hay “cứ đá đẹp đi, đừng lo xuống hạng” chỉ là một cách nói của bầu Đức để giảm áp lực cho các cầu thủ trẻ mà ông vội vã đưa lên và sai.

Ông không cho đấy là sai lầm dù ông hiểu rằng quyết định đấy đã bào mòn các cầu thủ trẻ rất nhiều thay vì cứ để họ phát triển một cách tự nhiên.

Rõ ràng là ai làm bóng đá đầu tư tốn kém mà chẳng lo xuống hạng, đặc biệt là một đội bóng trẻ có nhiều tiềm năng được tin yêu, kỳ vọng. Tuổi 20, họ quen với những nền tảng học được từ trường lớp và quen chơi bóng hơn là đá bóng phải tính đến sự thực dụng và phải đối mặt với những tiểu xảo, những áp lực…

Xuống hạng với lớp cầu thủ vừa qua tuổi 19-20 là một cú sốc lớn trong lần đầu bước ra sân chơi người lớn. Khi mà hào quang và sự tung hô của đám trẻ cứ được vây quanh bởi truyền thông mà tất nhiên ở đây cũng có những tung hô quá đà, hoặc vì những động cơ khác.

Họ đã từng trở thành hiện tượng của cả làng bóng, thế mà chơi giải V.League đầu tiên lại vất vả lo trốn xuống hạng ngay thì kiểu gì cũng bị những vết hằn tâm lý.

Đằng sau những tuyên bố "đao to búa lớn" là nỗi buồn, sự tổn thương của các cầu thủ trẻ
Đằng sau những tuyên bố “đao to búa lớn” là nỗi buồn, sự tổn thương của các cầu thủ trẻ

Bây giờ thì điều mà HLV Guillaume lo là có thật. Ông sợ các cầu thủ trẻ của mình mất thăng bằng, khi sự hưng phấn, tự tin như hồi khoác áo U.19 bị những vết hằn tâm lý lấy đi mất dần.

Với một đội bóng mà tầm ảnh hưởng lớn như HA.GL thì việc xuống hạng nếu xảy ra còn ảnh hưởng đến những biến động trên “thị trường” trong đó có cả mã HAG thường nhích lên với thành công và tiếng vang của cầu thủ U.19 ngày nào. Hay những chuyến tập huấn với Arsenal hoặc việc mời thầy trò ông Wenger đến Hà Nội… cùng nhiều đối tác “ăn theo” gắn với những sản phẩm trên ngực áo các cầu thủ trẻ…

Và nếu không sợ xuống hạng thì những thành viên đi cùng đội bóng đâu có phải sôi lên đến độ quên luật, quên quy định và thậm chí là quên cả những tuyên bố của bầu Đức để ăn thua đủ với trọng tài và nhận hàng loạt án phạt.

Bầu Đức đúng là đang cô đơn ở ngôi nhà VFF, ở VPF và cô đơn cả mỗi khi ông nhìn về đội bóng từ việc được xem là “mỏ quý” của BĐVN.

Ông không mất đi nhưng chắc chắn ông e ngại sự mài mòn ở mặt trận khắc nghiệt mà ông không ngờ đến. Nó hoàn toàn khác hẳn với kiểu 11-12 năm trước ông dùng đồng tiền để đạt cho được chức vô địch bằng một Dream team kèm theo những chiến dịch phục vụ để HA.GL vô địch.

Bây giờ thì chẳng có chiến dịch nào cả ngoại trừ một suy nghĩ nai lưng ra đá nốt 6 trận còn lại và trận nào cũng là trận chung kết.

NGUYỄN NGUYÊN

HA.GL là đội bóng duy nhất tại mùa giải này có cả 2 điểm “đầu” và “cuối”. Nếu phần “đầu” là sự quan tâm của một đội bóng trẻ đi đến đâu cháy sân đến đó đồng thời luôn tạo ra sự quan tâm từ nhiều phía thì phần “cuối” lại chính là thứ hạng hiện tại của họ.

Trong cuộc chơi này rõ ràng là HA.GL quá đơn độc. Suốt từ đầu giải đến giờ, trận nào họ cũng căng sức ra đá và chơi hết mình bằng sức của mình. Phong cách đấy không có ở những đội bóng hàng đầu dự giải VĐQG bởi V.League là cuộc chạy dài hơi với nhiều toan tính khi nào thì tăng tốc và khi nào cần phải “nghỉ” để “thở”.

Tuan_Anh
Sức ép của V.League là quá lớn với những cầu thủ như Tuấn Anh.

Cái cách HA.GL đang thu nhặt điểm khác hẳn với những toan tính mà XSKT.Cần Thơ và Đồng Nai “nhặt” điểm lẫn chọn trận mà đá để đi đến mục tiêu cuối: Tồn tại ở V.League.

Nói các cầu thủ trẻ HA.GL không biết tính thì không đúng, bởi họ đá theo lệnh của ông chủ khi luôn tôn vinh thứ bóng đá đẹp làm người hâm mộ yêu thích. Thế nhưng nghịch lý của một giải đấu hạng cao nhất Việt Nam là lối đá thu hút NHM và sự nhiệt tình trên sân của từng cầu thủ lại không phải là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để tồn tại.

Các cầu thủ trẻ HA.GL đang tạo kỷ lục ở V.League, đó là biến tất cả các sân bóng trở nên chật cứng và sốt vé mỗi khi họ đến thi đấu. Thế nhưng những cơn sốt đấy lại không cứu được họ mà ngược lại cứ đẩy dần HA.GL xuống đáy bảng và vòng 19 thì HA.GL lần đầu rơi xuống đáy thật.

Cong_Phuong
Công Phượng thi đấu vật vờ trong những vòng đấu gần đây.

Tính 12 trận gần đây nhất thì chỉ có mỗi trận gặp B.Bình Dương là HA.GL lấy trọn 3 điểm. Một trận đấu mà giới chuyên môn nhìn vào nói là rất đáng ngờ, bởi cách đá của đương kim vô địch hơn là sự đổi mới trong lối chơi và tính hiệu quả của HA.GL.

Dù đang nằm cuối bảng nhưng HA.GL vẫn nắm trong tay quyền tự quyết số phận của mình. Đó là vòng 20 trên sân nhà Pleiku gặp XSKT.Cần Thơ và vòng 23 làm khách ở Đồng Nai.

Nếu không vượt qua 2 cửa ải này thì HA.GL nên tự trách mình. Điều này nếu xảy ra thì cũng là một hình ảnh buồn trong làng bóng Việt Nam bởi V.League mùa này vui hẳn và sôi động chính là nhờ đám trẻ HA.GL thi đấu dù toàn thua. Chính HLV Lê Thụy Hải cũng nói rằng V.League mà không có HA.GL thì buồn lắm, bởi đó là lối chơi mới, con người mới và sức sống mới của một đội bóng đi một mình một hướng ngược dòng với 13 đội còn lại ở V.League và tạo ra được sức hút riêng.

Tuy nhiên, nếu HA.GL không cải thiện được phần “cuối” của mình thì cái “đầu” cũng sẽ thoái hóa và dần mất kéo theo nhiều hụt hẫng lẫn sự sụp đổ niềm tin của đám trẻ được ông bầu của mình “đẩy ra đời” sớm.

NGUYỄN NGUYÊN