Ống suy ngẫm

Giải VĐQG TBN vẫn bị đánh giá là thiếu tính cạnh tranh và tài sản có giá trị nhất của họ chính là hai cuộc đối đầu giữa Barca và Real. Mỗi trận El Clasico thu hút được khoảng 400 triệu khán giả trên toàn cầu, trong khi tổng số lượt xem truyền hình trong cả một mùa giải La Liga cũng chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ.

Liga cần Barca, nhưng Barca chưa chắc đã cần Liga. Từ khi mới ra đời thì tôn chỉ hàng đầu của CLB này đã là tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa của xứ Catalan. Đối với nhiều CĐV Barca thì việc xem bóng đá đôi khi chỉ là phụ, mà thể hiện sự ủng hộ với tinh thần Catalan mới là mục tiêu chính khi đến sân (cứ đúng 17 phút 14 giây kể từ khi bóng lăn, các cule sẽ hô vang “Độc lập” để tưởng nhớ thất bại của Catalan trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của quân đội TBN vào năm 1714).

La Liga-Barcelona: Ai thực sự cần ai?

Cố nhà văn Manuel Vazquez Montalban từng gọi Barca là “đội quân không vũ khí của Catalan” và sẽ không quá lời nếu cho rằng một trong những mục đích tồn tại của Barca, đặc biệt là trong những năm tháng đen tối dưới thời Franco, là cổ vũ cho Catalan giành độc lập.

Nếu như Catalan thực sự được độc lập thì sứ mệnh của Barca cũng đã hoàn thành phần nào và các hội viên Barca – những ông chủ thực sự của đội bóng – đâu có gì phải phiền lòng với việc chia tay La Liga? Ngay từ đầu thì họ đã không muốn thi đấu cùng với “bọn Madrid đáng ghét” rồi. Barca cũng không hoạt động vì mục đích thương mại như một số đội bóng khác (Man Utd hay Arsenal chẳng hạn) nên sự sút giảm trong thu nhập nếu họ rời La Liga cũng không phải là một vấn đề lớn.

Tất nhiên nếu Barca rời La Liga thì giá trị hình ảnh của thành phố Barcelona nói riêng hay xứ Catalan nói chung sẽ bị ảnh hưởng, nhưng bản thân Barcelona là nơi có lượng khách du lịch đông thứ 10 thế giới (xấp xỉ 8 triệu người/năm) với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bãi biển thuộc hàng đẹp nhất châu Âu, khí hậu Địa Trung Hải ôn hòa, nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, văn hóa ẩm thực phong phú…  Tóm lại, giá trị của CLB bóng đá Barcelona đối với thành phố cùng tên không lớn như của Man Utd đối với thành phố Manchester. Vì thế nếu Barca có rời La Liga thì đó cũng không phải là một cú sốc gì quá to tát đối với Barcelona hay xứ Catalan vốn giàu có, chiếm tới 1/5 GDP của TBN.

Quang Hải

Qua lăng kính khoa học, một cuộc nghiên cứu được thực hiện hơn 1 năm trước bởi nhà tâm lý học Mark S. Allen thuộc trường Đại học South Bank London và Marc V.Jones của trường Đại học Staffordshire đã cho kết quả ủng hộ cái gọi là “lợi thế sân nhà”.

Cuộc nghiên cứu cho thấy đám đông CĐV cuồng nhiệt không chỉ tác động tích cực lên tâm lý vận động viên nhà mà thậm chí còn chi phối đến quyết định của các trọng tài. Và những cuộc nghiên cứu bổ sung khác chỉ ra các vận động viên thường có hàm lượng testosterone – hormone gây hưng phấn – cao hơn đáng kể trước mỗi trận được chơi trên sân nhà.

Tuy nhiên chơi trên sân nhà không phải không có bất lợi. Cuộc nghiên cứu cho biết cơ thể vận động viên sẽ có hàm lượng cortisol – hormone gây căng thẳng – cao hơn trên sân nhà vì áp lực phải thành công. Trong sức ép lớn, vận động viên có xu hướng không kiểm soát được hành động và dẫn đến hiệu quả tồi – hiện tượng thường được gọi là “nghẹt thở”.

Cristiano Ronaldo: Lợi thế thành điểm yếuReal Madrid và cụ thể Cristiano Ronaldo trong trận bị Malaga cầm hòa dù thất thế về lực lượng, ngay tại Bernabeu có lẽ đã rơi vào trạng thái “nghẹt thở”, không vượt qua được áp lực đến từ các khán đài hò hét cổ vũ anh đạt cột mốc 500 bàn trong sự nghiệp. Vì “nghẹt thở”, CR7 trở nên vô duyên đến lạ trước khung gỗ Kameni khi tung tới hơn nửa tá cú dứt điểm nhưng không một lần thành công.

Và nói theo ngôn ngữ khoa học, hàm lượng cortisol trong Ronaldo tăng thì hàm lượng testosterone của thủ thành Malaga Kameni cũng tăng. Đôi găng người Cameroon đã có một trận đấu hưng phấn, khiến mọi nỗ lực của các cầu thủ Real Madrid trở nên vô vọng.

Tuy nhiên thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, cảm xúc luôn lấn át lý trí. Dư luận không quan tâm Ronaldo bị tăng cortisol mà bỏ lỡ vô số cơ hội. Họ chỉ nhìn vào những cú dứt điểm vô duyên đến ngạc nhiên của tiền đạo này và đặt dấu hỏi, bất chấp tình trạng “tịt ngòi” của CR7 vừa mới xảy ra.

Nhưng đó là một phần của cuộc chơi và Ronaldo hay bất cứ cầu thủ nào khác đều chấp nhận. Cũng giống như trong công việc hàng ngày, sếp không cần biết bạn vì những nguyên nhân khách quan không hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Thất bại là thất bại!

Q. Nguyên

Từ cú vấp của Real & câu chuyện 11 chọi 10: Hơn người đừng tưởng đã “ngon”

Wayne Rooney, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Gareth Bale có xứng đáng thu nhập hơn 200 nghìn bảng mỗi tuần? Sẽ rất nhiều người có chung câu trả lời KHÔNG.

Nhưng khi đánh giá thu nhập của những cá nhân, chúng ta nên dựa vào cung và cầu. Tất cả lĩnh vực, ngành nghề, một cá nhân nổi bật luôn đòi hỏi được hậu đãi đặc biệt. Nguồn cung người tài càng khan hiếm, chi phí, tạm gọi là thuê tài năng, càng cao.

Rất nhiều chỉ trích nhằm vào một số CLB bóng đá, một vài ông chủ tỷ phú vì không lập ra mức lương trần. Tuy nhiên, tiền lương cầu thủ được thị trường gián tiếp quyết định. Cái thời bóng đá được quan niệm như một trò chơi đã rất xa. Giống như âm nhạc, điện ảnh, bóng đá hiện đại là một nghành công nghiệp giải trí “đẻ” ra tiền. Mỗi album của Maroon 5 có thể thu về hàng triệu USD; mỗi phút trên màn ảnh của Bradley Cooper có thể bằng thu nhập trung bình cả năm của người dân ở nước đang phát triển nào đó; thì Lionel Messi hay Ronaldo nhận lương cao ngất ngưởng cũng là chuyện bình thường.

Tiền lương bóng đá: Có cầu ắt có cung

Khán giả chấp nhận chi một khoản tiền không nhỏ mua vé vào sân, bên cạnh mục đích cổ vũ đội bóng thân yêu của mình còn để chiêm ngưỡng những siêu sao chơi bóng và đấy là nhu cầu. Hàng triệu đồ lưu niệm, áo đấu của các siêu sao bóng đá được tiêu thụ khắp toàn cầu, và đấy cũng là nhu cầu.

Cung và cầu cũng là nguyên nhân tạo ra tình trạng bất công giữa bóng đá nam và nữ.

Sau thành tích đánh bại kình địch Thái Lan và giành quyền vào vòng loại cuối cùng tranh vé dự Olympic 2016 của ĐT nữ Việt Nam, nhiều người bất bình thay cho các cô gái của HLV Takashi khi thành tích có thể nói là lịch sử của họ lại bị che mờ bởi vụ Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa đối diện nguy cơ giải nghệ sớm.

Thực tế vấn đề trọng nam khinh nữ không chỉ có ở nền bóng đá Việt. Thế giới cũng rất hiếm trường hợp như nữ tuyển thủ Mỹ Alex Morgan có thu nhập xấp xỉ 2 triệu bảng một năm; trong khi những người thu nhập thấp lại chiếm đa số.

Lỗi của những người đứng đầu? Không hẳn. Nói thẳng ra thì khi nhu cầu thưởng thức bóng đá nữ còn thấp thì chừng đó vẫn còn tình trạng bất công. Rất đơn giản, chỉ cần hỏi ngay bản thân những người đang cảm thán cho các cô gái chấp nhận bỏ váy mặc quần đùi chạy theo quả bóng, có bao nhiêu người thường xuyên hứng thú xem họ thi đấu? Hay chỉ đến những giải đấu có tính chất quan trọng, những nỗ lực của họ mới được chú ý đôi chút? Và đặt trường hợp tuyển nữ Việt Nam thua Thái Lan, mấy ai nhắc đến họ không?

Vấn đề cốt lõi của chuyện lương cầu thủ, hay sự đối xử giữa bóng đá nam và nữ, thực tế nằm ở chính mỗi người.

Q.Nguyên

Những bí ẩn xung quanh thành tựu gặt hái trong sự nghiệp của những nhà cầm quân vĩ đại luôn gợi sự tò mò. Sir Alex Ferguson, ở vị thế uy tín hiện tại dù đã không còn liên quan đến đời sống bóng đá, đang đánh trúng tâm lý đó. Từng phần nhỏ trong Leading được trích ra, đăng tải trên các trang báo điện tử nằm trong chiến dịch này.

“Cả sự nghiệp tại Man Utd tôi có đúng 4 cầu thủ đẳng cấp thế giới”, một trong những tiết lộ trong Leading của Ferguson đang gây tranh cãi nhất. Gary Lineker cho rằng đấy là nhận xét lố bịch, và không chỉ cựu tuyển thủ Anh cảm thấy vô lý mà rất nhiều người phản đối Ferguson. Tạo ra xung đột là yếu tố được đặt lên hàng đầu nếu muốn thu hút sự quan tâm, và Ferguson cùng bộ sậu của ông đang làm rất tốt.

Sir Alex Ferguson: Vĩ đại và bình thường

Trong quá trình đi quảng bá sách, Ferguson cho biết đã dồn tình yêu, mồ hôi, thời gian và tiền bạc cho Leading – những tâm sự có lẽ cũng nằm trong kế hoạch bán nhiều sách của cựu HLV người Scotland.
Không ai chỉ trích việc Ferguson cố gắng đạt được doanh số tiêu thụ sách cao. Tất cả đều muốn bán được sản phẩm mình làm ra.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng Ferguson xuất bản tự truyện không hẳn để kiếm tiền. Năm 2013, tài sản cá nhân của ông được ước tính khoảng 34 triệu bảng. Và hồi đầu năm, truyền thông Anh tiết lộ Ferguson được Man Utd trả mỗi ngày 108 nghìn bảng cho vai trò “đại sứ toàn cầu cho CLB” làm bán thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2014.

Vậy Ferguson ra cuốn tự truyện Leading nhằm mục đích gì? Như lời rao trong sách – được Ferguson hợp tác với nhà đầu tư mạo hiểm người xứ Wales Michael Moritz – thì Leading là “sự hướng dẫn đầy cảm hứng để trở thành người lãnh đạo vĩ đại” hơn là một cuốn hồi ký bóng đá đơn thuần.

Không ai nghi ngờ Ferguson là HLV vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Anh cấp CLB, một trong số rất ít HLV có thể làm cầu nối giữa bóng đá “thời trước” và hiện đại. Tuy nhiên hình ảnh của một Goliath trong lịch sử Man Utd, và cả bóng đá Anh của Ferguson đã giảm đi ít nhiều khi ông đang không khác một nhân viên bán sách, đi khắp nơi đổi lấy những bí mật trong sự nghiệp lấy tiền dù mục đích của nó thực chất có cao cả như lời rao đi nữa; trong khi đáng ra ở độ tuổi của mình và khối tài sản trong tay, Ferguson đáng ra nên hưởng thụ cuộc sống an nhàn từng là mong muốn xa xỉ trong 26 năm ở Old Trafford.

Q. Nguyên

Sự việc xuất phát từ một đoạn chat được cho là Tú Linh yêu cầu sự trợ giúp từ người thân là một cậu bạn, nhờ cậu này mớm một số thông tin và những nhận định về Man Utd và sau đó bình luận trên sóng trực tiếp. Nhiều người khi biết chuyện bĩu môi “tưởng gì hóa ra rỉ tường”.

Cá nhân tôi ủng hộ cả 2 tay đưa Tú Linh lên sóng bình luận, bởi cô ấy xinh, mà xinh thì nói chán cũng thành hay. Có lẽ hầu hết các CĐV nam giống tôi, để phần nhìn át phần nghe khi có Tú Linh tham gia bình luận bóng đá. Quan tâm gì đến việc Tú Linh-xinh-đẹp bình luận gì, nhận định ra sao; thay vào đó cái miệng xinh xắn, cái mũi dọc dừa của “hot girl” này mới được chú ý nhất.

Chuyện "hot girl" Tú Linh: Ầm ĩ lên làm gì?Thậm chí trong một đoạn clip có Tú Linh góp mặt hay được kênh truyền hình này phát trước và giữa các trận bóng, mặc dù những biểu cảm như buồn, vui, hồi hộp được cô gái này thể hiện dù có phần gượng gạo nhưng vẫn được một số đồng nghiệp tôi ngồi xem khen nức nở: “Đáng yêu thế!”

Nhan sắc của Tú Linh là yếu tố hút không ít CĐV mắt dán vào màn hình thay vì chuyển kênh trong lúc chờ trận bóng.

Tú Linh bị “ném đá” sau khi tham gia bình luận trận Man Utd ngược dòng giành 3 điểm trên sân Southampton. Khá trùng hợp, cũng sau trận trên sân St Mary’s thì HLV Louis van Gaal đang nhận không ít “gạch” với tuyên bố “Man Utd hoàn toàn có thể cạnh tranh chức vô địch”, trong khi chỉ vài ngày trước ông thừa nhận “Man Utd thắng Liverpool nhưng không thể vô địch”.

Màn tỏa sáng của Anthony Martial, hay triết lý sở hữu bóng đang được vận hành như ý sau khi chứng kiến bàn thắng của Mata đến sau 44 đường chuyền giúp Van Gaal tự tin thay đổi quan điểm? Tranh cãi vẫn đang tiếp diễn và giống như vụ Tú Linh, có người ủng hộ, có người phản đối.

Vấn đề là Van Gaal có thứ vũ khí để có thể nói hai lời như vậy: Chiến thắng. Tú Linh đẹp, Man Utd-Van Gaal không đẹp nhưng 3 điểm có được vẫn giúp cựu HLV ĐT Hà Lan có không ít “fan cuồng”.

Vậy nên chốt lại, trừ khi Tú Linh xấu, hay Man Utd-Van Gaal đã xấu lại còn thua thì lúc đấy mới nên chuyện.

Q.Nguyên

Đoạn clip đầu tiên được tờ báo này đăng tải có gì mà khiến người tiêu dùng lo lắng? Là hình ảnh những miếng trứng bị rơi xuống đất nhưng vẫn được các công nhân nhặt lên và tiếp tục chế biến bình thường; là chia sẻ vô tư của một số “công nhân xịn” về những quả trứng bẩn, có giòi vẫn được dùng làm bánh sau khi được ngâm nước muối, ủ rượu, ủ gừng… Kinh khủng!

Một hôm trước khi đoạn clip được đăng tải, tôi vừa mới mua một cặp bánh nướng, bánh dẻo của nhãn hiệu này. Kết quả là đã trót ăn cái bánh nướng, song vẫn còn may chưa ăn nốt cái bánh dẻo và dĩ nhiên tiễn nó ra xe rác ngay tức thì sau khi xem.

Đó mới chỉ là phần một, các phần tiếp theo – như lời tòa soạn, sẽ hé lộ nhiều bí mật làm bánh còn kinh khủng hơn. Nếu không có phóng sự điều tra của tờ báo đó, người tiêu dùng, trong đó có tác giả bài viết, chắc chắn không thể biết được mình đang dùng thực phẩm mất vệ sinh.

Khi miếng trứng đã được “tẩy” và nằm trong lớp bột, vì thế kể cả những người dùng thông thái nhất cũng không thể biết nó bẩn trừ những người trực tiếp tham gia công đoạn chế biến.

Chelsea: Quả trứng nào có giòi?Jose Mourinho tự tin, rất tự tin về tài năng điều binh khiển tướng của bản thân. Nói một cách ví von thì nhà cầm quân người Bồ nghĩ mình như người tiêu dùng thông thái, biết chọn thực phẩm phù hợp, chế biến ra những món ngon. Nhưng Chelsea của Mourinho đang trải qua giai đoạn đầy thất vọng.

Vấn đề khiến The Blues đánh mất hình ảnh của mình được cho không nằm ở chuyên môn; nó zích zắc hơn, trong nội bộ. Vụ “treo giò” nội bộ bác sỹ Eva Carneiro, rồi quyết định đẩy đội trưởng John Terry lên ghế dự bị dường như đang đẩy Mourinho vào tình trạng mất kiểm soát, bị chính các học trò cô lập.

Từ Chelsea giai đoạn đầu, đến Real Madrid và giờ lại là Chelsea, lần nào Mourinho gặp khó khăn thì “mất khả năng kiểm soát đám cầu thủ” luôn là nguyên nhân được chỉ ra đầu tiên. Tại sao như vậy và giờ ở Stamford Bridge, ai là “quả trứng có giòi”? Câu hỏi mà ngay bản thân Mourinho dù vỗ ngực tôi đặc biệt cũng khó trả lời được. Trừ khi ông giống tờ báo nọ, sử dụng “tay trong” để tìm ra “quả trứng có giòi” nào đang làm hỏng các món ăn ông chế biến ra.

Q. Nguyên

Chelsea mang 2 bộ mặt: Quyền lực trong tay ai?

Mới đây, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg úp mở công ty đang phát triển công cụ tương phản nút “like-thích” nhưng không hẳn được gọi là “dislike – không thích”. Chính xác hơn nó sẽ thể hiện sự đồng cảm với dòng trạng thái mà nếu bấm nút like sẽ trở nên vô duyên, ví dụ như tin tức về các thảm họa tự nhiên hay một tai nạn chẳng hạn. Khi Zuckerberg chưa cho chúng ta biết tên của nút đó, cứ tạm gọi nó là “dislike” (Không thích). Đặt ví dụ bây giờ trên Facebook đã có nút dislike, đoạn clip của pha phạm lỗi Monero với Shaw sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm “dislike”.

Cảm tính và lý tríRất trùng hợp, bóng đá Việt cũng đang dậy sóng về tình huống Quế Ngọc Hải phạm lỗi với Anh Khoa trong trận SLNA gặp SHB Đà Nẵng tại V.League. Pha cao chân đưa gầm giầy vào đầu gối – nơi sợ dính chấn thương nhất của mọi cầu thủ bóng đá – đẩy Anh Khoa đối diện tương lai bất định khiến Ngọc Hải bị đưa lên dàn hỏa thiêu trên mạng xã hội. Tình huống đó được ví như cú đá tung bát cơm đồng nghiệp của đội trưởng U23. Những lời chỉ trích, thậm chí mạt sát vẫn cứ đang dồn về Ngọc Hải, và nhiều người kêu gọi cần có án phạt nguội thích đáng cho cầu thủ này.

Cảm tính và lý tríTôi không bấm nút dislike – nếu có – và cả like cho những clip về 2 tình huống vừa kể trên và những lời chửi bới 2 “kẻ thủ ác”. Tôi cũng không like nhận định Ngọc Hải hay Moreno chỉ là chơi quyết liệt hơn mức bình thường, vì cố xem đi xem lại tình huống đấy tôi cũng không thể tự nói rằng “À, ham bóng thôi”. Không ai ham bóng quét thẳng vào trụ đối phương với tốc độ lao như vậy (Moreno) hay đưa cái gầm giày cao như thế (Ngọc Hải).

Tất nhiên, bấm nút nào hay chửi bới là quyền mỗi người, nhất là khi Mark Zuckerberg chưa cho thêm chức năng report những comment tục tĩu, thiếu văn hóa. Vấn đề muốn đề cập ở đây là Ban kỷ luật cần tỉnh táo trong quyết định đưa ra án phạt, không bị cuốn theo làn sóng chỉ trích có vẻ như đang bị cảm xúc chi phối và lấn át từ hình ảnh của pha phạm lỗi.

Án tại hồ sơ và những trường hợp phạm lỗi cụ thể đã có trong luật. Một ví dụ: Không phải FA “sợ” Shawcross mà “chỉ” treo giò cầu thủ này 3 trận sau khi anh ta đạp gãy chân Ramsey. Sai là phải phạt, nhưng mức án đã được quy định và cần có mức độ ra sao để vừa mang tính răn đe, vừa không đá nốt cả “bát cơm” của “thủ phạm”, mở cho anh ta khe cửa để quay trở lại mới là vấn đề.

Q. Nguyên

21 phút, một pha solo qua 3 cầu thủ Liverpool và được kết thúc bằng cú sửa lòng vốn mang thương hiệu “Thierry Henry”, Martial đã có màn ra mắt Nhà hát của những giấc mơ như trong mơ.

Trong thời đại “dễ dãi ngôn từ” như bây giờ, khi mà những “siêu phẩm”, “siêu sao” đầy nhan nhản, ta cứ tạm hài lòng với danh từ “thần đồng” đang được người người, nhà nhà dành cho Martial. Từ sự khởi đầu không thể tuyệt vời hơn của chân sút sinh năm 1995, bên cạnh niềm vui, sự hưng phấn, một câu hỏi quen thuộc được đặt ra: Martial từ bước đà tốt hơn hầu hết các cầu thủ cùng trang lứa có leo lên được đỉnh cao sự nghiệp hay không?

Anthony Martial: Chớ mừng vội khi Old Trafford còn Van GaalThế giới bóng đá chứng kiến nhiều trường hợp được tung hô như Martial bây giờ, nhưng sớm chìm vào quên lãng mà chưa được nếm trải cảm giác lên đỉnh. Rất nhanh, chúng ta có thể nghĩ ngay tới Freddy Adu, Federico Macheda, Francis Jeffers, Javier Portillo…

Áp lực ghê gớm của sự kỳ vọng; không điều khiển được đôi chân đứng yên trên mặt đất trước ánh hào quang đến quá sớm… là “kẻ thù” lớn nhất đối với những ngôi sao mai. Và một “kẻ thù” khác nguy hiểm không kém đối với những “thần đồng”: bị chính những người bảo hộ có trách nhiệm định hướng cho họ dắt đi chệch hướng.

Không cần tìm đâu xa, ngay tại Old Trafford chính Van Gaal biến Adnan Januzaj từ một cầu thủ từng được kỳ vọng không kém Martial nhưng giờ đang phải lưu lạc sang Dortmund tìm “cửa sống”.

Nhờ David Moyes, tiền vệ người Bỉ được trao cơ hội khoác áo đội một, và được tin sẽ trở thành người kế nhiệm chiếc áo “số 7” của David Beckham, Cris Ronaldo tại Old Trafford. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Van Gaal là bước ngoặt, theo chiều thụt lùi, trong sự nghiệp vừa mới chớm đối với Januzaj.

Nhà cầm quân người Hà Lan từng bước dỡ bỏ di sản Sir Alex Ferguson, từ đội hình cho đến triết lý chơi bóng; xới tung Old Trafford với những quyết định buộc các cầu thủ phải chơi trái vị trí sở trường. Không phải ai cũng có thể thích nghi, nhất là một cầu thủ trẻ đang trong giai đoạn cần định hình một phong cách cụ thể như Januzaj trước khi có thể đảm nhận nhiều vai trò khác, như một tầm cao mới của một cầu thủ chuyên nghiệp.

Anthony Martial rất có thể sẽ rơi vào tình trạng tương tự, sẽ không thể phát huy tối đa tố chất của mình nếu phải đảm nhận vị trí chưa bao giờ thử. Nhưng chừng nào Van Gaal còn ở Old Trafford, khả năng này rất dễ xảy ra.

Q. Nguyên

Anthony Martial ra mắt ngoạn mục tại Man Utd: Kế hoạch B thành kế hoạch A?

Nghe thấy lời phản biện bênh vực ông thầy người Nhật Bản những ngày qua trên mạng xã hội quả thực rất hiếm. 3 điểm là mục tiêu tối thượng của bóng đá, nhưng ở trường hợp của Miura, nó không giúp gì nhiều cho ông khi mà cái cách đoàn quân áo đỏ giành chiến thắng nhọc nhằn đến tội, thậm chí còn bị dè bỉu là “rùa”. Nhiều người tin ông Miura cần ra đi.

Phản ứng của người Việt dường như thái quá, tuy nhiên người hâm mộ có quyền đòi hỏi, phán xét.

Chắc chắn chiến lược gia người Nhật, cũng như tất cả các HLV trên thế giới đều nhìn thấy trước những tình thế khó khăn như thế này sẽ không thể tránh được trong sự nghiệp. Mỗi người chỉ khác nhau ở cách ứng xử, và Miura im lặng.

Trớ trêu ở chỗ, người đáng ra nên nói thì đóng cửa im ỉm, người cần im lặng lại “lên sóng”. Tuyên bố “sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho tuyển” của bầu Đức đang làm dậy sóng đời sống bóng đá Việt. Không hiểu lúc nói ra câu này, ông bầu phố Núi đặt mình vào vị trí NHM hay PCT LĐBĐ?

Nếu ở tư cách một CĐV, vốn rất “máu” và có tâm muốn xây dựng nền bóng đá nước nhà lớn mạnh như bầu Đức mà nói thế hẳn khối người vỗ tay tán thưởng. Vấn đề là, trên danh nghĩa ông đang là lãnh đạo cao cấp của LĐBĐ Việt Nam (VFF) – tổ chức thuê HLV Miura, đang đương chức PCT VFF phụ trách tài chính dù ông một lần cho biết không còn mấy thiết tha công việc tại VFF.

Brendan Rodgers từng bị các CĐV Liverpool phản đối ầm ầm nhưng chưa bao giờ bị một quan chức cấp cao thuộc BLĐ CLB công khai chỉ trích. Trường hợp của David Moyes trước kia hay Louis van Gaal hiện tại ở Man Utd cũng tương tự.

Khi vui thì vỗ tay vào...

Trên thượng tầng đội bóng, ai giữ quan điểm tiếp tục ủng hộ, ai giơ tay với quyết định sa thải sẽ chỉ “người trong nhà” biết và được đưa ra trong cuộc họp nội bộ.

Đặt ví dụ Ed Woodward sau những thương vụ chiêu mộ được coi là thành công hồi đầu kỳ CN hè mà lên báo phán “đuổi Van Gaal đi, việc đi chợ cứ để tôi lo đảm bảo mua thực phẩm tươi, rẻ. Ông nào nấu chả ngon”, chắc chắn vị PCT Man Utd khó yên thân với BLĐ Quỷ đỏ.

Thế mới thấy cái nghề HLV vốn đã tốn nơ-ron thần kinh hơn người thường, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo thất nghiệp thì ở xứ Việt ta khó gấp bội. Phát biểu hùng hồn của bầu Đức chính là minh chứng tiêu biểu cho sự thiếu chuyên nghiệp, bị lẫn lộn vai ngay trong tổ chức cao nhất bóng đá quốc gia.

Q.Nguyên

Trong bài viết cho ESPN, cây viết Andy Mitten đã nhận định rất hợp lý, rằng nếu chỉ nhìn đơn thuần vào một lứa U, tỷ số đáng quên và thế trận lép vế hoàn toàn của U.14 Man Utd không tới mức phải làm ầm ĩ như vậy. Rất có thể chỉ còn 1 đến 2 người của đội U.14 còn “sống sót” chạm vào giấc-mơ-đội-một sau một chặng đường dài chắt lọc qua các cấp độ đầy khắc nghiệt. Kết cục bị hủy diệt của U.14 Man Utd bị đem ra mổ xẻ ở khía cạnh khác, vĩ mô hơn: nó cho thấy hệ thống đào tạo trẻ của Man Utd có vấn đề.

Công tác đào tạo trẻ Man Utd: Tiền, tâm và tầmTheo thống kê mới nhất, trong số 20 CLB tại Premier League mùa này, Man Utd chính là đội tạo nhiều cơ hội khoác áo đội một nhất cho các “sản phẩm” do mình đào tạo từ mùa 2010/11 với 14 cầu thủ. Mở cửa cho cầu thủ trẻ nhiều nhất, nhưng số người trụ được và làm nên chuyện lại tương phản. Chỉ có duy nhất 1 người có hơn 25 trận cho đội bóng; và hãy nhìn xem trong số 14 cầu thủ này, Adnan Januzaj hay xa hơn những Tom Cleverley, Ben Amos, Paul Pogba, Zeki Fryers, Will Keane đang tứ tán chỗ nào, trong khi người ở lại James Wilson có vị thế ra sao?

Danh tiếng “Quỷ đỏ” được Sir Alex Ferguson bao năm gây dựng vẫn đang giúp đội bóng có lượng CĐV khổng lồ và rộng khắp thế giới. Nhờ thế, các bậc cha mẹ có thể vẫn ưu tiên nghĩ đến họ nếu con mình muốn theo nghiệp bóng banh. Tuy nhiên nếu không cải thiện được chất lượng đào tạo, Man Utd sẽ mất nhiều chứ không chỉ việc bị cuốn theo cuộc đua “đốt tiền” mua đẳng cấp.

Ed Woodward và Louis Van Gaal hẳn nhận thức được tình trạng này. Song họ chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện cải thiện khi mà sức ép thành công cũng đang khiến bộ đôi này như ngồi trên đống củi với hàng chục triệu NHM vây xung quanh, sẵn sàng ném bó đuốc thiêu sống họ bất cứ lúc nào.

Sẽ là khập khiễng nếu đem chuyện Man Utd ra nói về bóng đá Việt Nam, nhưng câu chuyện của đội bóng giàu thành tích bậc nhất bóng đá Anh cũng giúp chúng ta nhìn thấy không ít bài học: Cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống bài bản quy củ không phải lúc nào cũng tạo ra sản phẩm chất lượng hàng đầu. Và quan trọng nhất, có tính quyết định nhất là nếu người có trách nhiệm chỉ chăm chăm tìm kiếm thành công ngắn hạn, trong giai đoạn còn “đương chức” thì tương lai của nền bóng đá đấy vẫn cứ mãi lẹt đẹt giữa những hồ nghi.

Q. Nguyên

U.14 Man Utd 0-9 U.14 Man City: Nhà hát tan nát những giấc mơ

Cuộc tranh cãi kể từ khi UEFA công bố sự thay đổi vài năm trước chưa bao giờ dứt, và chiếm đa số là ý kiến phản đối. Kiếm nhiều tiền hơn là lý do khác dẫn đến số lượng đội tuyển tham dự VCK EURO tăng lên, nhưng tính nhạy cảm cao của nó có lẽ khiến tổ chức này không đưa ra. Tuy nhiên khi mà tiền đang trở thành xu hướng của bóng đá hiện đại, UEFA muốn ngân sách của mình phình lên thực ra cũng là lẽ thường.

Michel Platini còn bị cho có toan tính cá nhân trong quyết định thay đổi định dạng VCK EURO. Nhiều người cho rằng cựu tuyển thủ ĐT Pháp đang “trả lễ” các LĐ thành viên ủng hộ ông, và là một phần trong kế hoạch ngồi vào chiếc ghế Sepp Blatter đang ngoan cố giữ rịt trong trụ sở FIFA.

Platini

Hãy cứ đơn giản nhìn ngay vào những lý do “chính thức” được UEFA đưa ra đã thấy có vấn đề. LĐBĐ châu Âu hiện tại đang có 54 thành viên và theo định dạng cũ có 30% thành viên – 16 đội – tham dự VCK EURO (bao gồm đội chủ nhà). Mở rộng số lượng đội tuyển tham dự lên 24 đội nâng tỷ lệ lên 45%, gần một nửa. Có nghĩa gần 1 trong 2 thành viên có thể giành vé dự giải đấu lớn nhất lục địa già cấp đội tuyển.

Với tỷ lệ “chọi” thấp như vậy, về cơ bản UEFA đúng là đang nghĩ cho các quốc gia thành viên không nằm trong hàng ngũ ưu tú có thể lần đầu tiên được dự VCK EURO.

Nhưng tính hấp dẫn sẽ tỷ lệ thuận với quyết định tăng số lượng đội tuyển tham dự như mục đích của UEFA? Với 24 đội, sẽ có 60% đội có mặt tại vòng 16 đội và trên lý thuyết một đội không nhất thiết phải thắng tại vòng bảng cũng có thể đi tiếp. Khi đội bóng vào sân chỉ chăm chăm phòng ngự và phá bóng, tính hấp dẫn nằm ở đâu? Hy Lạp đăng quang EURO 2004 và đi vào tới tứ kết 2012 bằng phong cách gây ức chế như vậy.

Khi một ý tưởng được triển khai vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và bị coi là “không tưởng”, cần phải đặt câu hỏi sự thay đổi cần thiết hay nó chỉ để phục vụ lợi ích của một cá nhân?

Q. Nguyên

Thay vì một cuộc tổng công kích… bằng bàn phím với những lời lẽ đay nghiến, cay nghiệt, dư luận Hà Lan đang tỏ ra khá bình tĩnh đón nhận nguy cơ họ phải đứng ngoài rìa theo dõi EURO 2016 qua truyền hình sau 2 thất bại liên tiếp của thầy trò HLV Danny Blind. Nói chính xác hơn, NHM Hà Lan đã chai lì cảm xúc.

Đề cập đến bóng đá Hà Lan đồng nghĩa nói về chuẩn mực của sự thông minh và đẳng cấp. Đáng tiếc thứ chuẩn mực từng được ngưỡng mộ này đang biến mất, cái gọi là bóng đá Tổng lực một thời và những học viện bóng đá giống như kim chỉ nam của nhiều nền bóng đá muốn hướng theo giờ chỉ còn nằm trong lồng kính.

feat
Mắc bệnh đương nhiên phải chẩn bệnh tìm nguyên nhân. Nói gần trước khi nói xa, người Việt chúng ta đang cố gắng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi bắt đầu từ Vì sao, Thế nào sau thất bại đau đớn trước người Thái trong trận chung kết U.19 Đông Nam Á. Lại là người Thái! Bóng đá Việt có thời điểm “đóng cửa” tự khen với nhau, rằng cái ngày vượt qua quốc gia láng giềng về bóng đá sắp tới rồi. Rốt cuộc, sự thống trị của bóng đá Thái vài năm qua khiến người Việt tỉnh mộng nhận ra: Bằng họ đi đã.

Vấn đề bóng đá Hà Lan đang đối diện giống ở bản chất, tức đang gặp khủng hoảng nhưng nguyên nhân khác hoàn toàn.

Thành công, tạm coi như vậy, tại World Cup 2014 dưới sự dẫn dắt của HLV Louis van Gaal không tạo ra làn sóng phấn khích ở quê nhà. Bởi ở Brazil là một Hà Lan xơ cứng và mang đậm hình ảnh thực dụng có tính đối phó ngắn hạn của đương kim HLV Man Utd.  Nền bóng đá của vùng đất thấp đang tụt hậu, đang trong giai đoạn khủng hoảng giữa 2 thế hệ và đứng ở ngã ba đường phong cách theo đuổi. Nhìn thấy được, nhưng thoát ra bằng cách nào lại không phải chuyện có thể giải quyết trong một vài năm.

“Hờn dỗi, rên rỉ và đấu đá” là cách Hà Lan sụp đổ và rời khỏi VCK EURO 2012 trong ê chề. Sau trận thua Thổ Nhĩ Kỳ, Arjen Robben nêu đích danh Martin Indi như kẻ cần phải lãnh trách nhiệm chính. Ba năm trôi qua kể từ sau EURO 2012, căn bệnh đấu đá, hằm hè đổ lỗi cho nhau vẫn như thứ virus gặm nhấm dần “cơ thể” ĐT Hà Lan.

Một vấn đề có thể coi là đơn giản như vậy mà không thể chữa trị dù có đủ thời gian, dễ hiểu vì sao bóng đá Hà Lan đánh mất hình ảnh ưu tú thuở nào.

Q.Nguyên

Hà Lan: Thứ 3 ở World Cup, thành “ma đói” ở Euro

Nguyên nhân khiến thủ thành người Tây Ban Nha không thể tới Bernabeu bị ví như trò hề không hơn không kém: Vì giấy tờ cần thiết Man Utd gửi đến trụ sở LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) quá giờ chốt “phiên chợ hè” tại xứ đấu Bò, nguồn thì ghi 1 phút, nguồn khác cho biết tới 22 phút.

Thương vụ David de Gea: Quả chuối mà biết nói năngReal Madrid cho rằng Man Utd gửi giấy tờ đến muộn. Phía Man Utd thì khẳng định họ đã gửi tất các tài liệu cần thiết lên Hệ thống chuyển nhượng quốc tế của FIFA và có trong tay chứng cứ chứng minh họ gửi đúng thời gian.

Một phút hay 22 phút, lỗi của phía nào, hoặc vì con cá mập ngứa răng cắn cáp giờ không còn quan trọng. Bởi nếu “nghi phạm” được tìm ra thì tương lai mù mịt ở xứ sở Sương mù vẫn đang chờ đợi De Gea ở phía trước.

Nghe đài báo đưa tin về nguyên nhân khiến De Gea không thể sang Real Madrid, nhiều người Việt à ừ mà rằng: “Tưởng bên tây thế nào, hóa ra cũng quan liêu rườm rà và tắc trách khác gì ta”.

Ở xứ mình sợ nhất phải đi làm thủ tục giấy tờ, kể cả có cơ quan áp dụng cơ chế một cửa thì vẫn thấy oải. Đang vội cần xin cái dấu chứng nhận cho một giấy tờ nào đó chẳng hạn, cẩn thận kiểm tra lại xem hồ sơ yêu cầu những gì. Ấy vậy đến nơi vẫn bị phán một câu “Thiếu giấy x, về bổ sung”. Hộc tốc chạy về nhà lấy giấy x, quay lại rón rén đặt hồ sơ trước mặt anh/chị nhận hồ sơ để rồi tái mặt nghe câu: “Thiếu giấy y, về bổ sung”. Lại phóng bạt mạng về, lại rón rén và lần này thở hắt ra khi thấy anh/chị ấy, vừa chơi Pirate Kings vừa gật gù: “Ừ, đủ rồi. Nhưng…”. Ô hay, nhưng nhị gì nữa, tôi đủ rồi mà? “Nhưng sếp vừa về, 16h30 là hết giờ hành chính, anh mà sớm 1 phút thì kịp”. Ôi chuối thật!

Tội quả chuối quá. Nó biết nói thì chắc chắn không đời nào để bị đổ lỗi vô tội vạ như vậy; và hẳn chúng ta đã biết Real Madrid hay Man Utd bên nào mới có lỗi. Cái phận “không nói được” khổ thế đấy.

Q.NGUYÊN

Chuyển nhượng David De Gea đổ bể: Chậm 1 phút, đứt cả mùa

Louis van Gaal khẳng định không vì thất bại của Man Utd trên sân Swansea mà vội vàng lao vào TTCN. Ông có đủ kinh nghiệm để hiểu, chạy đua với thời gian ở thời điểm này là hạ sách.

Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ, Van Gaal dù thừa biết sẽ chỉ ở thế bất lợi nếu ngồi đàm phán trong khi tiếng kim đồng hồ cứ tích tắc đếm ngược gây ức chế, nhưng họ lại đang rơi vào tình thế không tăng cường đồng nghĩa rủi ro thất bại tăng cao.

Chợ chiều ngày giông bãoThế tiến thoái lưỡng nan của Van Gaal hay tất cả HLV của thế giới bóng đá đang phải đối mặt không khác gì bà nội trợ phải vội vội vàng vàng xách giỏ ra chợ cuối giờ chiều sau khi bản tin thời tiết dự báo đêm nay bão về. Thực phẩm, rau củ sẽ bị đẩy giá là điều đương nhiên và đồ càng ngon sẽ có giá đặc biệt. Nhưng nếu như thế thì còn đỡ, đằng này mặt hàng không còn ê hề và chắc chắn không còn tươi. Vậy mà vẫn phải cắn răng mua và có kinh nghiệm đi chợ đầy mình đến mấy cũng chỉ biết cầu trời mình hên không mua phải đồ ôi, nếu không muốn cả nhà bị “Tào tháo” rượt rồi nhắm mắt nhắm mũi nuốt mỳ ăn liền vài ngày.

Bão đang về Old Trafford sau trận thua Swansea, và có vẻ như Van Gaal nói một đằng làm một nẻo. “Chúng tôi không mua những cầu thủ mà không theo dõi từ trước” – ý của Van Gaal khẳng định Man Utd sẽ không mua theo kiểu ưu tiên lượng trước chất trong những giờ cuối của kỳ CN hè.

Nhưng chi ra 36 triệu bảng cho một tiền đạo mới 19 tuổi như Anthony Martial, hay mượn một Adebayor gần như suốt sự nghiệp chỉ dự bị ăn tiền có phải là những quyết định khôn ngoan? Man Utd chưa phản hồi những thông tin họ liên hệ với 2 cái tên kể trên, tuy nhiên mức độ tin cậy vẫn được đánh giá khá cao bởi chính LĐBĐ Pháp xác nhận Martial xin HLV ĐT Pháp Didier Deschamps cho bay sang Manchester để đàm phán hợp đồng.

Van Gaal có thể trong tâm trí thực sự không muốn tăng cường lực lượng, song sức ép từ CĐV là không nhỏ, đặc biệt sau trận thua thứ 3 liên tiếp trước Swansea khiến ông phải có động thái. Và nếu thương vụ mua Martial, hay “chữa cháy” với Adebayor thành sự thật, nhà cầm quân người Hà Lan cũng như người Old Trafford hy vọng đó không phải là “đồ ôi”.

Q. Nguyên

Mourinho chưa bao giờ thiếu lý do để giảm sức ép trên vai mình. Từ mục tiêu quen thuộc là các trọng tài, đối thủ, truyền thông, các cầu thủ, HLV kình địch, CĐV thậm chí đến cả cậu bé nhặt bóng rồi ngay “người nhà” là nữ bác sỹ khả ái Eva Caneiro cũng không thoát khỏi cái miệng ngoa hơn phụ nữ của vị HLV này.   Wheel of Blame (Tạm dịch: Bánh xe đổ lỗi, nói lái từ game show Wheel of Fortune và ở Việt Nam có tên Chiếc nón kỳ diệu) là phiên bản độc quyền của Mourinho. Cựu HLV Real Madrid không bao giờ bế tắc trong việc tìm đối tượng để biến họ thành vật tế thần.

Những “Game show” của MourinhoHẳn nhiều người Việt biết game show “Vì bạn xứng đáng” trên truyền hình. Đại loại một người chơi sẽ phải vận dụng kỹ năng suy đoán, dĩ nhiên thêm cả may mắn để giành nhiều tiền nhất có thể. Điểm khác biệt của Vì bạn xứng đáng là người chơi không chơi cho bản thân mà cho một nhân vật quen biết với họ đang gặp khó khăn, bất hạnh.

Mourinho tại Stamford Bridge cũng chơi game show tương tự, nhưng nó có tên khác: Vì tôi xứng đáng; và Mourinho chơi cho bản thân; muốn giành nhiều tiền nhất có thể từ Roman Abramovich. Trong thất bại trước Man City, Mourinho gây ngạc nhiên khi thay John Terry ở giữa trận – động thái như một đòi hỏi Abramovich cần thò tay vào túi tăng cường lực lượng. Sự suy đoán của Mourinho đã đúng, ông đã thắng khi Pedro được đưa về ngay sau đó.

Và giờ, sau sự khởi đầu mùa giải tồi tệ, Mourinho đang tham gia game show khác nhưng lần này ông mang hình ảnh một người chơi bất hạnh: Vượt lên chính mình.

Trận thua Crystal Palace khiến Mourinho trong lần hiếm hoi đã cúi đầu nhận sai lầm về mình. Thất bại này cũng khiến Mourinho, có lẽ là lần đầu tiên thừa nhận như “đóng băng” trên sân, không thể tìm ra phương án chiến thuật khác.

Người Việt chúng ta có câu: Quá tam ba bận. Trước khi chiến dịch mới lăn bánh, sự chú ý dồn về Mourinho với băn khoăn liệu ông có phá được cái dớp “mùa thứ 3” đeo bám suốt từ đầu sự nghiệp hay không. Ba trận, 4 điểm và khoảng cách 8 điểm với Man City khiến “lời nguyền mùa thứ 3” có lẽ sẽ một lần nữa ám vào Mourinho.

Dĩ nhiên, thời gian còn dài và Chelsea-Mourinho có quyền nuôi hy vọng. Nhưng nếu không thể sớm tìm ra những đáp án của “trò chơi”, Mourinho sẽ bị loại.

Q.NGUYÊN

Chelsea: Nhìn vào Man Utd mà hy vọng

Hôm kìa là Gareth Bale, hôm kia là Thomas Mueller, hôm qua thêm Neymar, sáng nay tới Kevin de Bruyne và đến tối xuất hiện tin John Stones lọt vào tầm ngắm của bộ đôi Ed Woodward và Louis van Gaal.

Trên tài khoảng Facebook của Goal, sau tin Man Utd gây sốc với ý đồ hớt tay trên De Bruyne của Man City, một CĐV bình luận khá hài hước: “Ngày mai có lẽ thêm tin Van Gaal nhắm Jose Mourinho cho vị trí hậu vệ trái”; một CĐV khác tải bức ảnh chế Mueller và Arjen Robben ngồi xem tin trên ipad và bảo nhau: “Hôm nay xem Man Utd muốn ai trong 2 đứa mình” – rất hài hước, và cũng cho thấy Van Gaal, Ed Woodward đang bị nhìn không khác những chú bé chăn cừu trong câu chuyện cùng tên.

Van Gaal, Ed Woodward: Những chú bé chăn cừu

Khi The Sun đưa tin, một người bạn thân Van Gaal tiết lộ vị HLV này cho rằng có thể thuyết phục Gareth Bale về Old Trafford ở một số thời điểm, hẳn phần lớn CĐV Man Utd hồ hởi ôm nhau. Khi Sportmail tiết lộ Quỷ đỏ hỏi mua Mueller, Old Trafford như mở cờ. Nhưng sau tin Ed Woodward bay sang Barcelona để dạm hỏi Neymar chứ không phải Pedro, rồi liên tiếp De Bruyne, Stones được gắn với Man Utd nhưng bất thình lình Van Gaal tuyên bố Fellaini sẽ là “tiền đạo mới” của ông, fan Quỷ đỏ bắt đầu quay sang hỏi nhau: “Chuyện quái gì đang diễn ra?”.

Có thể hầu hết những tin chuyển nhượng trên chỉ là kịch bản được các tờ báo dựng lên để câu view, và vì thế Van Gaal, Ed Woodward bị “chửi” oan.
Như tin De Bruyne là một ví dụ. Thông tin này bắt nguồn từ Bild và tờ nhật báo có tiếng “trồng cải” của Đức, sau khi phía Man Utd lên tiếng phủ nhận, đã cho rằng sở dĩ đội chủ sân Old Trafford bác bỏ vì muốn giữ thể diện phòng trường hợp thất bại ở phút chót như thương vụ Pedro.

Cũng không loại trừ khả năng một trong số những cái tên kể trên được Man Utd liên hệ là thật. Như Sky Sports khẳng định Man Utd có nguồn để chi trả lương và mức phí để sở hữu Neymar, tuy nhiên vấn đề là Barca không có ý định bán.

Tuy nhiên, tin thật hay giả, thì NHM Man Utd cũng như dư luận cảm thấy phát chán. Những phát biểu kiểu lấp lửng của Ed Woodward rồi Van Gaal, thay vì giúp bộ đôi này giảm áp lực sau vụ Pedro, lại đang đẩy họ vào thế tự biến mình thành trò hề nếu đến giờ kỳ CN hè đóng cửa vẫn không có thêm tân binh nào được giới thiệu ở Old Trafford.

Q. Nguyên

Cuộc thi truyền hình thực tế được hiểu là chương trình không theo kịch bản, các nhân vật chính không “diễn” mà thoải mái thể hiện cảm xúc như cuộc sống thường nhật và khán giả có thể tương tác với chương trình. Các cuộc thi này có rating cao chính là nhờ yếu tố “không diễn”. Khán giả bị hút theo các tuyến nhân vật đa dạng, có hiền lành, có dễ thương, có ích kỷ, có xấu tính…

Một chi tiết có lẽ nhiều người dễ nhận thấy khi theo dõi các cuộc thi truyền hình thực tế có format người chơi sinh hoạt trong không gian chung ví dụ như Ngôi nhà chung của Người mẫu Việt Nam, đó là nhân vật càng xấu tính, càng bị ghét lại được chú ý và thường “thọ” lâu hơn. Nhìn nhận một cách tổng thể, kim chỉ nam lôi kéo khán giả ngồi trước màn hình của các cuộc thi truyền hình thực tế là các động tác tạo chiêu trò. Từ những màn cãi vã chả ra đâu vào đâu giữa người chơi với nhau, đến những bê bối liên quan đến BTC hay người chơi theo một cách có chủ ý.

Tóm lại, công thức của trò chơi thực tế là: “Diễn như không diễn” + nhiều “chiêu” + phải có người chơi đọc đến tên đã thấy ghét = rating cao.

actino-ec0c8

Jose Mourinho đang góp phần giúp Premier League’s Next Top Model có rating cao bằng tính cách chẳng ai ưa nổi. Bạn ghét ông ta không? Đặt câu hỏi này cho 10 người, có lẽ 8 người gật đầu. Bạn bức xúc với những hành động và phát biểu của Mourinho không? Hẳn nhiều người không phủ nhận.

Ferran Soriano, GĐĐH hiện tại của Man City và từng đảm nhận vị trí tương tự ở Barca tiết lộ lý do tại sao BLĐ đội bóng xứ Catalan quyết định gạt tên Mourinho để chọn Pep Guardiola dẫn dắt CLB năm 2008: “Mourinho là một người chiến thắng, nhưng để giành chiến thắng ông ta luôn giữ một mức độ căng thẳng dẫn đến trở thành rắc rối”.

Tạo ra xung đột và đẩy nó lên là một trong những cách điều hành của Mourinho. Nếu không có căng thẳng, Mourinho sẽ tìm cách tạo ra. Cho dù muốn hay không, ghét đến “hắt nước đổ đi” cái kiểu ăn nói ngoa ngoắt, hành xử như “đàn bà”, bạn vẫn bị Mourinho ám ảnh phải không nào? Mourinho chỉ cần có vậy.

Mourinho đang bị cho đã hết “chiêu”, và đang gặp cái dớp “mùa thứ 3 bước vào cửa tử”. Nhưng những ai anti-Mourinho chớ mừng vội. Người nhiều chiêu trò, “diễn” mà như không diễn luôn rất nguy hiểm.

Q. Nguyên

Chưa đầy 24 giờ trước, Man Utd dường như đã nắm Pedro trong bàn tay và ngày tuyển thủ Tây Ban Nha ra mắt tại Old Trafford chỉ còn là vấn đề thời gian. Cụ thể, Pedro đã đồng ý các điều khoản cá nhân với Man Utd, và PCT Ed Woodward đã bay sang Barcelona để chốt mức phí chuyển nhượng với đội bóng xứ Catalan.

Dù vậy, đúng là mọi chuyện không thể nói trước được. Chelsea nhảy vào cuộc một cách lặng lẽ, đến chậm hơn nhưng về đích nhanh hơn. Pedro sẽ sớm bay sang London để kiểm tra sức khỏe – thủ tục cuối cùng trước khi chính thức trở thành người của Chelsea.

Vụ lật kèo của Pedro không khác cái tát điếng người đánh vào lòng tự tôn của người Old Trafford. Man Utd đang chật vật tìm lại hình ảnh thời Sir Alex Ferguson thật, nhưng đối với các CĐV “Quỷ đỏ”, họ vẫn trên tầm Chelsea.

Nhà hát không còn là giấc mơ

Nguồn từ Man Utd tiết lộ CLB quyết định từ bỏ sự quan tâm Pedro và đó là quyết định được đưa ra từ Van Gaal. Dường như đây chỉ là động tác chữa thẹn của Man Utd và nhà cầm quân người Hà Lan, khi nó mâu thuẫn với chuyến bay của Ed Woodward sang Catalan.

“Man Utd nói họ không còn quan tâm đến Pedro chẳng khác nói tôi từ bỏ quan tâm đến Angelina Jolie do vậy cô ta phải cưới Brad Pitt”, tài khoản Twitter của một CĐV Man Utd phản ứng khá hài hước xen lẫn sự chua chát trước thông tin Pedro tới Chelsea.

Không phải Chelsea chấp nhận trả nhiều tiền hơn là lý do Pedro hủy bỏ giao kèo. Chính cầu thủ này tiết lộ, cuộc nói chuyện với Victor Valdes và Cesc Fabregas khiến anh đổi ý. Nói thẳng ra Louis van Gaal là nguyên nhân. Cách đối xử của Van Gaal với David De Gea, với Valdes, với Van Persie, rồi Di Maria và mới nhất là lời cảnh báo của Stoichkov khiến Pedro thấy “chờn” cựu HLV ĐT Hà Lan.

Với cái tôi và sự kiêu ngạo của mình, Van Gaal chắc chắn sớm bỏ ra khỏi đầu sự bực tức đối với Pedro. Nhưng quyết định thay đổi điểm đến của Pedro đang là vấn đề của Man Utd. Tầm vóc của CLB ít nhiều đã bị giảm, không còn là nơi ao ước của mọi cầu thủ kể từ ngày Sir Alex Ferguson đi quanh sân Old Trafford vẫy tay chào tạm biệt. David Moyes “góp phần” gây ra tình trạng này trước, giờ đến Van Gaal bằng triết lý dẫn dắt độc tài và tàn nhẫn.

Những danh hiệu sẽ vớt vát lại uy tín của Van Gaal, đưa Man Utd trở lại đúng chỗ của họ. Ở trường hợp ngược lại, Old Trafford thêm một mùa trắng danh hiệu? Rất logic: Đường ai nấy đi.

Song An

“Hôm nay chúng ta bắt đầu một kỷ nguyên mới”, nhà tài phiệt xây dựng người Tây Ban Nha tuyên bố trong lễ ra mắt Rafa Benitez. Sau một thời gian, có thể hiểu “kỷ nguyên mới” theo ý Perez không chỉ sự thay đổi trên ghế huấn luyện, trong chiến thuật trên sân ở mùa giải tới mà cả chính sách chuyển nhượng.

Hãy cùng nhìn lại những cái tên được đưa về Bernabeu cho tới thời điểm hiện tại của TTCN hè: Danilo, Casemiro, Kiko Casilla, Jesus Vallejo, Marco Asencio, Lucas Vazquez – tất cả, thậm chí Danilo với mức phí chuyển nhượng 31,5 triệu euro đều không phải tên tuổi lớn. Và hôm qua, số tân binh của Real Madrid nâng lên con số 7 khi Real Madrid xác nhận đã có Mateo Kovacic với bản HĐ có thời hạn đến năm 2021 sau khi chấp nhận chi cho Inter khoảng 35 triệu euro. Thực tế, thương vụ chiêu mộ tuyển thủ Croatia của Real Madrid cũng chỉ gây bất ngờ ở yếu tố thông tin chứ không phải tầm cỡ, hay đẳng cấp của cầu thủ này.

Có một Perez đang rất khác
Florentino Perez.

Mục tiêu duy nhất được liên hệ với Real Madrid đứng trong hàng ngũ tinh tú của thế giới bóng đá từ đầu hè là David De Gea; trong khi Lucas Biglia của Lazio, cũng giống Kovacic, có độ phủ tên tuổi chỉ trong biên giới Italia.
So với số tiền Perez cấp cho Jose Mourinho và Carlo Ancelotti, sau đó nhìn vào những bản hợp đồng của Benitez thời gian qua, không một ai không đặt câu hỏi về chính sách chuyển nhượng của vị tỷ phú này. Phải chăng ông đang lặng lẽ xúc tiến một thương vụ bom tấn và chỉ kích nổ vào thời khắc cuối của TTCN? Hay Perez không thực sự tin tưởng Benitez như những HLV tiền nhiệm? Real đang trở nên thông minh hơn trong các khoản chi cho đội hình thực tế đã sẵn có những cầu thủ đẳng cấp thế giới như Benitez chia sẻ trong lễ ra mắt? Hay Luật công bằng tài chính là rào cản khiến Perez phải “chùn tay”?

Với dư luận, rất khó tìm ra câu trả lời xác đáng. Vậy cứ tạm nhìn nhận qua lăng kính của kẻ ngoài cuộc sau những gì chứng kiến: Một khi Perez đã tuyên bố “bắt đầu kỷ nguyên mới”, có nghĩa ông bật đèn xanh cho Benitez tạo dấu ấn. Kỷ-nguyên-Benitez bắt đầu bằng kế hoạch lấy Gareth Bale làm trọng tâm, bất chấp đối diện khả năng phải giải quyết vấn đề tâm lý với “con gà đẻ trứng vàng” Cristiano Ronaldo.

Benitez không ném nhiều tiền vào TTCN, nhưng những bản hợp đồng của ông, ít nhất, thể hiện tính thực dụng phục vụ cho kế hoạch mang tính lâu dài. Tất cả những tân binh cho tới thời điểm này của Real Madrid đều chỉ hơn 20 tuổi một chút, ngoại trừ thủ thành Casilla “già” nhất, 28 tuổi. Trẻ song đã có kinh nghiệm chinh chiến trận mạc, trước mắt họ sẽ chỉ đóng vai trò dự phòng tại Bernabeu tuy nhiên sự có mặt của những cầu thủ này như một bước đệm cho quá trình phá bỏ tình trạng “không thể thương lượng” với các “ông nghị” trong phòng thay đồ. Quyết định đẩy đi Iker Casillas, hạ vai trò Ronaldo chính là tín hiệu đầu tiên, và giống như một lời cảnh báo của Perez và Benitez tới những ngôi sao nghĩ mình trong diện không thể đụng đến.

Real Madrid đang có những ngày hè kỳ lạ, một chính sách chuyển nhượng khác hoàn toàn của Perez, đặc biệt sau một mùa giải thất bại. Và nó càng kích thích NHM chờ đợi những điều thú vị sẽ diễn ra ở Bernabeu trong chiến dịch mới.

Q.NGUYÊN

Hình ảnh Mourinho “đàn bà” hơn khi ông quyết định Eva Carneiro và bác sỹ Jon Fearn, người chạy cùng Carneiro vào sân chăm sóc Eden Hazard ở trận mở màn mùa giải gặp Swansea, sẽ không được ngồi trong khu kỹ thuật CLB, trước mắt ở trận làm khách trên sân Man City.

Quyết định này của cựu HLV Real Madrid khiến ông đánh mất điểm đối với một số người, không nhiều, có cảm tình với ông trước đây. Mourinho lắm chiêu, nhưng ông chưa bao giờ có lời nói, hành động nào làm tổn hại người của mình. Lời giải thích của Mourinho sau trận hòa Swansea càng khiến ông nhận nhiều “gạch đá” hơn. Mourinho cho rằng thậm chí bộ phận y tế cũng cần phải có sự hiểu biết nhất định về chiến thuật. Việc Carneiro chạy vào sân, theo Mourinho, là không cần thiết bởi Hazard chưa tới mức cần sự chăm sóc và Chelsea sẽ tiếp tục bị thiệt về quân số.
Mourinho: Đặc biệt hóa tầm thường

Có vẻ như Mourinho lúc đấy chỉ nói cho sướng mồm. Bác sỹ vào sân hay không phụ thuộc vào việc cầu thủ đang bị đau yêu cầu và nhận được sự đồng ý của trọng tài. Hình ảnh camera thu lại cho thấy, trọng tài đã hỏi Hazard và cầu thủ này đề nghị được chăm sóc. Rõ ràng Mourinho đã sai.

Cách Chelsea xử lý khủng hoảng cũng có vấn đề. Phản ứng từ BLĐ đội bóng Tây London cho đến thời điểm hiện tại, rất đơn giản là “vấn đề nhân sự nội bộ”. Nếu là chuyện nội bộ, trước khi có hướng giải quyết Chelsea cần có động thái yêu cầu các thành viên CLB im lặng. Việc Carneiro trên tài khoản cá nhân Facebook nói lời cảm ơn dư luận đã ủng hộ càng đẩy Mourinho vào sâu tâm bão. Vị bác sỹ này không nói trực tiếp cô cảm ơn về chuyện gì, nhưng mặc định tất cả đều hiểu đó là vì Mourinho thiếu kiềm chế văng tục với cô trong trận gặp Swansea.

Sự việc đang bị thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông, mạng xã hội bởi vậy có một phần lỗi từ Chelsea và Mourinho. Và một khi Stamford Bridge vẫn đóng cửa im ỉm, từ chối bình luận thêm, các đụn đất vẫn cứ xuất hiện và không chừng sẽ sớm thành ngọn núi.

Dĩ nhiên, đó là sự lựa chọn của Chelsea. Nhưng nếu họ/Mourinho không sớm tìm ra giải pháp xử lý khủng hoảng khác, hợp lý hơn thì Chelsea sẽ bị coi như ví dụ điển hình cho trường hợp tìm kiếm chiến thắng bằng mọi giá, kể cả đổ lỗi cho nhân viên đã làm đúng phận sự.

Q.NGUYÊN