Roland Garros

nadal-djokovic-31

Sẽ còn rất lâu nữa làng banh nỉ mới có một cặp đấu hấp dẫn đến như vậy. Novak Djokovic và Rafael Nadal đã có tổng cộng 43 lần gặp nhau trong sự nghiệp, nhiều nhất trong kỷ nguyên Mở. Và nếu Nole và Rafa cùng vượt qua vòng 4 Roland Garros 2015, cả hai sẽ có trận so tài thứ 44. Và đây cũng sẽ là lần thứ 7 Djokovic chạm trán với Nadal tại Roland Garros, sau khi đã toàn thua cả 6 trận đấu trước đây. Dù vậy để tạo nên trận chung kết sớm ở Roland Garros 2015, Nole và Rafa sẽ phải duy trì được sự ổn định trong trận đấu ở vòng 4.

Djokovic sẽ gặp tay vợt của nước chủ nhà là Richard Gasquet, người mới chỉ 1 lần thắng Nole trong 11 lần gặp nhau. Chiến thắng duy nhất của Gasquet trước Djokovic đã diễn ra cách đây hơn 7 năm tại vòng bảng Masters Cup 2007 (nay là ATP World Tour Finals). Còn lại Djokovic đều là tay vợt giành phần thắng khi cả hai gặp nhau, trong đó có 2 trận trên sân đất nện. Ở vòng 4 Roland Garros 2011, Djokovic cũng đánh bại Gasquet sau 3 set rất nhanh (6-4, 6-4, 6-2) và không ngạc nhiên khi tay vợt người Pháp không được đánh giá quá cao ở lần tái ngộ này.

Dù từng vô địch giải trẻ Roland Garros 2002 khi chưa đầy 16 tuổi và là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử có mặt trong Top 200 của ATP khi mùa giải 2002 kết thúc, nhưng kể từ khi Gasquet khi bước chân vào thi đấu chuyên nghiệp, tay vợt người Pháp lại không đạt được những thành tích xứng đáng với kỳ vọng. Thậm chí ngay trên mặt sân đất nện ở Paris trước các khán giả nhà, Gasquet chưa từng một lần đi tới tứ kết Roland Garros và mùa giải này mới là lần thứ 4 Gasquet đi tới vòng đấu dành cho 16 tay vợt.

Nếu như Djokovic phải gặp hạt giống số 20 như Gasquet ở vòng 4 thì Nadal sẽ có vòng đấu thứ tư liên tiếp gặp những đối thủ không được xếp hạt giống. Vòng đấu này Rafa sẽ gặp tay vợt người Mỹ Jack Sock, người lần đầu tiên đi tới vòng 4 một giải Grand Slam trong sự nghiệp. Đây là giải Grand Slam đáng nhớ của Sock khi tay vợt 22 tuổi bất ngờ đánh bại hạt giống số 10 Grigor Dimitrov chỉ sau 3 set đấu (7-6(9-7), 6-2, 6-3), sau đó là những chiến thắng trước Pablo Carreno Busta và Borna Coric.

Nhưng Nadal là đối thủ hoàn toàn khác so với mọi tay vợt Jack Sock từng đối đầu. “Vua đất nện” mới chỉ thua 1 trận ở  Roland Garros và đã có 69 trận thắng tại giải Grand Slam trên sân đất nện. Và một tay vợt người Mỹ vốn có những cú giao bóng mạnh mẽ và cú thuận tay uy lực như Sock rất khó có thể làm Nadal gặp khó khăn.

Vậy nên nếu không có gì bất ngờ, Djokovic sẽ gặp Nadal ở tứ kết, trong trận đấu sẽ có rất nhiều điều phải nói.

LYNA

t18

Nếu nhìn vào thành tích đối đầu, Roger Federer tỏ ra nhỉnh hơn Gael Monfils với 8 trận thắng – 4 trận thua. Nhưng tính trong vòng 5 năm qua, Monfils mới là tay vợt xuất sắc hơn ở những lần gặp nhau với 4 trận thắng. Và ở 2 lần gần nhất, tay vợt người Pháp đều là người giành chiến thắng, đặc biệt là cả hai trận đấu đều ở trên mặt sân đất nện.

Nửa năm trước trên mặt sân đất nện tại Pháp nhưng là ở Lille, Federer bước vào trận đánh đơn thứ hai tại chung kết cúp quần vợt đồng đội Davis Cup với Monfils. Đó là một trận đấu thăng hoa đến bất ngờ của Monfils và tay vợt sinh năm 1986 đánh bại Federer chóng vánh trong 3 set (6-1, 6-4, 6-3). Không có nhiều tay vợt có thể thắng Federer cách biệt đến vậy ở bất cứ mặt sân nào. Thật may mắn là trận thua ấy không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, khi đội tuyển Thụy Sĩ sau đó vẫn đánh bại đội chủ nhà Pháp để lần đầu tiên trong lịch sử vô địch Davis Cup.

Nhưng đến trận đấu tại vòng 3 Monte-Carlo Masters 2015, Monfils tiếp tục là tay vợt thi đấu ấn tượng hơn khi thắng Federer cả 2 set (6-4, 7-6(7-5)). Lúc này thì không còn là bất ngờ nữa, mà Monfils thực sự là đối thủ đáng gờm với FedEx trên mặt sân đất nện. Với lối chơi đầy bản năng và phụ thuộc nhiều vào sự hưng phấn, Monfils có thể đánh bại bất cứ đối thủ nào trong tốp đầu. Và nếu để điều đó một lần nữa diễn ra, đây sẽ là trận đấu đầy khó khăn cho Federer, đặc biệt khi Monfils được sự trợ giúp của khán giả nhà. Đó sẽ là một thứ sức mạnh đặc biệt cho những tay vợt cần cảm hứng thi đấu như Monfils.

Chính nhờ thứ tinh thần ấy, Monfils đã đánh bại tay vợt người Uruguay Pablo Cuevas sau 5 set dù luôn ở thế bám đuổi (4-6, 7-6(1), 3-6, 6-4, 6-3) tại vòng 2. Ở thời điểm này, Monfils không phải là tay vợt số 1 của nước Pháp, mà là Gilles Simon (số 13 thế giới) nhưng Monfils mới là cái tên được kỳ vọng nhất của quần vợt Pháp tại Roland Garros mùa giải này.

Federer ở thời điểm hiện tại không phải là tay vợt bất khả chiến bại, đó là một sự thật không phải bàn cãi. Dù vẫn đang duy trì vị trí thứ 2 thế giới nhưng FedEx vẫn có thể thất bại trước bất cứ đối thủ nào. Năm nay tay vợt người Thụy Sĩ đã thua tới 5 trận và bên cạnh 2 thất bại trước Djokovic là 3 trận thua những tay vợt nằm ngoài Top 10, trong đó có Monfils.

Vì vậy bắt đầu từ vòng 4, “cục vàng” Federer sẽ liên tục phải nằm trong ngọn lửa!

LY NA

t18

Ở vòng 2, Federer đối đầu với Marcel Granollers, tay vợt hạng 57 thế giới và từng thua FedEx cả 3 lần đối đầu trước đó. Nếu nhìn vào tỷ số 6-2, 7-6(7-1), 6-3 thì nhiều người sẽ tưởng rằng Federer đã có một trận đấu dễ dàng trước đối thủ người Tây Ban Nha. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Ngoại trừ set 1 dễ dàng, cả hai set sau đó Federer đều là người bị mất break trước và phải bám đuổi. Nếu có bản lĩnh và tính toán hơn ở những điểm số quyết định, có lẽ Granollers sẽ khiến Federer phải trải qua nhiều hơn 3 set đấu.

Khi bị mất break ngay ở game giao bóng đầu tiên trong set 3, Federer bực tức hét to lên như để tự trách bản thân, đến mức tiếng hét ấy lọt được cả lên truyền hình. Lâu lắm rồi mới thấy FedEx lại phải bày tỏ cảm xúc như vậy sau một lần bị bẻ giao bóng khi đã dẫn trước tới 2 set đấu.

“Phản ứng là những gì tôi đã làm,” Federer giải thích. “Đó là lý do vì sao tôi cảm thấy tức giận với chính mình sau khi trải qua một game đấu tối tệ nhất trong nhiều năm qua.”

Federer không nóng giận đến mức mất bình tĩnh. Ở độ tuổi này, khi đã có trong tay gần như mọi vinh quang trong sự nghiệp, Federer chẳng có lý do gì để phá hỏng trận đấu với một tay vợt nằm ngoài Top 50. Nhưng đôi khi sự tức giận lại chứng tỏ rằng FedEx vẫn còn khao khát chiến thắng như thế nào. Lật ngược tình thế ở set 2 và set 3 sau khi bị Granollers dẫn trước 2-4 và 0-2, Federer rõ ràng không để cho những cú đánh hỏng trước đó ảnh hưởng đến cả trận đấu.

Hôm nay Federer sẽ bước vào vòng 3 và gặp Damir Dzumhur, một tay vợt còn ít tên tuổi đến từ Bosnia & Herzegovina. Dzumhur mới lần thứ hai dự Roland Garros và lần đầu tiên tiến sâu như vậy tại Roland Garros, nhưng tay vợt 23 tuổi khó có thể được so sánh với Federer. Dù vậy FedEx không bao giờ chủ quan ngay cả khi rơi vào nhánh đấu được đánh giá là không có quá nhiều khó khăn cho tới tứ kết. Tại một giải Grand Slam, điều gì cũng có thể xảy ra và hơn ai hết, Federer cũng từng trải qua những thất bại trước những tay vợt bị đánh giá thấp hơn nhiều.

Trước những đối thủ như vậy, mỗi cú đánh hỏng đáng để Federer phải cáu giận!

Vòng 3 Roland Garros ngày 29/5

16h00: Tomas Berdych – Benoit Paire

16h00: Stan Wawrinka – Steve Johnson

19h30: Roger Federer – Damir Dzumhur   

Từ Wimbledon 2004, Federer mới chỉ một lần dừng chân ở vòng 3 các giải Grand Slam, đó là tại Australian Open 2015 sau thất bại trước tay vợt người Italia, Andreas Seppi. Trong 11 năm qua, lần dừng chân sớm nhất của Federer tại các giải Grand Slam là ở  vòng 2 Wimbledon 2013.

LY NA

18t

Nhiều năm qua, giới truyền thông Anh quốc gần như ít đoái hoài tới Roland Garros, hoặc có chăng thì chỉ tập trung vào những kết quả bất ngờ hay những vòng đấu cuối cùng. Vì thực tế những tay vợt của họ chẳng mấy khi chơi tốt trên sân đất nện, mặt sân vẫn là nỗi ám ảnh với người Anh vốn yêu thích mặt sân cỏ. Bằng chứng là trong suốt kỷ nguyên Mở, chưa có một tay vợt nam nào của Vương quốc Anh đi tới trận chung kết. Còn ở nội dung đơn nữ, chức vô địch của cựu số 3 thế giới Sue Barker (nay bà đang là người dẫn chương trình thể thao của kênh BBC) vào năm 1976 được coi là kỳ tích hiếm có của quần vợt xứ sở Sương mù.

Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác, truyền thông Anh quốc theo sát từng diễn biến tại Roland Garros 2015 vì chưa bao giờ Andy Murray được kỳ vọng như vậy. Từ khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2005, sân đất nện như thể là cái dớp và suốt 10 năm, Murray không đi nổi tới trận chung kết nào trên mặt sân này, ngay cả khi luôn nằm trong Top đầu thế giới. Vậy mà chỉ trong vòng 2 tuần, Murray vô địch tới 2 giải đất nện ở Munich và Madrid, đặc biệt là đăng quang ở Madrid sau khi đánh bại “Vua đất nện” Rafael Nadal không thể thuyết phục hơn.

Người Anh không ít lần nhắc tới chi tiết “tay vợt nam đầu tiên vô địch Roland Garros trong kỷ nguyên Mở”, hay “người chấm dứt lịch sử 80 năm chờ đợi danh hiệu Roland Garros của người Anh”. Vì sao người Anh lại có niềm tin như vậy? Thật đặc biệt, năm 2013, Murray vô địch Wimbledon để chấm dứt 77 năm trời không giữ chiếc cúp ở lại nước Anh kể từ thời của huyền thoại Fred Perry tại Wimbledon 1936. Và trùng hợp, tay vợt người Anh gần nhất vô địch Roland Garros cũng là Perry vào năm 1935!

Murray cũng từng đến khá gần chung kết Roland Garros khi có mặt ở bán kết năm 2011 và 2014, nhưng đều nhận thất bại chóng vánh sau 3 set trước Nadal. Mùa giải này, lần đầu tiên Murray đánh bại được Rafa trên sân đất nện, nên rõ ràng sự tự tin là điều Andy đang có.

Hôm nay, Murray sẽ bước vào trận đấu ở vòng 2 gặp tay vợt người Bồ Đào Nha Joao Sousa. Đây là đối thủ từng thua Murray cả 5 lần đối đầu trước đó và thậm chí không thắng nổi set nào. Có lẽ đây không phải là sự kiện mà người Anh thực sự quan tâm, nhưng dù sao trong những ngày này, tất cả đang dõi theo từng bước hành trình của Murray tại Roland Garros.

Quần vợt Anh có 3 tay vợt tham dự nội dung đơn nam. Bên cạnh Murray còn có Aljaz Bedene (75 thế giới) và Kyle Edmund (121 thế giới). Bedene bị loại ngay vòng 1, còn Edmund lần đầu tiên tham dự Roland Garros và tay vợt 20 tuổi đi tới vòng 2. Nếu thắng Nick Kyrgios ở vòng này, Edmund có thể chạm trán với Murray ở vòng 3. 

Trong lịch sử Roland Garros, quần vợt Anh chỉ có đúng một tay vợt nam từng vô địch tại đây là Fred Perry năm 1935. Nhưng trong kỷ nguyên Mở thì chưa có ai khác.

LY NA