Góc nhìn của tôi: Xác suất rủi ro

Mọi cuộc chơi trên đời này luôn tồn tại những rủi ro mà con người dù có giỏi đến đâu cũng không thể nào đoán hết.

Anh tran U23 VN - U23 Bruney_Cong Phuong that vong

1/Khi Công Phượng bước lên chấm 11m, mới chỉ “bước lên” thôi thì nhiều người trong cái quán cafe bình dân mà tôi ngồi gần như cùng đồng thanh: “Chắc lại là Panelka”! Và quả đúng là Panenka thật.

Nhưng khác với những lần Panenka trước, lần này bóng tông thẳng xà ngang… Ai cũng biết, phải rất tự tin vào trình độ kỹ thuật cá nhân và tâm lý thi đấu của mình, một cầu thủ mới dám đá phạt đền theo kiểu. Và ai cũng biết Công Phượng đã hơn một lần thành công với kiểu đá thuộc dạng… siêu kỹ thuật này.

Nhưng hãy  tưởng tượng: khi Phượng bước lên chấm 11m, những người đoán trước về một cú đá Panenka của Phượng không phải là mấy fan hâm mộ trong cái quan cafe bình dị tôi vừa kể mà là đối thủ của Công Phượng thì sao? Nếu cú đá Panenka hỏng ăn của Phượng không diễn ra trong trận gặp Brunei mà lại diễn ra trong một trận căng thẳng, mang tính sống còn thì sao? Và giả như sau khi kết thúc bảng B môn bóng đá SEA Games này, U.23 Việt Nam bị loại vì thua U.23 Malaysia, thua U.23 Thái Lan về chỉ số phụ – thua đúng 1 bàn thì Phượng sẽ nghĩ sao?

Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất là: Rất dễ bị bắt bài. Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai và thứ ba là: Rất, rất hối hận, và đôi khi vì hối hận, vì bị xem như một “tội đồ” mà một cầu thủ tuổi U.23 rất có thể sẽ gặp khó trong quá trình phát triển nghề nghiệp mai sau…

Như thế, điều cần rút tỉa: Bên cạnh kiểu đá Panenka siêu kĩ thuật nhưng cũng siêu rủi ro, Công Phượng cũng đừng cố gắng để trở nên đặc biệt với chấm 11m, khi có những lựa chọn đơn giản và hợp lý hơn. Luyện thêm để không dễ bị bắt bài và cũng không dễ tự đẩy mình vào tình cảnh khó xử trước sự soi xét đôi lúc bị đẩy tức mức nặng nề, nghiệt ngã của miệng lưỡi thế gian.

Cầu trời cho điều này sẽ không bao giờ xảy ra với Phượng…!

2/ Xem trận đấu hôm qua, không khó “đọc” được ý đồ của HLV trưởng Toshiya Miura khi tung một đội hình “đấu sĩ” trong hiệp 1 để phá sức đối phương rồi bất ngờ tung vào những cầu thủ hoặc mềm mại như Công Phượng hoặc có khả năng đánh hơi bàn thắng như Mạc Hồng Quân ở hiệp 2 để vung đòn kết liễu. Và nhìn cái cách U.23 Brunei gắng gỏi chống cự trong hiệp 1 rồi chỉ thua 1 bàn nhưng vỡ nhanh vỡ mạnh ở hiệp 2 là đủ thấy ông Miura đã thành công như thế nào.

Tư duy bày trận này từng xuất hiện trong trận Thái Lan – Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018 cách đây ít ngày. Những người tham dự cuộc họp đấu pháp trước trận này kể lại rất rõ cái ý đồ dùng “đấu sĩ” của Miura trong 45 phút đầu tiên rồi bất ngờ tung những cầu thủ nhỏ, khéo, giàu kỹ thuật vào sân ở 45 phút tiếp theo để tạo bất ngờ. Thế nhưng hôm ấy, Miura đã không thể thực hiện ý đồ vì các cầu thủ của mình lần lượt chấn thương, khiến ông mất cả 3/3 quyền thay người bất khả kháng.

Hôm qua, hậu vệ Tấn Tài cũng phải ra dấu hiệu xin thay người vì chấn thương, và Miura cũng phải thực hiện một quyền thay người bất khả kháng. Hãy tưởng tượng, nếu trước khi kịp tung Công Phượng, Mạc Hồng Quân vào sân, ông cũng mất tới 2 quyền thay đổi người theo dạng này thì sao?

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, trong trận Việt Nam – Thái Lan, nếu Miura tung một cầu thủ như Văn Quyết vào sân ngay từ đầu, và trong trận đấu U.23 Việt Nam – U.23 Brunei ngày hôm qua, ông cũng tung hoặc Công Phượng hoặc Mạc Hồng Quân vào sân ngay từ đầu thì có thể xác suất rủi ro trong những toan tính của ông sẽ giảm đi rất nhiều…

3/ Mọi cuộc chơi trên đời này luôn tồn tại những rủi ro mà con người dù có giỏi đến đâu cũng không thể nào đoán hết. Nhưng con người có thể hạn chế được xác suất rủi ro một cách tối đa, trong khả năng tư duy và nhân sự của mình.

Tất nhiên, nếu ai đó “vặn” lại theo kiểu: “Khái niệm rủi ro của anh và tôi là khác nhau” thì thôi, xin miễn bàn!

PHAN ĐĂNG

Bình luận (0)