Nhà vô địch U.14 Hà Lan thành Á quân Việt trẻ nhất

Trong màu áo Becamex Bình Dương, cô bé 13 tuổi có bố mẹ đều là người Việt đang định cư tại Hà Lan đã gây sốc khi đoạt HCB nội dung đơn nữ, với phong thái chuyên nghiệp đầy khác biệt.

Á quân quốc gia trẻ nhất

Tại giải tennis VĐQG mới đây, gương mặt lạ hoắc lần đầu xuất hiện và không biết nói tiếng Việt này đã đả bại thuyết phục hàng loạt các đàn chị hơn mình 3-5, thậm chí chục tuổi để thắng tiến vào chung kết đơn nữ. Và ở trận tranh ngôi, vô địch dù không thể tiếp tục làm nên bất ngờ trước ĐKVĐ Trần Tâm Hảo có lối chơi toàn diện, ưu thế về thể lực, kinh nghiệm song Lian Trần đã có một màn thi tài hoàn toàn sòng phẳng. Như thừa nhận của chính Tâm Hảo, nếu như đối thủ đến từ Hà Lan có sự chuẩn bị, thích nghi cần thiết thay vì gần như vừa về nước đã vào sân đấu ngay, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Đơn giản vì sự bài bản, kỹ năng chơi bóng và tính chuyên

Nhà vô địch U.14 Hà Lan thành Á quân Việt trẻ nhất

nghiệp của cô bé gắn bó với sân banh nỉ từ khi mới 4 tuổi này thực sự vượt trội các tay vợt nữ trong nước.
Tuy chưa thể đăng quang, Lian Trần cũng đã tạo nên một hiện tượng độc nhất vô nhị khi là nhà Á quân quốc gia trẻ nhất của tennis Việt. Có lẽ việc tài năng nhí cao 1m55 và nặng 43kg độc chiếm ngôi đầu chỉ là vấn đề thời gian.

Đột phá kiểu… Becamex Bình Dương

Suýt chút nữa Lian Trần đã giành tấm HCV đơn nữ lịch sử cho Becamex Bình Dương, trung tâm tennis đang lên với những độc chiêu trong phát hiện, đào tạo và cả thu hút tài năng. Cách đây 2 tháng, khi người chị Demi Trần về dự giải U.18 quốc tế nhóm 5 ở TP.HCM với một màn trình diễn ấn tượng, Becamex Bình Dương đã lập tức tiếp cận để tìm cách mời về đầu quân. Khi biết rằng Demi Trần còn có một cô em gái, Lian Trần, còn xuất sắc hơn nhiều, họ đề nghị ký hợp đồng với cả 2 chị em. Và giải VĐQG 2015 chính là màn ra mắt của Demi và Lian. Rất thú vị bởi trong khi chị gái dừng bước ở tứ kết, Lian đã đoạt ngay HCB.

Khẳng định sẵn sàng dành cho cả 2 chị em, đặc biệt Lian Trần một kế hoạch đầu tư riêng xứng đáng, “lò” tennis đất Thủ cũng không giấu tham vọng gây dựng nên một mẫu hình giống Lý Hoàng Nam. Nhìn nhận thẳng thắn, về xuất phát điểm, Lian Trần còn hội tụ đủ các yếu tố vươn cao hơn hẳn đàn anh.

Khó có hy vọng cho ĐTQG Việt Nam

Hiện tại Lian Trần đang mang quốc tịch Hà Lan, thuộc sự quản lý Liên đoàn Tennis nước này. Tại đây, cô bé có bố mẹ quê gốc Vũng Tàu sang định cư cách đây 30 năm đang tập luyện, thi đấu trong một quy trình chặt chẽ, đúng chuẩn quốc tế. Lian Trần cũng đang là  ĐKVĐ U.14 Hà Lan, từng đại diện dự tranh nhiều giải trẻ thế giới.

Có thể thấy, chuyện Lian Trần khoác áo Becamex Bình Dương tranh tài, chí ít ở các giải quốc nội là khả thi. Tuy nhiên, với ĐTQG Việt Nam lại hoàn toàn khác. Rất khó để hy vọng Lian Trần chấp nhận rời một môi trường lý tưởng mình đang gắn bó, với cơ hội thăng tiến cao nhất để đầu quân cho ĐTVN. Nó chỉ xảy ra trong trường hợp cô bé không cạnh tranh được, hay không có sự lựa chọn nào khác ở xứ sở hoa Tuy-líp. Ngay cả khả năng vô cùng thấp này cũng còn phải chờ… nhiều năm nữa.

Càng đáng nói hơn vì khi kéo Lian Trần về, chắc chắn Becamex Bình Dương cũng chưa tính đến đích nhắm dành cho ĐTQG hay thuộc sự quản lý, điều hành của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam và Bộ môn Quần vợt (Tổng cục TDTT).

Hà Thảo

Tennis Việt Nam từng có bài học “trắng mắt” với trường hợp của tay vợt Việt kiều Ngô Việt Hà. Tài năng sinh năm 1990 có bố mẹ người Việt sinh sống ở Nga này bắt đầu về nước thi đấu từ khi 14 tuổi rồi được coi như niềm hy vọng lớn nhất, nhận học bổng Olympic và đầu tư của Hà Nội. Chỉ có điều, Việt Nam chỉ giữ được gương mặt có thời điểm đứng 939 WTA này được vài năm, trước khi Việt Hà bỗng dưng biến mất. Hà chưa từng khoác áo ĐTQG một giải nào.

 Gia đình xác định sẽ tạo điều kiện tối đa cho Lian theo nghiệp tennis chuyên nghiệp. Thực sự chúng tôi đang rất cần một hay một vài  nhà đầu tư dài hạn và đảm bảo. Rất mừng vì Becamex Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ lâu dài cho Demi và Lian. Ngay lần đầu tiên đấu giải Quốc gia, Lian đã đoạt HCB, Demi cũng lọt vào tới tứ kết, và nhận được sự quan tâm, khích lệ đặc biệt của giới chuyên môn cùng khán giả. Việc được tập luyện, thi đấu, đóng góp cho quê hương luôn là điều mong muốn, nhưng cụ thể như thế nào gia đình xin được cân nhắc, tính toán thêm”.

Ông Trần Thái Thắng (bố của Lian Trần).

“Tôi chưa thấy tay vợt nữ Việt Nam nào 13 tuổi đã thi đấu bài bản, có nét và chững chạc như Lian Trần. Em đã có xuất phát điểm tốt, được đầu tư tốt với đúng mẫu hình của các tài năng nhí quốc tế. Tôi cho rằng, Lian Trần hoàn toàn có thể sớm có thứ hạng cao tại các giải trẻ trong vài năm tới, cũng như về lâu dài hướng tới mục tiêu chinh phục Top 300 hay 200 WTA” .

Nguyễn Thùy Dung (cựu vô địch đơn nữ QG).