Café 24h: Hàng xa xỉ của V.League
Hôm qua, một người em là fan của SLNA nhắn qua điện thoại thế này: “Fan xứ Nghệ quá tuyệt vời, song cũng đành ngậm ngùi hủy vé về Vinh ngày 13/9. FC 3 miền cũng dự tính hủy Gala tổng kết cuối năm, vì khó mà có quá 100 người ngồi khán đài B ở trận tới.
Vẫn biết, giận thì giận mà thương thì thương nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn và nó vượt quá giới hạn của một người hâm mộ rồi.
Chia tay V.League theo cách cay đắng nhất. Nhưng không có một ai phải chịu trách nhiệm, lỗi là do người hâm mộ cổ vũ nhiệt quá khiến đội tâm lý, hãy tự nhủ vậy đi cho nhẹ lòng”.
Hóa ra, lỗi cuối cùng lại do CĐV quá nhiệt tình chứ không phải V.League “có vấn đề”.
Hôm qua, một tờ báo lớn đặt vấn đề thế này: “Ở V.League cái gì cũng tăng, chỉ khán giả là giảm”. Đấy chính là nỗi đau. Trên sân Thanh Hóa có dòng chữ: “Tài sản lớn nhất của CLB là người hâm mộ”. Ấy thế mà chính ở sân này, thứ tài sản ấy trở nên vô nghĩa khi Thanh Hóa tự đánh mất cơ hội tranh chức vô địch của mình.
Tài sản lớn nhất cuối cùng chỉ là câu khẩu hiệu vô tri, vô giác. Một nhà báo khác có vẻ quá gay gắt khi đặt vấn đề “bóng đá con buôn”. Bao năm nay, thứ mà CĐV nhiệt tình theo đuổi vấn cứ là một món hàng mà người ta sẵn sàng trao đổi, chuyển nhượng, thậm chí cho không. “Thứ tài sản lớn nhất” ấy tưởng là không thể có gì thay thế bỗng nhiên có thể chuyển nhượng, mua bán hoặc đơn giản là vấn đề tình cảm”.
Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng, Để gọi khán giả đến sân phải mất cả trăm tỉ nhưng để đuổi khán giả khỏi khán đài chỉ cần mấy trận đấu bốc mùi.
Bởi vì bóng đá chưa chắc đã là của khán giả, vì khán giả mà là của những ông bầu và cuộc chơi của họ. Khi bóng đá đã là món hàng thì hoàn toàn có thể chuyển nhượng, bán, hoặc cho không,
Khi bóng đá không sống bởi khán giả, không vì khán giả mà phục vụ thì chắc chắn sẽ có những hệ lụy. HAGL khiến chúng ta buồn bởi họ tửng là biểu tượng của cái đẹp. Cái đẹp không cứu được bóng đá mà vẫn phải là những trò ma giáo.
Lại một lần niềm tin vẫn là thứ hàng xa xỉ với V.League.
SONG AN