Champions League: Phía Đông không có gì lạ

15 triệu euro cho đội vô địch Champions League ở mùa giải 2015/16 không cho thấy hết được số tiền khổng lồ mà đội bóng này nhận được trên hành trình chinh phục San Siro, Italia. Cũng như vậy, đằng sau sự giàu có của giải đấu danh giá nhất châu Âu, người ta chỉ lờ mờ nhận ra rằng sức hấp dẫn của nó đã giảm dần trong nhiều năm qua.

Còn ai nhớ Dynamo Kiev?

11 năm qua kể từ chiến thắng của Porto (Bồ Đào Nha), chiếc Cúp “tai to” chỉ dịch chuyển từ Anh sang Tây Ban Nha, đến Đức rồi Italia. Không có một quốc gia nào khác xuất hiện trên bảng thành tích và được khắc tên trên Cúp. Xa hơn là 23 năm qua kể từ Marseille của Pháp, Cúp C1/Champions League chỉ mang đến hai nhà vô địch mới là Dortmund và Chelsea. Nếu nói đến bóng đá Đông Âu, sau Red Star Belgrade của Nam Tư cũ và giờ là Serbia, Champions League là sự thống trị của Tây Âu.

Phía Đông không có gì lạ

Xét ở khía cạnh danh hiệu và các nhà vô địch, Champions League đang trở nên quá buồn tẻ bởi gần như năm nào cũng thế, tất cả đều có thể đoán được Cúp sẽ thuộc về đâu bởi La Liga, Premier League, Bundesliga và Serie A là 4 trong 5 giải vô địch hàng đầu của châu Âu. Vì vậy, đừng nói gì Ligue 1 cũng không có nổi một đội bóng vô địch kể từ chiến thắng tai tiếng của Marseille năm 1993, làm sao Hà Lan, Bồ Đào Nha, Scotland, Serbia, Romania, những quốc gia từng có ít nhất một đội bóng thống trị châu Âu, có thể phá vỡ được sân chơi dường như chỉ dành cho các CLB giàu có nhất thế giới này?

Mỉa mai ở chỗ, UEFA mà ở đây là Chủ tịch Michel Platini đã làm tất cả để đảm bảo rằng, vòng bảng Champions League sẽ luôn có sự hiện diện của các đội bóng từ Thụy Sĩ, Áo, Czech, Nga, Ukraine… kể từ khi đội đứng thứ 2 ở giải vô địch được phép tham dự vào mùa giải 1997/98, việc góp mặt thường xuyên cũng không giúp những quốc gia này cải thiện chất lượng bóng đá của mình. Thử hỏi còn ai nhớ đến việc Dynamo Kiev từng đánh bại Barcelona ở Nou Camp, Spartak Moscow vượt qua Real Madrid ngay tại Bernabeu hay Liverpool ở Anfield…? Nên nói thêm là trừ 6 quốc gia đứng đầu có hệ số cao nhất và có từ 3-4 đội góp mặt, 9 quốc gia sau đó cũng có 2 đội và từ 16 đến 54 là 1 đội. Nghĩa là so với trước mùa giải 1997/98 hay 1992, cơ hội dành cho họ không phải là ít.

Đi sâu hơn, theo phân bổ của UEFA ở mùa giải 2015/16, vòng bảng gồm có 12 đội vô địch từ các quốc gia có hệ số cao từ 1-12, 6 đội á quân từ các quốc gia có hệ số cao từ 1-6, 3 đội đứng thứ 3 từ các quốc gia có hệ số cao từ 1-3, đương kim vô địch Europa League, 5 đội từ vòng play-off (qua nhánh vô địch quốc gia) và 5 đội từ vòng play-off (qua nhánh xếp hạng vô địch quốc gia).

Phía Tây vẫn thống trị

Dĩ nhiên là sự thống trị của bóng đá phía Tây so với phía Đông đã kéo dài trong suốt lịch sử Cúp C1/Champions League chứ không phải kể từ khi Champions League. Mặc dù thế, việc thay đổi thể thức thi đấu, trước đây giải chỉ dành cho đội vô địch quốc gia, vấn đề chính trị, chênh lệch giàu nghèo, khủng hoảng kinh tế, đào tạo cầu thủ… tất cả đã tạo nên hố sâu ngăn cách giữa các CLB. Rốt cuộc, Champions League trở thành sân chơi chung cho 4 giải vô địch hàng đầu, khi có quá ít bất ngờ được tạo ra từ những giải vô địch khác.

Champions League ngày càng kém hấp dẫn: Phía Đông không có gì lạ

Cũng vì vậy, trừ khi bảng xếp hạng hệ số của UEFA thay đổi, Tây Ban Nha, Anh và Đức đang chiếm Top 3 và có quyền cử 4 đại diện tham dự Champions League, và sự vươn lên của Hà Lan, Nga, Bỉ, Ukraine, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Croatia, thật khó để bóng đá phía Đông thay đổi được cục diện.

Nếu có, với việc UEFA dựa vào hệ số của quốc gia, thay vì CLB như trước đây, để phân định hạt giống khi bốc thăm vòng bảng, họ sẽ có cơ hội tạo nên bất ngờ bởi khả năng xuất hiện rất nhiều bảng tử thần.

Mặc dù thế, những bất ngờ được tạo ra ở vòng bảng khi Champions League mở rộng là không thể so sánh được với những bất ngờ xuất hiện tại các vòng knock-out. Điều này đã giải thích tại sao Champions League chỉ hay về cuối, trong khi Cúp C1 trước đây hấp dẫn ngay từ vòng 1 khi một đội vô địch có thể bị loại chỉ sau 180 phút.

MẠNH HÀO

Cúp C1 thành Cúp hạng 2

Champions League giờ không còn được xem là Cúp các CLB vô địch quốc gia hoàn toàn nữa. Thậm chí có thể xem giải là Cúp các CLB đứng thứ 2, thứ 3, thứ 4 quốc gia và tương lai là thứ 5. Chẳng hạn như Real Madrid vô địch Champions League mùa giải 2013/14 dù chỉ đứng thứ 2 ở La Liga trước đó. Tương tự như vậy là Chelsea vô địch năm 2012, trong khi đội vô địch Premier League một năm trước là Man Utd. Hay Milan vô địch năm 2007 nhưng cách đó 12 tháng, họ chỉ đứng thứ 3 tại Serie A, sau Inter và Roma. Thậm chí, dù chỉ đứng thứ 4 ở Premier League mùa giải 2003/04, Liverpool vẫn có thể vô địch Champions League trong mùa bóng 2004/05.

Thế nên, khi UEFA mở rộng Champions League cho đội đứng thứ 5 ở giải vô địch và đương kim vô địch Europa League, những đội bóng này cũng có thể vô địch dù thứ hạng thấp. Thậm chí là rất thấp như đội vô địch Europa League nếu họ đứng thứ 7, thứ 8 hay thứ 9… ở giải vô địch quốc gia của mình.