Trần Lê Duy Nhất và chuyện của golf Việt Nam: Huy chương SEA Games hãy còn xa
Có thể coi Duy Nhất là trường hợp ngoại lệ, với sự vượt trội của golf Việt Nam nhưng một danh hiệu châu lục cũng chưa thay đổi được gì cho môn thể thao chưa từng giành nổi tấm huy chương SEA Games này.
Nhất cũng chưa là gì ngay ở khu vực
Bản thân Duy Nhất hiểu rõ về giá trị cùng sự bất ngờ của ngôi đầu Asian Development Tour mà mình vừa giành được trên đất Indonesia. Đây mới chỉ là lần đầu tiên anh chiến thắng sau gần chục mùa liên tục dự tranh giải đấu chuyên nghiệp thường niên, gồm hàng loạt tour đấu. Thực tế phải rất nỗ lực và có thêm may mắn, Nhất mới lật ngược tình thế trước đối thủ người Singapore. Có nghĩa, nó mới chỉ là một danh hiệu của một tour đấu cụ thể, chưa phản ánh được gì nhiều cho đẳng cấp, bước tiến mới, cho dù chắc chắn mang lại cho anh sự tự tin, phong thái khác hẳn.
Khả năng của Nhất vẫn chưa vượt qua được vị trí nhóm cuối Top 50 Asian Tour như nhiều năm qua. Trong đó, tuyển thủ Việt Nam vẫn còn thua hàng loạt golf thủ của Thái Lan, Singapore, Malaysia. Do đã chuyển sang chuyên nghiệp nên không được dự SEA Games, song giả sử nếu có, so sánh tương quan lực lượng, Nhất cũng khó có thể tranh chấp một tấm huy chương.
Cao nhất mới đứng thứ 11 SEA Games
Tại SEA Games 28, golf Việt Nam cử sang một lực lượng gồm 5 tuyển thủ được đánh giá trẻ trung nhất, tài năng nhất từ trước đến nay. Họ đều đang tập huấn dài hạn ở nước ngoài, trong đó có 4 người trở về từ Mỹ, 1 ở Thái Lan. Đội hình có tuổi đời trung bình 18 tràn đầy tự tin và khí thế, với quyết tâm tạo đột phá. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là phấn đấu lần đầu trong lịch sử đoạt được một tấm huy chương.
Chỉ có điều, bước vào trận, cả đội đã phải đối mặt với một sự thật phũ phàng khi trình độ hãy còn thua kém cả mặt bằng chung, chứ chưa nói đến nhóm dẫn đầu, đặc biệt là các tay golf quá mạnh của Thái Lan. Chung cuộc, thành tích cao nhất của nữ chỉ là hạng 11 của Nguyễn Thảo My, trong khi Trương Chí Quân tốt nhất nam đứng mãi hạng 18. Việt Nam không đủ quân để đấu đồng đội nam, còn đội nữ xếp áp chót trong 7 đội.
Có lý do để biện hộ cho kết quả yếu kém của golf Việt Nam ở kỳ SEA Games khi các VĐV còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, mới đang ở thời kỳ tích lũy, nâng cao. Đó cũng có thể coi là một niềm tin vào sự tiến bộ mạnh mẽ của họ trong tương lai. Tuy nhiên, với khoảng cách quá lớn về cả nền tảng lẫn mũi nhọn, cũng những khác biệt rõ rệt về cách thức đầu tư, tập huấn, có lẽ Việt Nam sẽ chỉ vượt lên được chính mình, chứ không thể mong tiếp cận được với Malaysia, Singapore và đặc biệt là Thái Lan.
Hà Thảo
Tính đến SEA Games 28, golf Việt Nam đã dự 6 kỳ Đại hội trong tình cảnh đúng nghĩa “thi xong xuôi tất cả lại về”. Các golf thủ Việt các lứa, từ Duy Nhất, Thái Dương khi trước, hay Chí Quân, Thảo My bây giờ chưa bao giờ đủ sức để khiến các đối thủ phải tính đếm.
Tay golf Việt Nam chuyên nghiệp đầu tiên và độc nhất đến thời điểm này Trần Lê Duy Nhất là một thành quả ngoại lệ, hoàn toàn do đầu tư của gia đình cũng như nỗ lực tự thân, với sự hội tụ đầy đủ các yếu tố. Hiện tại, trong số các golf thủ trẻ đang tập huấn nước ngoài, chỉ duy nhất tài năng trẻ 17 tuổi Nguyễn Thảo My có dấu ấn của nhà nước, với một kế hoạch và nguồn kinh phí của ngành thể thao Hà Nội phối hợp với gia đình. Còn lại những Ngô Bảo Nghi, Trần Chiêu Dương (nữ) hay Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt (nam) đều đang phụ thuộc cả vào định hướng, nguồn kinh phí từ gia đình.