+ Câu hỏi: Tôi rất lúng túng khi phát hiện các dấu hiệu đau, co cứng cơ, bầm tím tay chân. Tôi biết là nhiều trường hợp tương tự khi tìm đến các bác sỹ, chấn thương đã trở nên nặng. Xin được tư vấn về cách thức sơ cứu chấn thương thông dụng nhất? (Nguyễn Hữu An, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội).
+ Bác sỹ Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Tạo hình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam:
Có thể khẳng định, những người tham gia tập luyện thể thao - nhất là các môn đối kháng, va chạm mạnh hay đòi hỏi lượng vận động lớn - đều khó có thể tránh khỏi chấn thương ở các mức độ khác nhau. Rách cơ, giãn dây chằng hoặc đứt dây chằng, bong gân, trật khớp... là các chấn thương hay gặp nhất đối với người tập luyện ở mọi trình độ.
Tôi xin nói rằng, việc sơ cứu có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi nếu được thực hiện kịp thời và có hiệu quả sẽ giúp cho người bị nạn tránh được rủi ro, thậm chí cứu sống tính mạng và tạo điều kiện rất thuận lợi cho các công đoạn cứu chữa tiếp theo tại các cơ sở y tế chuyên ngành.
Có một số cách thức sơ cứu chấn thương rất phổ thông, có thể mang lại hiệu quả cao:
Chườm lạnh: Dùng đá lạnh bọc trong khăn vải sạch mỏng hoặc túi nilon chườm tại chỗ chấn thương từ 10 tới 20 phút. Nhắc lại sau khoảng từ 30 phút tới 4 giờ một lần. Chú ý chườm đều và rộng trên bề mặt vùng cơ-khớp bị chấn thương. Không nên chườm trên vùng tổn thương có rách da để tránh nhiễm trùng, khi đó chỉ dùng nước sạch, lạnh để rửa. Chườm lạnh có tác dụng rất hữu hiệu trong việc giảm đau, giảm sưng nề, ngăn ngừa chảy máu tại mô cơ bị chấn thương và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Băng ép cố định: Dùng băng chun hoặc băng vải mềm băng ép lên vùng chấn thương. Băng vừa đủ để tạo một lực ép hữu hiệu lên khu vực tổn thương mà không gây ra chèn ép tuần hoàn của động mạch bên dưới. Băng ép làm giảm sưng nề, chảy máu tại vùng cơ-khớp bị tổn thương; giữ cho tổ chức tổn thương được ổn định, các cơ hoặc khớp không bị di lệch hoặc co kéo gây tổn thương thứ phát.
Kê cao vùng (chân hoặc tay) bị chấn thương: Đây là một cách đơn giản nhưng có nhiều ích lợi cho việc điều trị và hồi phục. Khu vực tổn thương cần được nâng cao hơn bằng cách kê gối, dùng băng treo... để giảm sưng nề.
Sau khi sơ cứu mà không thấy đỡ, người bị chấn thương dứt khoát phải đến khám tại các cơ sở y tế chuyên ngành để được chẩn đoán, chữa trị đúng phương pháp. Tôi cũng xin lưu ý rằng, các thuốc điều trị chấn thương thể thao hầu hết thuộc nhóm thuốc kháng viêm - giảm đau, với nhiều tác dụng phụ. Vì thế, người bị chấn thương cần phải có sự chỉ định cụ thể của bác sỹ mới được sử dụng thuốc, và tránh tuyệt đối việc tự ý tìm và dùng thuốc.
Quý độc giả và người yêu thể thao quan tâm có thể phản hồi và đặt câu hỏi về Tòa soạn, qua số điện thoại (04) 32669666 hay địa chỉ email: baothethao24h@sport24h.com.vn.
Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật, chọn lựa và xử lý để đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất các phản ánh, câu hỏi của quý độc giả.
Fan page Thethao24h
Thể Thao 24 TV (http://thethao24.tv)
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy
Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011
Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189
Email: baothethao24h@sport24h.com.vn
Powered by Netlink Tech