Vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki: Ký ức kinh hoàng của tiền đạo Johnny Sherwood

Ngày này cách đây đúng 70 năm, ngày 09/08/1945, Johnny Sherwood may mắn thoát nạn khi “Ông mập” được thả xuống Nagasaki. Và cựu tiền đạo khét tiếng của Reading và ĐT Anh trở thành một trong những nhân chứng quan trọng của vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki…

“Trang sức lấp lánh trên bầu trời Nagasaki”

Trước thế chiến II, Johnny Sherwood là cây săn bàn hàng đầu của xứ sương mù. Năm 1938, ông ghi tới 70 bàn trong tổng số 70 trận cho Reading, cũng trong năm đó, Johnny cùng các ngôi sao xuất sắc khác được đội bóng tài tử Anh Islington Corinthians mời tham dự tour lưu đấu khắp nơi trên thế giới, trong đó hai trận đấu với ĐT Nam Kỳ (dưới sự dẫn dắt của HLV người Pháp Michand) ở Việt Nam.

Năm 1939, thế chiến II bùng nổ, cũng như nhiều cầu thủ khác, Johnny gia nhập quân đội và trở thành lính Pháo binh Hoàng gia Anh. Ông tham gia bảo vệ Singapore và khi Đảo quốc Hải sư thất thủ sau nhiều ngày không kích của không quân Nhật Bản, Johnny bị bắt làm tù binh.

Vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki: Ký ức kinh hoàng của tiền đạo Johnny Sherwood
Quả bom phát nổ trên bầu trời Nagasaki năm 1945.

Kể từ khi bị bắt, Johnny thoát chết rất nhiều lần. Đầu tiên là 3 năm rưỡi lao động khổ sai làm tuyến đường sắt từ Miến Điện tới Siam dưới sự chỉ đạo tàn bạo bằng báng súng của lính Nhật, khiến hàng ngàn tù binh bỏ mạng. Johnny cũng may mắn thoát chết khi con tàu chở tù binh của Nhật bị ngư lôi của tàu Mỹ tấn công tại biển Đông…

Nhưng may mắn nhất vẫn là sự kiện bom hạt nhân khủng khiếp ngày 09/08/1945. Thời điểm đó, Johnny cùng khoảng 900 tù nhân khác – những người mà ông miêu tả là “những bộ xương di động” đang bị nhốt trên chuyến tàu chở hàng tại Vịnh Nagasaki.

Trong cuốn sách “Lucky Johnny” mới phát hành, do cháu ngoại cựu tiền đạo Reading, Michael Doe viết, ông kể lại: “Thời điểm đó tôi không biết đó là bom nguyên tử. Người Nhật thì gọi nó là tia sáng giết người. Tôi nhìn thấy máy bay của không quân Mỹ bay qua tàu của chúng tôi ở gần nhà máy carbon tại vịnh Nagasaki. Tôi nghĩ chắc phi công Mỹ lại oanh tạc các nhà máy như mọi khi. Bỗng nhiên một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, theo phản xạ tự nhiên, tôi gục đầu xuống và nhắm mặt lại trong vài giây. Khi tôi mở mắt ra và nhìn về phía thành phố, tôi thấy một đám mây đen phát triển nhanh thành hình xoắn, rồi biến thành hình dạng của một cây nấm. Màu đen nhanh chóng chuyển thành màu xám, trên cây nấm màu xám ấy, tôi thấy những tia sáng lấp lánh nhiều màu giống như những đồ trang sức trên bầu trời Nagasaki. Cả thành phố lặng đi sau tiếng nổ kinh hoàng, sau đó mới có những tiếng khóc, tiếng la hét. Hàng chục nghìn người chết, không thể tin nổi”.

Ám ảnh đến chết

Năm ngày sau khi “Ông mập” (Fat man – tên mật mã của quả bom nguyên tử) san bằng thành phố Nagasaki, Johnny Sherwood trở về nhà trên chiếc tàu chiến của Mỹ. Khi nghe những câu chuyện sống sót may mắn của Johnny, đặc biệt là trong vụ thả bom nguyên tử xuống Nagasaki, mẹ của Johnny đã gọi ông là “Lucky Johnny”.

Vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki: Ký ức kinh hoàng của tiền đạo Johnny Sherwood
Johnny Sherwood

Thế chiến II kết thúc, chàng lính Pháo binh Johnny Sherwood lại trở về với sân cỏ. Ông tiếp tục thi đấu cho Reading, sau đó chuyển tới các đội bóng Aldershot và Crystal Palace. Cuối cùng, Johnny trở lại Reading để vừa thi đấu vừa giúp gia đình mở một quán rượu.

Trở lại với bóng đá, với cuộc sống đời thường nhưng Johnny vẫn không thể quên những những tháng ngày đau khổ, tuyệt vọng trong trại tù binh của Nhật cũng như cảnh tang thương của Nagasaki khi “Ông mập” được thả xuống từ chiếc B-29 Bockscar. Lời Johnny nói năm 1984 được viết lại trong cuốn sách của ông: “Những cánh tay đẫm máu vươn lên cầu cứu từ những đống đổ nát, những xác người nằm la liệt. Tôi vẫn nhìn thấy nó trong những đêm ác mộng. Ác mộng hằng đêm”. Một năm sau, năm 1985, cựu tiền đạo Reading – nhân chứng của vụ nhìn thấy “Ông mập” hủy diệt Nagasaki qua đời vì bệnh tim, thọ 72 tuổi.

Johnny bị ám ảnh tới mức, ông luôn dặn con cháu không được mua bất cứ thứ đồ gì của người Nhật Bản. Một người con của Johnny mua chiếc xe hơi Nhật, ông đã từ chối ngồi lên chiếc xe đó.

Trên The Chronicle, nói về người ông của mình, Michael Doe – tác giả của cuốn Lucky Johnny cho biết: “Ông là chân sút vĩ đại của bóng đá Anh, là người quân nhân anh hùng. Ông truyền cảm hứng cho thế hệ chúng tôi…”.

Tân Phong