Tennis quốc tế

Trước đó trong 134 năm US Open diễn ra, trận chung kết đơn nam luôn được các trọng tài nam giới điều khiển.

US Open: Trọng tài nữ đầu tiên ở chung kếtKhông chỉ có Asderaki-Moore, vị trọng tài nữ người Croatia Marija Cicak cũng ghi tên vào lịch sử khi giúp US Open trở thành giải Grand Slam đầu tiên cả hai trọng tài nữ điều khiển hai trận đấu cuối cùng ở nội dung đơn nam và đơn nữ.

Tại US Open năm nay, có tổng cộng 19 trọng tài chính và có 5 người là nữ. Trọng tài nữ đầu tiên từng 2 lần điều khiển các trận chung kết Grand Slam là Sandra de Jenken người Pháp tại Australian Open và Roland Garros năm 2007.

L.N

Ngay ở những game đầu tiên set 1, Djokovic đã trượt ngã và trầy xước cả chân tay. Đó là kết quả của pha bóng khó mà Federer dồn ép khiến Nole mất phương hướng. Nhưng có lẽ cú ngã đau ấy lại càng kích thích tinh thần của Djokovic thêm hưng phấn. Tay vợt số 1 thế giới chỉ để Federer tỏ ra trội hơn ở set 2, trước khi khép lại trận đấu kéo dài 3 giờ 20 phút thi đấu trong 4 set (6-4, 5-7, 6-4, 6-4).

Máu, mồ hôi và nụ hôn cháy bỏng

Giấc mơ giành Grand Slam thứ 18 của Federer một lần nữa bị dập tắt bởi Djokovic, giống như hai trận chung kết tại Wimbledon gần nhất. Federer có thể chơi thứ tennis tuyệt đỉnh để đánh bại Djokovic ở chung kết Cincinnati Masters và khiến Nole chưa thể thâu tóm “Golden Masters”. Nhưng đó là thi đấu theo thể thức 3 set thắng 2, còn 5 set thắng 3, Federer vẫn đang lép vế so với Djokovic. Trong 14 lần gặp nhau tại Grand Slam, Federer thua 8 trận và thắng 6 trận.

Federer không chơi tệ, nhưng Djokovic lại phòng thủ quá hay. Tay vợt người Thụy Sĩ chỉ tận dụng được 4/23 điểm break, tỷ lệ thành công có 17%, và điều đó đồng nghĩa với việc Djokovic phòng thủ tuyệt vời như thế nào. Đã rất lâu rồi Federer lại bỏ lỡ nhiều điểm break như vậy trong một trận đấu và Djokovic rõ ràng là đối thủ khó chịu nhất với Federer ở thời điểm này. Sự khác biệt có lẽ chỉ nằm ở tinh thần, khi mà Djokovic vẫn lạnh lùng cứu thua giống như hai lần cứu 2 match-point tại bán kết US Open 2010 và 2011 để ngược dòng đánh bại Federer.

Djokovic nói rằng đây là mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp, thậm chí còn hơn cả mùa giải 2011, cũng không phải là quá lời. Mùa giải này Djokovic đi tới chung kết cả 4 giải Grand Slam và trong kỷ nguyên Mở cũng chỉ có 2 tay vợt khác làm được điều tương tự là huyền thoại Rod Laver và chính Federer. Một chút nuối tiếc với thất bại trước Stan Wawrinka tại Roland Garros nhưng không làm giảm bớt đi những chiến tích của Nole. Đó là chưa kể tới việc Djokovic cũng đi tới chung kết cả 6 giải Masters 1000 Nole tham dự và vô địch tới 4 giải đấu.

Năm 2015 của Djokovic có nét gì đó giống với năm 2006 đỉnh cao của Federer, khi FedEx cũng tới chung kết cả 4 giải Grand Slam và chỉ bỏ lỡ Roland Garros. Năm ấy Federer cũng đi tới 6 trận chung kết Masters 1000 và 4 lần đăng quang. Nhưng năm nay phía trước Djokovic còn tới 2 giải Masters ở Thượng Hải và Paris cũng như ATP World Tour Finals để tạo nên mùa giải lịch sử.

Sau kỷ nguyên của Federer và Nadal, có lẽ bây giờ thực sự là thời của Djokovic!

Ly Na

Với danh hiệu US Open 2015, Djokovic lần thứ hai giành tới 3 Grand Slam trong mùa giải giống như năm 2011. Trong kỷ nguyên Mở chỉ có đúng 2 tay vợt có từ 2 lần làm được điều tương tự là Federer (2004, 2006, 2007) và bây giờ là Djokovic.  

Chiến thắng tại US Open giúp Djokovic cân bằng thành tích đối đầu với Federer khi mỗi tay vợt có 21 trận thắng sau 42 lần đối đầu. Federer nhỉnh hơn ở sân cứng, nhưng Djokovic lại trội hơn ở sân cỏ.

Tay vợt người Italia vẫn tham dự những giải đấu trên mặt sân cứng ở châu Á để cạnh tranh suất dự WTA Finals, giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất cuối mùa giải. Dù vậy US Open sẽ là giải Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp của Penneta. Cô cũng là tay vợt tham dự nhiều Grand Slam nhất mới giành Grand Slam đầu tiên sau khi có mặt ở 49 giải đấu trong sự nghiệp.

US Open: Pennetta mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”Theo truyền thông Italia, sau khi giải nghệ, Pennetta sẽ tính tới chuyện lập gia đình và “đối tác” không ai khác chính là Fabio Fognini, tay vợt đã đi tới vòng 4 US Open, sau khi tạo nên cơn địa chấn loại Rafael Nadal ở vòng 3. Hơn bạn trai 5 tuổi, đây là thời điểm thích hợp để Pennetta tạm biệt làng banh nỉ để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Và biết đâu cũng giống như nhiều đồng nghiệp khác, sau khi sinh con thì Pennetta có thể trở lại thi đấu ở nội dung đánh đôi, nơi cô cũng từng là nhà vô địch Grand Slam và là số 1 thế giới.

L.N

Ngày thứ Bảy tại nhiều nơi trên đất nước Italia, không khí thật khác lạ. Đây là dịp hiếm hoi mà người ta không màng tới bóng đá vào lúc 9 giờ tối mà lại xem tennis. Ở thành phố New York nước Mỹ, hai tay vợt người Italia là Flavia Pennetta và Roberta Vinci sẽ bước vào trận chung kết đơn nữ US Open và đánh dấu một thời khắc lịch sử cho quần vợt tại đất nước hình chiếc ủng.

Điển tích của người Italia

Nói là thời khắc lịch sử vì trong suốt 135 năm tuổi của giải Grand Slam cuối cùng trong mùa giải của quần vợt thế giới, chưa một tay vợt nam hay nữ nào của Italia đăng quang chức vô địch. Thực tế thì Vinci cùng Sara Errani đã trở thành nhà vô địch đôi nữ US Open 2012, nhưng ở nội dung đánh đơn chưa có tay vợt nào của Italia làm nên chuyện. Những tay vợt ở vùng Địa Trung Hải này vẫn có lối chơi sở trường là trên mặt sân đất nện, mà gần nhất là nhà vô địch Roland Garros 2010 Francesca Schiavone.

Thế nên việc một tay vợt nữ của Italia vô địch một giải Grand Slam trên mặt sân cứng bóng nảy nhanh như tại US Open đúng là một kỳ tích!

Người Italia tất nhiên cổ vũ cả Pennetta và Vinci, hai tay vợt mà ai vô địch cũng trở thành người lớn tuổi nhất giành Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ở kỷ nguyên Mở. Có lẽ chỉ ở nơi Pennetta và Vinci sinh ra và trưởng thành, họ mới chia thành hai phe cổ động viên trái chiều. Mà cũng trùng hợp thay, Pennetta – 33 tuổi và Vinci – 32 tuổi lại sinh ra ở cùng vùng Apulia, nằm ở gót của chiếc ủng, một vùng đất hẻo lánh và được xếp vào loại nghèo thứ hai tại Italia. Vậy mà giờ ở Apulia đã có một nhà vô địch Grand Slam.

Pennetta sinh ra ở thành phố Brindisi, còn Vinci sinh ra ở thành phố Taranto, vốn chỉ cách nhau có 73 cây số nếu lái xe. “Chúng tôi chẳng khác nào chị em gái,” Pennetta nói về người bạn thân của mình, sau khi họ đã cùng với nhau mang lại cho quần vợt nữ Italia 4 chức vô địch giải quần vợt đồng đội Fed Cup. Thế nên không ngạc nhiên khi Pennetta và Vinci hiểu rõ mồn một lối đánh của nhau, ai mạnh ai yếu ở điểm nào, ai cũng biết. Pennetta thi đấu mạnh mẽ và quyết liệt để kết liễu đối thủ, còn Vinci mềm mại và kiên trì chờ đối thủ tự hủy hoải mình. Hai trường phái đối ngược ấy tạo nên trận chung kết US Open của riêng người Italia.

Trong môn thể thao này, không có hòa mà chỉ có thắng và thua. Vinci và người dân ở Taranto có thể tiếc nuối với cơ hội mà cả sự nghiệp của một tay vợt có lẽ chỉ có một lần. Nhưng rồi họ cũng sẽ nguôi ngoai vì cuối cùng người Italia đã ghi tên vào lịch sử quần vợt thế giới với Pennetta, tay vợt sẽ giã từ sự nghiệp sau khi mùa giải này kết thúc.

Sân Arthur Ashe hiện không còn của người Mỹ, của Serena Williams vĩ đại như bao năm qua, mà đã thay vào đó là một điển tích của người Italia.

LY NA

Pennetta sẽ từ số 26 vươn lên số 8 thế giới trên bảng xếp hạng WTA công bố ngày hôm nay, thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp. Còn Vinci sẽ từ vị trí số 43 vươn lên số 19 thế giới.

Chiến thắng 7-6(7-4), 6-2 của Pennetta trước Vinci mang lại cho cô 3,3 triệu USD tiền thưởng, còn Vinci nhận 1,6 triệu USD. Cả hai tạo nên trận chung kết Grand Slam có tuổi đời lớn nhất trong kỷ nguyên Mở với 66 năm 19 ngày, phá vỡ kỷ lục trước đó là 63 năm 11 tháng ở trận chung kết Wimbledon 1977 giữa Virginia Wade và Betty Stove. Đây cũng là lần đầu tiên trong kỷ nguyên Mở có 2 tay vợt của Italia cùng đi tới chung kết một giải Grand Slam tính cả ở nội dung đơn nam và đơn nữ.    

Đáng nói nhất là việc Vinci lội ngược dòng đánh bại Serena Williams và chấm dứt giấc mơ giành trọn 4 Grand Slam trong mùa giải của tay vợt người Mỹ. Sau khi thắng 2-6, 6-4, 6-4, Vinci đã… xin lỗi khán giả tại Mỹ vì đã khiến họ thất vọng khi không được chứng kiến Serena tiếp tục giấc mơ san bằng kỷ lục 22 Grand Slam của huyền thoại Steffi Graf.

Bên lề US Open: Người Mỹ yêu Vinci“Tôi đã có mặt ở chung kết và tôi đã đánh bại Serena. Xin lỗi các bạn. Hôm nay là ngày của tôi. Xin lỗi các bạn.” Chỉ nhờ những lời xin lỗi đầy khiêm tốn nhưng không kém phần cứng cỏi này, Vinci đã trở thành ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch US Open. Tay vợt số 43 thế giới thậm chí còn được mọi nhà cái đặt cửa cao hơn Pennetta, người đã thắng 5 trong số 9 lần gặp Vinci và gần nhất là ở tứ kết US Open 2013.

L.N

Ngay tại vòng 2, Lin Dan với tư cách là hạt giống số 5 đã gặp Lee Chong Wei, hiện là tay vợt số 28 thế giới. Tuy vậy ở thời điểm này, Lee Chong Wei thậm chí không còn đủ sức để kháng cự và Lin Dan đã thắng sau 2 set với các tỷ số 21-17 và 21-10.

Lee Chong Wei lại ôm hận trước Lin DanĐây là trận thắng thứ 25 trong số 34 lần gặp Lee Chong Wei và càng chứng minh vì sao Lin Dan là khắc tinh của tay vợt người Malaysia trong suốt sự nghiệp. Trong số những chiến thắng của Lin Dan thì có tới 2 lần trong trận chung kết môn cầu lông tại Olympic 2008 và 2012, cũng như 2 trận chung kết giải vô địch thế giới.

A.K

Ngày thi đấu thứ 11 đã không thể diễn ra trọn vẹn khi trời mưa khiến cho 2 trận bán kết đơn nữ bị lùi lại một ngày. Và điều này ảnh hưởng đến cả quảng cáo và bản quyền truyền hình tại US Open.

US Open có thể lỗ nặng vì mưaĐã có mùa giải nhà đài cắt ngang trận chung kết US Open chỉ vì vi phạm thời lượng dự kiến, do trận đấu bị lùi sang ngày thứ Hai đầu tuần. Và thực tế trong mùa giải này, khán đài sân Arthur Ashe chưa bao giờ được lấp kín ngay cả khi có sự xuất hiện của những tay vợt hàng đầu thế giới.

Nếu thời tiết tiếp tục khiến các trận đấu bị hoãn thì nhiều khả năng ban tổ chức US Open sẽ phải tính toán tới việc tổ chức các vòng đấu bán kết và chung kết liên tiếp trong hai ngày. Điều này sẽ khiến nhiều tay vợt gặp bất lợi về thể lực nếu như phải thi đấu kéo dài.

LY NA

“Chúng tôi là những người bạn thân,” cả Roger Federer và Stan Wawrinka đều đã tuyên bố như vậy.

Trước truyền thông, họ cười nói ôm hôn nhau như những người bạn tri kỷ mỗi khi cùng nhau trở về làm nhiệm vụ tại đội tuyển Davis Cup. Cả hai còn cùng nhau giành tấm HCV đôi nam tại Olympic Bắc Kinh 2008, danh hiệu duy nhất khi họ đánh đôi với nhau. Và năm ngoái, Federer và Wawrinka  giúp Thụy Sĩ lần đầu tiên trong lịch sử vô địch Davis Cup. Họ công kênh nhau và ăn mừng thâu đêm với một trong những chiến tích đáng nhớ nhất trong sự nghiệp.

Federer và Wawrinka, bạn hay thù?

Nhìn vậy thì cả thế giới đều nghĩ họ là những người bạn chí cốt.

“Đừng so sánh tôi với bất cứ ai,” Wawrinka từng nổi nóng khi người ta hỏi anh nghĩ thế nào khi luôn xếp sau người đồng hương Federer. Không phải lần đầu tiên Wawrinka bị đặt câu hỏi chạm vào tự ái như vậy. Huyền thoại John McEnroe từng ca ngợi cú trái một tay của Wawrinka là uy lực nhất làng banh nỉ, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả Federer. Nhưng khi Federer vô địch Wimbledon để lập kỷ lục 17 Grand Slam, bảng thành tích của Wawrinka mới chỉ có 3 danh hiệu ATP nhỏ bé. Vậy nên tất cả đều nói Wawrinka bao năm phải “núp bóng” Federer, cũng không phải là điều quá đáng.

“Stan luôn là chiến hữu tốt của tôi,” Federer vẫn luôn nhã nhặn nói về người đồng hương kém mình 4 tuổi như vậy. Nhưng một năm trước, FedEx cần sự trợ giúp của bà xã Mirka mới hạ được Wawrinka tại bán kết ATP World Tour Finals sau 3 set căng như dây đàn (4-6, 7-5, 7-6(8-6)). Người ta đã đọc khẩu hình của Mirka và bà xã của Federer đã gọi Wawrinka là “thằng bé hay khóc nhè”, hoặc cũng có thể là một câu chửi thề. Hệ quả là Wawrinka phân tâm và thất bại trong loạt tie-break ở set 3 quyết định. Truyền thông phát hiện ra Federer và Wawrinka cãi nhau kịch liệt trên đường vào phòng thay đồ, nhưng cả hai đều phủ nhận và lảng tránh nhắc lại câu chuyện đó.

Wawrinka “núp bóng” Federer không chỉ về danh tiếng và bảng thành tích. Trong 19 lần gặp nhau, Wawrinka chỉ thắng có 3 trận. Mọi thứ dường như chỉ thuộc về Federer chứ không phải Wawrinka. Nhưng Federer bây giờ thì có lý do để e ngại Wawrinka. Hai năm qua “Stan the Man” chen chân vào Big 4 với 2 danh hiệu Grand Slam tại Australian Open 2014 và Roland Garros 2015. Trong đó có chiến thắng trước Federer tại tứ kết Roland Garros năm nay chỉ trong 3 set đấu trên con đường tới ngôi vô địch. Và Federer vẫn còn phải ôm hận tại Monte-Carlo Masters sau khi thua Wawrinka trong trận chung kết, để bây giờ vẫn chưa một lần đăng quang tại đây suốt bao năm qua.

“Even tried. Even failed. No matter. Try again. Fail again. Fail better”-“Từng cố gắng. Từng thất bại. Chẳng sao cả. Tiếp tục cố gắng. Tiếp tục thất bại. Thất bại là mẹ thành công.” Wawrinka đã xăm dòng chữ này lên tay để tự nhắc nhở bản thân, thậm chí từ bỏ cả gia đình với vợ đẹp con xinh chỉ để tập trung cho sự nghiệp. Bây giờ Wawrinka đang tự thoát khỏi cái bóng của Federer.

Ly Na

Federer vượt trội trong những lần đối đầu với Wawrinka với 16 trận thắng, 3 trận thua. Wawrinka chưa bao giờ thắng Federer trên sân cứng và cả 3 trận thắng đều diễn ra trên sân đất nện.

Và dù mang quốc tịch Nam Phi, Anderson vẫn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả Mỹ sau khi đã sống tại đây 10 năm qua và còn kết hôn với tay golf người Mỹ Kelsey O’Neal. Cũng nhờ cuộc hôn nhân này mà Anderson có thẻ Xanh và còn được mời gia nhập đội tuyển Davis Cup nước Mỹ, vốn đã sa sút trong nhiều năm qua.

Bên lề US Open: Cưới vợ Mỹ nhưng không chơi cho MỹDù vậy tay vợt 29 tuổi quả quyết sẽ không thi đấu cho nước Mỹ và vẫn là một người Nam Phi. Tay vợt cao 2m03 này không muốn theo chân nhiều đồng nghiệp khác, trở thành công dân Mỹ và cống hiến cho quần vợt của xứ sở cờ hoa.Với vị trí số 14 thế giới, Anderson là tay vợt số 1 của Nam Phi và trong Top 30, quần vợt Nam Phi cũng chỉ có một mình Anderson.

L.N

Venus Williams thành danh trước Serena, nhưng rồi cũng phải núp sau cái bóng quá lớn của cô em. Đã có lúc Venus trở thành đối thủ lớn nhất của Serena, nhưng cuối cùng cũng chỉ làm nền để Serena tỏa sáng.

Trận tứ kết US Open 2015 cũng như vậy. Venus có thời điểm thi đấu tuyệt hay để thắng Serena tới 6-1 trong set 2, nhưng cuối cùng tay vợt 35 tuổi vẫn phải chấp nhận để Serena giành chiến thắng 6-2, 1-6, 6-3 và có chiến thắng thứ 16 trong 27 lần hai chị em chạm trán nhau.

Khắc tinh nào cho Serena?

Con đường tới chức vô địch thứ 7 tại US Open và là năm thứ 4 liên tiếp tại giải Grand Slam cuối cùng trong mùa giải càng trở nên thênh thang hơn với Serena. Trước mắt là đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều là Roberta Vinci, tay vợt số 43 thế giới lần đầu tiên đi tới bán kết một giải Grand Slam. Với một đối thủ chỉ có cú giao bóng vừa đủ sang sân đối phương và chỉ có thể cắt trái để tràn lưới tấn công như Vinci, có lẽ một kịch bản cho chiến thắng chóng vánh của Serena là điều được dự báo trước. Trong 4 lần gặp nhau, Serena toàn thắng Vinci và chưa thua một set nào.

Những tay vợt từng có “may mắn” khi đánh bại Serena Williams, trong đó có tài năng trẻ Belinda Bencic tại Rogers Cup vừa qua, nói rằng để giành chiến thắng trước một tay vợt vĩ đại như cô em nhà Williams, không đơn giản chỉ cần một ngày thăng hoa. Đối mặt với Serena luôn là sức ép kinh khủng, đặc biệt là vấn đề tâm lý, khi phải thi đấu với một đối thủ có thừa sự quyết tâm và lạnh lùng, ngay cả khi rơi vào tình thế khó khăn nhất.

Thực tế mùa giải này Serena cũng mới chỉ thua có 2 trận, một là trước Bencic và hai là trước Petra Kvitova tại giải Madrid. Còn lại Serena 3 lần rút lui trước khi trận đấu bắt đầu vì không muốn mạo hiểm thi đấu khi chưa có thể lực tốt nhất. Cả sự nghiệp của Serena luôn cẩn thận và không ngạc nhiên khi sắp kỷ niệm sinh nhật thứ 34 vào ngày 26/9 tới, thể lực của tay vợt số 1 thế giới vẫn được duy trì ổn định như vậy.

Vậy nên nếu đi tìm “khắc tinh” của Serena, có lẽ chỉ là chính bản thân cô. Quá khó để đánh bại Serena nếu như không có một ngày cô em nhà Williams tự bản thân sa sút và không còn là chính mình.

LY NA

Nếu đánh bại Vinci, Serena sẽ có trận chung kết Grand Slam thứ 26 trong sự nghiệp và là thứ 9 tại US Open. Serena trong cả sự nghiệp mới 3 lần thất bại ở các trận bán kết đơn nữ các giải Grand Slam, một trong số đó là tại US Open 2009 trước Kim Clijsters.

6h, 11/9
[5] P. Kvitova hoặc [26] F. Pennetta – [2] S. Halep hoặc [20] V. Azarenka
[1] S. Williams – R. Vinci

Và một lần nữa bản tính “nóng như lửa” của Nole lại có dịp phát tác tại vòng 4 US Open khi gặp tay vợt người Tây Ban Nha, Roberto Bautista Agut. Sau khi thắng set 1 với tỷ số 6-3, Djokovic đã bị bất ngờ khi Agut thi đấu rất hay trong set 2 và thắng lại 6-4. Quá tức giận với bản thân, Nole đã không đập gãy vợt mà giẫm nát nó khi trở về ghế nghỉ.

Bên lề US Open: Nole đổi phong cách... phá vợtCũng dễ hiểu cho hành động của Djokovic khi tay vợt số 1 thế giới đã dẫn trước tới 4-2 và 40-15 trong game thứ 7 ở set 2 nhưng sau đó lại thua liên tiếp tới 4 game sau đó. Nhưng cũng nhờ khoảnh khắc nóng giận ấy mà Djokovic lấy lại bình tĩnh và thắng 2 set tiếp theo với tỷ số 6-4 và 6-3 để lần thứ 26 liên tiếp có mặt tại tứ kết các giải Grand Slam.

L.N

Venus Williams và Serena Williams đã cùng nhau giành tới 13 Grand Slam đôi nữ tại các giải Grand Slam cùng 3 tấm huy chương vàng đôi nữ tại Thế vận hội mùa Hè. Có thể nói khi chị em nhà Williams tham dự nội dung đôi nữ ở bất cứ giải đấu nào, họ cũng là ứng cử viên hàng đầu. Nhưng cũng thật may mắn cho những chuyên gia đánh đôi khác, chị em Williams lại không tập trung vào sự nghiệp đánh cặp cùng nhau.

Không có chỗ cho tình chị em Williams

Ở sự nghiệp đánh đơn, Venus và Serena đang sở hữu tới 28 Grand Slam, và dĩ nhiên không thể thiếu những cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai chị em, những người luôn gạt tình cảm ra bên cạnh mỗi khi phải chạm trán nhau. Trận tứ kết tại US Open 2015 đã là lần thứ 27 Venus và Serena gặp nhau trong các giải đấu thuộc hệ thống WTA Tour trong vòng 17 năm qua. Tỷ số đối đầu cũng không quá chênh lệch, Serena thắng 15 trận và Venus thắng 11 trận.

Nhưng tất nhiên Serena vẫn nhỉnh hơn khi gặp Venus trong những trận đấu then chốt. Trong 13 lần gặp nhau tại các giải Grand Slam, Serena thắng 8 trận. Và trong số 8 trận chung kết Grand Slam thì Serena cũng thắng tới 6 trận. Tính ở mọi trận chung kết, Serena cũng thắng 8 trận và Venus chỉ thắng có 3 trận.

Ở thời điểm này Serena vẫn đang ở trên đỉnh cao phong độ với vị trí số 1 thế giới và đã vô địch cả 4 giải Grand Slam gần nhất. Còn Venus lần gần nhất đăng quang tại Grand Slam đã vào năm 2008 tại Wimbledon. Vị trí số 23 thế giới lúc này của Venus là một nỗ lực tuyệt vời của tay vợt 35 tuổi sau khoảng thời gian dài sa sút phong độ và chấn thương.

Dù vậy ở thời điểm này, khi Venus đang thi đấu với phong độ rất cao và như thể đang “hồi xuân” trở lại, thì điều đó càng hứa hẹn cuộc đối đầu với Serena tại tứ kết US Open 2015 sẽ hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tại US Open, cả hai đã 4 lần gặp nhau và chiến thắng chia đều cho mỗi người. Đây là mặt sân quen thuộc của Venus cũng như Serena và khi đã hiểu rõ lối chơi của nhau, ai có bản lĩnh vững vàng hơn đều có cơ hội giành chiến thắng.

Sau mỗi lần đối đầu của Venus và Serena, người thất bại sẽ lại trở thành cổ động viên của người chiến thắng trong phần còn lại của giải đấu. US Open 2015 cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng khi đã bước ra sân đấu, Venus và Serena là đối thủ của nhau và sẽ chẳng có chỗ cho tình chị em.

Ly Na

Venus và Serena đã gặp nhau 26 lần và Serena thắng 15 trận, Venus thắng 11 trận. Trên mặt sân cứng mỗi người thắng 8 trận. Tại các giải Grand Slam, Serena thắng 8 trận, Venus thắng 5 trận.

Venus và Serena cùng nhau giành 13 Grand Slam đôi nữ và 3 huy chương vàng đôi nữ tại Olympic. Venus giành 7 Grand Slam đơn nữ, còn Serena đã có 21 Grand Slam đơn nữ.

Quần vợt nam nước Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong những quốc gia giành nhiều Grand Slam nhất trong kỷ nguyên Mở với tổng cộng 51 lần đăng quang. Nhưng cái thời mà những Jimmy Connors, John McEnroe, Jim Courier và sau này là Pete Sampras và Andre Agassi thống trị làng banh nỉ đã trôi qua. Và bây giờ người Mỹ không phải là những người nắm giữ quần vợt nam thế giới.

Đại chiến Mỹ - Thụy Sĩ

Các tay vợt nam của Mỹ có tới 8 đại diện trong Top 100 ATP, nghĩa là nhiều gấp 4 lần so với Thụy Sĩ. Nhưng cả 2 tay vợt của Thụy Sĩ là Roger Federer và Stan Wawrinka đều nằm trong Top 5, còn chẳng có tay vợt người Mỹ nào nằm trong Top 10. Thậm chí Top 20 cũng chỉ có một mình John Isner với vị trí số 13. Và tất cả những tay vợt Mỹ còn thi đấu đều không có nổi một danh hiệu Grand Slam nào, thậm chí chưa bao giờ đi tới chung kết Grand Slam, nếu so với tổng cộng 19 Grand Slam mà Federer và Wawrinka mang về cho quần vợt Thụy Sĩ.

Roger Federer ở tuổi 34 sở hữu bảng thành tích đồ sộ bao nhiêu thì John Isner lại khiêm tốn hơn nhiều so với chiều cao 2m08, cao thứ hai trong làng banh nỉ. Tay vợt số 1 nước Mỹ đã có 10 danh hiệu trong sự nghiệp nhưng tất cả đều là những giải đấu nhỏ thuộc hệ thống ATP 250, chưa bằng một nửa so với 24 danh hiệu Masters 1000 của FedEx.

Vì thế đặt cuộc đối đầu giữa Federer và Isner tại vòng 4 US Open 2015 quả thực là khập khiễng. Isner chỉ có thứ vũ khí nguy hiểm nhất là cú giao bóng và không ít lần khiến những tay vợt trong Top đầu phải gặp khó khăn. Nhưng để duy trì cú giao bóng tốt trong cả trận đấu theo thể thức 5 set không hề là chuyện đơn giản.

Thế nên trong năm thứ 9 liên tiếp dự US Open, đây mới chỉ là lần thứ ba Isner đi tới vòng 4 và thành tích tốt nhất trong sự nghiệp tại các giải Grand Slam là vào tứ kết US Open 2011.

Cặp đấu còn lại giữa những tay vợt của Mỹ và Thụy Sĩ là Donald Young và Stan Wawrinka có vẻ cân bằng hơn nếu nhìn vào thành tích đối đầu giữa cả hai. Young từng gây bất ngờ khi đánh bại Wawrinka tại vòng 2 US Open 2011 sau 5 set đấu và Wawrinka cân bằng thành tích đối đầu tại giải Thượng Hải Masters cùng năm. Đó cũng là năm Young đi tới vòng 4 US Open và năm nay mới lặp lại thành tích ấy.

Từng là số 1 trẻ thế giới và vô địch Australian Open trẻ cũng như Wimbledon trẻ nhưng cho tới bây giờ khi đã 26 tuổi, Young vẫn không thể trở thành tay vợt hàng đầu nước Mỹ như kỳ vọng. US Open năm nay Young chơi tuyệt hay, khi hai lần loại các hạt giống, số 11 Gilles Simon và số 22 Viktor Troicki, sau 5 set đấu dù bị dẫn trước 2 set.

Dù vậy để đánh bại một Wawrinka vẫn đang chơi rất ổn định tại các giải Grand Slam trong năm 2015, Young cần phải thăng hoa hơn nữa.

Ly Na

Máy quay đã đi theo Rafael Nadal tới khi Rafa khuất bóng sau cánh cửa phòng thay đồ. Khuôn mặt và ánh mắt thất vọng tới cùng cực là hình ảnh hiếm thấy của Nadal, ngay cả khi ở trong giai đoạn khủng hoảng nhất sự nghiệp trong quá khứ. Nhưng nó càng phản ảnh rõ ràng rằng, Nadal ở thời điểm này còn sa sút kinh khủng hơn và không có lối thoát. Đừng nói là Novak Djokovic, Roger Federer hay Andy Murray, ngay cả những đối thủ nằm ngoài “Big 4” và thậm chí ngoài Top 20 như Fabio Fognini cũng trở thành “khắc tinh” của Nadal.

Thế giới không Nadal

Mùa giải này Fognini 2 lần đánh bại Nadal trên sân đất nện và tay vợt người Italia đã chứng minh rằng đó không chỉ là may mắn. Lối chơi có phần hoang dã và bất cần của Fognini hóa ra lại là chìa khóa để tay vợt số 32 thế giới thực hiện cuộc lật đổ không tưởng sau 5 set đấu 3-6, 4-6, 6-4, 6-3, 6-4 trước Nadal khi đồng hồ tại New York là 1 giờ 27 phút sáng.

Nói là “không tưởng”  vì trong cả sự nghiệp của Nadal, tay vợt người Tây Ban Nha đã toàn thắng cả 151 trận đấu khi dẫn trước 2 set. Nhưng kỷ lục ấy cuối cùng đã bị chặn lại bởi Fognini trong một ngày mà Nadal đối mặt với một đối thủ thi đấu như “lên đồng”. Thực tế Nadal sau khi dẫn trước 2 set còn có break trước và dẫn 3-1 trong set 3. Nhưng từ thời điểm ấy Fognini lột xác trở thành một tay vợt nguy hiểm hơn bao giờ hết với những đường bóng nặng và sâu để dồn ép Nadal ở cuối sân. Với 70 điểm winners, so với 30 của Nadal, Fognini chấp nhận rủi ro với 57 lỗi tự đánh hỏng, so với 18 của Rafa. Nhưng kết quả là tay vợt 28 tuổi lần đầu tiên đi tới vòng 4 US Open sau 8 năm liên tiếp dự giải đấu.

Với Nadal, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, Rafa không có ít nhất 1 danh hiệu Grand Slam trong mùa giải. Ngay cả thành trì tưởng như là bất khả xâm phạm như mặt sân đất nện ở Roland Garros, Nadal cũng không thể giữ được, thì  có lẽ những thất bại sớm tại Wimbledon và US Open không còn là điều quá ngạc nhiên.

Chưa biết Nadal sẽ giữ được vị trí số 8 thế giới hay sẽ tiếp tục tụt sâu hơn nữa trên bảng xếp hạng ATP sau khi mọi tay vợt kết thúc hành trình tại US Open. Nhưng có một thực tế hiển hiện, bây giờ Nadal sẽ phải chiến đấu để giành một suất dự ATP World Tour Finals, giải đấu dành cho 8 tay vợt xuất sắc nhất cuối mùa giải. Sẽ là một sự tiếc nuối rất lớn nếu Nadal vắng bóng ở sự kiện dành cho những người hay nhất trong mùa giải.

Thế giới không có Nadal là sự mất mát khó có thể thay thế!

Ly Na

Lần đầu tiên sau 151 trận thắng liên tiếp khi đã thắng 2 set đầu tiên tại các giải Grand Slam, Nadal mới để đối thủ lật ngược tình thế sau 5 set đấu. Trước đó Fognini đã thua 17 trận liên tiếp trước các tay vợt trong Top 10 khi gặp nhau trên sân cứng.

Đây không phải là lần đầu tiên Djokovic thể hiện khả năng vũ đạo rất tốt của mình để kéo khán giả tới gần hơn với các tay vợt, thay vì việc ngay lập tức rời sân khi trận đấu kết thúc.

Djokovic phục vụ khán giả đến đêmCuộc đối đầu với Haider-Maurer là trận đấu diễn ra muộn nhất trong ngày thi đấu thứ 4 và khi Djokovic giành chiến thắng 6-4, 6-1, 6-2 thì đồng hồ đã chỉ gần nửa đêm. Và sân Arthur Ashe lúc đó cũng không còn nhiều khán giả nán lại để xem trận đấu. Nhưng không vì thế mà Nole cảm thấy chán nản, trái lại tay vợt số 1 thế giới lại nỗ lực cùng ban tổ chức US Open kéo khán giả tới sân xem các trận đấu diễn ra vào khung giờ muộn.

L.N

Mùa giải này Rafael Nadal thi đấu không tốt và nhận không ít thất bại trước những đối thủ không phải ở Top đầu thế giới. Nhưng không có ai lại đánh bại Nadal tới 2 lần như Fabio Fognini. Tay vợt người Italia hạ gục Nadal ở bán kết Rio Open sau 3 set đấu và tiếp đó là vòng 3 Barcelona Open chỉ sau 2 set. Đó là 2 giải đấu ATP 500 và cùng diễn ra trên mặt sân đất nện sở trường của Nadal, vậy mà “Vua đất nện” phải muối mặt rời sân với tư cách là kẻ thất bại.

Gã si tình không sợ Nadal

Không như nhiều tay vợt khác, Fognini chẳng ngán đối thủ nào ngay cả khi đó là Nadal, tay vợt từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng trước nhiều đối thủ trên mặt sân đất nện. Phong thái ngang tàng đến ngạo mạn cùng tính cách có phần “hoang dã”, Fognini bước vào sân đấu để “chơi” chứ không phải chiến đấu. Trong một ngày tay vợt người Italia có thể thua đối thủ nằm trong Top 500, nhưng ngày khác lại có thể đánh bại những tay vợt trong Top 10. Nadal đen đủi khi rơi vào ngày Fognini thăng hoa nhất!

Ngổ ngáo bao nhiêu trên sân đấu nhưng Fognini lại là anh chàng si tình ngoài đời. Bạn gái của Fognini là Flavia Pennetta, tay vợt hơn tới 5 tuổi, từng trải trên tình trường như thế, nhưng cũng phải ngã gục trước “đàn em”. Họ đã yêu nhau được vài năm và vẫn quấn quít mỗi khi không phải thi đấu. Sự nghiệp của Fognini cũng thay đổi kể từ khi yêu Pennetta, khi cùng với người đồng hương Simone Bolelli trở thành đôi vợt nam đầu tiên của Italia trong kỷ nguyên Mở vô địch Grand Slam tại Australian Open 2015.

Sau 2 thất bại trước Fognini, cuối cùng Nadal cũng có 1 trận thắng tại giải Hamburg, cũng là một sự kiện ATP 500 trên mặt sân đất nện. Đáng kể hơn khi đây là trận chung kết và khiến Fognini chưa thể có danh hiệu đầu tiên trong năm 2015 và là chức vô địch thứ 4 trong sự nghiệp. Nhưng Fognini không quá buồn. Tay vợt sinh năm 1987 nói rằng mỗi lần gặp Nadal là một thử thách thú vị với bất cứ ai. Thua thì cũng chẳng sao mà thắng thì đúng là một chiến tích. Nên không ngạc nhiên khi mỗi lần gặp Nadal là Fognini lại chơi hay xuất thần.

Trong 7 lần gặp Nadal, Fognini thua tới 5 trận. Nhưng tính riêng trong năm 2015, tay vợt số 32 thế giới mới là người nhỉnh hơn. Vậy nên bây giờ nếu có thêm một chiến thắng trước Rafa, có lẽ đó không còn là chuyện quá bất ngờ ở thời điểm này.

LY NA

Trận đấu giữa hai tay vợt người Mỹ Sloane Stephens và Coco Vandeweghe tại vòng 1 đơn nữ có lẽ không được nhiều người chú ý. Nhưng đó là một sự kiện lịch sử. Vì lần đầu tiên có một cuộc phỏng vấn với các tay vợt ngay trong khi trận đấu chưa kết thúc. Huyền thoại quần vợt Pam Shriver, người từng giành 21 Grand Slam đôi nữ trong sự nghiệp, hiện đang là bình luận viên của kênh ESPN đã xuống tận sân để phỏng vấn Vandeweghe sau khi thắng Stephens 6-4 trong set 1.

Sự quá đà của người Mỹ

Đây là một nét mới mà ban tổ chức US Open muốn thực hiện để giúp khán giả có thể cảm nhận được trận đấu theo một cách khác, nhờ chính cảm xúc của các tay vợt đang thi đấu trên sân. Nhưng dường như họ quên mất rằng ý kiến của chính những người trong cuộc mới là quan trọng nhất.

Roger Federer là tay vợt mà bất cứ ai cũng phỏng vấn. Anh có sự nổi tiếng, có lối chơi đẹp mắt và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Nhưng Federer lại không hứng thú nếu bị dí micro vào miệng trong khi anh lại cần thời gian để tĩnh tâm và lấy lại phần nào thể lực bị hao hụt sau một set đấu.

“Ngày xưa chúng tôi không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào trước khi bước vào sân đấu. Đó là điều khá lạ lùng, nhưng rồi chúng tôi cũng quen với tất cả. Chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra. Tôi hiểu ý tưởng của ban tổ chức nhưng mọi thứ nên dừng lại ở mức vừa phải. Tôi chưa bao giờ phải trả lời phỏng vấn giữa trận đấu trong suốt 17 năm sự nghiệp. Vậy tại sao bây giờ lại phải thay đổi? Thành thật mà nói tôi muốn ngồi ở chỗ nghỉ. Và tôi không muốn những câu trả lời của mình gây sức ép lên đối thủ, hay chúng lại trở thành những hành động ngu ngốc nếu tôi để thua set đấu tiếp theo,” Federer bày tỏ ý kiến.

Tay vợt nữ số 1 thế giới Serena Williams có vẻ khá thích thú với kiểu phỏng vấn vào lúc nghỉ giữa hai set đấu. Nhưng vẫn muốn giữ những suy nghĩ riêng của mình về trận đấu và đối thủ, thay vì nói thẳng ra ngay trước hàng nghìn người xem. Điều đó có thể khiến tay vợt còn lại cảm thấy ức chế, hoặc chính người bị hỏi không thấy thoải mái.

“Tôi nghĩ thật tuyệt khi cảm nhận được tâm trí của từng tay vợt. Nhưng tôi nghĩ rằng bản thân nên tập trung vào trận đấu và không muốn trả lời một câu hỏi nào vào lúc đó. Khi ấy tôi là một tay vợt và chỉ muốn thi đấu chứ không làm gì khác,” Serena nói.

Chưa biết ý tưởng của ban tổ chức US Open có “chết yểu” hay không, nhưng họ vẫn muốn biến quần vợt thành một môn thể thao giải trí thực sự, chứ không chỉ là môn đối kháng giữa hai đấu sĩ.

LY NA

Vòng 2 us Open 2015
Sân Arthur Ashe
Từ 22h, 3/9
[5] K. Kvitova – N. Gibbs
[5] S. Wawrinka – C. Hyeon
[3] A. Murray – A. Mannarino
Từ 6h, 4/9
[2] R. Federer – S. Darcis
[2] S. Halep – K. Bondarenko

Do Maria Sharapova phải rút lui vì chấn thương nên ứng cử viên số 1 cho ngôi vị nữ hoàng ăn mặc mở ra với tất cả. Và thật ngạc nhiên, năm nay Serena đang được khán giả bình chọn nhiều nhất và tạo khoảng cách lớn so với các đồng nghiệp.

Bên lề US Open: Serena mặc đẹp nhấtNăm nay hãng Nike thiết kế bộ váy thi đấu đặc biệt cho Serena dành cho ngày thi đấu ban ngày và ban đêm. Mẫu váy ban đêm với những họa tiết đá cẩm thạch, thể hiện tinh thần chiến đấu quyết liệt và luôn hướng tới chiến thắng của cô em nhà Williams. Trong khi đó bộ độ ban ngày có 2 gam màu chủ đạo là đen và trắng mang thông điệp của sự trẻ trung, dù vào ngày 28/9 tới Serena sẽ kỉ niệm sinh nhất thứ 34.

L.N

Nhưng cô chị nhà Williams không dừng lại ở đó, mới đây Venus còn nhận bằng cử nhân Quản trị kinh doanh của Đại học Đông Indiana.

Bên lề US Open: Venus Williams cầm kỳ thi họaTại vòng 1 Rogers Cup vừa qua, Venus bị loại sớm sau thất bại trước tay vợt người Đức Sabine Lisicki 0-6, 3-6. Nhưng cựu số 1 thế giới cũng không phải buồn lâu, vì chỉ vài ngày sau cô đã hoàn thành bài thuyết trình tốt nghiệp của mình. Và trước khi bước vào vòng 1 hôm nay, tay vợt người Mỹ đã nhận bằng cử nhân ở tuổi 35. Theo chân Venus, hiện tại cũng có 15 tay vợt nữ đăng ký học trực tuyến tại Đại học Đông Indiana giúp họ có thêm nhiều lựa chọn sau khi chia tay sự nghiệp.

L.N

Không nhiều người đặt cửa cho một tay vợt 34 tuổi trụ lại tuần thứ hai tại một giải Grand Slam. Nhưng Roger Federer là một ngoại lệ. Thậm chí tại US Open 2015, Federer vẫn là ứng cử viên tiềm tàng cho danh hiệu vô địch, ngay cả khi chưa thể nối dài kỷ lục 17 Grand Slam của mình kể từ Wimbledon 2012. Tuổi tác có thể không phải là vấn đề, vì 2 mùa giải gần nhất Federer đều có thể đi tới chung kết Grand Slam, tất cả đều diễn ra tại Wimbledon và chỉ chịu thua Novak Djokovic.

Kỳ tích thứ 18?

Nhưng trước thềm US Open, Federer đã gửi lời thách thức rõ ràng bằng chiến thắng tại chung kết Cincinnati Masters trước Djokovic, tại giải đấu mà FedEx thậm chí không bị bẻ game giao bóng nào. Mặt sân cứng tại Bắc Mỹ rõ ràng vẫn là mảnh đất lành cho Federer, dù mặt sân yêu thích nhất của tay vợt người Thụy Sĩ là sân cỏ.

Khi Federer 34 tuổi, cũng như vài năm qua, câu hỏi anh thường nhận được là bao giờ sẽ nói lời tạm biệt với quần vợt chuyên nghiệp. FedEx chưa bao giờ nói rõ về mốc thời gian, chỉ nói thi đấu vì niềm đam mê. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc Federer có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Mùa giải này FedEx đã cắt ngắn lịch trình thi đấu của mình so với dự kiến, giống như rút lui khỏi Rogers Cup để tập trung vào Cincinnati Masters.

Cách đây 13 năm, US Open 2002 cũng chứng kiến một cái kết có hậu dành cho một huyền thoại. Pete Sampras vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 31 và không còn phong độ đỉnh cao. Thậm chí sau khi bị chính Federer biến thành cựu vô địch Wimbledon vào năm 2001, Sampras còn nhận thất bại tủi hổ nhất trong sự nghiệp tại Wimbledon 2002 trước tay vợt vô danh George Bastl. Và khi không ai tin Sampras có thể kiếm thêm một Grand Slam trước khi giải nghệ thì tay vợt người Mỹ đã làm ngạc nhiên tất cả.

Sampras cứ lầm lũi tiến một mạch vượt qua mọi đối thủ khó chơi, trong đó có Tommy Haas (số 3 thế giới khi đó), Andy Roddick và cuối cùng đánh bại kình địch Andre Agassi trong trận chung kết. Đó cũng là Grand Slam thứ 14 của Sampras và huyền thoại người Mỹ cũng nói lời chia tay với sự nghiệp lẫy lừng.

Bây giờ Federer không giống như thời điểm của Sampras khi vẫn còn giữ phong độ tuyệt vời dù đã 34 tuổi. Nhưng không ai biết được nếu chinh phục được Grand Slam thứ 18, Federer có gác vợt giống Sampras hay không? Khi vinh quang đã đủ đầy, thì tham vọng cũng tỷ lệ nghịch theo đó.

Hãy chờ xem US Open 2015 liệu có là đất diễn cuối cùng để tôn vinh Federer hay lại là nơi dành cho một cái tên khác tỏa sáng.

LY NA

Federer vẫn đang giữ kỷ lục 5 lần vô địch US Open như Sampras và Jimmy Connors trong kỷ nguyên Mở. Federer là tay vợt duy nhất 5 lần liên tiếp vô địch US Open từ 2004 đến 2008.