Thảm cảnh kinh phí của các Liên đoàn – Hiệp hội Thể thao quốc gia
Cả nhiệm kỳ chỉ dư… 15 triệu đồng Vẫn biết đây là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp rất nghèo
Cả nhiệm kỳ chỉ dư… 15 triệu đồng
Vẫn biết đây là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp rất nghèo song không thể tưởng tượng nổi cả một nhiệm kỳ của Liên đoàn Thể dục Việt Nam chỉ để lại cho khóa sau một khoản kinh phí giật mình: 15 triệu đồng.
Khởi đầu từ 10 triệu, kết thúc với 15 triệu
Hai con số trên, đặt cạnh nhau, chính là minh chứng bi hài về tình trạng kinh phí tồi tệ của Liên đoàn Thể dục Việt Nam. Năm 2006, khi khởi đầu khóa III, họ chỉ được “thừa kế” vỏn vẹn 10 triệu đồng. Và bây giờ, lúc khép lại nhiệm kỳ kéo dài tới 6 năm, họ cũng chỉ để lại được 15 triệu đồng. Khoản tiền ít ỏi này (của một tổ chức tầm cỡ quốc gia, ở một môn thể thao trọng điểm) có lẽ chỉ ngang với ngân sách của một hội thể thao nghiệp dư.
Theo thống kê, các khoản thu hằng năm của Liên đoàn Thể dục Việt Nam (ngoại trừ năm 2011 quá “đặc biệt” với 584 triệu đồng), đều chỉ quanh quẩn ở mức 200 – 300 triệu đồng (cá biệt, năm 2007 nguồn thu chỉ đạt hơn 41 triệu đồng). Nguồn tài chính èo uột như thế chưa bảo đảm cho Liên đoàn Thể dục Việt Nam đảm bảo những khoản chi tiêu tối thiểu về văn phòng, hành chính hay một số công việc phát sinh… Dù đã tiết kiệm nhất có thể, ngân quỹ sau mỗi năm đều coi như trống trơn, có năm còn bị âm tới 80 triệu đồng.
Toàn bộ kinh phí cho các hoạt động của thể dục Việt Nam (tổ chức giải; tập huấn thi đấu trong nước, quốc tế…) đều do Nhà nước bao cấp. Ngay cả chuyện đóng lệ phí hằng năm cho các tổ chức quốc tế, Liên đoàn cũng không đủ sức tự trang trải.
Siêu sao Hà Thanh thu nhập chưa nổi 7 triệu đồng
Bản thân ngôi sao hàng đầu thế giới này chưa bao giờ kêu ca, nhưng rõ ràng mức thu nhập “cứng” chưa nổi 7 triệu đồng/tháng là một sự thiệt thòi, phần nào đó bất công lớn đối với Hà Thanh. Trong câu chuyện đáng buồn đó có trách nhiệm của ngành thể thao, đơn vị chủ quản Hải Phòng và nhất là Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
Với tư cách tổ chức xã hội nghề nghiệp, Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã hoàn toàn bất động và bó tay trước lợi thế đặc biệt của một trong vài môn “nổi” nhất của TTVN trong vài năm trở lại đây. Cả mảng vận động tài trợ bị lãng quên chứ chưa nói đến việc phát huy, tận dụng sức hút và giá trị sáng láng của những Hà Thanh, Ngân Thương, Phước Hưng….
Dù đã có cơ hội, điều kiện đột phá song dường như Liên đoàn này vẫn yên vị làm “cánh tay nối dài” nhạt nhòa của cơ quan quản lý Nhà nước là Tổng cục TDTT, và 2 năm của khóa mới đã trôi qua chưa có bất cứ dấu hiệu thay đổi nào.
HÀ THẢO