CAFÉ 24h: Bóng đá là gì?

Bản chất của thể thao hay bóng đá cũng là nhằm mang lại niềm vui, chức năng giải trí. Đôi khi có cảm tưởng rằng người ta đã khoác lên vai bóng đá những nhiệm vụ lớn lao như “tự hào dân tộc”, khoác lên vai cầu thủ cụm từ “danh dự quốc gia”.

Đội bóng CHDCND Triều Tiên luôn tạo cho người ta cảm giác là một đội bóng đặc biệt. Trong thế giới phẳng và dường như không gì có thể giấu được mạng xã hội và internet thì bóng đá Triều Tiên dường như vẫn chứa đựng quá nhiều bí ẩn.

Bí ẩn khi không ai biết về giải bóng đá Triều Tiên như thế nào nhưng họ lại có những đội tuyển cực mạnh, cả nam lẫn nữ. Không chí là việc lọt vào tới tứ kết World Cup 1966 hay thường xuyên có huy chương ASIAD.

Bí ẩn cũng là bởi CHDCND Triều Tiên không có nhu cầu thông tin về đội bóng của mình. Thậm chí, bóng đá đôi khi cũng phục vụ một muc đích chính trị (theo khía cạnh nào đó). Năm 2010, Jong Tea Se rơi lệ ở Nam Phi, thế giới như nghẹn lại.

Đặc biệt, sự bí ẩn của đội bóng Triều Tiên cũng ở chỗ họ chơi bóng như một nhiệm vụ và nhiệm vụ thắng trận đôi khi lại là một mệnh lệnh chứ không hẳn là kỳ vọng thể thao như thông thường.

Nói một cách khác, nhiều cầu thủ Triều Tiên giống như chiến binh hơn là cầu thủ.

Đó cũng là một cách để thể hiện khả năng.

Có người bạn phân tích rất hay rằng: “Phải chăng game thể thao là một chỉ dấu hạnh phúc rõ ràng nhất”? Anh nói: “Tôi thích từ game – trò chơi hơn từ “trận” trong “trận đấu”. Đành rằng game thể thao là bước chuyển hóa tuyệt vời của con người từ các trận chiến đổ máu cổ xưa và tinh thần chiến binh cổ đại vẫn âm ỉ trong thể thao hiện đại. Song ở game, triết lý chiến thắng chính mình, hoàn thiện chính mình đã thay thế cho mục tiêu “đánh bại”, triệt hạ, tiêu diệt “quân địch” hay đối thủ… Nghe một đội nào đó thắng cuộc chơi, có sắc thái tình cảm khác hẳn việc “đánh” bại “địch thủ”. Tôi cũng thích từ player – người chơi hơn từ cầu thủ hay đấu thủ. Quan trọng hơn là từ player thể hiện rõ bản chất thể thao là đi tìm niềm vui. Chơi một game nào, chơi bất cứ thứ gì thì mục đích cũng chỉ là để có niềm vui”.

Đúng, bản chất của thể thao hay bóng đá cũng là nhằm mang lại niềm vui, chức năng giải trí. Đôi khi có cảm tưởng rằng người ta đã khoác lên vai bóng đá những nhiệm vụ lớn lao như “tự hào dân tộc”, khoác lên vai cầu thủ cụm từ “danh dự quốc gia”.

Tất nhiên để thi đấu tốt, người ta cần phải có tinh thần chiến đấu nhưng rõ ràng nó không cần là không nên trong mỗi trận đấu thể thao.

Hy vọng cả cầu thủ Triều Tiên và cầu thủ tuyển Việt Nam bước vào trận đấu chiều này với tư thế của một game hơn là một trận “quyết đấu”, cầu thủ ra sân là một người chơi bóng, chứ không phải là những người lính, những chiến binh…

SONG AN

Bình luận (0)