Café 24h: Bóng đá “không chịu phát triển”

Mới rồi, giới doanh nghiệp xôn xao về một phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhân buổi nói chuyện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đà Nẵng.  Bà Lan kể rằng, một số chuyên gia Ngân hàng thế giới có nói đùa: “Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển. Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”.

Tất nhiên, có thể chuyên gia của World Bank đùa chứ những nỗ lực của cả xã hội làm gì có chuyện “không chịu phát triển”.

Nhưng trong bóng đá thì chuyện này có thật. Không hiểu sao một giải bóng đá khoác áo chuyên nghiệp những 15 năm, mỗi năm các doanh nghiệp tốn hàng trăm tỷ đồng mà cung cách tổ chức thi đấu vẫn còn đậm chất nghiệp dư.

Vậy thì bóng đá Việt ở trạng thái khó phát triển, không phát triển hay… không muốn phát triển.

Rất khó nói khi mà cả nền bóng đá đồ sộ vậy lại đặt hy vọng đổi thay vào đội bóng gồm toàn những cầu thủ trẻ là HAGL. Đội hình ấy, ngay từ đầu bầu Đức đã tính chuyện “chấp Tây” nghĩa là dám chơi, dám chịu cho đến khi đội của ông thua tan tác, có nguy cơ xuống hạng thì bầu Đức cho rằng nguyên nhân chính là việc các đội bóng ghen ăn tức ở, tìm cách “đánh hội đồng” HA.GL.

Miệng nhà quan có gang, có thép?
Miệng nhà quan có gang, có thép?

Là dân kinh doanh, bầu Đức hiểu rằng cuộc chiến ở V.League chẳng khác nào cuộc chiến khốc liệt ở thương trường. Doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm không tốt, thiếu sức cạnh tranh sẽ bị những doanh nghiệp lớn mạnh hơn đánh bật ra khỏi thị trường và phá sản.

Đội HA.GL của bầu Đức không đến mức phá sản, chỉ có nguy cơ xuống hạng thì vẫn còn là may chán.

Chỉ tiếc là một người dày dạn như ông Đoàn Nguyên Đức không nhìn nhận ra cái yếu, cái thiếu của đội bóng mà “chuyền bóng” vào chân người khác, đổ lỗi cho khách quan.

Câu hỏi là nếu có chuyện bắt tay nhau để “đánh hội đồng” một CLB, lại là của Phó Chủ tịch VFF, từng sáng lập ra VPF và giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT thì chức năng giám sát của 2 cơ quan này ở đâu?

Hỏi thì có lẽ thừa bởi người làm quan cả VFF lẫn VPF còn phát biểu thế này: “Thú thật, tôi bây giờ chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền để nuôi đội bóng, chăm lo cho Tập đoàn HA.GL chứ VFF hay VPF thì không còn quan tâm nhiều nữa, khi nào có cuộc họp liên quan đến tài chính thì tham gia góp vài ý kiến, không thì thôi…”

Thế thì bóng đá của chúng ta là bóng đá “không chịu phát triển”, đúng “chuẩn cơm mẹ nấu” rồi!

SONG AN