Nhà báo Nguyễn Nguyên: Chiến dịch du Á của Premier League
Châu Á đã trở thành mảnh đất màu mỡ của các CLB Premier League từ lâu. Không chỉ là những trận giao hữu “nặng đô” mà còn là thị trường châu Á với đủ mọi dịch vụ lẫn các thương quyền thương mại gắn với Premier League.
Sau bầu Đức, bầu Hiển là người mời được một CLB Anh có hạng ở Premier League đến Việt Nam. Số tiền bầu Hiển bỏ ra rất lớn và nghe đâu chi phí cho đội khách ra sân giao hảo 90 phút thôi đã không dưới 40 tỷ đồng rồi. Số tiền cho 90 phút đấy được những nhà làm bóng đá thống kê là còn hơn cả giá trị đầu tư cho một đội bóng của ông tham dự một mùa giải V.League.
Cả tháng qua, bầu Hiển bỗng trở thành trung tâm của sự chú ý và cả “săn lùng” dù sự xuất hiện của Man City là suất “vớt” sau khi kế hoạch ghé Indonesia giờ chót đổ bể do lệnh cấm của FIFA với quốc gia này. Tuy là lấy suất “vớt” nhưng cũng là cả một kỳ công của bầu Hiển vì các CLB Anh đến các quốc gia châu Á du đấu luôn đòi hỏi rất cao với những điều kiện tối thiểu kèm theo chi phí ra sân.
Bóng đá Anh gần đây có phong trào du Á để kiếm tiền trước mùa giải đồng thời cũng là một hình thức quảng bá thương hiệu tại châu lục đông dân nhất thế giới và cũng là nơi mà nhiều nhà tài trợ hoặc những đơn vị mua quảng cáo nhắm đến thị trường ở đấy.
Chưa bao giờ nghe được những cuộc du đấu ở châu Á có chất lượng nhưng dân châu Á thì vẫn sốt bởi những cái tên nổi đình nổi đám và hiện tượng chuộng Premier League trải dài trên toàn châu lục. Và không chỉ là 90 phút như ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia còn có cả những trận đấu theo kiểu các giải giao hữu ngắn ngày với thể thức tự biên cho tăng tính hấp dẫn như sút luân lưu sau khi hòa.
Với châu Á, chỉ cần thấy các thần tượng là đã hạnh phúc lắm rồi. Thế nên cái tên Man City dù giờ chót vắng rất nhiều cầu thủ tên tuổi nhưng vẫn sốt và vẫn làm lực lượng bảo vệ vã mồ hôi bởi những cái tên mà NHM có khi còn thuộc hơn cả cầu thủ Việt Nam.
Nếu các CLB lớn đến Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia đã là chuyện bình thường thì tại Việt Nam luôn “sốt” ở những nơi có cầu thủ đặt chân đến. Nếu Arsenal từng khiến BTC thay đổi lịch và điểm đến xoành xoạch thì Man City hôm qua cũng có những điểm giao lưu bị “bể” và phải “chữa cháy”. Với các cầu thủ khách thì ai đến Việt Nam cũng “hãi hùng” với cảnh tượng người hiếu kỳ và bao giờ cũng có những tư liệu quý trong việc làm thương hiệu của những CLB này.
Hai năm trước, Arsenal “chộp” được một running man và đã chuyển ngay đến thông điệp tình yêu của một CĐV Việt Nam yêu Arsenal phát đi toàn cầu. Với Man City thì chưa ai thấy họ sẽ “chộp” gì nhưng vài ngày trước ở Malaysia thì Liverpool cũng đã tìm cho riêng mình những hình ảnh xúc động toàn cầu về câu chuyện fan trung thành liên quan đến chuyến bay MH 370. Đó là cô gái Elizabeth Maira con gái của người tiếp viên trưởng Andrew Nira mất tích trong chuyến bay định mệnh ngày 08/03/2014. Cả 2 bố con đều là fan trung thành của Liverpool và đội bóng này đã khơi lên câu chuyện khiến cả thế giới thương cảm về tình yêu với CLB Liverpool qua những câu chuyện, những kỷ vật mà khi còn sống người tiếp viên trưởng xấu số Andrew Nira đã cùng con gái mình yêu thương và thần tượng Liverpool như thế nào.
Chiếc áo Liverpool có tên Andrew do cô bé Maira mặc với số 1 sau lưng và chi chít chữ ký của các cầu thủ Liverpool đã trở thành câu chuyện sống động và lấy nước mắt của biết bao người trên thế giới.
Từ 2 câu chuyện Running man tại Việt Nam và cha con bé Maira ở Malaysia gắn với những CLB Anh trong những chuyến du đấu đấy lại thấy được cái tầm rất siêu của những CLB Anh vốn nổi tiếng là những cỗ máy in tiền đồng thời làm đậm hình ảnh mình trên toàn thế giới.
Các CLB Premier League đến Việt Nam rõ ràng không đơn thuần chỉ là du đấu mà còn là cả chiến dịch toàn cầu của những ông lớn với nhiều mũi tên.
NGUYỄN NGUYÊN