Chuyện làm “tướng” ở B.Bình Dương: “Bia đỡ đạn”
Một đội bóng giàu tiền của và lãnh đạo thích nhúng vào chuyên môn như B.Bình Dương thì vai trò của HLV chỉ là thứ yếu, và đôi khi việc có mặt của họ giống như “tấm bình phong” hay chỉ là “bia đỡ đạn”…
B.Bình Dương là đội bóng giàu tiền của, lực lượng hùng hậu đến độ người ta đã nói vui: “Cứ thả trái bóng vào sân thì các cầu thủ biết sẽ làm gì chứ không cần đến HLV…”.
Trong cả 3 chức vô địch V.League giành được, B.Bình Dương đều được dẫn dắt bởi HLV Lê Thuỵ Hải. Tính ra từ năm 2004 đến giờ, mùa nào đội bóng đất Thủ cũng tiêu nhiều tiền nhất, lực lượng hùng mạnh và lắm sao nhất. Thế nhưng chỉ khi có bàn tay ông Hải thì họ mới có thể vô địch, còn đâu đều không thành công dù trải qua gần chục đời HLV với đủ cả nội ngoại, châu Á cũng có mà châu Âu cũng từng.
Vị trí HLV rất quan trọng, nhưng đó chỉ là với HLV Lê Thuỵ Hải. Còn ở đội bóng này, lâu nay vai trò của HLV hết sức mờ nhạt, thậm chí chỉ là con số 0. HLV Nguyễn Thanh Sơn hiện giờ hay nhiều đời HLV trước đó chính là minh chứng.
Mùa giải 2009, dù cùng đội bóng đất Thủ giành ngôi Á quân V.League và vào đến bán kết AFC Cup nhưng rất ít người ghi nhận dấu ấn, vai trò của HLV Mai Đức Chung. Với nhiều người, thành công đó là nhờ dàn cầu thủ thuộc diện tinh binh của BĐVN thời điểm ấy, khi họ tự điều chỉnh và tự đá. Bởi vậy, một năm sau đó, khi hậu trường của B.Bình Dương gặp sóng gió và ông Chung với vai trò là người đứng đầu đã không dẹp loạn được, lập tức bị “trảm” chỉ sau 8 vòng đấu.
Cái mà lãnh đạo B.Bình Dương mong muốn lớn nhất nơi những nhà cầm quân về dẫn dắt đội bóng của mình, đó là làm thế nào để các cầu thủ cùng nhìn về một hướng. Điều mà chỉ có mỗi HLV Lê Thụy Hải đáp ứng được cho đến thời điểm này. Chính ông Chung cũng thừa nhận điều này: “Với lực lượng cùng sự đầu tư như hiện giờ ở B.Bình Dương, tôi nghĩ vai trò của HLV khi về đây là làm sao để tập hợp được các cầu thủ cùng nhìn về một hướng, chứ chuyên môn chỉ là thứ yếu. Bởi hầu hết các cầu thủ ở B.Bình Dương đều là các tuyển thủ Olympic, ĐTQG và ngoại binh chất lượng… thì nói chuyện chuyên môn là thừa”.
Ông Lê Thụy Hải là một người cá tính, giàu lòng tự trọng, vì vậy ông không thể chấp nhận công việc của mình bị nhúng sâu nên dứt khoát ra đi. Khác với ông Hải, ông Chung tính tình mềm mỏng, cầu toàn và vì vậy, sau khi chia tay Lê Thuỵ Hải và cần một người đứng ra cầm trịch đội bóng với chức danh GĐKT, B.Bình Dương đưa ra lời mời với HLV Mai Đức Chung.
Tại sao B.Bình Dương mời lại ông Chung, dù 5 năm trước sự ra đi không chỉ là vì B.Bình Dương sau 8 vòng đấu chỉ xếp thứ 4 mà nguyên nhân chính là do ông không làm chủ được phòng thay đồ, kiểm soát được tình hình đội bóng? Không phải chuyên môn, cũng không phải cái uy hay khả năng cầm trịch ở một tập thể toàn ngôi sao tiền tỷ và những cá tính, vậy đội bóng đất Thủ tính điều gì khi đưa ra lời mời?
Phải chăng, B.Bình Dương chỉ cần một cái tên, một người ngồi vào ghế và gánh trách nhiệm khi cần? Hoàn toàn có thể hỏi thế, khi đội bóng vốn tiêu rất nhiều tiền của này với kinh nghiệm đau thương từ những thất bại khiến những người có trách nhiệm ở đây ý thức phải có một người tên tuổi, vị thế để “đứng mũi chịu sào”.
HLV Mai Đức Chung chia tay Thanh Hoá để về làm Trưởng phòng các ĐTQG VFF nhưng từ 15/05 này hợp đồng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, ông Chung vẫn cân nhắc trước lời mời rất hấp dẫn của B.Bình Dương và chưa dám nhận lời, bởi hơn ai hết ông biết đội bóng đất Thủ cần gì ở mình và bản chất câu chuyện là gì.
ĐẮC MINH