“Di sản phủi”, HPL và tuổi lên 3…

HPL, giờ đây không chỉ đơn giản là một giải đấu, một cái tên. Nó là một khái niệm, một thứ giá trị và có thể thay đổi nhiều thứ với đời sống bóng đá của cả cộng đồng.

Không ai biết thật chính xác luật đá sân 7 ở Hà Nội có tự bao giờ, có khi có từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước cũng không chừng. Vì chỉ biết là khi một thanh niên 7X như thế hệ của tôi lớn lên thì những sân bóng mini  7 người đã có từ rất lâu. Có thể nói sân 7 là “một di sản” của bóng đá Hà Nội mà bao thế hệ chơi, đam mê và tự hào.

Sở dĩ nói thế vì nếu dọc theo chiều dài đất nước, từ Hà Nội đến Nghệ An đá 7, đến Huế trở vào trong Nam đều chơi sân 5. Và riêng Hà Nội lại có những luật riêng tương đối khác với nhiều địa phương khác ở miền Bắc cũng chơi sân 7. Đó là kích thước sân nhỏ hơn, gôn nhỏ hơn, một nét rất đặc trưng rất phù hợp với Thủ đô “ đất chật, người đông “, là nơi luôn sản sinh ra rất nhiều cầu thủ có kỹ năng xử lý trong không gian hẹp cực kỳ điêu luyện.

Bóng đá sân 7 là đặc sản của người Hà Nội. Thế nhưng trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, sân 7 vẫn chỉ luôn là phong trào tự phát, sân chơi được gọi đơn giản là “phủi”. Chưa ai định nghĩa được chữ “phủi” kia nhưng trước kia, ở những năm 1990-2010 thì đây là một từ có tính khu biệt cao, chưa được quan tâm, thừa nhận và coi trọng.

“Di sản phủi”, HPL và tuổi lên 3...

Chính vì như thế nên bóng đá phủi Hà Nội mang nhiều sắc thái cục bộ, rối ren và mạnh ai nấy chơi, mạnh ai người đấy tổ chức. Nhiều giải đấu đấy, nhiều đội bóng đấy… nhưng hầu hết đều hoạt động dựa trên tôn chỉ cá nhân, có chuyên môn nhưng chỉ để phục vụ cho chính mình, dẫn đến phủi cũng chỉ mãi mãi chỉ là “những thằng đi đá bóng phủi”, không được xã hội thừa nhận một cách chính danh.

Trong bối cảnh đó, Hanoi Premier League ra đời và bước ngoặt xuất hiện. Một nhóm các thành viên “chưa biết nhiều về bóng đá phủi“ nhưng lại dám nghĩ, dám làm và dám mang trong mình sứ mệnh lớn, đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của bóng đá phong trào Hà Nội, mang vẻ đẹp này của bóng đá giới thiệu đi khắp các miền Tổ quốc. Hơn nữa, họ còn dám kêu gọi cả cộng đồng “cùng chơi, cùng tận hưởng”.

Với cách làm thực sự chuyên nghiệp, HPL là sự khác biệt. Từ khâu sân bãi, trọng tài, giám sát, nghi lễ; Từ việc chụp ảnh, ghi hình phát lại các trận đấu, làm highlight và các phóng sự bên lề, chân dung để thể hiện sự trân trọng với người chơi và tôn vinh vẻ đẹp của bóng đá, tuyên chiến với bạo lực, cái xấu và chưa đẹp; Từ sự táo bạo khi ở mùa giải thứ 2 có truyền hình trực tiếp trên Youtube với sự hợp tác của một đơn vị chuyên nghiệp như LiveProHD, cùng với các “bình luận viên phủi”; Từ khâu chọn lọc, kết nối với các đội bóng mạnh nhất ở Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận đến những gì làm được, HPL thực sự mang đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước kia, ai đá chả mấy người quan tâm nhưng hãy xem lại những trận cầu ở HPL-S2 , con số khán giả thật khủng khiếp, sức hút của bóng đá nghiệp dư ở nhiều trận đã vượt xa nhiều trận ở giải chuyên nghiệp. Trước kia, các giải phong trào phải “mời mãi“ các báo mới đến đưa tin nhưng bây giờ nếu đưa tin về HPL hay các giải đấu lớn trở thành sự cạnh tranh, điều rất thú vị và có phần may mắn với phong trào. Trước kia các cầu thủ “chỉ là thằng…” nhưng giờ đây, nhiều cầu thủ tham dự HPL được trân trọng, được các doanh nghiệp nhanh tay ký hợp đồng và trước mùa bóng thứ 3 thì có rất nhiều cầu thủ, nhiều đội khát khao được góp mặt ở sân chơi này, trong ngày hội thực sự của bóng đá phong trào Hà Nội.

“Di sản phủi”, HPL và tuổi lên 3...

Đã có riêng một bài viết về cách làm thế nào để có mặt ở sân chơi danh giá này, từ việc phải tổ chức đội bài bản, chuyên nghiệp, giữ gìn hình ảnh rồi… hàng loạt tiêu chí khác. Đó chính là minh chứng cho sự tác động sâu sắc của HPL như thế nào đối với phủi Hà Nội nói riêng và bóng đá phong trào cả nước nói chung. Điều này vô hình chung còn giúp cho ngành thể thao nhanh chóng đạt được chỉ tiêu đã đăng ký trong chiến lược phát triển BĐVN tới năm 2020 là năm 2015 sẽ có 4.500 CLB còn 2020 sẽ đạt đến con số 7.500 CLB.

Tất nhiên, ở độ tuổi mới lên 3 và đi những bước đầu tiên, chưa ai có thể nói trước được điều gì. Vẫn còn những khiếm khuyết lẫn cả “mảng tối” như việc tuyển chọn “đầu vào“ hay những bản án kỷ luật, cách giải quyết những “tình huống phủi“ theo cách quá cứng nhắc hay một vài điều khác… Tuy nhiên, dưới góc độ của một người cũng đã từng tổ chức nhiều giải đấu, hay dưới góc độ một cầu thủ từng tham dự nhiều giải đấu thì những nỗ lực “bóng đá vì cộng đồng “ như VietFootball và HPL đã, đang làm là đáng trân trọng và cần phát huy.

Từ nay đến mùa giải mới HPL-S3 cũng chỉ còn chừng 1 tháng nữa, các công tác chuẩn bị cho giải đang được gấp rút tiến hành, một núi các công việc không có tên đang chờ BTC giải quyết, chúng ta cùng nhau đón chờ một mùa giải mới đầy hấp dẫn và chúc cho BTC giải luôn “chân cứng, đá mềm” để đưa giải đi đến thành công, giữ gìn “di sản bóng đá phủi” của người Hà Nội.

HẢI HỒNG

Với 7 đội được mời tham dự vòng play-off, vòng loại thứ nhất Hanoi Premier League-season 3 đã chọn được 3 đại diện vào vòng 2 cùng FC Tô Ký tiếp tục đấu loại trực tiếp là FC Du lịch (thắng FC Phoenix 1-0), FC Phương Anh (thắng FC Hữu Bằng 1-0) và FC Vinapros (hoà FC Coca 1-1, thắng penalty 3-2). Vòng 2 sẽ diễn ra chiều thứ Bảy (15/08), 2 đội thắng giành vé chính thức còn 2 đội thua có cơ hội cuối cùng ở trận đấu diễn ra chiều Chủ nhật (16/08) trên sân C500. 3 đội vượt qua vòng loại sẽ cùng 9 đội chơi năm trước là Tin lớn & Anh em, Thành Đồng, MV Corp, Văn Minh (Nghệ An), Moon (Thanh Hoá), Cường Quốc, Triều Khúc, Hanel, Top Group tham dự HPL-S3 khởi tranh ngày 06/09.

Làm thế nào để đủ điều kiện tham gia HPL?