Góc khuất của một nhà chiến lược: Triết lý “con ông cháu cha”

Trong hơn hai thập niên làm việc trên cương vị HLV chuyên nghiệp, Louis van Gaal có một thói quen mà ông không thể bỏ: Cứ người quen là ưu ái.

Vì sao Van Gaal yêu cầu BLĐ Man Utd phải mua bằng được Memphis Depay? Vì anh này là học trò cưng của ông ở ĐTQG Hà Lan. Đừng nói đến các ngôi sao Robin van Persie hay Arjen Robben, chính Depay mới được Van Gaal nuông chiều nhất.

Dẫn dắt Man Utd là một miếng bánh ngon hơn bất kỳ công việc nào trước đó mà Van Gaal từng làm, kể cả với Bayern Munich hay Barcelona. Thế nên, ông muốn “con cưng” Depay cũng phải có phần.

 Góc khuất của một nhà chiến lược: Triết lý “con ông cháu cha”

Sau Depay là Bastian Schweinsteiger. Khi dẫn Bayern, Van Gaal từng rất cưng chiều Schweinsteiger. Đấy là lý do ông bỏ ra 12,6 triệu bảng để mua một tiền vệ lớn tuổi và lúc nào cũng sẵn sàng lăn đùng ra chấn thương.

Chưa hết, ông còn đang cố thuyết phục Thomas Mueller đến Old Trafford. Van Gaal thương Mueller như thế nào thì tất cả những ai yêu bóng đá đều hiểu rõ. Chỉ cần Mueller gật đầu, anh sẽ được biến thành cầu thủ có mức lương cao nhất bóng đá Anh, chỉ kém đôi chút hai “quái vật” Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.

Sergio Romero được lấy về mới đây, và ngay lập tức cho bắt chính, cũng thuộc diện “con ông cháu cha”. Năm 2007, chính Van Gaal đưa Romero từ Argentina sang châu Âu, khi ông còn làm việc ở AZ. Romero được ưu ái, khiến tài năng của Boy Waterman bị giết chết không lâu sau đó.

Đầu thế kỷ 21, Van Gaal thất bại ở Barca chỉ vì ưu ái quá nhiều người Hà Lan vốn có mối quan hệ khá tốt với ông. Ở Bayern Munich gần đây cũng vậy. Vừa xuất hiện, Van Gaal mua Edson Braafheid. Một thương vụ thảm họa thực sự.

Kim Ngọc