Bóng đá không phổ biến ở khối Thịnh vượng chung (Kỳ 2): Khi bóng đá là kẻ sinh sau đẻ muộn

So với các phát minh khác của người Anh như rugby hay đặc biệt là cricket thì bóng đá thuộc hàng “đàn em” về cả tuổi đời cũng như vị thế trong xã hội (trong giai đoạn nó mới ra đời). Chính điều đó đã dẫn đến sự lép vế của bóng đá tại các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung.

Vì sao lại là người Anh?

Bóng đá, cricket, tennis, rugby, bóng chày, bóng bàn và hockey có điểm gì chung, ngoài việc chúng đều nằm trong Top 10 môn thể thao phổ biến nhất thế giới? Câu trả lời: các môn thể thao này đều được phát minh bởi người Anh trong quãng thời gian giữa thế kỷ 19 (trừ cricket và bóng chày, vốn đã xuất hiện từ thế kỷ 18). Nhưng tại sao chỉ có người Anh là phát minh ra nhiều môn thể thao, trong khi nhiều cường quốc châu Âu khác như TBN, Pháp (vốn cũng đều từng sở hữu những đế chế hùng mạnh trải khắp toàn cầu), Đức hay Italia gần như chẳng cho ra đời môn thể thao nào đáng chú ý?

Khi bóng đá là kẻ sinh sau đẻ muộn

Để trả lời câu hỏi này thì phải hiểu đúng hơn về khái niệm “phát minh”. Thực ra hầu như tất cả các môn thể thao đều có nguồn gốc sâu xa từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước và cái gọi là “phát minh” thực ra chỉ là sự chuẩn hóa luật lệ mà thôi. Đơn cử, từ gần 2.000 năm trước thì người Trung Quốc, Hy Lạp hay La Mã đều đã chơi một môn thể thao gần tương tự như bóng đá bây giờ (dùng chân để đưa trái bóng bằng da hoặc vải đến một cái đích nào đó), nhưng phải đến năm 1863 thì người Anh mới bắt đầu đưa ra một hệ thống luật lệ thống nhất cho các trận đấu và họ nghiễm nhiên được thừa nhận là đã khai sinh ra bóng đá hiện đại. Vậy vì sao phải đến thế kỷ 18,19 thì luật lệ của các môn chơi nói trên mới được chuẩn hóa? Và tại sao chúng lại được chuẩn hóa bởi người Anh?

Thế kỷ 18 và 19 đã chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp, khiến giao thông trở nên thuận tiện hơn nhiều và cho phép các đội thể thao tổ chức những chuyến du đấu ở các vùng xa xôi. Trước đó, mỗi nơi có thể thi đấu theo một thể thức riêng nhưng khi đã phát sinh sự giao lưu thì cần phải có một hệ thống luật lệ đồng nhất trên toàn quốc. Tỷ lệ người biết chữ và chất lượng in ấn đều tăng trưởng đáng kể, giúp việc lưu hành và truyền bá luật lệ của các môn chơi trở nên đơn giản hơn. Và trong số các cường quốc ở thời điểm đó thì Anh không chỉ dẫn đầu về trình độ sản xuất công nghiệp mà còn về sự ổn định xã hội. Tây Ban Nha đang chìm trong suy thoái (mất hết các thuộc địa ở Nam Mỹ), Pháp liên tục phải vật lộn với các cuộc thay đổi triều đại cũng như lo giải quyết các hệ lụy từ thất bại trong cuộc chiến với Phổ trong khi phải mãi đến những năm 1870 thì một nước Đức và Italia thống nhất mới được hình thành. Để so sánh thì chính trị Anh rất ổn định (chỉ có 4 vị quân chủ trong suốt hơn 140 năm từ 1760 đến 1901), chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, kinh tế phát triển mạnh mẽ và giai cấp trung-thượng lưu trong xã hội Anh gần như không có việc gì để làm ngoài…. chơi thể thao. Nhưng vị thế của mỗi môn thể thao trong xã hội Anh tất nhiên là không hề giống nhau.

Bình dân chơi bóng đá, thượng lưu chơi cricket

Ngày nay thì bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Anh và thu hút được mọi tầng lớp tham gia, nhưng thuở mới ra đời thì nó chưa có được tầm vóc đó. Trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 bóng đá chỉ được coi là cuộc chơi của giai cấp lao động, còn các môn thể thao quý tộc – nơi giới trung và thượng lưu góp mặt – phải là tennis, golf và đặc biệt là cricket. Không chỉ được đánh giá là môn thể thao “sang trọng” hơn, cricket cũng thu hút được nhiều sự quan tâm hơn so với bóng đá.

Khi bóng đá là kẻ sinh sau đẻ muộn

Có một chi tiết nhỏ để phản ánh sức hút của cricket: trong bộ phim nổi tiếng The Lady Vanishes (1938) của đạo diễn Alfred Hitchcock, hai nhân vật Charters và Caldicott đã hỏi tất cả những người Anh mà họ gặp rằng: “Kết quả trận Test (một thể thức thi đấu trong môn cricket) của ĐT Anh thế nào rồi?”. Câu hỏi ấy cũng tương đương với câu: “Man Utd thi đấu thế nào rồi?” của thời hiện đại. Hoặc, vào năm 1929, khi ĐT bóng đá Anh lần đầu tiên bại trận trước một đối thủ nằm bên ngoài Quần đảo Anh (thua TBN 3-4), tin tức này vẫn không được báo giới Anh chú ý bằng việc Wally Hammond (một ngôi sao cricket thời đó) được… tặng một chiếc đồng hồ mới. Tiếp theo, vào cái ngày mà Liverpool bước lên ngôi VĐQG mùa bóng 1946/47 với khoảng cách vỏn vẹn 1 điểm so với Man Utd (một điều chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý của cả thế giới trong thời đại hiện nay) thì những trang báo Anh vẫn đang bận rộn đưa tin về công tác chuẩn bị của ĐT cricket Anh trước thềm trận đấu với ĐT cricket Nam Phi.

Tất nhiên không phải tự dưng mà cricket được coi là môn chơi của giới nhà giàu. Tại Anh, thường thì môn thể thao mà một học sinh chơi ở trường sẽ có ảnh hưởng quyết định tới sự nghiệp thể thao sau này của anh ta, và chỉ có các trường tư với mức học phí cao ngất (chủ yếu dành cho con nhà giàu) mới đủ khả năng trang bị sân đấu cricket (các trường công thường chỉ có sân bóng đá, thậm chí là sân mini cho 5 người). Sân thi đấu cricket có diện tích lớn gấp hơn 2 lần so với sân bóng đá (16.000 m2 so với 7.000 m2) và các trận đấu cricket thường kéo dài trong nhiều ngày nên mặt cỏ sẽ bị tàn phá nhiều hơn, khiến cho người ta phải sử dụng loại cỏ chất lượng cao hơn cũng như bỏ ra nhiều tiền hơn cho công tác bảo dưỡng mặt sân.

Chưa hết, trong khi một cầu thủ bóng đá chỉ cần sắm giày, tất cùng một bộ quần áo là đã có thể ra sân thì một cầu thủ cricket cần phải có đầy đủ mũ sắt, găng tay, kính, vợt, thanh chắn…. tức chi phí đối với cá nhân người chơi cũng cao hơn hẳn. Cuối cùng, một trận đấu cricket thường kéo dài vài ngày (nhiều nhất có thể tới 5 ngày) nên tầng lớp lao động, những người phải đi làm gần như suốt tuần và chỉ có thể thu xếp được 1-2 buổi để chơi bóng đá, gần như không có cơ hội để tham gia.

Trâu chậm uống nước đục

Cricket không những được coi là bộ môn “đẳng cấp” hơn, nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ công chúng (trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) mà nó còn sở hữu một lợi thế vượt trội so với người anh em mang tên bóng đá. Đó là cricket ra đời và phát triển sớm hơn nhiều. Ngay từ cuối thế kỷ 17 thì cricket đã được tổ chức thi đấu một cách quy củ, bài bản, thu hút được rất nhiều tiền từ những tay cá độ (tình trạng cá độ trong thi đấu cricket trở nên nghiêm trọng đến mức Quốc hội Anh phải ban hành một đạo luật giới hạn số tiền cược tối đa ở mức 100 bảng – tương đương với 14.000 bảng bây giờ) cũng như giới quý tộc (những người thậm chí đã bỏ tiền túi ra để thành lập đội cricket của riêng mình).

Đến năm 1744, luật thi đấu cricket đã cơ bản được định hình, đến cuối thế kỷ 18 thì các CLB cricket đã mọc lên như nấm sau mưa, đến năm 1844 thì trận cricket quốc tế đầu tiên (giữa Mỹ và Canada) đã diễn ra và đến năm 1859 thì ĐT cricket Anh đã có chuyến du đấu đầu tiên (sang Mỹ). Để so sánh, mãi đến giữa thế kỷ 18 luật thi đấu bóng đá mới được chuẩn hoá, đến năm 1870 mới có trận bóng đá quốc tế đầu tiên (giữa Anh và Scotland), FA Cup mãi tới năm 1871 mới ra đời và ĐT Anh lần đầu tiên chạm trán với một đối thủ nằm bên ngoài quần đảo Anh vào năm 1908 (trong chuyến du đấu Trung Âu). Nói thế đủ thấy là bóng đá thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn” so với cricket, và chính điều đó đã khiến cho nó hầu như không có cơ hội trở thành môn thể thao vua ở nhiều quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Pakistan, Canada, những nước vốn đã sớm có liên hệ với Vương quốc Anh từ thế kỷ 18…

Quang Hải