1Sẽ không có minh chứng nào sinh động, thuyết phục hơn cho sự hòa hợp giữa tư tưởng bóng đá cũ và những công nghệ khoa học tiên tiến hiện đại có thể đưa vào chính bóng đá. Dự kiến, Cúp FA mùa tới (2016/17), giải đấu lâu đời bậc nhất trong lịch sử bóng đá, sẽ được thí điểm áp dụng thử công nghệ video hỗ trợ trọng tài. Chính xác thì với công nghệ mới này, các trọng tài sẽ được đề xuất xem lại các video quay chậm ở những pha bóng khó có thể đưa ra phán quyết chính xác nhất, liên quan đến những vấn đề mấu chốt của trận đấu như là tình huống dẫn tới bàn thắng, tình huống dẫn tới phạt đền, tình huống dẫn đến thẻ đỏ và những pha bắt lỗi gây tranh cãi. Ở chiều ngược lại, HLV của hai đội cũng sẽ được phép kiến nghị xem lại video quay chậm - ở đây gọi là “thách thức từ HLV”, nhằm đánh giá liệu phán quyết của trọng tài ở tình huống đó đúng hay sai, có thể là 2 lần/trận và 1 lần/hiệp.
Được biết, việc thí điểm áp dụng công nghệ video hỗ trợ sẽ được bàn thảo lần chót vào tháng 03 tới, tại cuộc họp của Uỷ ban hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), cơ quan phụ trách việc sáng lập, đưa vào hoặc hủy bỏ các điều luật trong bóng đá. Trước đấy, GĐĐH LĐBĐ Anh (FA), Martin Glenn tuyên bố hoàn toàn tự tin rằng “công nghệ hỗ trợ video cho trọng tài” sẽ sớm được thông qua, được thử nghiệm thành công và nhanh chóng trở thành luật. Và ngoài Cúp FA, Cúp QG Scotland cũng sẽ được thí điểm áp dụng từ mùa tới.
2Đương nhiên, khi một công nghệ mới được áp dụng vào bóng đá, thường nó sẽ gây ra những phản ứng tán thành hoặc phản đối. Mà nhìn từ góc độ “phản đối”, luồng quan điểm vẫn là: Áp dụng công nghệ ngày một nhiều hơn, can thiệp dù là trực tiếp hay gián tiếp vào công việc của trọng tài thì chỉ làm mất đi “tính con người” trong bộ môn thể thao vua. Nói theo cách khác, những ai không muốn công nghệ phát triển tràn làn trong các sân bóng vẫn luôn tâm niệm một điều: Mọi quyết định của trọng tài, dù đúng hay mắc sai lầm thì luôn phải được tôn trọng, bởi đó là phán quyết của một con người, không phải robot, và đấy là một trong những vẻ đẹp, sự hấp dẫn căn bản của bóng đá.
Không ai hoàn toàn phủ nhận ý kiến trên. Việc tranh cãi, bàn luận và cố tìm hiểu về “những bàn thắng ma” trong quá khứ, như bàn thắng của Tuyển Anh vào lưới ĐT Đức tại CK World Cup 1966, hay vụ “bàn tay của Chúa” mà Maradona đã “diễn” tại Mexico 86, vẫn là đề tài đầy cuốn hút bởi nó như tạo nên một “giai thoại bí ẩn” nào đó. Nhưng nói gì thì nói, bởi bóng đá là thể thao thì việc xác định chuẩn xác chuyện thắng bại, hay các tình huống ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng cần được phân định rạch ròi, vì tinh thần thể thao cao thượng. Một chiến thắng xứng đáng không nên và không thể bị tẩy xóa bằng một hành vi ăn gian che mắt trọng tài hay một tình huống mập mờ mà bằng mắt thường không thể xác định. Thực tế, trước khi công nghệ Goal-line được áp dụng, làn sóng phản đối là không nhỏ. Nhưng khi nó được áp dụng ở World Cup năm ngoái và tại Premier League mùa này, hầu như người ta không còn nghe thấy chủ đề: Goal-line làm mất đi “tính con người” trong bóng đá nữa. Điều tương tự có lẽ cũng sẽ lặp lại với công nghệ video. Dù nó không phải “cái điều khiển” giúp trả lời có hay không có bàn thắng mà chỉ gián tiếp làm rõ hơn những tình huống quyết định tới kết quả trận đấu thông qua việc trực tiếp giúp các trọng tài thấy rõ hơn các pha bóng mà họ không nên và không thể mắc sai lầm.
3Trở lại với FA Cup, giải đấu lâu đời và tràn đầy niềm tự hào của người Anh, nếu công nghệ video được áp dụng sớm hơn, hẳn Aston Villa đã có câu trả lời rõ ràng hơn khi họ nghĩ trọng tài đã chối bỏ 1 quả phạt đền khi Agbonlahor bị hậu vệ Arsenal truy cản trong vòng cấm ở trận CK hồi tháng 05 năm trước. Hay gần đây nhất, có lẽ HLV Pellegrini chẳng phải thốt lên rằng: “Tôi ước gì các HLV đã có quyền xem lại 2 phán quyết của trọng tài mỗi trận nhờ công nghệ video”, khi Man City bị Everton loại ở bán kết Cúp LĐ Anh giữa tuần qua, trong đó có pha bóng gây tranh cãi khi Jesus Navas ngã trong vòng cấm.
Phải! Không chỉ những điều tranh cãi, thắc mắc kể trên mà còn nhiều vấn đề khác liên quan đến thẻ đỏ, phạt đền... cũng không chỉ ở các giải đấu Cúp tại Anh mà còn khắp châu Âu và trên bình diện thế giới, sẽ được xử lý công minh và rạch ròi hơn nhờ một công nghệ chẳng hề quá phức tạp. Đó không phải sự can thiệp quá đáng vào công việc của các trọng tài và đương nhiên chẳng bao giờ thay thế được hoàn toàn vai trò quyết định của con người trong sân cỏ. Thực tế, vẫn có những pha bóng mà ngay cả video quay chậm cũng không thể phân định đúng sai vì sự thật tốc độ trong bóng đá hiện đại nhanh chóng mặt, khác xa so với 20 năm trước chứ đừng nói đến nửa thế kỷ trước. Và trước những tình huống “đến công nghệ cũng bó tay như thế”, đó là khi cảm tính, cảm giác và cảm xúc của con người lên tiếng. Bóng đá, đã đang và sẽ không bao giờ mất đi tính con người. Nhưng sự minh bạch thắng-thua và sự lạc hậu sẽ đi kèm mãi, nếu cố chấp quay lưng với công nghệ.
Công nghệ nào cho tương lai bóng đá?
Robot côn trùng
Những con robot côn trùng nhỏ cỡ con ong hoặc con ruồi sẽ bay theo các cầu thủ để thu thập và phân tích mọi dữ liệu thống kê.
Gậy thông minh phân biệt off-side
Cây gậy của trọng tài biên đã được tích hợp với bộ đàm để liên lạc với trọng tài chính nhanh nhất. Trong tương lai, nó có thể được tích hợp camera và cả phần mềm giúp xác định chính xác những tình huống việt vị (off-side) gây tranh cãi.
Thẻ thông minh
Đừng nghĩ những chiếc thẻ vàng, thẻ đỏ vô tri vô giác. Trong tương lai, nó có thể giúp trọng tài lưu nhớ luôn tên cầu thủ bị phạt, thời gian bị phạt và không quên cảnh báo để trọng tài tránh rút nhầm...3 thẻ vàng cho một cầu thủ.
Kính áp tròng tích cực
Khi đeo kính này trọng tài có tầm quan sát rộng hơn, có thể phóng to thu nhỏ những pha tranh chấp trên sân.
Lương Anh
Fan page Thethao24h
Thể Thao 24 TV (http://thethao24.tv)
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Vũ Quang Huy
Giấy phép số 91/GP-TTDT do bộ thông tin & truyền thông cấp ngày 09-05-2011
Địa chỉ tòa soạn: 65 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Địa chỉ liên lạc: 79 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 32669666 - Fax: (04) 39429189
Email: baothethao24h@sport24h.com.vn
Powered by Netlink Tech