Đất Thái – đất lành hay hiểm địa?

Đấy là đất sáng của Weigang, đất tối của Riedl, đất chiến công của Calisto và đất chết của Phan Thanh Hùng. Với Toshiya Miura thì sao nhỉ?

Năm 1995, thầy Đức Weigang dẫn ĐTVN tới Thái dự SEA Games với mục tiêu rõ ràng là phải vào bán kết. Nhưng bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến ở trận bán kết đã giúp ông làm được nhiều hơn thế. SEA Games 18 với chiếc HCB lịch sử đã chứng tỏ rõ sức sống Weigang, mở ra giai đoạn mới cho một nền bóng đá thời kỳ đầu hội nhập.

Đất Thái lành hay dữ, tất cả ở Miura
Đất Thái lành hay dữ, tất cả ở Miura

Nếu đất Thái tại SEA Games 1995 là sự bắt đầu của Weigang và một thế hệ cầu thủ mà sau này người ta vẫn tôn vinh là “thế hệ vàng” thì đất Thái tại Tiger Cup 2000 lại là giải đấu cuối cùng của thế hệ ấy. Giải đấu mà một người nổi tiếng là cầu toàn như ông Riedl cũng lên gân về việc: “Sẽ lấy cúp vàng”, và cả một nền bóng đá kỳ vọng vào một chiếc cúp vàng chia tay thế hệ vàng lịch sử. Thế nhưng giải đấu ấy, ĐTVN lại vỡ ở bán kết rồi vỡ luôn ở trận tranh HCĐ, khiến Alfred Riedl lầm lũi ra đi. Sau này, khi quay trở lại BĐVN, Riedl còn đến Thái thêm một lần nữa – SEA Games 24, năm 2007. Nhưng định mệnh và nghiệt ngã thay, đấy tiếp tục là giải đấu mà Riedl chết đau ở bán kết. Nhiều người bảo đấy là một cái chết được báo trước khi cả đội chưa sang Thái, nhận được tin phải ở trong một làng VĐV chật chội, lắm vấn đề, Riedl đã nằng nặc đòi VFF phải thuê cho mình một khách sạn riêng…

Phải đến thời của Henrique Calisto vào năm 2008 thì đất Thái mới thực sự tôn vinh BĐVN. Đấy là trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup trên sân Rajamangala. Trận đấu mà dĩ nhiên ĐTVN phải đá ở thế cửa dưới, nhưng cái chính là với việc đưa Tấn Tài vào trung tâm hàng tiền vệ, kéo Công Vinh xuống đá cánh của ông Calisto đã làm đối thủ bất ngờ bởi cách đá và cách thắng của kèo dưới. Trận đấu ấy ĐTVN xuất sắc dẫn 2-0 rồi thắng chung cuộc 2-1 sau khi “được” trọng tài từ chối một bàn hợp lệ, gỡ hoà 2-2 của đối phương. Chính cái tỷ số 2-1 ở trận lượt đi đã tạo bàn đạp để chúng ta đoạt cúp vàng trong trận lượt về sau đó ở Mỹ Đình. Và cũng chính cái tỷ số 2-1 đầy ấn tượng ấy mà Calisto đã ghi điểm với người Thái, rồi sau này từ giã ĐTVN để sang Thái làm việc cho Muang Thong United…

Đến AFF Suzuki Cup 2012 thì thầy nội Phan Thanh Hùng lại dẫn quân vào Thái. Nhưng đấy là một giải đấu mà thầy Hùng cùng người Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng phải chịu sức ép nặng nề sau trận ra quân không như ý. Sức ép lớn đến nỗi thầy Hùng không xuất hiện trong những cuộc họp báo sau đó còn ông Ngô Lê Bằng thì: “Trong những giấc mơ của mình, tôi đã mơ đến cái chết” – lời kể của chính ông. Sau trận hạ màn thua nặng chủ nhà Thái Lan thì thầy Hùng mất ghế, và niềm tin về việc “tại sao Malaysia từng thành công với thầy nội Rajagobal mà bóng đá Việt Nam không thể thành công với thầy nội?” đã chính thức chấm dứt ở đây.

Rõ ràng, đất Thái sáng với Weigang bao nhiêu thì tối với Reidl bấy nhiêu. Đất Thái vẻ vang với Calisto bao nhiêu thì lại thảm sầu, tử địa với Phan Thanh Hùng bấy nhiêu. Bây giờ  đến lượt Toshiya Miura…

Miura đã từng đẫn U.23 VN sang Thái và thua U.23 Thái 1-3, nhưng đấy chỉ là một trận giao hữu chuẩn bị cho VL U.23 châu Á 2016. Trận đấu mà như giải thích của chính Miura thì: “Kết quả không quan trọng “, và “khi hai đội gặp lại nhau, chắc chắn mọi chuyện sẽ khác”. Ngày mai thì Miura sẽ gặp lại Thái trong một trận đấu chính thức của ĐTQG. Một trận đấu mà nếu nhìn vào quá trình chọn người, rèn quân, tập trận (hoà CHDCND Triều Tiên 1-1 trong thế thủ), có cảm giác rằng Miura sẽ bày trận theo kiểu cửa dưới trước một chủ nhà tự tin nhưng cũng đầy áp lực.

Cái thế cửa dưới ấy là cái thế mà Calisto từng chọn lựa và thành công. Nhưng như đã phân tích, cách sử dụng con người và dùng người của thầy “Tô” đã tạo nên một cửa dưới bất ngờ với những miếng đánh bất ngờ cho đối thủ.

Hy vọng, thế cửa dưới gắn liền với một mảnh đất – một trận đấu huy hoàng của thầy “Tô” rồi sẽ sống dậy trong 90 phút Miura bày trận!

PHAN ĐĂNG

Bình luận (0)