Chưa đá đã thấy thua
3 lần chạm trán trước đó ở cấp độ ĐTQG cũng như U.23, đội bóng của HLV Miura đều trở thành kẻ bại tướng của Thái Lan. Đó là lý do nhà cầm quân người Nhật đánh giá rất cao sức mạnh của người Thái, khi chính ông thẳng thắn bày tỏ “Thái Lan là đội bóng tôi muốn đánh bại nhất mà chưa thực hiện được”.
Dành sự tôn trọng và coi Thái Lan ở thế cửa trên nhưng sức mạnh thực sự của đội bóng xứ sở chùa Vàng nằm ở đâu, họ yếu và có thể khai thác ở chỗ nào thì chính nhà cầm quân người Nhật này lại không thể nhìn ra. Thế nên ở Mỹ Đình, HLV Miura lại quyết định sử dụng chiến thuật “cổ lỗ sĩ” với 3 trung vệ và đặt cược vào phương án mà ông rất tâm đắc, nhiều lần sử dụng trong những trận đấu quyết định để hạn chế sức mạnh của người Thái.
Đó là điều khó hiểu, khi trong 2 buổi tập lắp ráp đội hình, bất chấp những hạn chế về việc có thể sẽ “loạn đao pháp” nếu sử dụng cách chơi này, ông thầy người Nhật vẫn cương quyết bảo lưu quan điểm: Chơi đi, chỉ đá thế này mới có cửa thắng Thái Lan. Sự thay đổi về con người, chiến thuật và khiến chính cầu thủ cũng ngơ ngác, ĐTVN không những không cải thiện được tình hình mà ngược lại, các cầu thủ bộc lộ vấn đề với quá nhiều hạn chế.
Với sơ đồ chiến thuật này, hàng thủ luôn trong tình trạng thừa người, các hậu vệ không biết phải bắt ai, khi Thái Lan chỉ cắm mình Dangda trên hàng công. Trong khi đó tuyến giữa, bộ đôi Huy Hùng – Duy Mạnh luôn rơi vào tình trạng phải căng mình trống đỡ với hàng tiền vệ 5 người của đối thủ còn trên hàng công, việc các cầu thủ thay nhau về nhận bóng đến lúc phản công thì bị hụt hơi bởi thể lực, tốc độ đã bị hao mòn.
“Tôn trọng Thái Lan nhưng không có nghĩa chúng ta phải sử dụng đội hình phòng ngự đến 5 hậu vệ. Tập luyện, lắp ráp đội hình đã nhìn thấy vấn đề rồi bởi các vị trí cứ chạy loạn lên, không biết đá kiểu gì cho được. Đó có thể là sai lầm trong cách tiếp cận trận đấu của HLV Miura, khi đáng nhẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể chơi thấp, rình rập như trận hòa Iraq…”, một học trò của ông thầy người Nhật cho biết.
Và ai mới là người phải nhận lỗi ?
Sau thất bại thảm hại trước Thái Lan, thay vì thừa nhận sai lầm, HLV Miura đã tỏ ý trách móc các học trò không tuân thủ đấu pháp, buông xuôi sớm khi bị dẫn trước. Không những vậy, nhà cầm quân người Nhật còn thẳng thắn bày tỏ, bóng đá Thái Lan phát triển hơn Việt Nam bởi Thai League là giải đấu chuyên nghiệp với nhiều cầu thủ chất lượng còn V.League thì ngược lại.
Trên cương vị của một chuyên gia đến từ nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á như Nhật Bản được mời sang để “chèo lái” ĐTVN, HLV Miura có vẻ mâu thuẫn với chính mình, khi có những chỉ trích các học trò chỉ sau một thất bại. Đó là điều tối kỵ, nếu đứng trên phương diện của người “đứng mũi, chịu sào” như của HLV Miura.
Thực tế, từ vấn đề chuyên môn, nhân sự, nhà cầm quân người Nhật chính là người có tiếng nói cao nhất ở ĐTVN. Quan điểm xây dựng đội bóng phụ thuộc vào những con người phù hợp với triết lý của mình, HLV Miura đã có những quyết định bất ngờ khi trao gửi niềm tin cho những cầu thủ còn rất trẻ, hoặc chỉ là sự lựa chọn thứ yếu ở CLB và lần đầu tiên lên ĐTQG. Và đó là sai lầm, bởi với một đội hình “trẻ người non dạ” như thế, đối diện với một Thái Lan đẳng cấp và già giơ hơn hẳn, việc ĐTVN bị áp lực bủa vây, thất thủ cũng là điều đã được dự báo từ trước.
Đấy còn chưa kể, mọi quyết định về mặt đấu pháp, điều chỉnh con người trên sân cũng là một tay nhà cầm quân này lo tất. Thế nên việc ông thầy người Nhật tìm cách đổ lỗi cho các học trò sau thất bại nói lên nhiều điều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại toàn diện của ĐTVN và nó không phải lỗi của bất kể cá nhân nào mà là câu chuyện của một nền bóng đá. Thế nhưng cách mà HLV Miura đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho các học trò sau thất bại lại cho thấy sự bất lực của chính nhà cầm quân này.
Vấn đề của BĐVN sau một thất bại, bây giờ có lẽ nằm ở chính ông Miura, trong sứ mệnh một người Nhật qua Việt Nam “truyền đạo bóng đá”.
Tú Phạm
“Tôi cũng không thể trả lời bao giờ BĐVN bằng Thái Lan, chỉ biết rằng giải VĐQG của họ chất lượng hơn V.League rất nhiều. Thai League có 18 đội bóng và các cầu thủ rất có chất lượng. Còn V.League chỉ có 14 đội và cả nội binh lẫn ngoại binh đều không bằng cầu thủ đang chơi tại Thai League”.
HLV Miura
Việc chọn người hoàn toàn do HLV Miura quyết định và ông thầy người Nhật có quan điểm khác hoàn toàn so với số đông, khi lựa chọn và tin tưởng rất nhiều gương mặt vẫn bị xem là “không biết đá bóng”, với ưu điểm cao to, khoẻ và có khả năng chạy nhiều.