Steven Gerrard: Mãi là huyền thoại (Kỳ 1)
Chủ nhật cuối cùng của tháng 11, năm 1998. Vòng 15 Premier League, Liverpool tiếp đón Blackburn. Phút 90, chủ nhà đang dẫn 2-0 do công của Paul Ince và Michael Owen. HLV Gerard Houllier sau khi bàn bạc với các phụ tá, quyết định cho 1 cầu thủ trẻ có cơ hội thử lửa. Chàng trai được chọn thế chỗ Veggard Heggem sở hữu vóc dáng gầy gò, thậm chí là như đang bơi trong chiếc áo đỏ. Nhận được sự động viên của trợ lý Phil Thompson, khuôn mặt búng ra sữa vẫn hiện rõ nét căng thẳng đến tột độ, trước sức ép từ hơn 41.000 khán giả trên sân Anfield. Anh đeo áo số 28, với cái tên vẫn còn lạ lẫm Gerrard.
Suốt thời gian được đào tạo tại Học viện cho tới cả khi đã lên đội lớn, chưa một ai từng nghi ngờ về khả năng Gerrard sẽ trở thành ngôi sao sáng trong tương lai. Tuy vậy, có lẽ cũng chẳng ai mường tượng được 17 năm của anh cho Liverpool lại đáng nhớ và huy hoàng đến thế.
Lật giở những câu chuyện cuộc đời của Steven Gerrard, không ít người sẽ liên tưởng đến Tsubasa – nhân vật truyện tranh nổi danh toàn thế giới. Từ lần đầu tiên chơi bóng cùng đám bạn cùng trang lứa ở cạnh nhà, được tin tưởng trở thành đội trưởng và có vinh dự nâng cao những chiếc cúp, cho đến khi ghi được những bàn thắng vô cùng trọng đại và rất khó tin, để rồi trở thành biểu tượng bất tử của đội bóng quê hương.
Từng giây từng phút trong giấc mơ đẹp tuyệt vời đó, Gerrard đã sống và tận hưởng nó. Từ ngày còn là chú nhóc ở khu Huyton, nơi mọi cậu bé đều tưởng tượng mình là Kenny Daglish vĩ đại, tới lúc trở thành đấng cứu thế giúp Liverpool vô địch châu Âu lần thứ 5, bất cứ ai cũng sẽ đều phải ngả mũ kính phục Steven Gerrard.
Và những thời điểm khác nhau, mỗi người trong số chúng ta may mắn được trở thành chứng nhân lịch sử trong chuyến hành trình kỳ diệu đó của Gerrard.
Tấm băng đội trưởng
Đó có lẽ là quyết định táo bạo nhất trong toàn bộ sự nghiệp của HLV Gerard Houllier. Chiến lược gia người Pháp đặt vào tay Gerrard chiếc băng thủ quân, khi đó anh mới 23 tuổi – người mà theo ông là một nhà lãnh đạo bẩm sinh.
Trả lời phỏng vấn, Gerrard không giấu được niềm vui: “Tôi rất bất ngờ khi mình được lựa chọn. Huấn luyện viên luôn nói, ngày nào đó tôi sẽ là đội trưởng của Liverpool nhưng không thể tin được là chuyện lại đến sớm như vậy. Tôi phải nói mình vui sướng không thể tả nổi. Khi nhận trách nhiệm lớn lao này, tôi nghĩ nó sẽ tác động tích cực lên lối chơi của tôi. Tôi hài lòng với phong độ hiện tại, nhưng trong tương lai tôi hy vọng, với tấm băng thủ quân trên tay sẽ giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Từ khi lên đội 1, tôi nghĩ mình đã chơi chín chắn hơn và hiện tại tôi vẫn đang muốn tìm kiếm những thử thách mới. Tôi muốn vươn mình thành cầu thủ đẳng cấp thế giới – điều tôi chưa làm được và hy vọng chiếc băng đội trưởng sẽ giúp tôi đạt được tham vọng đó. Những tiền bối như Alan Hansen, Phil Thompson, Graeme Souness hay John Barnes cho thấy họ rất xứng đáng với tấm băng này, và đã cùng Liverpool giành được rất nhiều danh hiệu. Hy vọng, tôi có thể tiếp bước họ và đưa Liverpool đến đỉnh cao.
Niềm cảm hứng của Steven Gerrard được bắt nguồn từ ông Houllier và đó sẽ luôn là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của anh.
TÌnh yêu bất diệt với Liverpool
Los Angeles Galaxy mới chỉ là đội bóng thứ 2 Gerrard thi đấu trong sự nghiệp, nhưng gần 1 thập kỷ trước đó anh đã bước 1 chân ra khỏi vùng Merseyside. Tuy nhiên, tình yêu Gerrard dành cho Liverpool là điều chưa bao giờ khiến ai hoài nghi. Hè 2005, trang chủ của Liverpool chính thức thông báo đội trưởng của họ sắp ra đi, vì những rắc rối liên quan đến quá trình gia hạn hợp đồng. Điểm đến của Gerrard nhiều khả năng là Real Madrid, nơi những “quần hùng” Ronaldo, Figo, Zidane, Beckham, Raul và cả Owen đang tụ hội. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau chính Gerrard đăng đàn gửi thông điệp đến người hâm mộ: anh muốn được tiếp tục gắn bó với đội bóng. Chỉ trong 24h ngắn ngủi, tâm trạng của CĐV Liverpool đi từ tuyệt vọng sang vỡ oà trong sung sướng.
Anh thổ lộ: “Tôi đã phải trằn trọc suốt đêm và cho đến sáng, quyết định của tôi là không muốn rời khỏi nơi đây. Tôi quá yêu Liverpool. Đây không chỉ là CLB mà còn là nhà của tôi nữa. Trái tim tôi đập cùng nhịp với Liverpool. Tôi không cần phải nói điều đó cho ai hết, ai hiểu tôi đều biết tâm tư tình cảm của tôi. Đơn giản là vì tôi không thể rời đội bóng này, còn nếu phải ra đi thì là do miễn cưỡng tôi phải làm vậy.”
HLV Jose Mourinho có câu nói rất nổi tiếng: “Khi dẫn dắt Chelsea, Inter và cả Real tôi rất muốn mua được cậu ấy nhưng đều không thành công – Steven luôn là một trong những đối thủ đáng trân trọng nhất.”
Những chiếc cúp
“Thứ quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn là những chức vô địch bạn từng có được. Còn những chiếc cúp bạn không giành được – cũng không thể định nghĩa con người bạn.” – King Kenny
League Cup 2001 là danh hiệu đầu tiên Gerrard giành được cùng Liverpool. Chức vô địch đó nằm trong chiến tích ăn 3 – thành tích chưa từng có trong lịch sử của CLB, bên cạnh FA Cup và UEFA Cup. Liverpool còn vô địch League Cup vào năm 2003, sau khi đả bại Man Utd trong trận chung kết với 1 bàn của Gerrard. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Steven Gerrard, mà lại bỏ qua 2 trận chung kết có thể coi là để đời của anh: UEFA Champions League 2004/05 và FA Cup 2005/06
Hai hàm răng nghiến chặt, mạch máu chạy rần rật và trái tim như muốn nhảy tung khỏi lồng ngực, Steven Gerrard kéo tấm băng đội trưởng lên. Anh muốn xốc lại tinh thần cho các đồng đội và đốc thúc họ phải giữ vững niềm tin. Gerrard đã tin và các chiến binh Liverpool xung quanh anh cũng vậy. Sáu phút hiệp 2 trận chung kết tại Thổ Nhĩ Kỳ thực sự điên rồ. Cú lắc đầu điệu nghệ của Gerrard thu ngắn cách biệt xuống còn 2 bàn, và quan trọng hơn đã thắp lên ngọn lửa hy vọng tưởng như đã bị chôn vùi sau nửa đầu trận đấu bị coi là thảm hoạ. Khoảnh khắc đó cũng đưa Liverpool từ cõi chết trở về, đồng thời đẩy Milan vào tình cảnh “sống trong sợ hãi”.
Trận đấu vĩ đại nhất trong lịch sử Champions League, có lẽ cũng là đêm đẹp nhất trong 123 năm tồn tại của Liverpool. Thời khắc Jerzy Dudek đẩy được cú penalty của Shevchenko, các cầu thủ Milan đã gục xuống, Pirlo thậm chí đã muốn từ bỏ bóng đá. Tất cả những mỹ từ đẹp nhất: tuyệt vời, đáng kinh ngạc, ngoạn mục, phi thường, lạnh xương sống hay rợn tóc gáy… đều được dành tặng cho đoàn quân của ông Rafa Benitez. Nhưng bản thân chiếc lược gia Tây Ban Nha cũng thừa nhận: “Đêm Istanbul huyền diệu sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu không có Gerrard.”
Và chỉ 12 tháng sau, Gerrard lại biến trận chung kết khác thành sân khấu của riêng mình – trận đấu được coi là kịch tính nhất trong lịch sử FA Cup. Cặp đôi Jamie Carragher và Jerzy Dudek trở thành trò hề và giúp West Ham dẫn 2-0. Tuy nhiên trước giờ nghỉ, Gerrard đặt dấu ấn với cú phất dài chuẩn từng mm để Cisse gỡ lại 1 bàn. Đầu hiệp 2, chính anh vung chân như búa bổ trong vòng cấm tung nóc lưới Shaka Hislop. Tưởng như, The Hammers đã nắm phần thắng trong tay khi dẫn 3-2 lúc trận đấu chỉ còn tính bằng giây. Khi mọi ánh mắt đều hướng về người đội trưởng “siêu nhân”, Gerrard lại lên tiếng với pha nã đại bác không tưởng từ cự ly 30m. Trên loạt đấu súng định mệnh, Lữ đoàn đỏ vẫn là người chiến thắng.
Gerrard còn cùng Liverpool có thêm FA Cup năm 2006 và League Cup 2012.
“Vấp ngã” trước ngưỡng cửa thiên đường
Premier League 2008/09 đánh dấu mùa giải bùng nổ của Steven Gerrard – anh ghi đến 16 tại Premier League, trong đó có màn vùi dập Man United 4-1 ngay trên Old Trafford. Thế nhưng, cuối mùa họ vẫn kém đội bóng thành Manchester 4 điểm.
Năm năm sau, “số 8” được kéo xuống đá vị trí lùi sâu hơn, cung cấp “khí tài đạn dược” cho một trong những hàng tấn công được đánh giá là biến ảo nhất từ thời Kenny Daglish và Ian Rush. Với đội hình đó, Gerrard cùng đồng đội chơi bùng nổ khiến Man City phải bám đuổi cho đến khi mùa giải chỉ còn vài vòng nữa là khép lại. Nhưng thật đáng tiếc, giấc mơ vô địch Premier League của Gerrard vẫn luôn là giấc mơ.
“Thật đáng buồn vì Steven chưa từng được chạm tay vào chiếc cúp Premier League, nhưng điều đó cũng không làm giảm giá trị của cậu ấy đối với Liverpool, cậu ấy quá vĩ đại” – Graeme Souness
Và vô số danh hiệu cá nhân
Bằng tài năng và tầm ảnh hưởng to lớn của mình, không ngạc nhiên khi Steven Gerrard đã giành vô số giải thưởng cá nhân trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.
Cùng với danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) trao năm 2001, Gerrard còn “thầu” thêm Cầu thủ xuất sắc nhất năm của UEFA và Quả bóng đồng FIFA (2005), Cầu thủ hay nhất năm của PFA (2006), Cầu thủ hay nhất năm của FWA – Hiệp hội nhà báo bóng đá Anh (2009) và Cầu thủ hay nhất năm của PFA do CĐV bầu chọn (2001 và 2009). Năm 2013, người hâm mộ Liverpool xếp Steven Gerrard đứng đầu Top 100 danh thủ vĩ đại nhấ trong lịch sử CLB.
Anh còn vinh dự được Hoàng gia Anh trao tặng Huân chương Hiệp sĩ đế chế năm 2007.
Tháng 2 năm 2015, trận đá lại với Bolton Wanderers vòng 4 FA Cup, Liverpool chiến thắng và Gerrard đánh dấu trận đấu thứ 700 của mình trong màu áo Lữ đoàn đỏ. Chỉ 2 người từng đá nhiều trận hơn anh, đó là Ian Callaghan (857 trận) và bạn thân Jamie Carragher (737 trận).
HLV Brendan Rodgers không giấu được sự ngưỡng mộ dành cho Gerrard: “Đây là thành tích không thể tin nổi, tôi không dám chắc điều này có thể lặp lại hay không. Cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng muốn làm được như cậu ấy”
“Tôi đã từng chơi cạnh Graeme Souness, tuy nhiên tôi đánh giá Gerrard còn giỏi hơn ông ấy. Đó có lẽ là lời khen tặng xứng đáng nhất mà tôi có thể dành cho cậu ấy.” – Mark Lawrenson
See You Again!
Dù cố nén lại, nhưng những giọt nước mắt đã rơi trong ngày Steven Gerrard vẫy tay chào người hâm mộ. Thứ 7, ngày 16/05/2015, Gerrard khép lại chặng đường dài 17 năm với Liverpool để chọn con đường đi của riêng mình. Lúc gánh nặng áp lực được trút bỏ cũng là thời điểm mọi cảm xúc chỉ chực chờ để vỡ oà.
Ngày hôm đó, các cầu thủ trên sân đã xếp thành 2 hàng danh dự và trên khán đài là những tấm băng-rôn với dòng chữ “Đội trưởng” để tôn vinh những đóng góp không ngừng nghỉ của anh dành cho Liverpool. Tất cả CĐV trên sân đều hô vang: “Steven Gerrard – anh là độc nhất vô nhị”
Bế trên tay cô con gái Lourdes, Gerrard nói trong nghẹn ngào: “Cảm giác lúc này thật lạ. Tôi đã lo sợ khoảnh khắc này sẽ tới bởi vì tôi sẽ rất nhớ các bạn. Tôi yêu từng giây phút được thuộc về nơi này, và trái tim tôi dường như tan vỡ khi nghĩ đến việc sẽ không bao giờ còn được chơi bóng trước sự chứng kiến của những CĐV thêm lần nào nữa.”
“Trước khi không thể kìm nén được cảm xúc, tôi muốn nói điều này: Đã từng thi đấu gần như mọi nơi trên thế giới, nhưng đối với tôi CĐV Liverpool luôn là số 1.”
CHÂU TỔNG
Neymar ra mắt phim vào tháng 8
Ngôi sao Barcelona vừa chia sẻ trên Facebook một đoạn trailer và xác nhận sẽ cho ra mắt một bộ phim mới về anh vào ngày 1/8, tức thứ Bảy tuần này:
“Đây là một đoạn giới thiệu ngắn về bộ phim trực tuyến của tôi sẽ được phát hành vào ngày 1/8. Nếu bạn muốn xem bộ phim này, hãy truy cập vào trang Facebook chính thức của tôi”.
El Sharaawy chỉ mua chứ không thuê nhà
Bản hợp đồng 5 năm với Monaco buộc Stephan El Shaarawy phải định cư lâu dài ở Monte Carlo. Bởi vậy, cựu tiền đạo Milan quyết định mua hẳn một căn hộ chứ không thuê nhà.
Theo tờ Sport Mediaset, El Shaarawy yêu cầu biệt thự nhất định phải có hồ bơi để anh thư giãn sau những trận đấu căng thẳng.
Gerrard vất vả tìm nhà hàng Anh ở Los Angeles
Mika Vayrynen, đồng đội mới của Steven Gerrard ở LA Galaxy tiết lộ cựu đội trưởng Liverpool vẫn chưa thể hòa nhập với cuộc sống mới trên đất Mỹ vì … ăn không ngon.
“Stevie cũng giống như mọi người Anh khác, rất thích món cá rán và khoai tây chiên. Những nhà hàng làm món này có ở khắp nơi tại Anh, nhưng tại Los Angeles thì rất ít” – Vayrynen chia sẻ trên tờ Daily Star.
Bạn gái Buffon khoe bụng bầu trên biển
Tạp chí Chi vừa tiết lộ những hình ảnh phóng viên Ilaria D’Amico đưa con trai Pietro đi nghỉ mát trên bãi biển Monte Argentario, vùng Toscana, miền Trung Italia.
Đáng chú ý, D’Amico đã tự tin diện bikini chứ không giấu bụng bầu sau những chiếc váy rộng nữa. Trong khi đó, Buffon không đi cùng mẹ con Ilaria D’Amico do bận tập luyện cùng Juventus.
Lê Hiếu
Khoảnh vườn nhỏ nằm ngay trước nhà Gerrard tại vùng Huyton, Liverpool chính là nơi ghi dấu những trận bóng đầu tiên của anh. So với những đêm huyền diệu tại Anfield, Wembley hay Ataturk, thì những trận thắng lúc đó dường như chẳng mang nhiều ý nghĩa. Nhưng với bản thân Gerrard, chúng quan trọng không kém những vinh quang anh từng giành được suốt sự nghiệp của mình.
Những “trận chiến” trên con đường Ironside chạy qua chính là nơi đã vun đắp, bồi dưỡng cho tình yêu bóng đá, sự tự tin và niềm đam mê để dẫn đường Gerrard đến với thành công. Ngay từ ngày còn bé, cậu đã bộc lộ ra những phẩm chất của siêu sao hàng đầu thế giới trong tương lai. Ở ngôi trường tiểu học, Gerrard đã được chơi cùng đội với Paul – ông anh trai lớn hơn 2 tuổi. Và thầy dạy bóng đá Ben McIntrye của trường Whiston Juniors khi đó đã giúp Gerrard lọt vào mắt xanh của những huấn luyện viên tại Trung tâm tài năng trẻ của Liverpool. Đội bóng vùng Merseyside mời Gerrard đến tập ở CLB năm anh mới lên 8.
Những người làm công tác đào tạo của Liverpool lúc đó nhớ về Gerrard:
HLV Hugh McAuley: “Steven đến vào buổi tối ngày hôm đó và chúng tôi thấy rất vui mừng. Với tư cách là HLV, khi được tận mắt chứng kiến điều gì đó đặc biệt thì không cần nói thêm điều gì nữa cả. Chúng tôi chỉ chăm chú quan sát, sau đó ra dấu với nhau bằng ánh mắt.”
HLV Dave Shannon: “Cậu bé đó thực sự khác biệt. Ngay từ giây phút đầu tiên, tôi đã thấy Steven đặc biệt rồi. Nó thực sự là 1 tài năng thiên bẩm.”
HLV Steve Heighway: “Tình yêu của Steven dành cho Liverpool là điều không thể chối cãi. Chúng tôi đã có vinh dự được chứng kiến Steven, từ 1 chú nhóc say mê bóng đá trở thành cầu thủ đẳng cấp thế giới.”
Thế giới suýt nữa đã mất 1 tài năng lớn
Giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mới chớm nở của Gerrard rất có thể đã tan thành mây khói ngay trước khi nó kịp bắt đầu. Một lần chơi bóng cùng với đám bạn ở trước nhà, trong lúc cố gắng lấy quả bóng bị mắc vào bụi cây Gerrard vô tình đá phải cây ba chĩa bị gỉ sét. Mũi của nó đã đâm xuyên qua đôi giày của Gerrard và xiên thẳng vào ngón chân cái. Chấn thương kinh khủng đến nỗi các bác sĩ đã phải tính đến phương án tồi tệ nhất, đó là cắt bỏ đi ngón chân của anh.
Gia đình lúc đó đã phải cầu viện đến Liverpool để nhờ giúp đỡ. HLV Steve Heighway cùng chuyên gia y tế lão làng Mark Waller của CLB phải tức tốc có mặt ở bệnh viện, và thuyết phục các bác sĩ nên xem xét tình hình thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Được chăm sóc một cách đặc biệt, vết thương của Gerrard đã dần hồi phục và cùng với đó sự nghiệp bóng đá của 1 tài năng trẻ đã được cứu. Kể từ thời điểm đó, huyền thoại đã ra đời.
May mắn song hành
Steven Gerrard gia nhập lò đào tạo tài năng trẻ của Liverpool vào đúng thời điểm CLB bắt đầu hướng sự đầu tư đến thế hệ mầm non. HLV Steve Heighway hồi tưởng: “Thằng bé rất may mắn, nó đến CLB đúng vào thời điểm mọi thứ đang bắt đầu thay da đổi thịt. Trước đó, bọn nhóc chỉ được cho tập luyện những bài cơ bản… còn bây giờ chúng tôi đã được yêu cầu phải huấn luyện cho chúng một cách toàn diện.”
Và suốt từ năm 8 tuổi cho đến khi được lên đội 1, Gerrard được ông Heighway và HLV khác đào tạo theo mô hình cực kỳ bài bản. Như chính anh thừa nhận: “Các HLV luôn hết lòng với tôi, từ những ngày đầu tiên cho tới khi tôi trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp.”
Thành công đầu đời
Ngày 05/11/1997, Liverpool bị Sheffield Wednesday cầm hoà 1-1, nhưng đó cũng là ngày các CĐV của đội bóng áo đỏ sẽ không bao giờ quên. Nó đánh dấu cột mốc vô cùng trọng đại trong lịch sử đội bóng, khi Steven Gerrard ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với đội chủ sân Anfield. Thời điểm Gerrard vẫn chưa tròn 18 tuổi, anh được HLV Gerard Houllier trao cho bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Mức lương khởi điểm của Gerrard là 700 bảng/tuần, sau tăng lên 800 rồi 900 bảng trong mùa giải tiếp theo. Gerrard luôn quan niệm rằng: “Thật lòng mà nói thì số tiền tôi kiếm được lúc đó là rất lớn, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình đá bóng với mục đích kiếm tiền. Tôi chỉ quan tâm đến bóng đá mà thôi. Được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đối với tôi vẫn luôn là một trong những điều tuyệt vời nhất cuộc đời.”
Ông Gerard Houllier nhớ lại: “Cậu ấy có ý chí rất mạnh mẽ và luôn biết mình cần phải làm gì. Rất hiếm cầu thủ trẻ như Steven có thể cống hiến gần như toàn bộ thời gian và năng lượng của mình vào công việc, cậu ấy luôn cực kỳ tập trung và cũng vô cùng chuyên nghiệp.”
Sinh ra để chiến thắng
Gerrard chưa từng bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để gây được ấn tượng với các HLV ở học viện. Mỗi buổi tập là thời điểm để anh chứng tỏ, mình xứng đáng được khoác áo Liverpool. Cùng thời điểm với Gerrard, có 1 tiền đạo triển vọng gia nhập CLB tên Mike Yates.
Anh nhớ lại lần đầu tiên họ đối đầu trên sân tập: “Tôi vẫn còn nhớ như in khát vọng chiến thắng mãnh liệt của Gerrard, ngay từ lần đầu tiên chúng tôi va chạm với nhau. Cậu ta quần tôi tơi tả luôn. Cậu ta vào bóng như thể muốn phang thẳng vào chân tôi, mỗi lần tranh chấp là cậu ta lại đè nghiến tôi, rồi nào là đá xấu, ngáng chân, lại còn kéo áo tôi nữa. Cậu ta làm mọi thứ có thể, với mục đích duy nhất là không để tôi có thể chơi bóng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi gặp phải 1 thằng nhóc chỉ đơn giản sẽ làm tất cả để giành chiến thắng. Và thậm chí là còn biết giở những trò tiểu xảo, chỉ cốt để đạt được điều mình muốn.”
Mãi là chú nhóc ngày nào
Khi nhận xét về Steven Gerrard, từ những người đã huấn luyện anh, đồng đội và cả đối thủ đều có điểm chung: đó là sự đam mê, nỗ lực và khát vọng giành chiến thắng tột đỉnh. Nó giống với tính cách hiếu thắng của 1 chú nhóc hơn cả, luôn muốn chiến thắng bằng mọi giá, còn khi thua trận thì rất hậm hực và cực khó để chấp nhận thất bại.
Nói về bản thân mình, Gerrard cho rằng cá tính của mình đã được hình thành qua những trận đá bóng cùng anh trai và đám bạn đồng trang lứa: “Tôi nghĩ rằng cách tôi chơi bóng hiện tại so với hồi còn bé không khác nhau là mấy đâu. Trận đấu nào cũng vậy, tôi luôn luôn muốn mình là người chiến thắng.”
Cựu cầu thủ Na Uy Veggard Heggem, từng thi đấu cho Liverpool trong giai đoạn 1998-2003 nhớ lại: “Ngày Steven mới lên đội 1 Liverpool, tôi và đồng đội đều thầm nghĩ cậu ta gầy gò như thế này thì thích nghi thế quái nào được với giải đấu khắc nghiệt như Premier League cơ chứ. Nhưng gần như ngay lập tức, anh chàng đó đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng mình nhầm to. Cậu ấy thực sự rất mạnh mẽ. Trên sân, Steven không e dè bất cứ điều gì và lúc nào cũng cháy hết mình.”
CHÂU TỔNG
Đúng hơn, bản hợp đồng mới của LA Galaxy khẳng định, thay vì vứt một đống tiền vào thị trường chuyển nhượng, Liverpool đang sở hữu Jordon Ibe có thể chơi được ở vị trí của Sterling. “Ibe có nhiều tiềm năng và khả năng”, Gerrard nói. “Tôi nghĩ việc giành lấy vị trí của Sterling phụ thuộc vào cậu ấy. Nếu Jordon có đủ bản lĩnh, khát khao, đây là cơ hội để cậu ấy trở thành một cầu thủ chạy cánh xuất sắc. Cậu ta có đủ những phẩm chất cần thiết và tôi tin Brendan sẽ tạo điều kiện cho cậu ta như ông đã dành cho Raheem”.
Thực tế là trong mùa giải vừa qua, dù sở trường là một tiền vệ cánh, Ibe xuất phát ở vị trí hậu vệ phải thay cho Glen Johnson bị chấn thương và cầu thủ 20 tuổi đã chơi rất tốt dù anh được gọi trở lại từ Derby trong giai đoạn lượt về của Premier League.
Con số 14 trận trong 5 tháng, trong đó có 12 trận ở Premier League, và bản hợp đồng mới phần nào nói lên vai trò quan trọng của cựu cầu thủ Wycombe với The Reds. Thậm chí, Rodgers còn mô tả anh là một cầu thủ có “bộ não bóng đá” với khả năng chơi tốt cả bên cánh, ở vị trí tiền vệ tấn công hay tiền đạo.
Xem ra, Ibe có nhiều triển vọng chẳng kém gì Sterling và giờ thì tất cả có thể hiểu được tại sao Gerrard lại tin tưởng anh đến vậy.
Phạm Hưng
Jordon Ibe đến Liverpool từ năm 2012 và được The Reds cho mượn ở Birmingham và Derby.
2-0 chỉ sau 25 phút, một đội bóng như LA Galaxy có thể làm được gì? Hãy chuyền bóng cho Gerrard. Thực tế thì đây là công thức của Liverpool trong gần 20 năm qua. Và giờ có vẻ như cũng sẽ như vậy với LA Galaxy. Khó tin là trên mảnh đất của Hollywood, người Mỹ không thể tìm thấy một kịch bản nào hay hơn thế.
Đầu tiên, cựu đội trưởng của Liverpool mang lại quả phạt 11m cho LA Galaxy sau khi anh bị Tommy Thompson thúc cùi chỏ vào mặt và Robbie Keane thực hiện chính xác ở phút 30. Tiếp đó, anh ghi bàn gỡ hòa 2-2 vào phút 37, trước lúc có đường chuyền cho Keane nâng tỷ số lên 3-2 ở phút 64.
Ngoài những tình huống này, Gerrard còn có cú sút phạt chạm xà vào đầu hiệp 2.
Đối với một cầu thủ không thi đấu trong suốt 3 tuần qua và chỉ mới bắt đầu cuộc phiêu lưu ở bờ tây cách đây 3 tuần hay mới có 45 phút khởi động trước trận derby California khi LA Galaxy gặp New York City FC của Frank Lampard, đây thực sự là một khởi đầu như mơ. Thậm chí, người ta sẽ còn phải nói nhiều về màn trình diễn của anh ở StubHub Center hơn là hat-trick của Keane hay sự có mặt của David Beckham cùng các cậu con trai ở trên khán đài.
Và giờ, Barcelona sẽ phải dè chừng Gerrard và LA Galaxy.
Mạnh Hào
Lịch thi đấu tiếp theo của LA Galaxy
Ngày 21/07: Barcelona (Rose Bowl), International Champions Cup
25/07: Houston Dynamo (sân khách), MLS
01/08: Colorado Rapids (sân khách), MLS
Đầu năm 2015, Steven Gerrard cũng thông báo sẽ không còn ở lại với CLB mà mình đã gắn bó từ năm lên 9. Trận cuối mùa giải, Liverpool “tri ân” người đội trưởng của mình bằng… trận thua đậm nhất trong lịch sử đội bóng từ năm 1954. Còn tiền vệ tuyển Đức Schweinsteiger chọn cách không thể “công nghiệp” hơn, anh cám ơn người hâm mộ và đội bóng thông qua Youtube. Họ không bước vào ngôi đền của những huyền thoại cả sự nghiệp chỉ thi đấu cho một CLB duy nhất, như Paolo Maldini, Carles Puyol, Ryan Giggs hay Jamie Carragher.
Với CĐV Real, Barcelona, Liverpool và Bayern Munich giờ trở đi, họ sẽ luôn cảm thấy thiếu đi điều gì đó khi chứng kiến đội nhà thi đấu. Bốn cầu thủ mang tính biểu tượng của 4 đội bóng vĩ đại nhất châu Âu, đều chọn cách dứt áo ra đi. Bóng đá thời toàn cầu hoá và sự lên ngôi của sức mạnh kim tiền, đang khiến cho những trường hợp như thế trong bóng đá hiện đại ngày càng hiếm hoi.
Bốn thập kỷ trước, Sir Bobby Charlton đá trận cuối cùng cho Manchester United trên sân Stamford Bridge. Chủ tịch Brian Mers của Chelsea đã xuống tận sân để tặng ông chiếc hộp đựng xì gà bằng bạc, hành động thể hiện sự kính trọng dành cho huyền thoại của đối thủ.
Thế nhưng, những cầu thủ được coi là 1 phần lịch sử của đội bóng đều chính thức ra đi chỉ trong nửa đầu năm 2015. Có lẽ mối quan hệ giữa các công thần với đội bóng chủ quản càng ngày càng có sự phân hoá rõ rệt hơn. Trong buổi họp báo chia tay, hầu như ai cũng có thể cảm nhận được sự ấm ức của thủ môn được đánh giá là “hay nhất lịch sử Real”.
Chưa chính thức tậu được David de Gea, song động thái của Real chả khác nào đẩy “Thánh Iker” đi để dọn chỗ đón người đồng hương của anh. Điểm đến của Casillas – FC Porto vốn có mối quan hệ “thân bằng cố hữu” với Jorge Mendes. Mendes cũng chính là đại diện của de Gea, càng cho thấy việc Chủ tịch Florentino Perez sẵn sàng bỏ đi chiếc Cadillac đã cũ và mang về siêu xế Ferrari đời mới. Xavi Hernandez tỏ ra rất bức xúc và đã lên tiếng thay cho Casillas: “Cậu ấy ra đi mà trong lòng cay đắng, theo tôi điều đó đáng để mọi người phải suy ngẫm. Chúng ta cần đánh giá đúng hơn những đóng góp và vai trò của cậu ấy.”
Nhiều người cho rằng, Xavi tình nguyện rời Barca vì khoản thua nhập béo bở mà anh sẽ được hưởng tại Al Saad. Trong 3 năm ở Qatar, anh sẽ nhận 10 triệu euro mỗi năm và xa hơn, Xavi sẽ trở thành Đại sứ cho World Cup 2022. Giờ đây, các nước Trung Đông trở thành điểm đến hấp dẫn cho Xavi hay trước đó là Batistuta, Rivaldo và Kader Keita vừa kiếm tiền tấn vừa thoả đam mê được chơi bóng.
Lựa chọn Qatar cũng có nghĩa là Xavi đã bỏ qua cơ hội tại giải nhà nghề Mỹ MLS, nơi anh có thể tái ngộ và tranh tài với những tiền vệ xuất sắc bậc nhất cùng thế hệ với mình. Andrea Pirlo và Frank Lampard dừng chân tại Manhattan nhộn nhịp, phồn hoa trong màu áo New York City.
Steven Gerrard lại theo đuổi “Giấc mơ California” với LA Galaxy. Tròn một phần tư thế kỷ phụng sự ở Anfield, Gerrard từ chú nhóc đã trở thành người đàn ông thực sự. Thế nhưng, kẻ thù muôn thủa – thời gian đã khiến đôi chân anh với gánh nặng mang tên Liverpool trên vai trở nên mỏi mệt. Trận đấu với Chelsea, Gerrard bước hụt và trượt ngã ngay trước ngưỡng cửa thiên đường. “Nếu có 1 bản hợp đồng được chìa ra trước mặt, tôi sẽ cầm bút ký mà không do dự gì. Tôi giã từ ĐTQG cũng vì muốn tập trung toàn bộ sức lực cho Liverpool”. Gerrard đã bất lực trong việc tìm được tiếng nói chung với ban lãnh đạo CLB, những người đã chứng minh rằng ngay cả người tôi tớ trung thành nhất giờ cũng phải cuốn gói ra đi.
Công thần thường là những người được hưởng mức đãi ngộ cao nhất của đội bóng. Gerrard đương nhiên cũng là cầu thủ được trả lương cao nhất tại Liverpool. Anh cũng được đội bóng vùng Merseyside cư xử không khác những cầu thủ trên 30 tuổi khác, đó là ký hợp đồng theo thời hạn từng năm một. Sau khi đạt được thoả thuận với Chelsea, đội trưởng John Terry từng nói: “Bây giờ, các CLB là những người nắm quyền sinh sát trong tay. Tôi và gia đình phải tranh đấu vì tương lai của chính mình.”
Bastian Schweinsteiger mới “chỉ” 30 tuổi, nhưng cũng đã gắn bó với Bayern Munich được 17 năm. Sự ra đi của anh cũng mang yếu tố chuyên môn nhiều hơn cả. Không đảm bảo được vị trí xuất phát trong đội hình của HLV Pep Guardiola, anh tái ngộ người thầy cũ Louis van Gaal. Chính HLV này là người đưa Schweinsteiger từ cánh vào chơi ở trung tâm, ông cũng hứa sẽ dành cho anh 1 vị trí chính thức ở M.U. Không còn thể hiện được tầm quan trọng trên sân, nhưng người Bayern chắc chắn sẽ rất nhớ anh. Schweini cùng Philipp Lahm là biểu tượng của Hùm xám, sau những Stefan Effenberg, Lothar Matthaeus và Oliver Kahn.
Cũng giống như vậy, các CĐV Liverpool biết rằng họ sẽ mãi mãi không thể tìm được Gerrard thứ 2. Tại Real Madrid, các tài năng “cây nhà lá vườn” như Nacho hay Jese thậm chí còn đang chật vật tranh suất đá chính. Ở Barca, sau sự ra đi của Xavi thì Iniesta, Messi và Busquets là những người cầm trịch trong phòng thay đồ. Nhưng biết đâu đấy, chỉ dăm ba năm nữa thôi họ cũng sẽ phải tự tìm cho mình bến đỗ mới.
Cấp độ CLB, Iker Casillas là người thi đấu nhiều nhất với 510 trận. Tiếp theo là Xavi Hernandez (505 trận ), Steven Gerrard (504 trận ) và Bastian Schweinsteiger (342 trận ). Tổng cộng, 4 cầu thủ này đã giành được 21 chức VĐQG và 9 danh hiệu Champions League.
BÁT VÂN
Cô Kim trong mắt Gerrard
Cuộc sống ở Los Angeles, kinh đô của điện ảnh thế giới khác xa với Merseyside của xứ Sương mù, mà muốn tồn tại, một ngôi sao như Steven Gerrard cần phải khám phá, thay đổi và thích nghi.
Cụ thể là như thế nào, Gerrard cần phải làm gì? Còn nhớ khi cựu đội trưởng The Kop mới đặt chân tới Los Angeles, chàng tài tử của Jurassic World – Chris Pratt nói: “Nếu tôi cần khuyên anh điều gì, Steven, thì đó là tới L.A, anh sẽ nhìn thấy một quả cầu lửa ở trên trời. Đừng hoảng sợ, nó được gọi là mặt trời. Nó sẽ không giết anh đâu, thời tiết rất tuyệt vời. Hãy tận hưởng cuộc sống tại đây. Nếu anh tôn trọng tôi, tôi sẽ mời anh đi uống vài ly”.
Không chỉ là sự khác biệt về thời tiết. Đúng là cuộc sống và con người ở cái nơi mà người ta xem David Beckham như một… đồng nghiệp của Tom Cruise thì cái gì cũng lạ lẫm và thú vị với những người mới – một ngôi sao bóng đá đang cố gắng hòa nhập như Gerrard.
Cái lạ, cái thú vị, cái khám phá đầu tiên của Gerrard về cuộc sống ở Los Angeles có lẽ là… cặp mông đồ sộ nổi tiếng thế giới của Kim Kardashian, bồ cũ của Cristiano Ronaldo.
Trên tờ Mirror, Gerrard kể rằng, một ngày mới tới Los Angeles, anh cùng cô vợ Alex vào Nobu – nhà hàng nổi tiếng tại bãi biển Malibu ăn tối. Ở đó, anh đã gặp Kim Kardashian cùng anh chồng rapper Kanye West.
Cô Kim nổi tiếng ra sao, cặp mông “vĩ đại” thế nào thì Gerrard đã biết, đã nghe qua các phương tiện truyền thông. Nhưng gặp trực tiếp mới thấy… “phê”, lạ và hoành tráng thật.
Gerrard tâm sự với tờ Mirror: “Tôi sẽ kể cho bạn nghe về những người tôi đã gặp ở L.A. Một lần Alex và tôi vào nhà hàng Nobu, tôi gặp Kim Kardashian và Kanye West. Họ cũng tới đó ăn tối. Kim rất kỳ lạ nhưng… tuyệt vời. Ngoài ra, tôi cũng gặp Floyd Mayweather”.
Niall Horan giúp đỡ Gerrard
Alex Gerrard thích cuộc sống giống như những bà hoàng ở Hollywood và muốn hòa nhập vào với cuộc sống tại kinh đô điện ảnh của thế giới. Chẳng thế mà từ tháng 11 năm ngoái, khi Gerrard quyết định rời Liverpool vào cuối mùa bóng để sang Mỹ gia nhập L.A Galaxy, cô nàng Alex thường xuyên bay tới Los Angeles tìm siêu biệt thự. Và phải sau 3 tháng cân nhắc, vợ Gerrard mới chọn được căn biệt thự ưng ý, trị giá 18 triệu bảng, nằm liền kề với tư dinh của những ngôi sao Hollywood như Jennifer Aniston, Halle Berry, Jane Fonda hay dinh thự Playboy.
Tuy nhiên, Los Angeles với Gerrard cùng gia đình anh hẳn cũng lạ và thú vị như… “vòng 3” của Kim Kardashian? Nhưng theo Liverpool Echo, Gerrard đã dần quen với cuộc sống tại Hollywood nhờ sự giúp đỡ của Niall Horan. Chàng ca sĩ nổi tiếng của ban nhạc One Direction này thường xuyên tới căn biệt thự ở Hollywood của Gerrard, giúp Alex và 3 cô con gái nhỏ của cựu thủ quân Liverpool thích nghi với cuộc sống trên xứ người.
Gerrard thổ lộ: “Cuộc sống mới tại Los Angeles là một thử thách thực sự của tôi và gia đình, đặc biệt là các con gái tôi. Nhưng nhờ những người bạn như Niall, chúng tôi nhanh chóng vượt qua những trở ngại, khác biệt về văn hóa và háo hức hòa nhập. Alex cùng các con tôi bắt đầu thấy thích cuộc sống ở nơi đây, điều đó giúp tôi tập trung tối đa cho sân cỏ”.
Theo Liverpool Echo, cũng giống như David Beckham, ngoài sân cỏ, Gerrard bắt đầu mở rộng mối quan hệ với các nhân vật tại Hollywood như Lew Wasserman hay Chris Pratt. Trong tương lai, Gerrard sẽ lên màn bạc? Còn nhớ tài tử Daniel Craig – một fan cuồng của Liverpool từng khẳng định, anh rất muốn Gerrard đóng phim và tiền vệ 35 tuổi người Anh này hoàn toàn có thể thay thế mình đóng vai siêu điệp viên 007 trong tương lai.
TÂN PHONG
Hiển nhiên Gerrard hiểu rõ hình bóng của Becks ở LA Galaxy cũng như tầm ảnh hưởng của số 7 Man Utd ngày nào ở giải MLS. “Điều quan trọng với tôi cũng như NHM ở đây đó là cần phải hiểu rằng tôi… không phải là Beckham. Tôi không điển trai và cũng chẳng có tầm ảnh hưởng như anh ấy. Nhưng tôi tự tin với đẳng cấp của mình và phong độ trên sân sẽ là câu trả lời”, Gerrard tâm sự.
Khoác áo LA Galaxy, Gerrard được biệt đãi với mức lương không dưới 8 triệu USD/mùa. Nhưng tiền vệ 35 tuổi này khẳng định đó là điều xứng đáng và anh cũng đã ấp ủ kế hoạch sang Mỹ chơi bóng từ khá lâu. “Tôi đã nghiên cứu về MLS một thời gian dài. Tôi cũng xem nhiều trận đấu của LA Galaxy, cách thức các cầu thủ di chuyển. Tôi thích thử thách này và đó không hẳn vì tiền bạc. Với tôi tiền chưa bao giờ là động lực. Tôi có thể treo giày từ năm ngoái và hưởng thụ quãng thời gian còn lại trên bãi biển. Nhưng tôi là một cầu thủ luôn khát khao giành vinh quang và đó là lý do tôi có mặt ở đây”, Gerrard chia sẻ.
L.A
50. Steven Gerrard
Gerrard có lẽ sẽ được ghi danh là cầu thủ vĩ đại nhất từng thi đấu cho một CLB duy nhất ở giải bóng đá Anh. Với cả thảy 710 trận và 120 bàn thắng, anh cống hiến cho Liverpool trong hơn ¼ thập kỷ. Gia nhập lò đào tạo trẻ của CLB năm lên 9, ở tuổi 35 Gerrard đã nếm trải gần như mọi cay đắng ngọt bùi trong cuộc đời một cầu thủ chuyên nghiệp.
Không như Michael Ballack luôn vô duyên trong các trận chung kết, Gerrard là đầu tàu đưa Lữ đoàn Đỏ đến chức vô địch Champions League cách đây tròn 10 năm. Cho đến bây giờ đây vẫn được coi là trận chung kết hấp dẫn nhất trong lịch sử giải đấu, và còn được gọi với cái tên “Trận chung kết của Gerrard”. Bên cạnh đó, anh còn giúp Liverpool có được 2 cúp FA, 3 cúp Liên đoàn và vô địch UEFA Cup năm 2001. Gerrard cũng xếp thứ 3 trong danh sách những cầu thủ thi đấu nhiều nhất trận cho Tam sư với 114 lần (đứng sau thủ thành huyền thoại Peter Shilton và David Beckham).
Tuy vậy, điều tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của Gerrard vẫn là chưa từng vô địch Premier League. Có lẽ hình ảnh người đội trưởng trượt ngã trong trận đấu với Chelsea sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí người hâm mộ bóng đá.
Dẫu vậy, bằng tình yêu của một người con dành cho thành phố cảng Gerrard đã từ chối rất nhiều lời mời hấp dẫn (HLV Jose Mourinho đã 4 lần thuyết phục Gerrard nhưng không thành công). Anh xứng đáng là một trong những huyền thoại bất tử và biểu tượng của Liverpool.
49. Peter Ridsdale
Leeds đầu những năm 2000 là tập hợp của rất nhiều cầu thủ xuất sắc như Mark Viduka, Harry Kewell hay Rio Ferdinand nhưng sai lầm trong đường lối của Ridsdale khiến CLB phải gánh chịu hậu quả.
Năm 2011, Ridsdale đi vay mượn khắp nơi số tiền 60 triệu bảng để đánh canh bạc biến Leeds trở thành thế lực mới của Châu Âu. Họ lọt vào bán kết Champions League mùa 2000/01. Nhưng ông đã thua, thua thảm hại. Quý 1 năm 2003, báo cáo tài chính cho thấy CLB chìm trong số nợ lên tới 103 triệu bảng. Câu chuyện sau đó trở thành một bi kịch.
Sau khi rời khỏi Leeds, ông Ridsdale đã đến Barnsley, Cardiff và hiện tại là Preston. Nhưng người ta sẽ không bao giờ quên quãng thời gian ông ngồi ghế Chủ tịch Leeds.
Có một giai thoại được kể lại thế này. Năm 2001, Leeds ký hợp đồng Seth Johnson từ Derby County. Khi được đề nghị mức lương 25 nghìn bảng/tuần, anh không tin vào tai mình và thốt lên: “Sao cơ, 25 nghìn bảng tuần cơ á?”. Nhưng câu nói sau đó của Ridsdale mới khiến Johnson thực sự sốc: “Được, thế chốt 35 nghìn nhé”.
48. Didier Drogba
Năm 2012, trong cuộc bầu chọn cầu thủ hay nhất mọi thời đại do các fan khởi xướng, tiền đạo người Bờ Biển Ngà đã chiếm số phiếu áp đảo. Cũng dễ hiểu khi thời điểm đó Drogba vừa giúp Chelsea đăng quang ở Champions League sau trận chung kết với Bayern Munich. Tuy nhiên những chiến tích của anh đạt được trong mùa áo xanh thì không cần phải bàn cãi. Ngoài 4 chiếc cúp Premier League, Drogba còn giúp mang về phòng truyền thống CLB thêm 4 cúp FA và 3 cúp Liên đoàn. Anh cũng 2 lần được vinh danh là cầu thủ Châu Phi xuất sắc nhất năm (2006 và 2009) cùng vô số những danh hiệu khác.
Tuy nhiên vai trò của Drogba không chỉ gói gọn ở những thành tích cho Chelsea hay khi anh mang băng đội trưởng ĐTQG. Năm 2010, Drogba được tạp chí Time bầu chọn nằm trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Anh là cầu thủ bóng đá duy nhất góp mặt trong danh sách này vì những hành động kêu gọi hoà bình, nhờ đó giúp chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng trên quê hương mình. Quỹ từ thiện của anh cũng tham gia xây dựng một bệnh viện ở Abidijan giúp đỡ cho các bệnh nhân Ebola. Anh trở thành người anh hùng không chỉ của Bờ Biển Ngà mà còn là của cả Châu Phi.
47. Karen Brady
Bà phó chủ tịch của West ham nguyên là thực tập sinh của Công ty chuyên về quảng cáo. Ở tuổi 20, bà đã là Giám đốc một nhà xuất bản và năm 1993 bà đã thuyết phục ông chủ của mình là David Sullivan mua lại CLB Birmingham.
Dưới thời đồng chủ tịch Sullivan và David Gold, bà Brady là người đóng vai trò then chốt trong quá trình thương thảo để West Ham chuyển sân nhà từ Upton Park về Olympic (sức chứa 80 nghìn chỗ) và khiến người ta nể phục vì mức giá cực thấp mà đội bóng phải bỏ ra. Ảnh hưởng của bà lên 2 CLB là cực kỳ rõ rệt.
Bà cho biết những người đã truyền cảm hứng cho mình là GĐĐH của Sunderland Margaret Byrne và “cánh tay phải” của ông Abramovich ở Chelsea Marina Granovskaia – cũng đều là những người phụ nữ.
46. Philip Don
Các cầu thủ, HLV và nhiều người hâm mộ luôn kêu ca về công tác trọng tài nhưng hầu hết đều phải thừa nhận một điều trước khi có sự xuất hiện của công nghệ, các trọng tài đã làm rất tốt công việc của mình.
Philip Don cũng nằm trong số đó. Ông đã được Liên đoàn thống kê lịch sử thế giới IFFHS vinh danh là 1 trong 100 trọng tài giỏi nhất mọi thời đại.
Khởi đầu là trọng tài biên rồi sau đó trở thành trọng tài chính. Sau khi treo còi, ông chuyển qua công tác điều hành và trở thành người đứng đầu Uỷ ban trọng tài của FA vào những năm 90. Ông là thành viên chủ chốt trong quá trình giám sát việc thành lập và tuyển chọn những trọng tài chuyên nghiệp năm 2001. Ông chính là người phát hiện và đào tạo những trọng tài tầm cỡ thế giới như Howard Webb hay Mark Clattenburg. Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho bóng đá, không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của ông.
HOA VINH
Điều đáng lo cho các Kopite là họ có thể phải chứng kiến điều khủng khiếp khác sau 90 phút tại Britannia, The Reds có thể rơi xuống vị trí thứ 7 và mất suất dự Europa League từ vòng bảng.
Steven Gerrard sẽ có trận đấu thứ 710 cho Liverpool. Trên anh chỉ có Ian Callaghan (857) và Jamie Carragher (737) là đá nhiều trận hơn.
LỰC LƯỢNG
Stoke: Stephen Ireland, Peter Crouch, Peter Odemwingie chưa rõ.
Liverpool:Mario Balotelli vắng mặt.
Viễn cảnh đấy là rất dễ xảy ra nếu đội bóng của Brendan Rodgers tiếp tục giậm chân tại chỗ với phong độ như trong thời gian gần đây khi họ chỉ thắng được 1 trong 5 trận và đạt trung bình 1 điểm/trận. Nghĩa là nếu 90 phút tại Britannia có kết quả hòa, Liverpool sẽ rơi xuống vị trí thứ 7 với 63 điểm trong trường hợp Tottenham (64 điểm) và Southampton thắng (63 điểm nhưng hơn hiệu số bàn thắng thua). Khi đó, Rodgers chỉ còn biết cầu mong Arsenal sẽ thắng Aston Villa ở chung kết FA Cup và nếu kịch bản này không xảy ra, Liverpool sẽ phải dự Europa League qua đường Fair Play, đồng nghĩa với việc phải đá từ vòng sơ loại thứ nhất (phải vượt qua 4 rào cản để vào vòng bảng).
Đó là kịch bản tồi tệ nhất có thể dành cho The Reds và điều lạ lùng là họ dường như không bận tâm đến kết cục này sau trận thua Crystal Palace 1-3 trên sân nhà vào cuối tuần qua. Nghĩ cho cùng thì sự kiện Steven Gerrard chia tay Anfield và đêm nay sẽ là màu áo đỏ chẳng mang một ý nghĩa gì với cả đội bóng bởi trong khi tất cả đều khẳng định họ sẽ thi đấu vì anh, họ vẫn làm người hâm mộ thất vọng bằng những kết quả nghèo nàn. Nói vậy là để nhắc lại thất bại của Liverpool trước Aston Villa ở bán kết FA Cup và lấy đi cơ hội giơ cao chiếc Cúp của tiền vệ người Anh, là trận thua Crystal Palace trong ngày anh chia tay Anfield sau 17 năm gắn bó. Thế nên, có lý do gì để hy vọng vào chuyến đi của thầy trò Rodgers ở Britannia, nơi Stoke đang có mùa giải xuất sắc nhất kể từ 1982/83 và đội chủ nhà chỉ thua 1 trong 5 trận đấu gần đây?
Dự đoán: 1-1
MẠNH HÀO