Từ “người hùng đội lốt” tới giảng viên Đại học

Từng là tội đồ và nạn nhân của vụ anh mang tên em tập luyện thi đấu 13 năm gây chấn động làng thể thao năm 2005; từng bị ruồng bỏ, rơi vào cảnh tay trắng. Thế nhưng, Phương đã vượt qua nghịch cảnh để làm chủ cuộc đời, trở thành thạc sỹ – giảng viên Đại học.

13 năm phải “đội lốt” em

Trong suốt 13 năm tập luyện thi đấu từ cấp độ trẻ đến đấu trường khu vực, Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1976) luôn lấy tên người em trai Nguyễn Bảo Huy kém mình 2 tuổi.  Câu chuyện ấy chỉ bị phát hiện khi chính Phương tiết lộ trước khi xin trả lại tên tuổi thật cho mình hồi năm 2005.

Từ “người hùng đội lốt” tới giảng viên Đại học

Cái tên Nguyễn Bảo Huy được Phương lấy từ hồi năm 1989. Đó là thời điểm người em trai Nguyễn Bảo Huy bị ốm nên không thể thi đấu cho trường phổ thông Ngô Sĩ Liên (Quận Tân Bình, TP.HCM). Vì muốn có thành tích nên giáo viên đã đưa Phương thế chỗ người em trai. Điều mà ít ai ngờ đã xảy ra: Phương bất ngờ “gặt” 3 HCV rồi được chọn vào Trường Nghiệp vụ TDTT với cái tên Nguyễn Bảo Huy.

Theo lý giải của Phương, cái tên của người em – cùng tấm hình của mình gắn liền ở giải đấu học sinh năm đó – là mấu chốt về chuyện tên tuổi của anh sau này. Ngoài ra, thời điểm ấy, Phương chưa đủ lớn khôn để định hình sau này sẽ đến với thể thao đỉnh cao.

Giai đoạn 2000 – 2005, Nguyễn Văn Phương đã thống trị điền kinh Việt Nam trên đường chạy 400m rào, trong đó kỷ lục đồng hồ bấm giờ 51,20 giây đến giờ vẫn chưa bị phá. Đặc biệt, anh từng 2 lần giành HCB ở 2 kỳ SEA Games 2001 và 2003. Trừ một số người có trách nhiệm của TP.HCM, còn cả làng thể thao đều chỉ biết kỷ lục gia 400m rào là… Nguyễn Bảo Huy.

2 lần xin mới được trả lại tên

Năm 2005, chính Phương là người đã tự vén bức màn bí mật về tên thật của mình sau 13 năm mang tên em trai Nguyễn Bảo Huy. Vì tương lai của chính mình cùng nỗi ám ảnh và khổ tâm đè nặng tới mức không chịu đựng nổi, Phương đã quyết định xin đổi lại tên để trở lại là chính mình.

Có một điều ít ai biết được là Phương đã từng 1 lần xin được trả lại tên tuổi thật hồi năm 1999. Đó là thời điểm các VĐV được phép làm lại tên tuổi thật để thi đấu và Phương đã xin được trả lại tên cho em trai để được tập luyện, thi đấu với tên thật của chính mình. Thế nhưng, các thầy không cho và anh buộc phải tiếp tục sử dụng tên tuổi của Nguyễn Bảo Huy để tiếp tục thi đấu. Càng bi hài hơn vì sau đó Phương lại đoạt HCB ở SEA Games 2001, và cái tên ấy được người ta giấu biệt 6 năm nữa.

Khi được trả về đúng với tên thật, Nguyễn Văn Phương tiếp tục gắn bó với đường chạy  đỉnh cao thêm 1 năm để đoạt đẳng cấp kiện tướng Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học TDTT.

Vượt qua bi kịch, trở thành giảng viên Đại học

Vài tháng sau khi được trả lại tên thật, Nguyễn Văn Phương bị cắt chế độ ở ĐTQG và bị trả về đơn vị chủ quản TP.HCM, với thông báo đã hoàn thành nhiệm vụ. Vài tháng tiếp theo, TP.HCM quyết định cho Phương “xuất ngũ”, với lý do tương tự.

“Khi bị TP.HCM cho ra tuyến, tôi về nhà với 2 bàn tay trắng và phải tự lập nghiệp. Thời gian đầu, tôi phải buôn bán quần áo cũ để kiếm tiền ăn học. Sau một quãng thời gian lam lũ, tôi tích lũy được một ít vốn nên bắt đầu mở quán nhậu để bán ở vỉa hè trước sân Thống Nhất. Hai năm sau, tôi bị đuổi khéo vì người ta sợ mọi người nói Thành phố không chăm lo cho VĐV. Tôi trở lại buôn bán quần áo cũ. Đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi”, cựu kỷ lục gia Nguyễn Văn Phương nhớ lại.

Tuy nhiên, mọi nghịch cảnh đã không khiến Phương gục ngã. Anh đã vượt khó làm lại từ đầu bằng quyết tâm, nỗ lực và sự bền bỉ cao độ. Sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT, Phương làm HLV của TP.HCM ở chính nội dung 400m rào từ năm 2010, và lập tức chứng tỏ được năng lực xuất sắc. Anh cũng tranh thủ đi học Cao học, cũng như tích cực tham dự vào các khóa tập huấn đào tạo HLV.

Cách đây 1 tháng, niềm vui lớn đã đến với Phương khi anh được trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM nhận làm giảng viên chính thức.

Văn Nhân

13 năm mang tên em trai để tập luyện và thi đấu, chẳng khi nào lòng tôi được yên ổn. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vụ đổi tên bị phanh phui. Thậm chí, gần 30 tuổi, tôi cũng chưa dám yêu vì khi yêu, tôi biết nói mình là ai với bạn gái đây? Chưa kể tôi cũng ít khi dám về nhà mà chỉ toàn ở lại trung tâm điền kinh, bởi mỗi khi về tôi rất ngại gặp anh cảnh sát khu vực cứ hỏi chuyện mình. Mọi người không thể hình dung nổi là sống trong tâm trạng ấy khổ sở như thế nào đâu.

Gần 18 năm cống hiến cho thể thao với biết bao huy chương cùng sự hy sinh công sức, thời gian, tiền bạc nhưng tôi chẳng được hưởng chế độ ưu đãi nào hết. Tôi ra khỏi thể thao với 2 bàn tay trắng chỉ vì bi kịch anh mang tên em mà tôi cũng chỉ là một nạn nhân. Tuy nhiên, giờ đây, mọi chuyện đã ở phía sau, và như mọi người thấy, tôi đã đứng dậy chính ở môn điền kinh, để làm chủ được cuộc đời, tương lai của mình”.

Nguyễn Văn Phương